Quá nhiều rào cản
Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Dương Hoa Xô - nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM - cho biết, TPHCM là một trong những tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước xây dựng được khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), trung tâm công nghệ sinh học (TTCNSH) và có chương trình phát triển NNCNC bài bản, đồng bộ, cho ra nhiều chế phẩm sinh học mang tính ứng dụng cao, các giống hoa, rau, dưa mới với chất lượng và năng suất cao, phát triển các giống gia súc (bò, heo) cùng hàng loạt quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật của quốc gia.
|
Khách tham quan Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM - Ảnh: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM |
Nhờ những thành quả đó, TPHCM đã trở thành nơi chuyển giao công nghệ cho các tỉnh trong khu vực để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại TPHCM lại chưa thực sự tương xứng với thực lực đang có. Theo PGS-TS Dương Hoa Xô, TPHCM có chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng chủ yếu chỉ có Khu NNCNC và TTCNSH cùng một số đơn vị khác thuộc ngành nông nghiệp như trung tâm giống cây trồng - vật nuôi - thủy sản, trung tâm khuyến nông tham gia. Các đơn vị nghiên cứu thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu đóng tại TPHCM tham gia có phần hạn chế.
TTCNSH là một đơn vị đầu tàu trong chương trình phát triển NNCNC của TPHCM nhưng theo TS Hà Thị Loan - Phó giám đốc trung tâm - hiện các sản phẩm cây trồng được thương mại hóa của trung tâm chưa nhiều và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cũng không đáng kể, là do hầu hết các nghiên cứu đi sâu vào lý thuyết mà chưa bám sát thực tế, chưa có sự gắn kết giữa nhà nghiên cứu với các đơn vị sản xuất. Đặc biệt, trung tâm đang thiếu chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm trong lĩnh vực chọn, tạo giống cây trồng sử dụng công nghệ sinh học và sinh học phân tử.
“Nhân lực dành cho nghiên cứu trong chọn, tạo giống cây trồng hầu hết là cán bộ trẻ mới ra trường, chưa nắm bắt được nhu cầu cây giống trên thị trường nên chưa chủ động đề xuất hướng nghiên cứu mang tính đột phá. Đội ngũ này chủ yếu lai tạo giống theo phương pháp truyền thống” - TS Hà Thị Loan nhận định.
Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất khiến NNCNC khó thu hút đầu tư là vấn đề mặt bằng sản xuất. Quỹ đất nông nghiệp của TPHCM không còn nhiều, lại manh mún do tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Hiện lãnh đạo TPHCM đang có chủ trương chuyển năm huyện ngoại thành lên quận, khiến quỹ đất dành cho nông nghiệp sẽ càng ít hơn.
PGS-TS Dương Hoa Xô phân tích: “Xây dựng NNCNC cần rất nhiều vốn nhưng thời gian thu hồi vốn lâu. Các nhà đầu tư chưa yên tâm rót vốn vào vì không biết liệu các vùng đất dành cho lĩnh vực này có lâu dài và ổn định hay không. Chưa kể, giá đất ở ngoại thành đang tăng cao, đến mức các nhà đầu tư không chịu được”.
Ông Vũ Xuân Đặng - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết thêm, một số nhà đầu tư tìm được mặt bằng sản xuất nhưng lại “đụng đâu vướng đó”. Đất đai hiện nay chủ yếu do nông dân nắm giữ, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại không thuộc đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, chưa được thuê đất nông nghiệp trực tiếp của hộ dân. Doanh nghiệp (DN) nào muốn có vị trí đất ưng ý thì phải mua đất của nông dân, sau đó giao lại đất cho Nhà nước rồi Nhà nước cho thuê lại.
Vốn, chính sách cho NNCNC cũng là trở ngại lớn. Theo TS Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp, nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) - muốn làm NNCNC, nhất thiết phải đầu tư nhà lưới, nhà màng, nhà kho, nhà sơ chế, đóng gói. Nhưng theo quy định, muốn xây dựng các hạ tầng này, phải chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất khác; thủ tục xin chuyển đổi phải có ý kiến nhiều bộ, ngành.
Thủ tục phức tạp, chi phí đầu tư NNCNC rất lớn, nhưng các công trình này lại không được tính vào giá trị tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Một héc-ta đất làm NNCNC cần đầu tư 4-5 tỷ đồng nhưng khi thế chấp, chỉ được định giá theo giá đất nông nghiệp (vài trăm triệu đồng/ha) khiến các nhà đầu tư không thể vay thêm vốn để phát triển.
“Mặc dù TPHCM đã có những chính sách hỗ trợ vốn vay khá hiệu quả nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư của nông dân và DN. Các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chung chung, chưa có cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án khiến ngân hàng thiếu căn cứ để cho vay” - TS Phong nói.
Đó là chưa kể, thủ tục xin phép nhập khẩu nguyên vật liệu, đăng ký kinh doanh giống cây trồng mới mất 901 ngày, chi phí đăng ký giống mới cao, tình trạng vi phạm bản quyền về cây giống còn phổ biến, chất lượng logistics tại TPHCM kém hiệu quả, khó tìm được đầu ra cho nông sản giá trị cao… khiến các nhà đầu tư nản lòng.
Năm 2020, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của cả nước chỉ chiếm gần 0,96% tổng vốn đăng ký FDI (năm 2015 là 1,5%). Tỷ lệ thấp này phản ánh sức hút kém của lĩnh vực nông nghiệp trên phạm vi cả nước, trong đó có TPHCM.
Cần quy hoạch rõ ràng cho nông nghiệp công nghệ cao
Để tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất cho NNCNC, theo TS Nguyễn Anh Phong, cần làm rõ quy hoạch đất đai. Khu vực nào dành riêng cho nông nghiệp thì đừng để mập mờ đan xen giữa đất nông nghiệp và công nghiệp. Nên đẩy mạnh tiến độ xây dựng thêm các khu NNCNC với những chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc chi nhánh TPHCM của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho hay, có thực trạng chung của các địa phương là, hễ có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất thì giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất nhanh, còn với dự án nông nghiệp lại rất chậm.
Mới đây, TPHCM cũng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dịch vụ. “Để có quỹ đất lớn cho nông nghiệp, chỉ Nhà nước mới làm được. Nên chăng, có thể thí điểm cho nhà đầu tư liên kết với nông dân, hợp tác xã thuê đất ngắn hạn trong 3-5 năm hoặc góp vốn bằng ruộng đất để hình thành các cánh đồng mẫu lớn, ít manh mún hơn” - ông Nguyễn Hữu Nam đề xuất.
Theo PGS-TS Dương Hoa Xô, để thu hút đầu tư vào NNCNC, cần phải nhanh chóng hoàn thiện đầu tư các khu NNCNC do DN chủ trì; sớm thay đổi quy định để các tài sản như nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu được công nhận là tài sản đảm bảo vay vốn; thành lập các cơ quan xác nhận tiêu chí dự án để làm căn cứ xác định cho vay; ban hành những chính sách ưu đãi đặc biệt, rõ ràng cho nhà đầu tư vào lĩnh vực này; có riêng quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận về sản phẩm công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng thị trường cho sản phẩm. Chỉ khi có các quy định nhãn mác rõ ràng về sản phẩm NNCNC, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thì DN mới mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.
Hiện nay, chất lượng lao động các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN áp dụng công nghệ cao. Nhiều nhà đầu tư NNCNC Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, đang gặp khó khăn về nhân lực. “Nước ta là nước nông nghiệp nhưng số trường đào tạo lĩnh vực này đếm trên đầu ngón tay, cũng không có chính sách khuyến khích đào tạo. Cần khẩn cấp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ. DN nào tự tổ chức đào tạo nhân lực thì Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí, ngay cả nông dân làm NNCNC cũng phải được đào tạo” - PGS-TS Dương Hoa Xô đề xuất.
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, hiện UBND TPHCM đã ban hành hướng dẫn thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.
Ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM đang triển khai bốn dự án để thu hút đầu tư gồm: đầu tư xây dựng khu NNCNC (23,3ha) ngành thủy sản tại H.Cần Giờ; mở rộng khu NNCNC tại xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi; xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại H.Bình Chánh; mở rộng khu NNCNC (200ha) tại xã Phạm Văn Cội, H.Củ Chi.
TPHCM đang có 35 DN tham gia các chương trình ươm tạo tại Khu NNCNC TPHCM; diện tích trồng các loại rau ăn lá, ăn quả ứng dụng công nghệ cao là 435,8ha, tăng 0,9% so với năm 2019. Các DN cũng đang nuôi 52.764 con heo, 1.569 con bò sữa, 277.697 con gia cầm, 73,83ha tôm ứng dụng công nghệ cao.
|
Thanh Hoa
* Kỳ tới: Doanh nghiệp Việt vẫn “đứng bên lề” ngành công nghiệp hỗ trợ