Bài 5: Gánh hát Thủ Đô và dấu ấn bầu Ba Bản

10/12/2018 - 11:51

PNO - Thủ Đô 'chuyên trị' những tuồng đề tài dã sử, tuồng có nội dung từ các điển tích của thế giới. bầu Ba Bản được đánh giá là người rất thức thời và nhạy bén khi mời soạn giả Thiếu Linh về đoàn

100 năm cải lương -  Ký ức một thuở vàng son

100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã trải qua những thăng trầm - từng bước lên ngôi cao vinh quang, đánh bại cuộc xâm lấn của điện ảnh từ Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ; từng chịu cảnh eo sèo. Đứng ở cột mốc 100 năm, nhìn lại, có những tên gọi mà khi nhắc đến là như đi vào khu vườn ký ức với nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn.

Bài 1: Rạp Hưng Đạo: đại bản doanh của Thanh Minh - Thanh Nga

Bài 2: Olympic quanh năm sáng đèn

Bài 3: Rạp Nguyễn Văn Hảo - những dấu son trong ký ức người Sài Gòn

Bài 4: Rạp Quốc Thanh của Dạ Lý Hương

“Thập niên 1960, nói đến tuồng tích hay, đào kép giỏi không ai qua được Thanh Minh - Thanh Nga và Dạ Lý Hương. Đi coi hát, muốn thấy máy bay, xe tăng, bắn súng thì có đoàn Hoa Sen. Nhưng sân khấu, y trang lộng lẫy thì phải nói tới Thủ Đô của ông bầu Ba Bản” - NSƯT Nam Hùng  khẳng định.

Bai 5: Ganh hat Thu Do va dau an bau Ba Ban
NSND Út Trà Ôn - một trong những “thỏi nam châm” của đoàn Thủ Đô

NSƯT Thanh Điền kể, thời mới chập chững theo nghề hát, ông cũng chen chân trước cửa rạp Cây Gõ, mê mẩn nhìn đào kép của gánh Thủ Đô: “Ai cũng ăn bận rất đẹp. Mấy anh kép chánh còn xách samsonite. Trước khi các nghệ sĩ bước xuống xe, có dàn vũ công toàn những thiếu nữ đẹp múa chào đón. Suốt tuần lễ đoàn Thủ Đô hát ở Cây Gõ, khán giả đi coi hát như đi hội”.

Một trong những điểm khác biệt của bầu Ba Bản lúc đó là cách quảng cáo. Gánh hát chưa khai trương, tuồng Tiếng trống sang canh của soạn giả Thu An còn đang trên sàn tập, bầu Ba Bản đã cho quảng cáo rầm rộ. Hỏi các nghệ sĩ thời ấy về nội dung tuồng Tiếng trống sang canh, không mấy ai còn nhớ, nhưng tấm pa-nô quảng cáo tuồng treo dọc mặt tiền rạp hát Thanh Bình thì nhiều nghệ sĩ vẫn nhớ như in.

Pa-nô vẽ một cảnh trong tuồng, chiều ngang gần hết rạp Thanh Bình (khoảng 16m) đặt trên lầu 1, thả dài khoảng 3 - 4m xuống mặt tiền. Hai bên hông rạp là hai trái bóng bay cỡ lớn, kéo theo hai tấm băng-rôn ghi tên tuồng và hình chân dung các nghệ sĩ. Mỗi tấm băng-rôn bề ngang chừng 3m, chiều cao hơn 10m, bay lơ lửng trên không trung. Buổi tối, pa-nô, băng-rôn được rọi đèn sáng trưng.

“Thời đó ai đi qua rạp Thanh Bình cũng phải dừng lại, ngước cổ ngó pa-nô, băng-rôn của đoàn Thủ Đô. Đứng cách nhà hát vài trăm mét cũng thấy bảng quảng cáo và tên tuồng hát mới lơ lửng theo hai trái bóng bay. Thậm chí, có nghệ sĩ quả quyết là đứng ở góc bệnh viện Từ Dũ cũng nhìn thấy hai trái bóng bay và một phần của tấm băng-rôn trên không trung” - NSƯT Nam Hùng bồi hồi nhớ lại.

Bai 5: Ganh hat Thu Do va dau an bau Ba Ban
"Người khổng lồ" Nguyễn Văn Dữ và bé Thanh Hoàng (Bo Bo Hoàng)

Ra đời sau những đoàn hát đã định hình tên tuổi như Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung… bầu Ba Bản chọn cách đầu tư tối đa cho phần trang trí sân khấu và phục trang. Ngay lúc khai trương, soạn giả Thiếu Linh - một trong những soạn giả thường trực của gánh Thủ Đô - được bầu Ba Bản giao luôn trọng trách là họa sĩ chính để phác thảo mẫu và cùng họa sĩ Nguyễn Quyền, Hoàng Lang thực hiện tấm pa-nô treo trước rạp Thanh Bình.

Thủ Đô "chuyên trị" những tuồng đề tài dã sử, tuồng có nội dung từ các điển tích của thế giới. bầu Ba Bản được đánh giá là người rất thức thời và nhạy bén khi mời soạn giả Thiếu Linh về đoàn.

Là người rất kỹ tính, soạn giả Thiếu Linh đã đến thư viện nghiên cứu y phục của các dân tộc qua từng thời kỳ, để khi vẽ mẫu y trang cho các nhân vật trong tuồng hát, ông cách điệu dựa trên nguyên mẫu và chọn lọc màu sắc để trang phục phù hợp với nhân vật, sắc vóc nghệ sĩ và màu sắc cảnh trí, ánh đèn sân khấu… Nhờ vậy, có những tuồng hát chỉ mới mở màn, nghệ sĩ chưa xuất hiện mà khán giả đã thích mê, vỗ tay tán thưởng rần rần.

Một lý do khác khiến Thủ Đô thành công ngay xuất hát khai trương là sự hợp lực của nhiều tên tuổi thời bấy giờ. Từng là chủ hãng đĩa Hoành Sơn - nơi sản xuất đĩa cổ nhạc lớn nhất Sài Gòn - Chợ Lớn thập niên 1950, bầu Ba Bản quen nhiều danh ca, nghệ sĩ nổi tiếng. Do vậy, khi lập đoàn Thủ Đô, bầu Ba Bản có được đội ngũ đào kép khá mạnh: Út Trà Ôn, Thanh Hải, Hoàng Giang, Ba Vân, Năm Hùng, hề Bảy Xê, Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa…

Không chỉ có đào kép nổi tiếng, đoàn Thủ Đô còn có một anh kép rất đặc biệt - Nguyễn Văn Dữ - hay được gọi là Người khổng lồ, vì anh rất to cao. “Mỗi khi đoàn hát vô rạp, Người khổng lồ lại cõng bé Thanh Hoàng (sau đổi nghệ danh thành Bo Bo Hoàng), khi đó chừng 11-12 tuổi, trên vai. Thấy Người khổng lồ và Thanh Hoàng là khán giả vỗ tay rần rần.

Bai 5: Ganh hat Thu Do va dau an bau Ba Ban
NSƯT Ngọc Hương thời trẻ

Có người còn tò mò, muốn tới chạm thử vô người anh coi ảnh có phải là… người thiệt hay không” - NSƯT Thanh Điền hào hứng khi nhắc về anh kép có một không hai của sân khấu cải lương và cách quảng bá đơn giản nhưng hiệu quả của bầu Ba Bản.

Thủ Đô cũng chính là bệ phóng đầu tiên của kép chính Thanh Hải. Phát hiện tố chất nghệ sĩ ở anh công nhân đồn điền cao su, bầu Ba Bản nhận anh về Thủ Đô học việc và nhắc tuồng. Khi nghệ sĩ Út Trà Ôn rời Thủ Đô lập gánh hát riêng, nghệ sĩ Thanh Hải lập tức được đưa lên thay thế. Đây là quyết định táo bạo mà có lẽ không nhiều bầu gánh dám làm.

Nhưng bầu Ba Bản đã tìm cách đưa giọng ca kép Thanh Hải giới thiệu trên đài phát thanh. Quả thật, Thủ Đô dù không còn Út Trà Ôn, khán giả vẫn đông. Họ đến vì muốn biết mặt anh kép mới thế chỗ Út Trà Ôn và cũng muốn so sánh tài ca diễn giữa kép Út Trà Ôn và kép Thanh Hải.

Những sáng tạo mới của đoàn Thủ Đô về trang trí, y trang và phương cách tiếp cận khán giả nhanh chóng đưa Thủ Đô vào nhóm các đoàn hát “top” của Sài Gòn đầu thập niên 1960. Tiếc rằng, Thủ Đô chỉ tồn tại chừng 3-4 năm và suy yếu khi soạn giả Thu An cùng cô đào chánh Ngọc Hương rời đoàn. Đào chánh đi, kéo theo anh kép chánh Thanh Hải cũng phải đi.

Soạn giả Thu An lập gánh Hương Mùa Thu, một loạt nghệ sĩ bỏ Thủ Đô để gia nhập Hương Mùa Thu. Soạn giả Thiếu Linh “dời đô” sang Dạ Lý Hương của bầu Xuân. Thủ Đô “thay máu” bằng các nghệ sĩ: Dũng Thanh Lâm, Mỹ Uyên Chi, Hoài Trúc Phương, Hoàng Liêm, Tô Kiều Lan, Diệu Huê… sau đó sang biển hiệu cho nghệ sĩ Tấn Tài. Thủ Đô trở thành Thủ Đô - Tấn Tài hay còn gọi là Tân Thủ Đô.

Chỉ tồn tại thời gian ngắn, nhưng Thủ Đô và bầu Ba Bản đã để lại những dấu ấn đặc biệt, mang đến luồng sinh khí mới cho cải lương lúc bấy giờ. Buộc các đoàn hát chú ý, đầu tư nhiều hơn cho y trang, cảnh trí để cải lương thêm phần hấp dẫn, sang trọng. Cách quảng bá bảng hiệu, tuồng tích của bầu Ba Bản cũng được nhiều đoàn hát học theo để hút khán giả đến rạp. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI