“Mỗi sáng trước khi em đến trường, mẹ buộc em cởi áo ngoài để kiểm tra xem em có đang quấn băng gạc bó ngực như bà yêu cầu không” - một bé gái 14 tuổi người Cameroon kể với nhiếp ảnh gia người Pháp Gildas Paré. “Đã 2 năm sau khi mẹ bắt em ủi ngực nhưng bà vẫn kiểm tra cơ thể em mỗi ngày. Em tủi thân lắm. Em ước gì mẹ đừng làm thế nữa”.
Đứa trẻ được phỏng vấn xuất hiện trong loạt ảnh rúng động do Paré dày công thực hiện thời gian gần đây. Dự án mang tên Plastic Surgery Dream - phác họa chân dung những nạn nhân của tục ủi ngực đến nay vẫn phổ biến ở hàng loạt quốc gia châu Phi. Qua mỗi tác phẩm, Paré hy vọng công chúng quốc tế sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về một hủ tục ẩn chứa đầy hệ quả đau xót.
Khi yêu thương lệch lạc hủy hoại trẻ thơ
Một hòn đá cuội lớn, chổi hay chày kim loại đã hơ qua lửa nóng, ấn trực tiếp lên nhũ hoa kết hợp với băng gạc hoặc dây nịt bó chặt phần ngực, được cho rằng có thể ngăn vòng một của bé gái tiếp tục phát triển. Không chỉ tàn ác, phi khoa học, hành vi làm phẳng ngực bằng dụng cụ thô sơ luôn tiềm ẩn ảnh hưởng nguy hại khó lường lên sức khỏe về lâu dài. Thế nhưng bên trong một số cộng đồng dân cư thuộc các quốc gia như Cameroon, Kenya, Nigeria, Zimbabwe, ủi ngực đang tiếp tục được thực hiện bởi các bậc cha mẹ, thầy thuốc, thậm chí cả nhân viên hộ sinh.
|
Chuyên gia y tế cảnh báo ủi ngực không chỉ làm biến dạng vòng một mà còn có thể dẫn đến tình trạng u nang, nhiễm trùng nghiêm trọng khiến phụ nữ không thể cho con bú - Ảnh: ALAMY |
Ngay tại Lagos, thành phố hiện đại, sầm uất bậc nhất Nigeria, hủ tục ủi ngực vẫn hiện hữu.
Cuối năm 2021, cảnh sát bang Lagos bắt giữ một người đàn ông vì tội danh bạo hành con gái ruột. Người này dùng đá nóng ủi phẳng ngực đứa trẻ. Phần ngực trái của nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng đến mức phải cắt bỏ hoàn toàn. Người đàn ông khai nhận chỉ “làm theo lời vợ xúi giục” khi họ nhận ra “ngực con gái nảy nở khá nhanh”. Không có khái niệm về hiện tượng dậy thì sớm hay bất kỳ kiến thức y khoa nào, vợ chồng họ cho biết mình làm vậy đơn thuần vì “muốn bảo vệ con khỏi những người đàn ông xung quanh”, tránh cho đứa trẻ bị cưỡng bức.
Nữ giáo sư Bradley, người đã nghiên cứu các hủ tục độc hại suốt 15 năm qua, nhấn mạnh: “Một số cha mẹ tin rằng ủi phẳng ngực giúp con họ thoát khỏi nguy cơ bị làm nhục, cưỡng ép hôn nhân hay để đứa trẻ được đến trường lâu hơn. “Uốn nắn” cơ thể trẻ em một cách vô nhân đạo đương nhiên không phải câu trả lời. Nhưng giữa một môi trường sống phức tạp, một số gia đình chọn thực hành hủ tục này vì họ không thể nghĩ ra biện pháp nào khác để bảo vệ con cái”.
Janet - một phụ nữ Nigeria - quyết định ủi phẳng ngực cho con gái riêng vừa tròn 10 tuổi khi nhận ra người chồng sau của cô lén lút nhìn đứa trẻ bằng ánh mắt bất lương. “Mẹ tôi khuyên nên ủi ngực để đảm bảo an toàn cho con bé” - Janet cho biết.
Tuy nhiên, khác với người cha tàn nhẫn trong vụ án ở Lagos, cô kịp dừng lại trước khi quá muộn. “Tiếng khóc thảm thiết của con bé khi vùng ngực trần chạm phải hòn đá nóng khiến tôi như bừng tỉnh. Tôi vô cùng ray rứt. Đến nay, tôi vẫn chưa thể tha thứ cho bản thân” - Janet nói.
Tổn thương không thể bù đắp
Đáng tiếc, không phải bậc phụ huynh nào cũng sẵn lòng đứng về phía con cái trong tình huống này. Một nạn nhân từng bị ủi ngực không khỏi run sợ mỗi lần hồi tưởng về trải nghiệm xảy ra nhiều năm trước. “Mẹ và dì tôi dùng đá nóng đấm vào ngực tôi mỗi ngày, bất kể tôi van xin họ thế nào đi nữa. Tôi từng thử bỏ học, thậm chí trốn chạy khỏi nhà. Đến giờ thỉnh thoảng nhớ tới cảm giác đau đớn tột cùng đó, tim tôi luôn đập nhanh”.
|
Không có bằng chứng khoa học cho thấy hành vi ủi ngực có thể làm chậm quá trình phát triển của bầu ngực - Ảnh: THE GUARDIAN |
“Dẫu biết vì sao bà ấy làm thế, tôi từng có lúc ghét mẹ mình. Cơ thể tôi bị tổn thương một thời gian dài. Bầu ngực tôi trở nên biến dạng và yếu hơn. Tôi từng tự hỏi mẹ làm điều này có phải vì bà không thích tôi” - một nạn nhân khác, nay 32 tuổi, trải lòng.
Tục ủi ngực đang dần xâm nhập vào cả những quốc gia phát triển vượt trội. Ở vương quốc Anh, một phụ nữ trung niên từng khiến lực lượng cảnh sát lẫn nhân viên xã hội bàng hoàng trước hành vi nhẫn tâm thực hiện với chính con ruột. Maureen* (tên giả) cưỡng ép con gái bấy giờ mới 8 tuổi ủi ngực. Người phụ nữ này dùng đá nóng áp trực tiếp lên ngực trần của đứa trẻ, để lại vết phỏng lớn trên cơ thể nạn nhân.
Sự việc, xảy ra 4 năm trước ở một thành phố miền bắc nước Anh được ghi nhận như trường hợp thực hành hủ tục có mức độ nghiêm trọng hiếm thấy. Vụ án cũng chính thức dấy lên hồi chuông cảnh báo về tục ủi ngực - một mối ẩn họa trong cộng đồng người nhập cư gốc Phi tại các quốc gia châu Âu.
Khi bị bắt giữ, Maureen trả lời cảnh sát: “Đây là truyền thống của chúng tôi”. Đến từ Cameroon, người phụ nữ từng bị ủi ngực bởi mẹ ruột khi còn ở tuổi thiếu niên cho biết mình làm vậy nhằm bảo vệ con gái vốn có dấu hiệu dậy thì sớm. “Khu vực chúng tôi sống không an toàn. Một số kẻ xấu nhởn nhơ ngoài đường phố có thể làm hại con bé bất kỳ lúc nào. Nếu không làm thế, chúng tôi sẽ gặp phải cơn ác mộng kinh khủng hơn”.
Để ngăn nỗi đau tiếp diễn
Maureen, Janet cũng như nhiều bậc cha mẹ gốc Phi chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng truyền thống bảo thủ khó lòng nhìn thấy biện pháp phù hợp hơn để bảo vệ con cái. Thế nhưng, kể cả xuất phát từ mong muốn chính đáng, không ai đủ khả năng lường trước vô vàn nguy hại ẩn đằng sau hành vi ủi ngực tàn bạo.
|
Trên toàn châu Phi, ước tính đã có 3,8 triệu trẻ em gái trở thành nạn nhân của hủ tục ủi ngực - Ảnh: FLICKR |
Cathy Aba Fouda - người gốc Cameroon di cư sang Anh - đặc biệt lo ngại trước khả năng hủ tục này đang tiếp diễn một cách mất kiểm soát tại nước ngoài. Cũng từng là người bị hại, cô nói: “Cộng đồng người di cư chúng tôi từng chứng kiến một nạn nhân của tục ủi ngực, qua đời vì ung thư vú khi mới 24 tuổi. Thế giới rất cần những nghiên cứu chuyên sâu về hậu quả tàn phá sức khỏe của việc ủi ngực”.
Tương tự rất nhiều phụ nữ cùng cảnh ngộ, không những chịu giày vò thể xác, Fouda phải chống chọi chứng ám ảnh tinh thần kéo dài nhiều năm sau đó do bầu ngực bị tổn thương trầm trọng. “Thời điểm tôi vừa sinh con đầu lòng, tất cả đau đớn khổ sở kia như ùa về lần nữa. Ôm con trong lòng, tay bé chỉ vô tình chạm nhẹ vào ngực tôi nhưng khiến tôi cảm thấy đau nhói” - cô tâm sự.
Karyne Tazi - Giám đốc điều hành một trung tâm bảo trợ phụ nữ tại Wolverhampton (Anh) - đang ra sức kêu gọi những người trong cuộc mạnh dạn kể lại nỗi đau quá khứ. Theo Tazi, đây là cách thiết thực để nâng cao nhận thức - giáo dục cộng đồng bài trừ hành vi mê tín phi nhân đạo. Bà nhấn mạnh: “Tổ chức xã hội, tổ chức y khoa nên khuyến khích mọi người thảo luận nhiều hơn về các hủ tục độc hại với phụ nữ. Khi lôi chúng ra ánh sáng, chúng ta mới có thể tìm thấy giải pháp đúng nghĩa để ngăn nỗi đau tiếp diễn”.
Như Ý