Từ ngàn xưa, người Việt đã biết đến xiếc. Lĩnh Nam chích quái nói đến trò xiếc leo dây từ thời Lý - Trần. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật xiếc Việt Nam cũng đã thay đổi nhiều. Người bắt nhịp được nghệ thuật hiện đại là tài nhân lỗi lạc Tạ Duy Hiển, sinh ngày 10/10/1889 tại phố Cầu Đất (Hà Nội). Dường như ông có mặt trên đời là để làm xiếc và sống vì xiếc.
Đầu thế kỷ XX, ở vỉa hè Hà Nội đã xuất hiện gánh xiếc tạp kỹ của ông Hai Tây với những trò hấp dẫn mà độc đáo nhất là tiết mục đóng hai cây đinh dài hơn 10cm vào... hai lỗ mũi. Ở Nam kỳ, đầu năm 1922, ông André Thận đã có sáng kiến đưa xiếc lên sân khấu cải lương, rất được công chúng hoan nghênh.
Quan sát những tiết mục đặc sắc này, ông Tạ Duy Hiển đều ghi chép lại. Khi có dịp tiếp cận với một số nghệ sĩ xiếc người nước ngoài, ông khéo léo dò hỏi về động tác biểu diễn, cách luyện tập, bí quyết an toàn…
Rồi trong một chuyến đi chữa răng cho ông Hà Văn Mâu - thân phụ Hà Văn Lâu - ở Cao Bằng, ông Hiển thổ lộ nguyện vọng đeo đuổi nghề xiếc. Khi hai người bịn rịn chia tay, ông Mâu đã hào phóng tặng cho ông Hiển một con ngựa loang lổ nhiều màu rất đẹp. Ông Hiển đặt tên con ngựa là Tí Ti - con thú đầu tiên tham gia vào nghệ thuật xiếc hiện đại của Việt Nam.
Sau chuyến đi chữa răng cho ông Mâu, Tạ Duy Hiển lập đoàn Xiếc Việt Nam, thường gọi là đoàn “Xiếc Tạ Duy Hiển”.
Ông Hiển về Hà Đông động viên người thân, người làng tham gia đoàn xiếc. Trong số họ, có hai phụ nữ mạnh dạn theo nghề là cô Mầu và cô Nghiêm. Về sau, cô Mầu bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn tập luyện. Cô Nghiêm khá hơn, tập được tiết mục phi ngựa, ngồi đánh đàn khi ngựa đang phóng như bay... Sau một thời gian bền bỉ luyện tập, Tạ Duy Hiển quyết định đưa đoàn xiếc Việt Nam ra mắt khán giả.
Sự kiện quan trọng này diễn ra tối 5/12/1922 tại khu chợ Hàng Da (Hà Nội). Đêm đó, khán giả đã tận mắt xem các trò xiếc do người Việt biểu diễn như: nhào lộn, đi thăng bằng trên dây, uốn tròn trên thang… Nhưng ấn tượng nhất là những trò ngộ nghĩnh, mới lạ như gấu chơi bập bênh, lăn quả cầu, đi xe đạp, gọi loa hoặc khỉ xay thóc, giã gạo, leo dây… Khán giả vỗ tay tưởng chừng vỡ rạp.
Dù thành công, Tạ Duy Hiển vẫn luôn tìm cách nâng cao các tiết mục và bổ sung thêm thú để huấn luyện diễn xiếc. Cuối năm 1922, gánh xiếc Harmston’s của Anh sang Việt Nam và phạm sai lầm cực lớn khi miệt thị người Việt Nam qua một tiết mục diễn nhạt nhẽo: trên sân khấu có một chiếc ghế trơ trọi, hai anh hề bước ra, anh A nhanh chân chiếm chiếc ghế. Anh B muốn lấy lại ghế, bèn nói nhiều thứ tiếng, nhưng anh A vẫn không hiểu. Cuối cùng, anh B dùng tiếng Việt thì anh A mới hiểu, nhưng lập tức bị anh B vít cổ, đá lộn nhào.
Tiết mục này khiến công chúng bất bình, đồng loạt lên án, tẩy chay, nên gánh xiếc Harmston’s lỗ nặng. Trong một phút tuyệt vọng, Harmston’s dùng súng lục tự tử. Tài sản của đoàn xiếc được đem bán đấu giá, ông Hiển mua toàn bộ các con thú biết diễn xiếc và đoàn xiếc Tạ Duy Hiển trở thành đoàn có quy mô lớn nhất thời bấy giờ.
Chính lúc này, đoàn xiếc Tạ Duy Hiển bắt đầu bị cạnh tranh dữ dội. Khi ông Hiển mới bắt tay vào luyện tập, ông chủ Khánh Vân của một xưởng dệt thủ công đã thuê đất của ông để mở xưởng. Ông Vân đã quan sát và mày mò tập theo, rồi xin vào đoàn đóng vai hề, nhằm học lóm kinh nghiệm để sau này lập đoàn xiếc riêng.
Ông ta ngấm ngầm vận động các diễn viên đi theo mình và tung cả chiêu yêu thương với cô Nghiêm - “át chủ bài” của đoàn xiếc Tạ Duy Hiển - người duy nhất thực hiện được tiết mục vừa phi ngựa vừa gảy đàn.
Mãi đến khi hai người tổ chức đám cưới vào năm 1926, rồi lập đoàn xiếc Đại Nam, ông Hiển mới ngớ người. Không nao núng, ông Hiển quyết cạnh tranh bằng cách dạy bà Hồng - vợ ông - gấp rút tập tiết mục của cô Nghiêm.
Tạ Duy Hiển không xem biểu diễn là phương tiện kiếm ăn. Ý muốn của ông là khiến người nước ngoài phải khâm phục xiếc Việt Nam. Hễ có bao nhiêu tiền là ông lại mua thêm thú mới và luyện tập chúng. Đoàn xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển lưu diễn ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, sang cả Phnôm Pênh (Campuchia) và qua tận Viêng Chăn (Lào)…
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngày 16/1/1956, Bộ Văn hóa ra quyết định thành lập đội Xiếc Trung ương thuộc Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Nghe lời kêu gọi của Nhà nước, ông Tạ Duy Hiển sáp nhập toàn bộ đoàn xiếc của mình vào đội Xiếc Trung ương, trở thành Đoàn xiếc Thống Nhất, do ông làm trưởng đoàn.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ngày 31/10/1959, chương trình xiếc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt khán giả Hà Nội. Tạ Duy Hiển xuất hiện giữa tiếng vỗ tay vang dội của khán giả với ba tiết mục diễn với thú dữ.
Đang hăng say công tác thì ngày 3/10/1967, Tạ Duy Hiển đột ngột qua đời, thọ 78 xuân. Được tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư chia buồn cùng gia đình: “Được biết cụ Tạ Duy Hiển vừa qua đời. Bác rất thương tiếc. Bác thân ái gửi lời chia buồn đến gia quyến cụ Tạ và Đoàn xiếc nhân dân Trung ương”. Thiết nghĩ, đây cũng là tấm lòng của người đương thời và hậu thế dành cho nghệ sĩ xiếc Tạ Duy Hiển.
Lê Minh Quốc
Bài 5: Chuyện về Trường Mỹ thuật Đông Dương