Giảm áp lực học hành, cần hành động ngay

Bài 4: Sức khỏe tinh thần của học sinh bị ảnh hưởng xấu

13/05/2024 - 06:35

PNO - Theo nhiều chuyên gia tâm lý, áp lực học tập của học sinh ngày càng gia tăng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của các em.

Tỉ lệ lo âu ngày càng cao

Đầu tháng 4/2022, dư luận xã hội chấn động trước việc 1 nam sinh lớp Mười một trường chuyên ở Hà Nội nhảy xuống từ tầng 28 của căn hộ và tử vong. Clip được camera ghi lại cho thấy, lúc 3g30 sáng, nam sinh ngồi ở bàn học và có cha thức cùng. Trong phút chốc, em đứng dậy đi ra ban công rồi nhảy xuống… “Con rất xin lỗi vì hành vi bồng bột của con sẽ và đã làm. Thực sự thì cuộc sống cũng quá mệt mỏi rồi…” là một trong những dòng chữ cuối cùng của em. Theo đại diện nhà trường, lớp của nam sinh này có gần 100% là học sinh giỏi.

Giữa tháng 4/2018, 1 nam sinh lớp Mười của một trường tư thục ở TPHCM đã nhảy từ lầu 4. Trước đó, giáo viên và bạn bè cố khuyên em đi xuống nhưng em không trả lời, chỉ cười rồi khóc, sau đó bất ngờ lao mình xuống sân trường. Trong thư tuyệt mệnh, nam sinh nói rằng mình chịu nhiều áp lực từ học tập, điểm số và việc gia đình muốn em được vào học lớp đứng đầu khối…

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM)  tham gia hoạt động tư vấn cùng chuyên gia tâm lý - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) tham gia hoạt động tư vấn cùng chuyên gia tâm lý - Ảnh: T.T.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp học sinh có dấu hiệu trầm cảm nhưng chưa được động viên, can thiệp kịp thời nên có hành động nông nổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy sức khỏe tinh thần của học sinh đang có vấn đề đáng lo ngại. Tác giả Nguyễn Công Khanh trong đề tài nghiên cứu “Tư vấn và trị liệu tâm lý cho trẻ em có rối nhiễu hành vi và khó khăn học đường” chỉ ra từ 17,5 - 19,2% trong tổng số 503 học sinh trường THCS tại Hà Nội có biểu hiện lo âu. Đề tài “Thực trạng khó khăn tâm lý của học sinh và nhu cầu sử dụng ứng dụng tư vấn tâm lý trong trường học” nghiên cứu 340 học sinh từ các trường THPT ở Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy có 45,2% học sinh bị lo âu.

Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Giang Thiên Vũ (Trường đại học Sư phạm TPHCM) đã thực hiện nghiên cứu trên 6.575 học sinh từ 12-16 tuổi tại TPHCM. Kết quả cho thấy, lo âu ở mức độ “nặng” và “rất nặng” chiếm tỉ lệ cao (21,13%) so với trầm cảm (10%) và stress (11,7%). Phát hiện này phù hợp với các kết quả đã được công bố cho biết áp lực bài vở, ôn tập, các kỳ thi, nội dung và phương pháp học tập là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến sức khỏe tinh thần của học sinh.

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ lý giải: “Những lo âu, bất an và căng thẳng đối với các nội dung, phương pháp, hình thức, môi trường và trải nghiệm học tập mới đã tác động tiêu cực đến tình trạng sức khỏe tinh thần của học sinh. Giáo viên chưa thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp có thể khiến học sinh bị choáng ngợp với bài tập về nhà, kéo theo một chu kỳ căng thẳng khi bài tập chồng chất mà không có thời gian và năng lượng để hoàn thành. Khi không thể tự xử lý tình trạng này, nhiều học sinh chọn cách tự làm hại bản thân bằng nhiều cách thức khác nhau”.

Cần hỗ trợ cả về tâm lý và học tập

Theo ông Lê Hồng Trung - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi, TPHCM) - chương trình mới không có nhiều áp lực cho học sinh. Áp lực là do tự học sinh, phụ huynh có nhiều mong muốn nhưng không biết định vị bản thân đang ở đâu. Hoặc do thầy cô đưa ra bài tập, bài kiểm tra chưa đúng theo quy chuẩn, tinh thần của Bộ GD-ĐT. Ông cho rằng: “Thầy cô dạy theo chuẩn, khối lượng kiến thức vừa phải, phù hợp thì học sinh không áp lực. Đồng thời có những hoạt động trải nghiệm vui chơi đúng liều lượng, đúng khoa học giáo dục để các em cân bằng và phát triển tốt về nhân cách”.

Đồng quan điểm, ông Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) - nhận định: chương trình học cần tăng về kỹ năng, để học sinh làm chủ được kiến thức qua các trải nghiệm, tránh đi sự hàn lâm và nặng nề về kiến thức. “Nhà trường thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy với các chuyên đề học tập liên tục thay đổi. Như môn sử thì cho các em tái hiện lại bài học thông qua việc sắm vai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để học về tình hình Biển Đông, trình bày như một sĩ quan quân đội đang ở Hoàng Sa, Trường Sa… Mặt khác, trường cũng mời chuyên gia tâm lý về để tâm sự, chia sẻ, động viên những học sinh cuối cấp có học lực chưa tốt. Thay vì so sánh, bắt các em phải thế này thế nọ thì động viên để các em tự cố gắng” - ông nói.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam - nhận định: chương trình giáo dục hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng con người chưa thay đổi kịp. Giáo dục của chúng ta vẫn đang chạy theo truyền dạy kiến thức, yêu cầu học sinh học quá nhiều, đòi hỏi bằng cấp nhiều hơn là kỹ năng sống. Không riêng học sinh mà chúng ta phải làm sao để mọi người phát triển bản thân, tự phát triển, tự ứng phó và thích nghi với nghịch cảnh. Bởi xã hội càng phát triển sẽ càng có những mâu thuẫn, xung đột, áp lực - đó là quy luật tất yếu.

Khả năng tự thích ứng, tự phát triển của mỗi người là rất quan trọng nhưng giáo dục chưa chú trọng, gia đình cũng chưa để ý đến vấn đề này. Ông cũng đề xuất tổ chức những lớp học để phụ huynh học kỹ năng làm cha mẹ, nuôi dạy con trong từng cấp học; có thể nắm được dấu hiệu tâm thần của con ngay từ cấp học mầm non.

Cung cấp các giải pháp làm giảm lo âu, căng thẳng

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ cho rằng, hiện tại, chưa thể vội kết luận rằng tình trạng áp lực học đường sẽ tăng lên hay giảm đi trong tương lai vì chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định. Thực trạng này còn liên quan đến bối cảnh đổi mới công tác giáo dục và chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện chương trình “Triển khai trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM”.

Thời điểm này, việc cung cấp các giải pháp làm giảm lo âu, căng thẳng, áp lực trong học tập và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực với việc học, hoặc phương pháp học tập phù hợp rất cần thiết. Như thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp từ góc độ tâm lý học đường ở trường THCS sẽ là một nguồn lực để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trước những “ngưỡng cửa lựa chọn” của cuộc đời. Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường, có cán bộ chuyên trách, đảm bảo uy tín và tin cậy.

“Cán bộ tư vấn tâm lý học đường cần có kinh nghiệm và chuyên ngành phù hợp. Phòng tư vấn tâm lý học đường cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình để hỗ trợ học sinh kịp thời, hiệu quả. Việc tư vấn cũng giúp cán bộ phòng thuận tiện hơn trong việc hỗ trợ công tác phòng ngừa, sàng lọc để nhận diện các vấn đề mà các em đang gặp phải, từ đó có hướng xử lý, can thiệp kịp thời” - ông nhấn mạnh.

Nhiều học sinh chưa được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn tâm lý

Cuối năm 2022, sau 3 năm nghiên cứu, Viện Xã hội học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã công bố kết quả điều tra quốc gia về sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam; năm 2023 tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, thu thập ý kiến của nhiều bên liên quan nhằm nâng cao chăm sóc sức khỏe vị thành niên. Theo đó, với nhóm trẻ từ 10-17 tuổi, vấn đề sức khỏe tâm thần đáng chú ý nhất là lo âu, kế đến là trầm cảm. Có khoảng 1,4% trẻ vị thành niên từng có ý định tự tử; 2,8% trẻ có vấn đề về tăng động/giảm chú ý trong 12 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do các em chịu nhiều áp lực học tập và sự quan tâm chưa đúng mức của cha mẹ. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến sự kiểm soát quá nghiêm ngặt của cha mẹ thay vì dạy con các kỹ năng để tránh rủi ro; khiến trẻ dễ rơi vào lo âu xã hội, trầm cảm, cảm giác bị cô lập, cô đơn, dẫn đến những khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân.

Cuối năm 2023, kết quả “Điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam - Những phát hiện chính” của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho thấy có đến 22% trẻ vị thành niên, thanh niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó số lượng trẻ mắc rối loạn lo âu cao nhất, chiếm tới 18,6%. Chỉ có trên 8% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn tâm lý; 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề cảm xúc, hành vi.

Kỳ cuối: Để giảm tải phải thay đổi cách dạy, cách thi

Trang Thư - Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc