Bài 4: Phượt thủ về đồng

11/09/2018 - 06:00

PNO - Võ Văn Tiếng, vốn là một phượt thủ và là “cha đẻ” của 50 héc-ta trồng lúa sạch ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), với thương hiệu gạo Tâm Việt, trao đổi về kinh nghiệm làm nông của mình.

Trong trà thất nhỏ, Võ Văn Tiếng (sinh năm 1991) ngồi bên cửa sổ nhìn ra con đường Điện Biên Phủ đông đúc, nói: “Hơn một năm nay, mình không muốn xuất hiện trên truyền thông nữa. Lăn lộn một thời gian rồi, chợt thấy khó có sự truyền đạt nào đủ thận trọng để chia sẻ câu chuyện này. Mà làm nông sản không hóa học, sai một chút cũng có thể gây hại cho người tiếp nhận mình”.

Bai 4: Phuot thu ve dong
Hành trình của một cử nhân ngành du lịch trở thành “vạn dặm” khi Tiếng bước chân vào làm nông sản sạch

Là “cha đẻ” của 50 héc-ta trồng lúa sạch ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), với thương hiệu gạo Tâm Việt - một trong những thương hiệu gạo sạch đầu tiên được sự tiếp nhận nồng nhiệt của thị trường, Võ Văn Tiếng, vốn là một phượt thủ, gần như đã trải qua toàn bộ những thăng trầm của nông nghiệp Việt trong giai đoạn “quay về với tự nhiên”. Chứng kiến, dấn thân, bươn mình khai phá từng đoạn đường nhỏ cho đến ngày nhìn thấy “quả ngọt” đầu tiên; tưởng chừng chàng trai ấy đã có đủ mọi câu chuyện để kể, đủ mọi kinh nghiệm để sớt chia. Nhưng dường như, càng đi sâu càng thấy cỏ cây và thiên nhiên là vô cùng. Cuộc trò chuyện “sẽ lên báo” của chúng tôi cũng thận trọng và thật thà từng chút một - như chính nhân vật đã trở nên thâm trầm đôi chút sau những năm tháng sôi nổi với ruộng vườn.

Phóng viên: Có ai từng nói cho Tiếng biết nông trại của bạn là mơ ước của rất nhiều người trẻ không?

Võ Văn Tiếng: (cười) Hình như ngày càng nhiều người có xu hướng trở về với ruộng vườn, thôn quê. Nhiều bạn bè của tôi cũng tranh thủ ngày nghỉ, xuống nông trại của tôi chơi. Nhiều bạn ao ước được sống giữa ruộng vườn trù phú, nhưng chắc không nhiều người muốn trải qua những ngày tháng làm nên nó. Tôi may mắn là đã có những trải nghiệm cho mình động lực vượt qua những ngày tháng đó. Bằng không, tôi cũng không dám chắc mình đi được đến hôm nay.

* Được biết, Tiếng bắt đầu trồng lúa sạch từ năm 2015 - khi ở Việt Nam hầu như chưa có mô hình nào tương tự, khái niệm nông sản sạch cũng còn rất xa lạ. Vậy sao bạn biết mô hình này mà… ước mơ?

- Chuyện này khá dài dòng và đó cũng chính là những trải nghiệm cho tôi động lực để vượt qua những khó khăn. Tôi học du lịch, “đi chơi” rất nhiều. Đi đến đâu, tôi cũng ở lại lâu để tìm hiểu về văn hóa, tập quán của người địa phương. Nhờ vậy, tôi mới thực sự hiểu vì sao Việt Nam được gọi là đất nước nông nghiệp. Dân ta làm nông khắp mọi miền và mỗi vùng lại có một tập quán khác nhau. Tìm hiểu về văn hóa Việt Nam qua từng địa phương cũng đồng thời với việc tìm hiểu văn hóa làm nông qua từng miền. Càng đi về phía Bắc, hoặc ngược lên phía Tây, lên những vùng núi cao, nghề nông Việt càng bộc lộ rõ những quán tính xa xưa của nó.

Tôi vốn là con nhà nông ở tỉnh Đồng Tháp, gia đình cũng có khá nhiều đất ruộng. Nhưng chính vì ở ngay vựa lúa lớn, nghề lúa đã phát triển đến mức… đánh mất bản sắc. Tinh thần thương mại, công nghiệp đã khiến cây lúa phải oằn mình gánh bao nhiêu hóa chất để giải quyết áp lực sản lượng. Đến khi về những vùng đất còn làm nông kiểu thô sơ, tôi như được “thức tỉnh”. Những hình ảnh rất quen và cũng rất lạ của những nông dân làm lúa theo phương pháp tự nhiên khiến tôi nhận ra vùng quê trù phú của mình đã đánh đổi bao nhiêu để làm ra hàng chục triệu tấn lúa mỗi năm. Môi trường bị phá hoại. Hóa chất mùa sau chồng lên mùa trước. Sản lượng xuất khẩu đáng kể mà hạt lúa đời đời không được đánh giá cao trên thị trường thế giới vì dư lượng hóa chất nó mang trong mình… 

* Những trăn trở này đã dần “phủ sóng” khắp những cộng đồng quan tâm đến nông nghiệp Việt. Nhưng thời điểm đó, hẳn nó lạc loài và mông lung lắm?

- Ý định làm gạo sạch của tôi hồi đó đúng là lạc loài, nhưng tôi lại thực hiện trên một sự đồng cảm sâu sắc khác. Hồi đó, xem người dân ở vùng núi cao làm lúa, tôi thấy thích vô cùng. Ví dụ ở Sapa, mỗi gia đình người Mông đều có một phần đồi do họ tự khai hoang, canh tác. Việc làm lúa hoàn toàn dựa vào quy luật tự nhiên. Họ bắt đầu bằng việc chọn một ngọn đồi thích hợp rồi đi tìm nguồn nước. Nguồn nước cách ruộng chừng 1,5km đổ lại là có thể sử dụng được. Sau khi khai hoang, làm đường dẫn nước, làm đất xong là có thể bắt tay trồng lúa. Tháng nào có nước thì làm lúa nương, hết nước thì trồng rau, làm rẫy.

Bai 4: Phuot thu ve dong
 

Đầu vụ, nông dân lên ruộng cấy lúa xong để đó rồi về xuôi, xuống phố làm việc khác. Tới khi lúa chín thì lại lên tuốt lúa, bỏ bồ. Nhà hết thóc thì lên thồ về. Trước mùa nước một tháng thì lên làm đất, bắt đầu vụ mới. Họ không dùng hóa chất để “cải tạo” thiên nhiên. Hạt lúa làm từ tự nhiên, ngon và lành đó đã thôi thúc tôi. Điều kiện lúc đó ở đồng bằng sông Cửu Long không thật phù hợp để làm lúa theo kiểu “trở về tự nhiên”. Người thân và xóm giềng đều không mấy ủng hộ việc tôi trồng lúa mà “không dùng thuốc trừ sâu”. Ý tưởng về Đồng Tháp làm lúa không dùng hóa chất của tôi khi đó khá là “điên” trong mắt mọi người. Nhưng, tôi có động lực lớn từ những nông dân đang miệt mài canh tác thuận tự nhiên để bắt đầu. Sức mạnh từ sự đồng cảm còn mạnh mẽ hơn sự lạc loài nhiều.

* Thế còn những thách thức khiến bạn muốn từ bỏ?

- Bây giờ nhiều người làm nông sản sạch, chắc xã hội cũng biết nhiều về những khó khăn của lĩnh vực này, nhưng vào năm 2015, trong không khí im ắng của những đơn vị/cá nhân nhỏ lẻ làm nông sản sạch, việc làm lúa sạch ít ai để ý lắm. Làm nông nghiệp sạch, không hóa chất giống như việc tạo tác trên một hệ sinh thái tự nhiên của ruộng vườn, làm sao để sinh vật mình muốn nuôi trồng phát triển tốt trong hệ sinh thái hằng hà những sinh vật khác. Điều này khiến việc trồng lúa trở nên cực kỳ khác biệt với việc trồng những nông sản khác, bởi ruộng lúa thì luôn rộng lớn.

Nếu việc phun thuốc trừ sâu là giải pháp nhanh gọn và hiệu quả đồng bộ trên mọi diện tích, thì việc trồng trọt không dùng hóa chất đòi hỏi tâm sức gấp nhiều lần. Ban đầu, với 2 héc-ta ruộng mượn được của cha để trồng lúa “không phun thuốc trừ sâu”, tôi phải… dọn nhà ra giữa ruộng, cất chòi ở. Ruộng của tôi thì nhỏ, bốn bề là 2.000 héc-ta ruộng lúa của bà con. Đêm về, một mình mình nằm giữa đồng trống, không điện, sóng 3G chập chờn với chiếc điện thoại thông minh loại… cùi nhất, chỉ nghe tiếng côn trùng, ếch nhái. Suốt một năm trời, hầu như chỉ có mình tôi - ban ngày làm mọi khâu của một vụ lúa, ban đêm thì quan sát, tìm hiểu tập tính của từng loài vật. Giai đoạn đó thực sự là thử thách với một người trẻ vốn “hay đi” như tôi.

Một năm đó hẳn đã dạy bạn nhiều điều để làm ông chủ của một nông trại lớn gấp hàng chục lần như hiện tại?

- Đến bây giờ, gần 4 năm rồi, tôi vẫn đang phải học. Nhưng tự nhiên là điều gì đó rất… tự nhiên. Khi từ bỏ mọi hóa chất, việc trồng trọt trên vùng đất đã thấm đẫm hóa chất giống như đi vào một khu rừng rậm, vừa đi vừa tìm đường và càng đi, ta sẽ thấy khu rừng như… rộng ra thêm. Thời gian gần đây, tôi cảm thấy việc chia sẻ kinh nghiệm làm nông sản thuần tự nhiên là một việc khá rủi ro. Chỉ cần một cách hiểu sai, một chút thiếu chính xác trong truyền đạt… đủ khiến một người nông dân ham học hỏi chuốc họa khi áp dụng. Tôi nghĩ, kinh nghiệm canh tác hay kiến thức về tự nhiên không phải là vấn đề với nông dân Việt. Điều họ cần được hỗ trợ chính là thị trường, là nguồn lực. Nếu sản lượng nông sản sạch tăng lên mà thói quen tiêu dùng của người Việt chưa thay đổi thì sự cào bằng về giá vẫn sẽ giết chết từng mảnh vườn “sạch”.

Bai 4: Phuot thu ve dong
 

* Từ 2 héc-ta ruộng ban đầu, đến nay, nông trại của Tiếng đã mở rộng đến 50 héc-ta, gạo thu hoạch không kịp bán. Nhưng, nhìn Tiếng vẫn giống một cậu bé con nhà nông nhiệt thành và mơ mộng. Dường như, thị trường không quá khốc liệt với Tiếng, khiến câu chuyện “ngược dòng” đến đoạn “hái quả” vẫn thấy tròn trịa.

- Từ ngày làm lúa sạch đến giờ, kể ra khó khăn nào rồi cũng thấy tôi trì chí vượt qua, nghe chừng… giống chuyện cổ tích quá (cười). Tôi may mắn có những người bạn tốt, những cộng sự ăn ý và giỏi giang. Nhưng con đường này vẫn còn dài lắm. Xác định là sản phẩm của mình có giá thành cao nên ngay từ vụ đầu, tôi đã bắt tay tạo dựng kênh phân phối. Chuyện “bán gạo” cũng trầy trật qua 3, 4 lần đổi cửa hàng và một thời gian dài tiếp thị với bè bạn, anh chị quen thân.

Nhưng giai đoạn đó đã giúp tôi nhận ra: nhu cầu về gạo sạch rất lớn, chỉ cần khiến khách hàng tin vào sản phẩm, mình sẽ có đầu ra. Đến vụ thứ 3, tôi bắt đầu thiếu gạo bán. Lúc này, khách hàng lại tạo động lực để tôi bươn chải, mở rộng diện tích.

* Là một người trẻ làm nông sản sạch trong gian đoạn nông nghiệp sạch bắt đầu “trở mình” ở Việt Nam, bạn có trải nghiệm gì với chính sách xã hội hay các nguồn vay vốn để chia sẻ cho những bạn trẻ mới vào nghề?

- Tôi không có kinh nghiệm trong chuyện này. Đến thời điểm này, tôi thực sự không muốn nghe hay tiếp nhận thông tin gì về chính sách hỗ trợ nông nghiệp nữa. Những bạn trẻ làm nông nghiệp quanh tôi cũng đều tự bươn chải, tự xoay xở từ vốn, kiến thức, cho đến quỹ đất chứ chưa nhận được một hỗ trợ nào. Tuy vậy, tôi cũng có vài trải nghiệm trong chuyện này.

Năm 2015, lúc tôi quyết định về Đồng Tháp làm lúa, có nghe nói về nghị định hỗ trợ vay tín chấp đối với những mô hình nông nghiệp của cá nhân hoặc hộ gia đình (Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn - PV). Theo thông tin trên truyền thông hồi đó, hộ gia đình được vay chừng 100 triệu đồng, còn mô hình trang trại thì được vay vài trăm triệu. Tôi thành lập trang trại, làm đầy đủ hồ sơ, lên xuống nhiều bận để làm thủ tục xong thì… không được vay, do không có tài sản thế chấp.

Một thời gian sau, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp được thông tin khá rộng rãi. Theo đó, nhà nước sẽ cho vay mua máy móc. Tôi cũng làm hồ sơ, đi gặp đủ ban, ngành mong được “vay tín chấp lãi suất 0% mua máy cày”. Nhưng khi thủ tục hoàn tất, tôi lại được trả lời là phải có… tài sản thế chấp mới được vay tín chấp.

Năm 2017, có tin Thủ tướng đề nghị hỗ trợ gói 1.000 tỷ đồng cho nông nghiệp; rồi khoảng tháng 2/2018, Nhà nước đưa ra gói hỗ trợ 200 tỷ đồng cho thanh niên từ thành thị về quê lập nghiệp. Tôi cũng tìm hiểu, rồi chẳng thấy đầu mối nào để tiếp cận. Bạn bè tôi làm nông nghiệp cũng chưa ai tiếp cận được với những nguồn hỗ trợ kiểu như thế. Tôi nói tôi có trải nghiệm, nhưng không có kinh nghiệm là vậy.

Dẫu vậy, khi mọi thứ về chính sách, về thị trường vẫn cam go, người làm nông sản sạch lại được những hỗ trợ vô hình từ những niềm tin của một cộng đồng có quán tính nông nghiệp từ trong máu. Hễ cầm trên tay một sản vật thuần nông, thuần tự nhiên, mỗi người Việt lại xốn xang, trân quý. Chỉ riêng điều đó đã là nguồn cổ vũ to lớn cho người làm nông nghiệp rồi.  

Minh Trâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI