Cuộc đời chúng ta có vạn lần được chọn lựa, nhưng có những điều được số phận sắp đặt sẵn. Tôi lớn lên trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Những tưởng cuộc đời tôi sẽ được "lập trình" như bao cô gái cùng thế hệ, nhưng niềm đam mê ca hát đã tạo nên một hướng rẽ khác.
13 tuổi, tôi vào đời, học hát với thầy đờn Hoàng Nô và nghệ sĩ Xuân Hoa. Từ một lớp học, thầy tôi thành lập đoàn Đồng ấu với đứa nhỏ nhất chỉ 8 tuổi, lớn nhất là anh Bảo Trí, 16 tuổi.
Không khí đoàn hát chưa bao giờ vắng tiếng cười, những trò nghịch ngợm và những giận hờn trẻ con. Nhưng vui hay buồn, chúng tôi đều như anh em trong một gia đình, tình thương luôn đong đầy.
Gia đình không ủng hộ tôi theo nghề hát. Không thuyết phục được tôi, má dọa từ mặt, nhưng tôi vẫn không xiêu lòng. Tôi thương má, nhưng cũng nặng tình với sân khấu. Tình yêu sân khấu khiến người nghệ sĩ khát thèm được sống chết với nghề, nhưng đôi lúc, cảm giác cô đơn, buồn tủi lại chợt ùa về.
|
NSƯT Phượng Loan bắt đầu theo đoàn hát từ năm 13 tuổi. |
Trẻ con đứa nào cũng mê ngủ nên mỗi buổi sáng phải có người ''hò'' chúng tôi dậy, sau đó sẽ luyện thanh khoảng nửa tiếng. Nơi luyện thanh có khi là bên cánh đồng lúa xanh mướt, lúc ở nơi biển mênh mông xanh ngắt... Sau đó, chúng tôi xếp hàng để được phát 1 củ khoai lang to và 50 đồng, đủ mua ổ bánh mì chan nước xíu mại. Nhưng điều đó chẳng mấy quan trọng, mối bận tâm duy nhất của lũ nhỏ vô lo vô nghĩ khi đó là mong trời nhanh tối để được hòa mình trong tiếng đờn ca, được làm vua, công chúa...
Chúng tôi đang tuổi mới lớn, để tránh chuyện yêu đương trong đoàn, con gái thường được xếp hát cả vai đào và kép, con trai chỉ được hát những vai kép độc, kép hài, kép già... để không được tiếp xúc gần với bạn diễn nữ. Ngày đó, đứa nào cũng ốm nhom, riêng tôi lại tròn mũm mĩm nên từ đầu đã được xếp hát vai kép.
Vui nhất là khoảng thời gian chuẩn bị trước suất diễn, cả đám sẽ được lùa đi tắm rửa, rồi ngồi xếp một hàng dài hóa trang chờ giờ hát. Ngày đó, điều kiện khó khăn, màu đen để vẽ mặt là... lọ nồi cà mịn, rồi hoà chung với sáp nấu lên để dùng. Chỉ cần cọ quẹt nhẹ cũng khiến gương mặt trở nên lem luốc, khó coi.
Thầy cô thường quy định, khi trang điểm xong không được tự ý chỉnh sửa, nhưng cũng có đứa len lét dặm thêm chút phấn, thêm chút sắc nét cho chân mày để rồi lỡ tay đụng màu đen, gương mặt lem luốc, xấu xí, khóc bù lu bù loa trước khi lên sân khấu. Vãn hát, chúng tôi lại quần tụ bên nồi cháo khuya, tiếng cười giòn giã trong đêm tưởng không bao giờ dứt.
|
Nữ nghệ sĩ cho biết khâu chuẩn bị trước khi lên sân khấu lúc nào cũng vui, nhộn nhịp, không thiếu tiếng cười |
Dù tuổi thơ ở đoàn Đồng ấu luôn đầy ắp tiếng cười, nhưng chúng tôi đã cảm nhận rõ sự gian nan của nghề. Có lúc mạng sống như treo trên sợi chỉ mành. Năm đó, đoàn có chuyến lưu diễn ở Tam Kỳ, xe đang lên dốc bỗng đứt thắng. Thầy tôi không nói gì, tránh làm mọi người trên xe hoảng sợ. Còn chúng tôi lại thấy thích thú vì xe “chạy ngược”. Ầm, một tiếng vang trời, xe lật chỏng 4 bánh, cả dàn đèn đổ sụp xuống đám trẻ chúng tôi. May thay, một cây mọc bên vệ đường đã giữ chiếc xe không rơi xuống vực. Người dân và khách trên những xe đi sau nhảy xuống ứng cứu, chúng tôi mới được toàn mạng. Sau tai nạn đó, chúng tôi phải nằm viện 1 tháng, huỷ toàn bộ các suất diễn.
Về lại Sài Gòn, không đứa nào dám nói với gia đình về tai nạn khủng khiếp đó vì sợ không được đi hát nữa. Mãi vài năm sau, má tôi có dịp ra Tam Kỳ thăm bà con mới biết được chuyện tôi từng thoát cửa tử. Bà mắng và giận một thời gian.
Ra đời- Vui, buồn đời cầm ca
Theo đoàn Đồng ấu 3 năm, tôi xin nghỉ. Quãng trời tuổi thơ vô lo vô nghĩ cũng khép lại. Tôi theo đoàn Tinh hoa ở Vũng Tàu, bắt đầu quá trình hoạt động chuyên nghiệp. Quen nếp sống như một gia đình với đoàn hát cũ nên thế giới bên ngoài rộng lớn quá, đôi lúc khiến tôi cảm thấy chới với bởi cách đối xử của mọi người cũng khác rất nhiều.
Ở đoàn Đồng ấu, cơm ăn lúc nào cũng đủ no nhưng khi ra đoàn chuyên nghiệp, gần như không bao giờ đủ. Có khi một đĩa thịt, mỗi người gắp 2-3 đũa là hết sạch. Ngày đó ai cũng chuẩn bị một cái cần xé nhỏ, giữa đặt lò xô, xung quanh để vài cái nồi, chảo nhỏ và gia vị nấu ăn để làm thêm một ít đồ ăn cho bữa cơm được đầy đủ. Dần dà, tôi thích nghi với nếp sinh hoạt tự túc như một người trưởng thành.
Có nơi, chúng tôi được ngủ lại trong gầm sân khấu, trường học, hoặc nhà dân, nhưng lắm lúc cũng phải tá túc tại chuồng bò bỏ không. Đi đến đâu người dân cũng thương nghệ sĩ nhưng thuở đó đâu ai có nhà cao cửa rộng để chứa cả đoàn hát. Có quày chuối chín hay vài trái bắp nóng hổi, họ cũng biếu. Trong nỗi nhọc nhằn, tình người dành cho nhau chưa bao giờ cạn, dẫu rằng chẳng phải máu thịt.
|
Điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng tình yêu cải lương, sân khấu vẫn luôn cháy bỏng |
Nơi đoàn hát dừng lại thường là những cánh đồng lúa vừa gặt xong, còn trơ gốc rạ. Vì thường sau mùa gặt, người dân sẽ có tiền nên chi tiêu thoải mái cho việc xem hát. Cả đoàn sẽ cùng dựng sân khấu rồi chờ đến khi sáng đèn. Sự nhộn nhịp, huyên náo của gánh hát ngày đó là ký ức chúng tôi lưu giữ suốt cuộc đời.
Cuộc sống tạm bợ rày đây mai đó cũng giúp chúng tôi thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh. Mỗi nghệ sĩ nữ sẽ có hai chiếc sà rông, một dùng để bao quanh cơ thể khi tắm (vì không có nhà tắm), cái còn lại dùng khi thay đồ. Có nơi, chúng tôi phải ra giếng làng để tắm cùng mọi người vì nguồn nước hạn chế. Lạ rằng khi ấy đã là thiếu nữ, tôi vẫn không thấy mắc cỡ, đôi lúc nghĩ lại vẫn thấy vui lạ lùng. Có phải mọi thứ khi được gọi tên là kỷ niệm, đều đẹp như thế?
|
Trong sự nghiệp, NSƯT Phượng Loan đã gia nhập hơn chục đoàn hát lớn |
Năm 1991, tôi về nhà, dự định giải nghệ để chăm con, khi đó cải lương đã có dấu hiệu đi xuống. Về nhà, tôi không dám mở tivi xem cải lương vì sợ yêu quá không làm chủ được mình. Thử hỏi, yêu mà không được gần, yêu mà không được sống cùng nhau, đau đến dường nào.
Năm 1995, đoàn Tây Đô đăng ký thi hội diễn toàn quốc, tôi được mời tham gia một vai diễn. Vở diễn và cá nhân tôi đoạt Huy chương Vàng, buộc phải diễn tiếp 10 suất sau đó. Tình yêu âm ỉ bùng cháy, tôi quyết định trở lại với nghiệp cầm ca. Như sự sắp đặt của số phận, tôi không thể rời bỏ cải lương.
Tôi bắt đầu cuộc hành trình mới trên chiếc ghe tam bản, xuôi ngược các tỉnh miền Tây. Mui ghe chất đầy cảnh trí, dàn bao, trong lòng ghe là dàn âm thanh. Nghệ sĩ sẽ nằm dọc theo hai bên lòng ghe, nữ xếp ghế bố nằm bên dưới, còn hậu đài, thanh niên mắc võng bên trên. Điều kiện ăn ở hạn chế nhưng ai nấy cũng vui vì được sống cùng nhau như một gia đình.
Mỗi đêm diễn khép lại, dưới lòng ghe sóng vỗ ầm ào, bên trên mọi người xếp đồ rầm rầm nhưng chúng tôi vẫn ngủ, lâu dần thành quen, đôi khi vắng lại cảm thấy thiếu. Những mùa nước cạn, trên ghe nóng như lò lửa, muốn ngủ phải nhúng một chiếc khăn ướt đắp lên mặt.
Có lần, ghe thủng nhưng không ai để ý, vô nước rồi chìm dần. Thấy nước xâm xấp chân, tôi hốt hoảng vì không biết lội. Từ trên ghe, tôi phóng thẳng lên bờ nhưng lại rớt xuống lòng sông, chới với, tưởng mình không qua khỏi, nhưng may được cứu kịp thời.
|
Những chuyến lưu diễn ở miền Tây sông nước luôn gợi cho NSƯT Phượng Loan nhiều kỷ niệm |
Những chuyến đi không thiếu những kỷ niệm vui, đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Trong tuồng Tình hận thâm cung, anh Mộng Long vào vai vua, bước hụt chân và té ầm xuống dàn trống dưới sân khấu. Lấy lại bình tĩnh, anh bò lên và hát “Nàng Son...”. Bên dưới khán giả cười rần rần, ai đó nói thiệt lớn: “Giờ này còn son cái nỗi gì”. Tôi cũng cười đến đau cả bụng không hát nổi, thế là đoàn phải đóng màn. Khi diễn lại, khán giả vẫn ghẹo khiến cảnh này phải làm lại đến 2 lần.
Cải lương kiếm hiệp ngày trước luôn thu hút khán giả bởi những màn bay, đánh võ. Lần đó, tôi gặp sự cố vì người kéo dây quên bài. Theo đúng trình tự, anh ấy phải bước lên bậc thang thứ sáu rồi kéo tôi lên, nhưng chỉ mới tới bậc thứ 3 đã thực hiện thao tác nên khiến tôi cứ bay là đà mà không đáp lên được đỉnh núi. Khán giả được một phen cười no nê.
Gần nửa thế kỷ đứng sân khấu, kỷ niệm đong đầy khó thể nói hết. Mỗi chuyến đi, mỗi niềm vui, nỗi buồn đều trở thành một mảnh ghép để cuộc đời tôi trở nên lung linh, rực rỡ hơn. Tôi bắt đầu hành trình cuộc đời bằng đam mê bất tận với nghề hát, trưởng thành từ những khó khăn, va vấp và tình yêu thương của khán giả. Đời người một lần sống, thế đã quá đủ đầy và hạnh phúc.
Trung Sơn (ghi)