Bài 4: Nỗi ám ảnh ‘địa ngục trần gian’ của trẻ em gái

28/10/2018 - 14:00

PNO - Nadia Murad – nô lệ tình dục của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq là chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay, nhưng không phải cô gái nào cũng may mắn có người lắng nghe câu chuyện đầy nước mắt như Nadia.

Bị vùi dập trong nỗi ám ảnh

Bai 4: Noi am anh ‘dia nguc tran gian’ cua tre em gai
Nadia Murad là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2018.

Nadia từng sống yên ổn ở một ngôi làng tại Iraq cho đến khi lực lượng IS tràn qua giết chóc, bắt bớ và cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em gái. Với Nadia, cô xem mình như đã chết khi cả thể xác lẫn tinh thần bị IS giày vò.

May mắn là Nadia đã trốn thoát, hiếm hoi lắm một nô lệ tình dục của IS mới có thể tìm lại được ánh mặt trời, và những gì Nadia kể lại chỉ là góc rất nhỏ giữa muôn vàn khổ đau mà những cô gái trẻ phải chịu đựng.

Ashwaq Ta'lo cũng cùng chung số phận như Nadia. Cô gái người Yazidi sống ở vùng quê Iraq một ngày bất ngờ bị lực lượng IS bắt cóc năm 2014 khi em chỉ mới 15 tuổi. Em cùng 65 thành viên gia đình bị bán cho IS với giá rẻ mạt từ 20-100 USD mỗi người.

Ba tháng sống trong cảnh địa ngục trần gian, chịu đựng đủ mọi màn hành hạ dã man của phiến quân IS mà dẫn đầu nhóm kiểm soát là Abu Humam, Ashwaq cuối cùng cũng tìm được đường đến Đức.

Bai 4: Noi am anh ‘dia nguc tran gian’ cua tre em gai
Ashwaq Ta'lo bất ngờ gặp lại kẻ từng xâm hại cô trên đường phố Đức.

Nhưng cô bé không ngờ có ngày gặp lại Abu trên đường phố Đức. Hắn thản nhiên nói với em: “Tao biết mày sống ở đâu từ lâu rồi” và đọc vanh vách địa chỉ nơi Ashwaq ở. Cô bé có báo cảnh sát cũng chẳng ích gì vì Abu mang thân phận người nhập cư hợp pháp, và cho tới khi hắn chưa làm gì tổn hại em, chẳng ai có thể can thiệp.

Ashwaq quyết định rời Đức, tiếp tục trốn chạy.

Những nạn nhân may mắn trốn thoát khỏi hang ổ IS đã đến những vùng đất mới làm lại cuộc đời nhưng họ chẳng thể quên nỗi ám ảnh phiến quân IS vẫn ở đâu đó, như lời chúng từng đe dọa: “Bọn tao sẽ đeo bám chúng mày mãi mãi”. 

Liên Hợp Quốc từng công bố con số 7.000 trẻ em gái và phụ nữ người Yazidi bị IS ép buộc làm nô lệ tình dục khi lực lượng này nắm được quyền kiểm soát Sinjar, phía Bắc Iraq và chúng đã giết chết 5.000 người. Liên Hợp Quốc gọi đây là tội ác diệt chủng.

Bai 4: Noi am anh ‘dia nguc tran gian’ cua tre em gai
Bế tắc và tuyệt vọng là những gì mà trẻ em gái ở nhiều trại tị nạn trên thế giới đang đối diện.

Cạm bẫy, hiểm nguy ở nơi tưởng chừng an toàn

Bế tắc, từ bỏ nơi tưởng chừng chẳng thể sống nổi, có những gia đình đau đớn chứng kiến trẻ em gái sa vào nơi đầy rẫy rủi ro mà ban đầu lầm tưởng là nơi mang đến an toàn tuyệt đối.

Đó là là trường hợp bé gái 6 tuổi rời Guatemala tránh bạo lực xin tị nạn ở Mỹ. Em cùng gia đình được nhận vào khu dành cho người tị nạn ở El Paso, Texas vào tháng Năm năm nay.

Chỉ hai ngày sau khi có mặt ở Texas, bé gái bị tách khỏi gia đình, được chuyển đến trại tị nạn ở ngoại ô Phoenix. Không lâu sau đó gia đình em nhận tin báo con gái nhỏ của mình bị tấn công tình dục, bởi chính những thanh thiếu niên sống cùng trại tị nạn, không phải một, mà nhiều lần.

Bai 4: Noi am anh ‘dia nguc tran gian’ cua tre em gai
Chờ đợi và hi vọng từ những những cô gái trẻ là dân tị nạn ở Mỹ.

Người mẹ bé gái này khi gặp lại con chẳng thể hiểu nổi vì sao con gái 6 tuổi không nhận ra mẹ. Em như người mất hồn, trơ lì cảm xúc. Không ai giải thích được bé gái đã phải gặp những điều tồi tệ gì khiến em vĩnh viễn đánh mất tuổi thơ đẹp đẽ nhất cuộc đời.

Năm 2016, hình ảnh hàng ngàn người bất chấp mọi hiểm nguy liều mình gom góp tất cả tiền của, đón bằng được những chuyến tàu hoặc thậm chí chấp nhận lênh đênh giữa Địa Trung Hải để đến bằng được châu Âu. Họ đến từ châu Phi, Trung Đông và trong số đó có không ít phụ nữ, trẻ em gái.

Yobuja (16 tuổi, người Nigeria) là một trong số đó. Đến được cảng Augusta, phía đông đảo Sicily, Italy, Yobuja tin rằng cuộc đời mình rồi đây tương lai sẽ tươi sáng hơn nhưng sự thật không phải vậy. Đây chính là lúc khởi đầu cho tháng ngày tăm tối, tuyệt vọng.

Bai 4: Noi am anh ‘dia nguc tran gian’ cua tre em gai
Nhiều cô gái từ châu Phi đến châu Âu phải làm việc cho các băng nhóm mafia chuyên buôn người.

Cô bé được một cặp đôi mang về, với danh nghĩa nhận con nuôi. Yobuja gọi là cha, mẹ mà không biết họ là chân rết trong đường dây buôn người. Yobuja chính thức bước vào con đường trở thành một nô lệ tình dục, trở thành “công cụ” cho các băng nhóm mafia trục lợi.

Chúng ép Yobuja phải viết giấy mượn nợ hàng chục ngàn euro để hợp lý hóa việc Yobuja phải kiếm tiền trả nợ cho chúng, càng muốn sớm thoát thân thì càng phải kiếm tiền giỏi.

Theo Tổ chức Di dân Liên Hiệp Quốc (IOM), hơn 80% phụ nữ và trẻ em gái Nigeria đến châu Âu theo dòng người tị nạn đều là nạn nhân của băng nhóm mafia gắn mác cứu giúp nhân đạo và họ rất khó thoát ra.

Di Lâm (Theo Daily Mail, SBS, Fortune)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI