Bài 4: Hộ chiếu Trung Quốc không đủ sức níu chân người ở lại

20/05/2017 - 06:10

PNO - Trước làn sóng di cư khổng lồ, còn các học giả Trung Quốc chỉ ra các nguyên nhân khiến người dân không mặn mà ở lại.

Vương Huy Hoàng, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hoá, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu nhân tài Trung Quốc, nghiên cứu viên cao cấp Học viện Kennedy ĐH Havard cho rằng, có nhiều nguyên nhân để Trung Quốc không phải miền đất hứa của chính người Trung Quốc, trong đó cảm giác ‘mất an toàn’ chiếm chủ đạo.

Bai 4: Ho chieu Trung Quoc khong du suc niu chan nguoi o lai
Hình minh hoạ người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ.

‘Chính sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc tạo nên một tầng lớp trung lưu, họ có nhu cầu cao hơn về cuộc sống, điều mà trong nước không mang lại được’.

GIẤC MỘNG XUẤT NGOẠI VÀ LÀN SÓNG THIÊN DI TỪ QUỐC GIA TỶ DÂN

Bài 1:  Định cư hải ngoại cho người Trung Quốc: Hốt bạc lắm, lừa đảo nhiều 

Bài 2: Ôm hận đắng cay vì vỡ mộng xuất ngoại chui

Bài 3: Cuộc thiên di lần thứ 3 của quốc gia tỷ dân

Ông Vương chỉ ra nhiều điểm khiến Trung Quốc không giữ được dân của mình như: môi trường ô nhiễm, thực phẩm kém an toàn khiến người dân sợ hãi trong khi điều kiện y tế không đảm bảo; điều kiện làm việc ở Trung Quốc không khuyến khích được sự sáng tạo và phát triển.

Bên cạnh đó là có quá nhiều thủ tục hành chính rườm rà, nạn học giả thi thật khiến người tài bị lẫn với người kém; giáo dục y tế, dịch vụ công ở Trung Quốc đều kém, khiến những người có trình độ e ngại ảnh hưởng đến thế hệ con cháu.

Nhiều gia đình sẵn sàng ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’, từ bỏ công việc tốt trong nước để định cư nước ngoài làm lại từ đầu, với hy vọng con cái sẽ có môi trường giáo dục tốt hơn.

‘Ví dụ đơn giản trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới thì Mỹ có hơn 100 trường, Anh cũng có hơn 50 trường, Đức có hơn 40 trường, Canada hơn 20 trường.

Thế nhưng một nước lớn như Trung Quốc lại chỉ vỏn vẹn 12 trường, đó là sự yếu kém’, ông Vương nói.

Một lý do nữa theo ông Vương là tấm hộ chiếu Trung Quốc có giá trị rất thấp trên thế giới, không có quốc gia phát triển nào miễn visa cho Trung Quốc. 

Bai 4: Ho chieu Trung Quoc khong du suc niu chan nguoi o lai
Hình minh hoạ.

Một học giả khác là Hứa Quang Kiến, Phó Viện trưởng Viện quản lý công cộng ĐH Nhân Dân Trung Quốc lại cho rằng nguyên do của cuộc di dân này còn đến từ phía môi trường đầu tư ở Trung Quốc không an toàn.

‘Còn phải tính đến số quan tham mang tiền ra nước ngoài rửa. Số lượng tuy ít nhưng số tiền không nhỏ’, ông Hứa nói.

Tuy nhiên ông Hứa lại lạc quan rằng chẳng có gì phải làm to chuyện, vì ngày càng nhiều người quay về nước làm việc, trở thành lực lượng làm kinh tế chính của quốc gia.

Nhiều người ra nước ngoài, có được môi trường giáo dục tốt, Trung Quốc sẽ có một thế hệ nhân tài quốc tế hoá’.

Thực tế, với  ‘Kế hoạch ngàn người’ kêu gọi nhân tài về nước, năm 2010, lưu học sinh TQ về nước đạt 13.480 ngàn người, là số người về nước cao nhất lịch sử. Nhiều người ra nước ngoài rồi lại trở về Trung Quốc làm ăn được gọi riêng là thế hệ ‘hải âu’.

Thế nhưng trước mắt, Trung Quốc vẫn phải chấp nhận sự thật việc người Trung Quốc vẫn rời bỏ đất nước đi mỗi ngày một đông.

Những câu chuyện về những người phụ nữ kết hôn giả, những gia đình khuynh gia bại sản chỉ vì có tấm thẻ xanh, hay những người nổi tiếng bỗng nhiên bị phát hiện không còn mang quốc tịch Trung Quốc không còn là chuyện mới mẻ.

Giữ người không phải là câu chuyện đơn giản ở quốc gia phức tạp như Trung Quốc.

NHỮNG CUỘC THIÊN DI

Theo nhiều học giả, kể từ sau năm 1979, Trung Quốc có 3 giai đoạn di dân lớn: 

Giai đoạn đầu là khi cải cách mới tiến hành, nhà nước mở cửa, nhiều người Trung Quốc có bà con ở nước ngoài lần lượt xin xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình. 

Đích đến ngoài các nước Âu Mỹ còn có cả đi Hongkong, Macau, hay cả các nước Đông Nam Á.

Giai đoạn thứ 2 là thập niên 80 thế kỷ 20, khi một thế hệ lưu học sinh bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở các nước phát triển. Đó là thời điểm Trung Quốc đối mặt với nạn chảy máu chất xám quy mô lớn. 

Và lần thứ ba là hiện tại, bắt đầu từ những năm 2000. Hiện Trung Quốc có khoảng 200 triệu người định cư ở các nước, trong đó có 90 triệu người có visa theo diện đi học, làm việc tạm thời…

Bai 4: Ho chieu Trung Quoc khong du suc niu chan nguoi o lai
 

Báo cáo tài chính cá nhân năm 2011 của ngân hàng Merchants Trung Quốc cho thấy, có tới 500 ngàn người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, thế nhưng con số đầu tư vào trong nước lại giảm, còn đầu tư mục đích định cư thì tăng cao.

Có tới 27% số người đầu tư là ra nước ngoài nhằm mục đích định cư. Riêng trong năm 2012 số tiền người Trung Quốc mang ra nước ngoài tăng gần 30%. Từ năm 2009-2012, ít nhất có 17 tỷ nhân dân tệ đã được đầu tư ra nước ngoài. 

Cục Di dân Canada cũng thống kê, năm 2009 đầu tư di dân vào Canada có 2055 người, Trung Quốc đại lục chiếm hơn 1000 người. 

Thậm chí nhiều người dù đã ra nước ngoài vẫn có thể làm việc trong nước, hoặc có sản nghiệp, gia đình trong nước.  

Mai Nguyên 

Bài 5: Làm cả thẻ xanh cho người chết nhập cư vào Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI