LTS: Họ là người đã gầy dựng nên những thương hiệu, sản phẩm gắn bó một thời với người dân Việt Nam, đến nỗi mà giờ đây mỗi khi nhắc đến xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, dầu cù là Mac Phsu, bia BGI hay ngân hàng Tín Nghĩa rất nhiều người vẫn còn nhớ...
Thành công đó có được không hề dễ dàng, càng không chỉ dựa vào may mắn, mà chính từ ý chí, nghị lực, cùng tư duy kinh doanh nhạy bén biết nắm bắt cơ hội làm giàu của những con người dám nghĩ, dám làm.
Nói như ông Nguyễn Tấn Đời trong hồi ký của mình, rằng muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho…
Bài 1: Chuyện chưa nói hết về huyền thoại xà bông Cô Ba
Bài 2: Sự trở lại của Dạ Lan
Bài 3: Thorakao - Một thời vàng son
|
Bột ngọt nổi tiếng từ ông chủ vô danh
Hai nhãn hiệu Ajinomoto và Vedan có mặt tại Việt Nam vào thập niên 1950, đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường trong nước. Các bà nội trợ đã tín nhiệm đến mức không có gia đình nào không sử dụng. Thời điểm ấy, dù là nhà tài phiệt hay người có đầu óc kinh doanh táo bạo vẫn không dám có ý định cạnh tranh với 2 nhãn hiệu này, nhất là với Ajinomoto.
Vậy mà, năm 1960 tại Sài Gòn xuất hiện một loại bột ngọt mới, bột ngọt Vị Hương Tố. Sự xuất hiện của nhãn hàng này đã làm nhiều người hoài nghi. Có người đặt câu hỏi, rằng không biết Vị Hương Tố có bằng hay hơn được Ajinomoto không?.
Thế nhưng, sau đó Vị Hương Tố lan rộng ra cả thành phố, đi về tận vùng nông thôn. Nhiều bà nội trợ đã kháo với nhau rằng, Vị Hương Tố không thua gì hàng ngoại mà giá lại rất rẻ. Rồi cứ thế, Vị Hương Tố lớn dần, lấn át, đẩy hai đàn anh vào vị trí góc khuất của các cửa hàng.
Chưa hết, một thời gian sau, mì ăn liền Vị Hương cũng do chính hãng Vị Hương Tố sản xuất được tung ra thị trường. Lần này, người tiêu dùng không còn bỡ ngỡ nữa mà lại mạnh dạn tiêu thụ khiến cho các hãng mì ăn liền khác điêu đứng.
|
Trụ sở bột ngọt Vị Hương Tố 118-120 Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) trước đây |
Bột ngọt Vị Hương Tố và mì ăn liền Vị Hương độc chiếm thị phần từ Quảng trị đến Cà Mau. Sự lớn mạnh ngoài sức tưởng tượng đã khiến nhiều người thắc mắc không biết ông chủ là người thế nào mà giỏi giang đến thế?
Mấy ai biết, chủ của Vị Hương Tố là một người bình thường không có gì nổi trội. Ông là Trần Thành, người Hoa. Trước thế chiến thứ 2, vùng Đông Nam Á và Trung Hoa rơi vào cảnh loạn lạc. Trên đất Trung Hoa, chiến tranh và nạn đói hoành hành. Người Hoa không thể tìm được cuộc sống tốt ngay trên quê hương mình đã rứt áo ra đi tràn xuống phương Nam để tìm đời sống mới. Gia đình của Trần Thành có mặt tại Sài Gòn trong cuộc di dân này.
Vùng đất lạ. Tuổi mới lớn. Khoan nói đến phụ giúp gia đình, Trần Thành rất khó khăn trong việc tìm kiếm cho mình 2 bữa ăn trong ngày. Hàng ngày, Trần Thành phải gõ cửa các hãng xưởng của các gia đình đồng hương để xin một công việc lao động chân tay và cứ thế kéo dài trong một thời gian.
Cũng tạm qua được những ngày gian nan vất vả bữa đói, bữa no. Cũng có lúc Trần Thành chán nản muốn buông xuôi nhưng chợt nghĩ lại, bản thân mình không được học hành, trong tay không một đồng làm vốn thì khó khăn trong mưu sinh là lẽ đương nhiên. Cũng từ đó, Trần Thành tiếp tục lầm lũi...
Rồi có một lần nọ, Trần Thành đến cơ sở làm dầu của ông chủ họ Trịnh để xin việc. Thành được nhận vào làm việc với nhiệm vụ cọ rửa thùng sau mỗi lần sản xuất. Chỉ thế thôi nhưng mấy ai biết được tương lai của Trần Thành bắt đầu từ đây.
Biết người, biết ta
Được nhận vào làm không phải đi kiếm ăn từng bữa, Trần Thành đã hết sức cố gắng trong công việc. Bất chấp công việc đơn giản nhưng rất nặng nhọc, mặc kệ môi trường độc hại ô nhiễm nặng do mùi dầu tồn đọng trong nhiều năm, Trần Thành vẫn ra sức lao động một cách vui vẻ và đầy thiện chí.
Đối với anh em cùng làm, Trần Thành luôn tìm mọi cách giúp đỡ. Đối với chủ, Trần Thành luôn là một người làm công mẫn cán. Lúc nào cũng giữ gìn vệ sinh, dọn dẹp gọn gàng, Trần Thành còn thu gom nguyên liệu rơi vãi, tiết kiệm khá nhiều tiền cho chủ.
Nhờ vậy mà ông chủ họ Trịnh tín nhiệm giao thêm nhiệm vụ vệ sinh nhà xưởng, quản lý vật tư nguyên liệu. Tương lai của Trần Thành có cơ hội rộng mở. Công việc cứ thế tiếp tục. Uy tín của Trần Thành với chủ ngày càng lên cao. Cho đến một ngày nọ, công việc hàng ngày được giao lại cho người khác, Trần Thành được thay mặt ông chủ đi giao tiếp với các đầu mối trên khắp mọi miền đất nước để tìm mua nguyên liệu. Công việc khá khó đối với một thanh niên suốt ngày quanh quẩn trong xưởng ép dầu chật hẹp. Phía trước Trần Thành là một chân trời lạ lẫm, thế nhưng với nghị lực và ý chí của một thanh niên, anh đã cố gắng vượt qua.
Bắt đầu từ đó, một chương mới đã mở ra cho anh thanh niên Trần Thành. Trần Thành mở rộng hoạt động từ Quảng Trị đến Cà Mau. Bất cứ nơi nào có sản phẩm chiết xuất được tinh dầu là nơi đó có Trần Thành. Không học hành bao nhiêu, không được đào tạo qua một trường lớp nào, nhưng khả năng thiên phú đã giúp Trần Thành từ con số 0 ngoi lên thành công ngoài sức tưởng tượng ...
Nhận nhiệm vụ mới, Trần Thành càng ra sức cống hiến cho chủ. Anh có mặt khắp nơi thu mua các sản phẩm nông nghiệp. Thừa biết những sản phẩm người nông dân làm ra mang nhiều mồ hôi và cả nước mắt, Trần Thành luôn trân quí và cảm thông những nỗi nhọc nhằn của họ.
Sự cảm thông này đã giúp Trần Thành luôn đạt được những con số thu mua lý tưởng. Chữ tín luôn hàng đầu trong mọi giao dịch. Người mua lẫn người bán đều luôn trọng chữ tín nên công việc rất trôi chảy. Bà con hẹn giao sản phẩm đúng ngày. Trần Thành cũng không sai hẹn khi thanh toán. Chính vì điều này nên dù có thiên tai, mất mùa sản phẩm nhưng người nông dân vẫn luôn dành cho anh nguồn nguyên liệu dồi dào. Từ đó, giúp cho xưởng tinh dầu của ông chủ họ Trịnh không bao giờ thiếu nguyên liệu.
Cung cách làm việc của Trần Thành rất trung thực. Mọi chi tiêu sổ sách đều được thể hiện minh bạch. Lòng tin của ông chủ đối với Trần Thành tăng lên cao hơn bao giờ hết. Để bù đắp công lao gian khổ và cũng để thưởng cho những thành quả đạt được, ông chủ Trịnh đã trích hoa hồng rất hậu tặng cho Trần Thành.
Trần Thành càng ra sức phục vụ để đền đáp thâm tình của chủ. Phạm vi hoạt động được mở rộng trên cả nước, sang cả nước láng giềng Campuchia. Nhờ vậy mà lợi nhuận của xưởng sản xuất tinh dầu được tăng lên đáng kể.
|
Bột ngọt Vị Hương Tố và mì ăn liền Vị Hương từng có thời gian độc chiếm thị phần từ Quảng trị đến Cà Mau |
Đánh giá được khả năng của Trần Thành, ông chủ họ Trịnh quyết định cho anh ra riêng lập cơ sở kinh doanh độc lập. Ông hết sức khuyến khích, động viên và truyền thêm những kinh nghiệm sẵn có để Trần Thành trụ vững trên thương trường. Vừa lúc này Trần Thành lập gia đình, nên rất cần phát triển công việc mưu sinh.
Trần Thành chính thức làm chủ, nhanh chóng phát huy hết tất cả những đức tính có được để gầy dựng một thương hiệu. Bên cạnh đó, ông chủ Trần Thành đối xử rất chân tình với những người làm việc cho mình nên ai nấy cũng đều hết lòng, dốc sức.
Cách sống của Trần Thành đã được lòng khá nhiều người. Chẳng bao lâu, từ chữ tín tạo nên uy tín lớn. Cộng đồng người Hoa gốc Tiều Châu ở Chợ Lớn đã bầu Trần Thành lên làm Bang chủ Tiều Châu lúc tuổi đời chưa đến 40. Đến giai đoạn này thì Trần Thành, không chỉ có tầm ảnh hưởng đối với cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn mà còn được cả giới chức chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ kiêng nể.
Uy tín ngày một tăng cao, ông chủ Trần Thành gom góp trả hết các vốn vay từ trước; đền ơn đáp nghĩa một cách sòng phẳng những người đã giúp đỡ. Ông thực hiện những chuyến đi Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… để tham quan, học hỏi ngành nghề và tìm hiểu thị trường. Những gì nhìn thấy, những trải nghiệm quý giá đã giúp ông quyết định cho ra đời bột ngọt Vị Hương Tố.
Về nước, ông Thành quyết định nhập dây chuyền sản xuất bột ngọt từ Nhật, thành lập công ty Thiên Hương và đặt tên cho sản phẩm bột ngọt của mình cái tên Vị Hương Tố. Mẻ bột ngọt Vị Hương Tố đầu tiên ra đời vào năm 1960 với giá thành rất hạ. Các hãng bột ngọt nước ngoài đã không thể cạnh tranh được nhờ chính sách nâng đỡ hàng nội địa. Thêm vào đó, công nhân rẻ, nguyên liệu rẻ đã giúp cho Vị Hương Tố đứng vũng trên thương trường.
Người tiêu dùng thấy rằng, thương hiệu Vị Hương Tố với chất lượng không thua gì hàng ngoại và giá thành khá phù hợp với mức sống. Đã thế, ông chủ Thành còn tung ra khuyến mại tặng kèm tô, chén, muỗng cho ai mua bột ngọt Vị Hương Tố.
Người mua rất thích thú, giá rẻ còn lại có quà, toàn những thứ thiết yếu trong đời sống, thành ra tranh nhau mua, chẳng những một mà còn mua nhiều gói để dành. Vị Hương Tố được thế tiến lên, tung tiếp tô chén theo bộ, nào là Mai Lan Cúc Trúc, Phúc Lộc Thọ, rồi Xuân Hạ Thu Đông, Bát Tiên…
|
Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố ở P. Tân Thới Hiệp Q. 12 truớc đây nay là Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (ảnh CTCPTP Thiên Hương) |
Kết quả chỉ trong thời gian ngắn, Vị Hương Tố độc chiếm thị trường, nhà máy sản xuất hết công suất cũng không đủ hàng. Người tiêu dùng lúc đó phần lớn đều chạy theo Vị Hương Tố mà thờ ơ với hàng ngoại. Cả Ajinomoto lẫn Vedan cảm thấy không thể tiếp tục có mặt ở Việt Nam nên đã lặng lẽ ra đi ...
Trở thành một mình một chợ, Vị Hương Tố tiếp tục phát triển mì Vị Hương, mì chay, xì dầu. Mặt hàng nào cũng được khách hàng hưởng ứng. Có thể nói, thời kỳ này là thời kỳ thành công nhất của ông chủ Trần Thành.
Ông Thành tiếp tục bước sang các lĩnh vực khác như ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện và cả trường học. Ông rất thành công rồi tiếp tục bỏ vốn để đầu tư vào bất động sản, nhà hàng, khách sạn ở nước ngoài. Lúc này, mức độ giàu có của Trần Thành có thể nói khó có ai có thể bì kịp.
Cú ngã ngựa định mệnh
Bao nhiêu năm chí thú làm ăn, gầy dựng sự nghiệp, ông chủ Trần Thành luôn tâm niệm đã là một nhà kinh doanh thì không cờ bạc, rượu chè, trai gái. Với Trần Thành, kinh doanh cũng giống như đi tu, không có chỗ cho những sa ngã.
Đáng tiếc, vốn dĩ là người cuồng công việc, đam mê phát triển kinh doanh, chinh phục thị trường, đến cuối cùng khi đã đi được hơn nửa đời người ông lại gục ngã trước diễn viên Đài Loan Thang Lan Hoa sắc nước hương trời từ Đài Loan sang Việt Nam giúp vui văn nghệ cho giới tài phiệt Chợ Lớn.
Cuộc gặp gỡ định mệnh khiến trái tim của ông chủ Trần Thành loạn nhịp, triết lý “Kinh doanh cũng giống như đi tu” lâu nay phút chốc bị dẹp qua một bên. Cả hai nhanh chóng đến với nhau, người vì nhan sắc, người vì vật chất. Chiều chuộng người đẹp hết lòng, của cải của ông chủ Trần Thành cũng lần lượt đội nón ra đi. Rồi họ chia tay, Trần Thành trượt dốc, sự nghiệp buông xuôi…
|
Mì Vị Hương hiện nay - vẫn còn bán trên thị trường nhưng không còn đủ sức cạnh tranh |
Sau năm 1975, Trần Thành đi định cư nước ngoài. Nhà máy Thiên Hương trở thành nhà máy quốc doanh. Ngoài bột ngọt, nhà máy còn làm thêm sản phẩm bột canh nhưng dần dần chỉ còn tập trung vào mì ăn liền. Việc thiếu đầu tư công nghệ mới đã khiến sản phẩm bột ngọt - vốn từng rất thành công trở nên ì ạch, mất dần thị phần vào tay bột ngọt ngoại nhập và cuối cùng không còn sản xuất nữa.
Trong khi đó, Ajinomoto và Vedan đã quay trở lại thị trường, lấy lại những gì đã mất. Ngôi nhà ở số 118-120 đường Hải Thượng Lãn Ông (nay thuộc Q.5, TP.HCM) là nơi tỉ phú Trần Thành khởi nghiệp, sau năm 1975 là trụ sở của nhà máy bột ngọt Thiên Hương (sau này có thời gian đổi tên là Nhà máy thực phẩm Thiên Hương).
Trần Chánh Nghĩa