PNO - Con đường làm giàu được vẽ nên bằng cách đầu tư góp vốn. Thế nhưng, trên thực tế, nhà đầu tư phải ký một hợp đồng theo hình thức “sản xuất phần mềm” với Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh.
Sau những ngày cách ly xã hội do dịch COVID-19, nhiều người có thu nhập thấp lao đao vì bị mất việc làm trong khoảng thời gian dài. Đúng lúc đó, Công ty TNHH Một Thế Giới Lành Mạnh liên tục tổ chức các hội nghị “xúc tiến đầu tư” mời gọi sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng… làm “nhà đầu tư”. Tại các hội nghị, công ty vẽ ra một dự án siêu khủng có tên X với mục đích tìm 10.000 suất đầu tư, mỗi suất trị giá 24 triệu đồng. Trong lúc nhiều nhà đầu tư đang lâng lâng sung sướng vì gặp được “cơ hội vàng” để làm giàu, chúng tôi đã điều tra ra những điều bất thường phía sau dự án X.
Điểm chung của những vụ huy động vốn trái phép là thu hút số tiền nhỏ từ nhiều người, hứa trả lãi rất cao để kích thích lòng tham. Ban đầu, các chủ “dự án” thường trả lãi đúng hẹn, đầy đủ để tạo lòng tin, nhưng thực chất cũng chỉ lấy tiền của người sau trả cho người trước. Đến một lúc nào đó, khi đã huy động được số vốn lớn, dự án sẽ “bốc hơi” theo một cách nào đó, như tuyên bố phá sản, dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình công ty.
Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh kêu gọi đầu tư vào dự án X thông qua hai gói đầu tư “phổ thông” và “thương gia”. Tuy nhiên, thay vì ký hợp đồng góp vốn hay hợp đồng đầu tư, công ty này lại ký “hợp đồng nguyên tắc về việc sản xuất phần mềm”. Việc đầu tư này được các chuyên gia kinh tế phân tích là có dấu hiệu huy động vốn trái phép.
Thay vì ký hợp đồng góp vốn, người đầu tư phải ký hợp đồng nguyên tắc sản xuất phần mềm với Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh
Nghe bùi tai, nhà đầu tư xuống tiền
Bà Phạm Thanh Hải - được giới thiệu là lãnh đạo dự án X - cho biết, dự án này ưu tiên đối tượng là bộ đội, giáo viên, công nhân viên, những người thu nhập thấp. Những người nào được đến hội nghị là một cái duyên. Sắp tới, dự án X sẽ triển khai ở 63 tỉnh, thành.
“Khi nhà đầu tư ký hợp đồng, hai bên sẽ chịu trách nhiệm trước tòa án Nhân dân Việt Nam. Trong tháng Sáu này, sẽ có 40 hội thảo ở miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Khi dự án được triển khai xuống đó rồi, chắc không còn cho ai chậm chân đâu. Lợi ích chỉ đến với người nhanh chân nhất. Muốn hướng đến tương lai giàu có, ai quyết định nhanh thì là người khôn ngoan nhất. Ai sẵn sàng bước chân vào giới siêu giàu, hãy tham gia đầu tư” - bà Hải kêu gọi.
Bà Mỵ (huyện Hóc Môn, TP.HCM) khóc nức nở khi kể về dự án X. Bà cho rằng, dự án X là “của người Nhật” và “người Nhật không cần gì của mình đâu, đó là điều em cực kỳ cảm ơn công ty”. Bà Mỵ cho biết, mỗi bữa bà đến tiệm tạp hóa, đều được trao phong bì 200.000-300.000 đồng: “Dịch COVID-19 làm nhiều người mất việc, nhưng chỉ có Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh cho mình tiền”.
Bà Mỵ lại khóc: “Có phước mới được vậy. Có 24 triệu, không giàu mà mất cũng không nghèo, nên đừng suy nghĩ. Cách đây 5 năm, em bán rau ở chợ Hóc Môn, đi mua được 4-5 lô đất nhưng bị đa cấp lừa. Em đến đây là cơ hội cho mẹ con em thoát nghèo. Em tin, em chắc chắn là ai không đến đây thì không có phước”.
Một trong những người đầu tư khá nhiều vào dự án X là bà N.T.M.T. Bà T. kể, mẹ bà có mấy sổ tiết kiệm nên đã bỏ ra sáu sổ, mỗi sổ 20-30 triệu đồng đóng cho công ty. Bà tin tưởng rằng mai mốt, con cháu bà sẽ được hưởng lợi.
Bà T. khẳng định: “Từ trái tim, cháu chỉ muốn nói với các bác rằng, tiền để đó tự nhiên mối mọt. Công ty này không đa cấp, không lừa đảo, vì một thế giới lành mạnh chứ không phải vì một thế giới èo uột. Nếu quyết định đầu tư, chúng ta có cơ hội hơn cả trúng số. Bố mẹ để lại cho con cháu, để lại cho dân tộc”.
Thông tin với chúng tôi, nhiều nhà đầu tư cho biết, đã mạnh dạn xuống tiền đầu tư vì đây là dự án ít rủi ro, có cơ hội lợi nhuận “khủng” và được Ngân hàng Nhà nước bảo trợ “giữ tiền giùm”. Nói như cách của bà Phạm Thanh Hải: “Các bạn không tin chúng tôi, cũng phải tin Ngân hàng Nhà nước chứ!”.
Đầu tư bằng cách… mua phần mềm
Con đường làm giàu được vẽ nên bằng cách đầu tư góp vốn. Thế nhưng, trên thực tế, nhà đầu tư phải ký một hợp đồng theo hình thức “sản xuất phần mềm” với Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh.
Sau khi khóc nức nở vì kể chuyện mình được đổi đời nhờ dự án X, bà Mỵ chạy đến chỗ chúng tôi chìa ra một tờ giấy ghi “Mẫu đăng ký tham gia mua phần mềm”. Trong mẫu đăng ký này, có đề mua “Phần mềm sức khỏe” và “Phần mềm giàu có và hạnh phúc”. Theo bà Mỵ, hai phần mềm này tương đương với gói đầu tư “phổ thông” và “thương gia”. Thay vì làm một hợp đồng góp vốn, người đầu tư phải ký hợp đồng mua phần mềm nhưng quyền lợi thì vẫn đảm bảo như… cam kết miệng.
Theo tài liệu chúng tôi có được, những người góp vốn vào dự án X sẽ được ký một hợp đồng nguyên tắc về sản xuất phần mềm với Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh. Hợp đồng này chỉ đề cập đến việc “sản xuất phần mềm” chứ không đề cập đến dự án X. Ngoài ra, khi ký hợp đồng, bên B sẽ không được tiết lộ bất cứ thông tin bảo mật nào về bên A (Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh) cho bên thứ ba.
Nhiều người tin tưởng đầu tư vào dự án X là do họ được lãnh đạo dự án này khẳng định “ngân hàng giữ tiền”, “ngân hàng bảo lãnh”. Người ký hợp đồng với công ty sẽ nhận được một “thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, bản chất của “thư bảo lãnh” này không phải là ngân hàng giữ tiền giùm mà chỉ là bảo lãnh hợp đồng.
Người đầu tư ký hợp đồng nguyên tắc về sản xuất phần mềm với Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh thì phía ngân hàng chỉ bảo lãnh về nội dung này. Theo đó, khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, ngân hàng sẽ cam kết không hủy ngang vào tài khoản của bên nhận bảo lãnh bất kỳ khoản tiền nào hoặc khoản tiền không vượt quá giá trị bảo lãnh. Như vậy, bản chất của bảo lãnh này là bảo lãnh cho hợp đồng nguyên tắc sản xuất phần mềm chứ không phải là bảo lãnh cho hợp đồng góp vốn. Cái gọi là “ngân hàng giữ tiền” chỉ là hình thức mà người của Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh đưa ra để thu hút nhà đầu tư.
Có dấu hiệu huy động vốn trái phép
Theo điều tra của chúng tôi, Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh được thành lập tháng 10/2019, chủ sở hữu là ông Nguyễn Hải Hà, có vốn điều lệ là 7 tỷ đồng, trụ sở chính ở quận Phú Nhuận, TPHCM.
Theo Phòng Kinh tế quận Bình Thạnh, khi nhận được thông tin của Báo Phụ Nữ TPHCM về việc dự án X được triển khai ở quận này, phòng đã rà soát, xác minh. Ngày 2/6, đại diện của Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh có đến liên hệ với phòng để cung cấp thông tin về dự án.
Đại diện Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh trình bày với cơ quan chức năng rằng, công ty đang có chương trình hợp tác liên doanh với Công ty Truyền thông Akie của Nhật Bản về việc đưa công nghệ 4.0 vào ngành công nghiệp bán lẻ, cụ thể là các cửa hàng tạp hóa ở quận Bình Thạnh. Như vậy, các thông tin mà những người xưng là lãnh đạo dự án X đưa ra với nhà đầu tư như “dự án của chính phủ Nhật Bản”, “làm việc cho vợ thủ tướng Nhật Bản”, “dự án X là cơ hội lớn cho quốc gia”… là không có thật.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế đầu tư - cho rằng, ông làm ở lĩnh vực đầu tư nhưng chưa từng nghe nói đến dự án X. Dự án có dấu hiệu huy động vốn theo hình thức đa cấp trái phép, nên dù là dự án “ma” hay thật, việc góp vốn vào dự án kiểu này sẽ không kiểm soát được.
Theo quy định, dự án không được huy động vốn, trừ khi đó là công ty cổ phần do các cổ đông góp vốn và được sự cho phép của Nhà nước. Một dự án huy động người dân góp vốn là vi phạm pháp luật. Do đó, khi người dân góp vốn vào dự án X không ký “hợp đồng góp vốn” hay “hợp đồng đầu tư” mà phải ký “hợp đồng nguyên tắc sản xuất phần mềm”, chính là cách công ty lách luật. Hiển nhiên, “hợp đồng nguyên tắc sản xuất phần mềm” này không có giá trị gì với người mua.
Theo ông Hiển, nghe đến công nghệ 4.0, nhiều người dân còn mù mờ, lầm tưởng đó là những “siêu dự án” hoặc dự án công nghệ cao tầm cỡ quy mô quốc tế nên sẽ uy tín. Chính vì vậy, hiện có nhiều công ty “ma” dán mác công nghệ 4.0 để lừa đảo người dân góp vốn.
Một dự án công nghệ 4.0 hiệu quả thật sự sẽ huy động được vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm vì các quỹ này sẽ đánh giá được dự án, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đầu tư vốn. Còn nếu dự án thuộc dạng “bánh vẽ” sẽ chọn cách huy động vốn từ người dân - những người không có đủ năng lực để đánh giá hiệu quả dự án, cũng không có khả năng kiểm soát được vốn rót vào.
Điểm chung của các dự án huy động vốn trái phép là chủ dự án thường chấp nhận huy động số tiền nhỏ nhưng trả lãi rất cao cho người đầu tư. Số tiền đầu tư nhỏ nên ai cũng tham gia được, điều này giúp dự án tiếp cận được nhiều đối tượng, mở rộng mạng lưới quảng bá về dự án. Còn việc trả lãi cao là nhằm kích thích lòng tham từ nhà đầu tư và cũng lôi kéo được nhiều người tham gia hơn.
Chẳng hạn với dự án X, một suất đầu tư chỉ có giá 24 triệu đồng nhưng do hứa trả lãi cao, nhiều người sẵn sàng mua hàng trăm hợp đồng một lúc. “Dự án thường phải kéo dài nhiều năm, góp vốn lớn. Do đó, các công ty lừa đảo không vội vàng chiếm đoạt tiền của người dân mà vẫn đều đặn trả lãi suất cao trong suốt thời gian dài. Nhưng thực chất, họ lấy tiền của người đầu tư sau trả lãi cho người đầu tư trước theo hình thức đa cấp.
Nhiều người thấy vậy, càng tin dự án uy tín, hoạt động hiệu quả nên càng ra sức đầu tư, huy động tiền bạc của gia đình và người xung quanh, thậm chí vay nặng lãi để dồn tiền mua những hợp đồng không có giá trị. Đến một thời điểm nào đó, khi đã huy động được số vốn lớn, các công ty này sẽ “bốc hơi” bằng cách tuyên bố phá sản, dừng hoạt động, chuyển đổi mô hình công ty” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích.