Bài 3: Ước mơ chưa một lần chạm đến của trẻ em gái

27/10/2018 - 10:00

PNO - Khi trẻ em gái, phụ nữ toàn cầu nỗ lực vì quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng với nam giới và không ngừng cống hiến cho cộng đồng thì có nhiều nơi, những giấc mơ đã sớm bị chôn vùi.

Cô dâu trẻ con và cánh cửa tương lai đóng sập

Bai 3: Uoc mo chua mot lan cham den cua tre em gai
Cái chết của Sania khiến dư luận quốc tế phẫn nộ nhưng lại là chuyện... bình thường ở Afghnistan.

Tháng 7/2018, cái chết thương tâm của bé gái 9 tuổi Samia đã gióng lên hồi chuông về nạn tảo hôn ở Afghanistan nhưng ít ai dám nghĩ mọi thứ sẽ chuyển biến tích cực trong nay mai. Em gái nhỏ này bị đẩy vào đường dây buôn người trái phép để có khoản tiền trả nợ cho gia đình.

Kẻ sát nhân là Sharafuddin (35 tuổi), cũng là "chồng" Samia, kẻ đã mua cô bé về làm vợ năm em 7 tuổi. Hắn xem em như một nô lệ tình dục, ra lệnh cho em bất cứ khi nào hắn muốn và sẵn sàng đánh đập em khi hắn tức giận, hoặc không vừa ý em bất cứ điều gì. Cái chết của Samia là dấu chấm hết cho chuỗi ngày em bị hành hạ, ngược đãi.

Cha của Samia cũng đã bị bắt vì ép buộc con gái kết hôn khi còn quả nhỏ và nhẫn tâm bán em như một món hàng với giá 13.500 USD.

Trường hợp của Samia không phải là trường hợp duy nhất một bé gái trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn, chịu cảnh bạo lực gia đình ở Afghanistan. Dù tảo hôn và buôn người bị cấm ở Afghanistan nhưng chính quyền ở nhiều nơi, cả thành thị lẫn nông thôn đều nhắm mắt làm ngơ.

Trong khi quốc tế quy định tuổi kết hôn của nam và cả nữ phải từ 18 tuổi trở lên nhưng luật Afghanistan cho phép nữ giới kết hôn từ 16 tuổi. Thực tế, còn có những trường hợp kết hôn ở tuổi đời rất nhỏ, chỉ mới 7 tuổi như trường hợp Samia.

Theo thống kê mới nhất của UNICEF, cứ 3 trẻ em gái ở Afghanistan thì trong đó có 1 em kết hôn khi chưa tới 18 tuổi. Những bi kịch tiếp nối từ đây mà ra.

Bai 3: Uoc mo chua mot lan cham den cua tre em gai
Siêu mẫu Naomi Campbell ủng hộ Noura và mong muốn chính quyền Sudan không kết tội cô bé.

Ở Sudan, tình hình cũng chẳng tươi sáng hơn. 1/10 trẻ em gái ở nước này kết hôn khi chưa tới 15 tuổi, 1/3 kết hôn khi chưa tới 18 tuổi. Tháng Năm vừa qua, câu chuyện của Noura Hussein (19 tuổi) ra tay giết chồng vì quá bế tắc trong nghịch cảnh đã gây rúng động cộng đồng.

Noura đâm chết người chồng vì hắn cố cưỡng hiếp cô, mặc cho cô bế quyết liệt chống cự. Năm 16 tuổi, Noura bị ép cha ép bán cho một gã đàn ông để lấy ít tiền nhưng may mắn em trốn đến nhà một người thân ở trong ba năm. Cho đến khi gia đình bắt và đưa Noura trở về, em buộc phải kết hôn với người đàn ông em né tránh ba năm qua.

Người này cho mình quyền làm chồng là có thể làm bất cứ điều gì với Noura. Hắn gọi người thân đè em ra khống chế còn hắn cưỡng hiếp em. Ngay hôm sau đó, hắn cố cưỡng hiếp Noura một lần nữa, trong lúc bí bách, em đã đâm chết gã đàn ông tàn bạo.

Noura từng có ước mơ học xong sẽ theo đuổi công việc giáo viên nhưng ước mơ chớm nở đã vội tắt. Luật Sudan cho phép trẻ trên 10 tuổi được kết hôn với sự đồng ý của thẩm phán địa phương. Thực chất, trẻ em gái không có quyền quyết định hôn sự của mình.

Bi kịch của Noura đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và mọi người đã đặt hashtag #JusticeForNoura (công lý cho Noura) ủng hộ em.

Lời cay nghiệt nhắm vào nạn nhân

Bai 3: Uoc mo chua mot lan cham den cua tre em gai
Người dân ban đầu lên án 17 gã đàn ông cưỡng hiếp bé gái 11 tuổi nhưng sau đó quay sang chỉ trích em và gia đình.

Bị 17 người đàn ông cưỡng hiếp, nạn nhân là bé gái chỉ mới 11 tuổi bị đem ra làm mục tiêu công kích, nghịch lý ấy đến từ những định kiến và niềm tin phi lý tại Chennai, Ấn Độ.

Nhiều tháng liền, bé gái này bị 17 người đàn ông (từ 23-66 tuổi) thay phiên cưỡng hiếp em. Họ là nhân viên làm trong tòa nhà nơi em sống. Đám đông thậm chí không bênh vực nạn nhân mà còn quay sang đổ lỗi cho em và mẹ.

Những kẻ đồi bại này có cả bảo vệ tòa nhà, thợ sửa ống nước và cả những gã thợ điện. Chúng hăm dọa cô bé nếu nói ra sự thật với mẹ thì chúng sẽ giết mẹ em. Chị gái nạn nhân là người đã phát hiện và gia đình ngay lập tức báo cảnh sát. 17 gã đàn ông đã bị chính các luật sư có mặt tại phiên tòa địa phương xông vào đánh, dạy cho bài học.

Thế nhưng ở đất nước mà có đến 90% các vụ xâm hại tình dục không được báo với cơ quan chức năng thì việc dư luận dễ dàng thay đổi thái độ cũng là chuyện bình thường. Dư luận sau khi căm phẫn những gã đàn ông thì quay sang trách gia đình nạn nhân đã không để mắt tới em và công kích cả bé gái này vì lỗi không phải do em gây ra.

Bai 3: Uoc mo chua mot lan cham den cua tre em gai
Jared Hensley - Phó Hiệu trưởng ở một trường học tại Tennessee, Mỹ

Tư tưởng đổ lỗi ấy không chỉ xuất hiện ở những nơi phụ nữ yếu thế mà ngay cả ở nơi mà nền giáo dục phát triển, vẫn có những trường hợp đi ngược lại xu hướng của xã hội văn minh.

Đó là Jared Hensley - Phó Hiệu trưởng ở một trường học tại Tennessee, Mỹ. Trong bài phát biểu vào tháng 9/2018, người này đã nói: “Nếu muốn đổ lỗi thì hãy đổ lỗi cho các em gái đi. Xinh xắn sẽ làm hỏng hết mọi chuyện”.

Lời bình luận cá nhân phản cảm đã vấp phải phản ứng gay gắt từ nhiều phụ huynh. Người này sau đó đã bị đuổi việc.

Di Lâm (Theo Guardian, theirworld.org, NY Times, Fox News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI