PNO - Ở TPHCM, không chỉ đơn vị chuyên môn là Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TPHCM mà các đơn vị khác cũng có nhiều sáng kiến rất hữu ích để trị “giặc lửa”.
Một ngày cuối tháng 10/2021, chị Trần Thị Xuyến đang ở trong nhà tại khu dân cư 5, ấp 3, xã Phong Phú, H.Bình Chánh thì thấy làn khói đen bốc ra từ một nhà xưởng gần đó.
Khi đó là gần 8g30 nên hầu hết mọi người đã đi làm. Trong lúc mọi người hoảng loạn, không biết nên làm gì thì một thanh niên rút điện thoại ra báo cháy qua ứng dụng Help 114. Ngay lập tức, vị trí, hình ảnh và quy mô vụ cháy được chuyển về Trung tâm Thông tin chỉ huy 114 thuộc PC07. Nhận thấy đây là vụ cháy nhà xưởng có quy mô lớn, PC07 liền điều động lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của Công an H.Bình Chánh, Công an Q.8, Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 1, 3 đến hiện trường, nhanh chóng dập tắt đám cháy. Chị Xuyến chia sẻ: “Sau vụ cháy đó, tôi liền tải ứng dụng Help 114 về điện thoại để báo cháy nhanh trong những trường hợp tương tự”.
Chỉ sau đám cháy ở H.Bình Chánh vài ngày, Trung tâm Thông tin chỉ huy 114 tiếp tục nhận được tin báo về một vụ cháy trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình qua ứng dụng Help 114. PC07 đã điều động lực lượng PCCC các quận 11, Tân Phú, Tân Bình tham gia chữa cháy. Nhờ đến hiện trường kịp thời, lực lượng PCCC đã giải cứu được năm người mắc kẹt trong đám cháy và hướng dẫn 11 người khác thoát nạn an toàn.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng - Phó phòng PC07 - cho biết, thông qua ứng dụng Help 114 trên điện thoại thông minh, người dân và trực ban tại Trung tâm Thông tin chỉ huy 114 tương tác được với nhau. Đồng thời, thông qua bản đồ số trên ứng dụng này, trung tâm có thể xác định ngay vị trí đang có cháy để liên hệ tới các đội PCCC gần nhất cũng như điều động người, phương tiện chi viện từ các khu vực lân cận. Trung tâm cũng biết được quy mô vụ cháy, địa hình ở hiện trường và vị trí tiếp cận nguồn nước để hướng dẫn cách thức chữa cháy phù hợp, chính xác.
Khi lực lượng cứu hỏa cần lượng nước lớn để chữa cháy, nhân viên cấp nước có thể ngồi từ xa nhắn tin để tăng áp lực nước, phục vụ công tác chữa cháy
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin chỉ huy 114, mỗi ngày, trung tâm này nhận được từ 200 - 300 tin báo về các sự cố thông qua ứng dụng Help 114. Ngoài báo tin về cháy nổ, qua ứng dụng trên, người dân có thể báo tin về trộm, cướp hay các sự cố khác cho lực lượng chức năng. Không chỉ giúp ích cho việc chữa cháy, Help 114 còn giúp lực lượng chức năng phòng ngừa cháy, nổ. Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng PC07 - thông tin: “Trong những tháng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhờ Help 114, chúng tôi có thể kiểm tra từ xa về an toàn PCCC tại các cơ sở, đặc biệt ở các bệnh viện dã chiến, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Help 114 giúp kiểm tra, phát hiện những vị trí, khu vực không đảm bảo an toàn PCCC để khắc phục kịp thời”.
Được biết, ứng dụng Help 114 là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ định vị và livestream phục vụ chỉ huy phòng cháy và chữa cháy TPHCM” do thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng làm chủ nhiệm, phối hợp cùng Công ty Điện thoại Mobicall thực hiện. Ứng dụng này vừa được trao Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần 2, tối 30/12/2021.
Điều khiển dòng nước từ xa
“Nếu bây giờ, chẳng may xảy ra một vụ hỏa hoạn ở đường Lạc Long Quân, bên cứu hỏa cần một lượng nước lớn để chữa cháy, chúng tôi sẽ ngồi tại trụ sở công ty tăng áp lực nước để phục vụ việc chữa cháy” - anh Nguyễn Trọng Nhân, nhân viên kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân, khẳng định. Theo anh, được vậy là nhờ bộ điều khiển đóng mở van tự động áp dụng cho vùng có áp lực nước thấp. Anh Nguyễn Trọng Nhân và đồng nghiệp là Vương Nhân đã nghĩ ra sáng kiến này nhằm phục vụ công việc của công ty mình và qua đó, có thể giúp ích được cho công tác PCCC.
Ứng dụng Help 114 giúp lực lượng phòng cháy, chữa cháy xác định chính xác vị trí, quy mô vụ cháy, địa hình nơi cháy để điều động lực lượng, hướng dẫn cách thức chữa cháy phù hợp, góp phần giảm thiệt hại từ vụ cháy
Gia đình bà Lưu Thị Hoa (P.5, Q.11) có chín người sống chung trong một căn hộ nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt rất lớn. Trước đây, cứ đến chiều tối, nước sinh hoạt lại bị hụt, chảy rất yếu. Để khắc phục tình trạng này, các thành viên trong gia đình phải chia giờ tắm giặt, tránh khung giờ cao điểm, rất bất tiện. Bà Hoa kể, những hôm nước yếu, phải ngồi chờ rất lâu, nước mới chảy đầy xô để tắm: “Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước, còn bây giờ hết hụt nước rồi. Nghe nói bên công ty cấp nước có lắp một máy đẩy nước trên đường Lạc Long Quân nên không còn hụt nước vào buổi tối nữa”.
Chiếc “máy đẩy nước” mà bà Hoa nhắc đến chính là bộ điều khiển đóng mở van tự động được đặt ngay trong tủ tín hiệu ở đường Lạc Long Quân để điều chỉnh áp lực dòng nước. Anh Vương Nhân cho biết, công ty của anh phụ trách cấp nước cho các quận 10, 11 và P.Phú Trung của Q.Tân Phú bằng nguồn nước dẫn từ Nhà máy nước Thủ Đức. Việc điều phối áp lực nước trong đường ống là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công ty. Do ở cuối nguồn cấp nước nên áp lực nước tại Công ty Phú Hòa Tân yếu hơn các đơn vị cấp nước nằm gần nhà máy nước. Công ty Phú Hòa Tân cũng đang sử dụng van giảm áp để vận hành mạng lưới cấp nước nên nước qua van sẽ tổn thất từ 3 - 5 mét.
Công ty này chia địa bàn cấp nước ra thành 66 DMA (tiểu vùng). Trong đó, có 20 DMA nằm trong vùng áp lực nước thấp vào giờ cao điểm. Anh Vương Nhân nhớ lại: “Trước đây, công ty đã dùng một số giải pháp kỹ thuật để cải thiện áp lực nước nhưng ngốn chi phí khá cao. Trong quá trình làm việc, nghiên cứu, chúng tôi nghĩ ra giải pháp là thiết kế bộ điều khiển đóng mở van tự động để áp dụng cho vùng có áp lực nước thấp. Giải pháp này chỉ tốn chi phí bằng 1/7 so với việc nhập thiết bị từ nước ngoài, giúp tiết kiệm được khoảng 1,8 tỷ đồng”.
Anh Nguyễn Trọng Nhân cho biết, hiện nay, bộ điều khiển đóng mở van tự động được đặt ngay trong tủ tín hiệu nên rất dễ quản lý. Bộ điều khiển này hoạt động rất linh hoạt, được lập trình sẵn nên cứ đến đúng giờ là sẽ tự động đóng mở van để thay đổi áp lực nước từ thấp lên cao. Khi áp lực nước lên cao trở lại, bộ van cũng sẽ tự động điều chỉnh. “Không chỉ vậy, bộ van điều khiển còn giúp chúng tôi ngắt hẳn đường nước khi xảy ra sự cố. Nếu như trước đây, chẳng may xảy ra sự cố bể đường ống cái, ống lớn, các công nhân phải chạy ra hiện trường ngắt nước và khắc phục sự cố. Đến nơi, nước đã tràn lênh láng ra ngoài rồi. Còn bây giờ, nếu xảy ra sự cố, chúng tôi sẽ nhắn tin kích hoạt bộ điều khiển đóng tất cả các van để ngắt nước trong chớp mắt” - anh Nguyễn Trọng Nhân cho hay.
Từ tháng 8/2020, Công ty Phú Hòa Tân đã thí điểm ứng dụng giải pháp nói trên. Đến nay, tình trạng khách hàng phàn nàn về áp lực nước yếu đã giảm đáng kể. Ngoài ra, giải pháp này cũng giúp giảm đáng kể lượng nước thất thoát, tăng năng suất lao động. Hiện giờ, nếu có một bộ điều khiển van bị nghẹt, nhân viên chỉ cần nhắn tin để mở một van nước khác mà không cần ra hiện trường.
Anh Nhân nói thêm: “Điều mà tôi tâm đắc nhất là giải pháp bộ điều khiển van tự động này sẽ giúp ích rất lớn cho công tác chữa cháy. Khi lực lượng chữa cháy cần lượng nước lớn để dập tắt đám cháy thì chúng tôi có thể ngồi ở trụ sở công ty nhắn tin, điều khiển việc tăng áp lực nước. Chúng tôi đang đề xuất áp dụng giải pháp này cho toàn địa bàn cấp nước của công ty và sẵn sàng chia sẻ với các đơn vị khác”.
Bài cuối: Khơi gợi tinh thần sáng tạo trong mỗi cá nhân
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.