Làm giàu từ thuở sinh viên

Bài 3: Tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho con đường đã chọn

22/10/2020 - 07:52

PNO - Xác định rõ con đường đã chọn nên từ thuở sinh viên, cả “9X đời đầu” Nguyễn Thị Thu và “9X đời cuối” Trịnh Quốc Việt đã chủ động trau dồi kiến thức chuyên môn lẫn những kỹ năng mềm cần thiết. Cả chị Thu và anh Việt đều chọn con đường khởi nghiệp từ nông nghiệp.

 

Hiện có không ít người khởi nghiệp, làm giàu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người trong số đó phải đi học xa quê và xuất thân không phải từ gia đình khá giả... Dù bận rộn kinh doanh, họ vẫn duy trì đường học và cố gắng học tốt. 

Bài 1Cô sinh viên làm chủ hai cửa hàng hải sản

Bài 2: Làm chủ để không còn lo “ra trường thất nghiệp”

Lập công ty để lo đầu ra ổn định cho trái bưởi

Hiện giờ, Trịnh Quốc Việt đang trong giai đoạn chạy nước rút ở Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Quê Việt ở xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, là vùng gắn với thương hiệu bưởi Yên Ninh. 

Trịnh Quốc Việt khởi nghiệp bằng nông nghiệp ngay chính quê mình
Trịnh Quốc Việt khởi nghiệp bằng nông nghiệp ngay chính quê mình

Từ khi anh còn học phổ thông cơ sở, bố mẹ anh đã đưa cây bưởi Diễn về trồng. Có những năm, bố mẹ anh nuôi các con ăn học nhờ 2ha bưởi Diễn. Tốt nghiệp trung học phổ thông, theo học Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhận thấy thổ nhưỡng quê mình rất hợp với cây bưởi Diễn, Việt xác định học xong sẽ lập nghiệp trên chính đất đai quê nhà với giống bưởi này. 

Ba năm trước, khi đang ngồi trên ghế giảng đường, Việt xin bố mẹ vườn bưởi ba năm tuổi sau nhà để ứng dụng những kiến thức đã học ở trường, kết hợp với kinh nghiệm làm vườn từ bố mẹ. Tuần nào Việt cũng rời Hà Nội từ chiều thứ Sáu, dành trọn hai ngày cuối tuần vun xới cho vườn bưởi đang bước vào giai đoạn trưởng thành. 

Với sự nhanh nhạy của người trẻ, Việt nhận thấy, cần phải có đầu ra ổn định cho bưởi Yên Ninh chứ không nên trông cả vào thương lái. Anh nói chuyện với bố mẹ về việc phải thành lập công ty để có tư cách pháp nhân, tiện cho giao dịch sản phẩm nông nghiệp. Cuối năm 2018, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và Phát triển nông nghiệp Việt Thắng ra đời, Trịnh Quốc Việt là người đại diện pháp luật.

Vừa học chuyên ngành ở trường, vừa liên hệ các kênh tiêu thụ, vừa tự tìm tài liệu về trồng trọt, dần dần, trái bưởi Diễn do Việt chăm sóc đã cho những trái vàng ươm, trọng lượng xấp xỉ 1kg/trái, múi bưởi vàng, óng, hạt nhỏ, vị ngọt đậm. Năm 2019, vườn bưởi 5ha theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình Việt mang về khoản lời 500 triệu đồng. Dịp tết Canh Tý 2020, có gốc bưởi đậu đến 270 quả. 

Việt đang trong giai đoạn vừa tự học để tốt nghiệp hệ đại học, vừa chăm lo trồng trọt. Vừa rồi, anh thuê thêm 2ha đất, trồng thêm một số loài cây ăn trái khác như bơ, ổi, vú sữa… Anh còn nuôi cá mè để ủ, làm phân bón cho cây trồng, cá được nuôi bằng cỏ cắt từ vườn.

Đến nay, Việt thường xuyên phải thuê bốn, năm lao động mới làm hết được khối lượng công việc ở các khu vườn, ao, chuồng. Những ngày cao điểm, Việt thuê trên mười lao động, tất cả đều là bà con trong xã, tiền công khoảng 200.000 đồng/người/ngày. Giám đốc trẻ này trăn trở: “Hiện tại, ưu tiên số một của tôi vẫn là hoàn thành việc học, sau đó sẽ dồn sức lập nghiệp trên chính đất bưởi Yên Ninh. Tôi vẫn đang tìm hướng đi để đảm bảo đầu ra cho trái bưởi của bà con quê mình”.

Khảo sát thị trường khi còn là “tân sinh viên”

Nhờ chủ động tìm kiến thức, tự rèn luyện các kỹ năng mềm, chị Nguyễn Thị Thu đã trở thành chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Nhờ chủ động tìm kiến thức, tự rèn luyện các kỹ năng mềm, chị Nguyễn Thị Thu đã trở thành chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Hơn mười năm trước, Nguyễn Thị Thu - quê ở huyện Thường Tín, TP. Hà Nội - đi học cao đẳng ngành quản trị kinh doanh với hai lý do: không muốn theo “truyền thống” ở làng là bỏ học, lấy chồng sớm rồi đi buôn thịt heo; muốn trở thành một thương nhân có kiến thức. 

Ngay khi học năm thứ nhất, Thu đã làm quen, xin đi theo các anh chị đang thực tập hoặc đang đi làm bán thời gian. Khi đó, việc Thu thích nhất là đi khảo sát thị trường. Thu bảo: “Nhà trường trang bị kiến thức nhưng mình phải cọ xát thực tế để tích lũy kinh nghiệm”. 

Học xong, Thu xin được việc ngay. Hơn một năm sau, chị được thăng chức trưởng phòng marketing của công ty. “Đây là kết quả của ba năm được đào tạo trong trường cộng với kỹ năng khai thác thị trường, làm việc nhóm” - chị tâm sự. Sự nhanh nhạy của người thích khảo sát thị trường cộng với sự trăn trở trước những khó khăn của người nông dân đã đưa chị đi đến quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp. 

Chị bắt đầu học làm những công việc của người nông dân, từ lội bùn cấy lúa đến cải tạo đất sét. Nhưng theo chị, “cần phải làm nông dân trong thời đại mới bằng tri thức”. Và chị đã mày mò tìm hiểu về các loại đất, cách cải tạo đất, giá trị của từng loại vi sinh, từng loại phân bón tự nhiên. Đích thân chị xuống ruộng bón phân cá cho lúa, đi mua trứng lộn hỏng về ủ làm phân.

Chị chọn cách làm nông nghiệp không hóa chất, sử dụng phân bón tại chỗ để vừa tiết kiệm chi phí, vừa không làm tổn hại đến đất đai. Đến nay, trong cộng đồng “làm nông nghiệp tử tế”, Nguyễn Thị Thu là một cái tên không còn xa lạ, trong tư cách một chuyên gia. Vừa chế biến nông nghiệp công nghệ cao, chị còn tạo dựng một mạng lưới để những phụ nữ khởi nghiệp giúp đỡ, hợp tác với nhau theo mô hình chuỗi liên kết. 

Đầu năm 2020, chị trở thành chuyên gia của sáng kiến Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) - do chương trình sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) thành lập dưới sự tài trợ, hỗ trợ của Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Chị Thu cho biết, để trở thành chuyên gia của WISE, chị phải trình bày sáng kiến của mình qua hai vòng thi, trong đó có trình bày bằng slide tự làm bằng tiếng Anh. Kinh nghiệm để thành công trong sự nghiệp mà chị muốn chia sẻ với các bạn trẻ là phải tự học, tự rèn các kỹ năng mềm từ khi còn là sinh viên cho đến khi đã ra trường.

Ngọc Minh Tâm
(Còn tiếp)


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI