Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn

Bài 3: Thiệt hại kép từ nạn xây nhà không phép

15/05/2020 - 07:43

PNO - Không chặt đứt những “mắt xích” trong đường dây bảo kê xây nhà không phép, người dân sẽ mất trắng tài sản nếu bị buộc tháo dỡ, cơ quan quản lý nhà nước cũng tiêu tốn nhiều công sức, tiền bạc để tổ chức cưỡng chế. Đó là chưa kể, nhà không phép thường được xây vội vã nên không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật cơ bản, rất dễ sập.

 

Trong lúc vụ án sai phạm về xây dựng ở huyện Bình Chánh (TPHCM) đang được xét xử, tại địa phương này, những căn nhà không phép vẫn đua nhau mọc lên như thách thức pháp luật. Thâm nhập thực tế, chúng tôi được dẫn mối đến những người chỉ là tổ trưởng tổ dân phố, cai thầu xây dựng nhưng lại dám tuyên bố hùng hồn rằng chỉ cần thông qua họ, mua đất nông nghiệp vẫn cất được nhà, đã xây thì không ai dám động vào…

Bài 1: Vây tôn cũ bên ngoài, xây nhà cấp tốc bên trong

Bài 2: Những nhân vật quyền lực ở điểm nóng nhà không phép

Một căn nhà không phép, lấn chiếm hệ thống thoát nước ở xã Vĩnh Lộc A bị cưỡng chế, phá dỡ sáng 12/5
Một căn nhà không phép, lấn chiếm hệ thống thoát nước ở xã Vĩnh Lộc A bị cưỡng chế, phá dỡ sáng 12/5

Sáng 12/5, một ngày sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng bài đầu tiên trong loạt bài Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn, chính quyền xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TPHCM đã huy động nhiều lực lượng để cưỡng chế, phá dỡ một căn nhà không phép. Khi bị xử lý, chủ căn nhà xây “chui” mất trắng tài sản, cơ quan chức năng phải tốn nhân lực, kinh phí “khắc phục hậu quả”, trong khi các đối tượng cò mồi, bảo kê xây nhà “chui” lại ung dung đút túi hàng trăm triệu đồng.

Đếm không xuể nhà “chui” vô chủ

Chỉ cho chúng tôi xem một căn nhà hai tầng mới xây bề thế cạnh mấy miếng đất nông nghiệp ở cuối một con hẻm nhỏ, ngay sát căn nhà ghi địa chỉ F5/19/11K1, ấp 6B, xã Vĩnh Lộc A, bà Đ. “bé” nói, ngay cả những căn nhà kiên cố như thế này mà còn “lo được” thì những căn nhà cấp bốn càng dễ xây lén hơn. Bà Đ. “bé’’ là tổ trưởng tổ nhân dân trong ấp, nhưng lại là người môi giới nhà đất kiêm bao thầu xây nhà “chui” có tiếng ở xã Vĩnh Lộc A. 

Rất nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở đã chấp nhận bỏ ra số tài sản tích góp được trong nhiều năm, mạo hiểm mua đất nông nghiệp, xây nhà “chui” hoặc mua nhà xây sẵn bằng giấy viết tay để có chỗ ở. Anh T. từng bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua một căn nhà xây sẵn ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A nhưng sau gần mười năm, vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền, giờ xây nhà mới không được, bán lại rất khó khăn.

Anh T. tâm sự: “Hồi đó, người bán nhà nói, tuy đây là đất nông nghiệp nhưng sẽ nhanh chuyển đổi thành đất ở và cấp giấy chủ quyền nhà. Vả lại, do thấy xung quanh, nhiều nhà cũng xây kiên cố mà không bị sao, nên mình mới quyết định mua. Giờ nhà xuống cấp, xin giấy phép xây nhà mới không được, nếu bán cũng bằng giấy tay nên sẽ không được giá”.

Căn nhà bề thế này được bà tổ trưởng tổ nhân dân dùng để chứng minh “quyền lực” về xây nhà không phép nhưng không bị xử lý. Hình ảnh căn nhà đã được chúng tôi chuyển cho UBND xã Vĩnh Lộc A xác minh
Căn nhà bề thế này được bà tổ trưởng tổ nhân dân dùng để chứng minh “quyền lực” về xây nhà không phép nhưng không bị xử lý. Hình ảnh căn nhà đã được chúng tôi chuyển cho UBND xã Vĩnh Lộc A xác minh

Thực tế, rất nhiều người mạo hiểm mua đất nông nghiệp để xây nhà không phép vì thấy người khác xây nhà “chui” mà vẫn “bình an vô sự”. Khi nhập vai người mua đất, ngoài nghe những lời tuyên bố mạnh miệng của các đối tượng cò mồi, bảo kê, chúng tôi còn được một số cai thầu chuyên xây nhà “chui” bày cách đối phó khi lỡ bị chính quyền địa phương phát hiện: “Mấy ông cứ chi tiền, còn việc xây dựng để tụi tui lo”.

Họ còn bày chiêu, nếu bị chính quyền phát hiện, lập biên bản thì đừng ra mặt, để chính quyền không xác định được chủ sở hữu công trình, không lập được biên bản xử lý.

 “Tốt nhất là cứ tạm bỏ của chạy lấy người, đợi tình hình lắng xuống thì xây tiếp” - H., một cai thầu xây dựng ở xã Vĩnh Lộc A, bày cách. H. còn chỉ thêm mánh dùng một giấy phép xây nhà hợp pháp in ra nhiều bản để xây thêm nhiều căn nhà tương tự.

Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Lộc A, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng của xã đã phát hiện hơn 128 trường hợp xây dựng không phép, gồm 28 nhà tôn, 10 nhà tạm, 72 nền móng gạch bê tông cốt thép.

Trong số các công trình không phép nêu trên, có rất nhiều trường hợp được ghi nhận là “công trình vô chủ”, là những trường hợp chủ căn nhà tránh mặt, không đứng ra nhận công trình đó là của mình nhằm tránh bị lập biên bản hai lần. Vì theo quy định, nếu bị lập biên bản về hành vi xây dựng không phép mà vẫn tái phạm, mức độ xử lý sẽ nặng hơn và có thể bị xử lý hình sự.

Chưa chặt đứt “mắt xích” bảo kê

Vì sao báo chí liên tục phản ánh mà tình trạng xây nhà không phép tại xã này vẫn chưa được ngăn chặn; hay do có sự tiếp tay, bao che của cán bộ chính quyền địa phương? Ngày 12/5, trả lời câu hỏi này, ông Trần Vũ Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A - cho rằng mình mới đảm nhận chức vụ chủ tịch xã một ngày nên chưa thể nắm bắt được tình hình.“Tôi sẽ rà soát lại và sẽ cung cấp thông tin về hướng xử lý trong thời gian sớm nhất. Quan điểm của tôi là sẽ xử lý kịp thời, không né tránh, không dung túng” - ông Duy nói.

Từ năm 2019, sau khi Thành ủy TPHCM ban hành chỉ thị số 23 về tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực trật tự xây dựng, UBND xã Vĩnh Lộc A đã yêu cầu tổ địa chính, tổ quản lý trật tự đô thị, trưởng ấp và tổ trưởng tổ nhân dân cam kết không vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng nhưng đến nay, vẫn còn hiện tượng tổ trưởng làm cò mồi mua bán đất nông nghiệp, bao thầu xây nhà “chui”. Những trường hợp này sẽ được xử lý ra sao? Ông Duy trả lời, hằng tuần, UBND xã họp với các bí thư chi bộ ấp nhằm chấn chỉnh kịp thời, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn: “Chúng tôi sẽ nhờ cấp huyện bố trí công an đi trinh sát, thu thập chứng cứ để xử lý hình sự những trường hợp vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng”.

Nếu không ngăn chặn tình trạng nhà không phép đang mọc lên như nấm, trong tương lai không xa, xã Vĩnh Lộc A sẽ hình thành nhiều khu nhà ổ chuột
Nếu không ngăn chặn tình trạng nhà không phép đang mọc lên như nấm, trong tương lai không xa, xã Vĩnh Lộc A sẽ hình thành nhiều khu nhà ổ chuột

Ông Duy cho biết, trước khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, qua theo dõi bản đồ số, ông đã nhận thấy tình hình xây dựng ở địa phương này khá phức tạp nên khi nhận nhiệm vụ, một trong những điều ông quyết tâm thực hiện là chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép.

Nhà xây cấp tốc nguy hiểm chực chờ

Kỹ sư Nguyễn Quang Hoài - chuyên gia về giám định chất lượng công trình xây dựng - cho rằng, những căn nhà không phép thường xây rất vội nên không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật cơ bản, rất dễ xảy ra sự cố, sụp đổ: “Hầu hết nhà xây kiểu này đều bỏ qua các quy định về kỹ thuật như không khảo sát địa chất, không đóng cừ tràm hay ép cọc phần móng, chất lượng bê tông cốt thép cũng không đảm bảo.

Nhà xây lên trên nền móng như thế, càng xây kiên cố, càng mất an toàn, rất dễ sập. Khi xây thành cụm, nếu một căn bị sự cố, sẽ dễ tác động dây chuyền làm ảnh hưởng đến những căn khác. Với những căn nhà xây lén kiểu này, nếu mua về ở, sẽ tốn rất nhiều tiền sửa chữa mà vẫn không thể đảm bảo an toàn”.

“Nhà xây dựng không phép mọc lên nhiều gây mất mỹ quan đô thị và phá vỡ các quy hoạch liên quan. Do đó, phải rà soát lại quy hoạch, nhu cầu về nhà ở của người dân để giải quyết căn cơ. Nói thật, thấy người dân bị dụ dỗ, mua nhà giấy tay rồi xây nhà lén, bị cưỡng chế tháo dỡ, tôi rất xót xa. Vì vậy, phải có cách làm căn bản hơn để họ không bị dụ dỗ nữa” - ông Duy bộc bạch.

Dân số cơ học tăng nhanh khiến nhu cầu về nhà ở rất lớn, trong khi các dự án dân cư trên địa bàn xã không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến việc người dân tự mua đất nông nghiệp bằng giấy tay để xây dựng nhà ở, không thông qua chính quyền địa phương.“Xã Vĩnh Lộc A có tổng diện tích chưa tới 20km2 nhưng có hơn 36.000 hộ dân, với hơn 125.000 người.

Để ngăn chặn tình trạng này, trước mắt, chúng tôi sẽ cho rà soát lại quy hoạch và công khai các thông tin liên quan để người dân dễ dàng nhận biết khu nào là đất ở, có thể mua đất xây nhà hợp pháp.

Bất cứ người dân nào đến xã, cũng sẽ được hướng dẫn cập nhật thông tin về quy hoạch để biết rõ tính pháp lý, tránh mua nhà, đất bất hợp pháp, tiền mất tật mang” - ông Duy cho biết thêm. 

Điều tra các đối tượng thao túng nạn nhà “chui”

Sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh thực trạng bảo kê xây nhà “chui” ở xã Vĩnh Lộc A, UBND xã đã tổ chức kiểm tra, xác định có nhiều trường hợp xây dựng không phép. Cụ thể, tại tổ 6, ấp 6B, đoàn công tác của xã ghi nhận có ba công trình xây dựng, mỗi căn có diện tích 4x12m, kết cấu cột gạch, vách gạch và mái tôn.

Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, đang phối hợp với chi bộ và ban nhân dân ấp thu thập hồ sơ và xử lý nếu có vi phạm. Tại tổ 7, ấp 4, các đoàn kiểm tra của UBND xã Vĩnh Lộc A cũng phát hiện bốn trường hợp xây dựng không phép, đã lập biên bản yêu cầu ngưng thi công và tháo dỡ công trình.

Với những nhân vật “quyền lực” mà Báo Phụ Nữ TPHCM đã phản ánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, đã chỉ đạo công an xã rà soát, xác minh và mời một số đối tượng đến làm việc, lập hồ sơ quản lý và xử lý theo quy định pháp luật.

Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Lộc A, ngoài một vụ vừa được Tòa án nhân dân H.Bình Chánh đưa ra xét xử và một vụ công an huyện đang thụ lý điều tra, xã cũng đã rà soát, lập danh sách và làm việc với 31 tổ chức, cá nhân hoạt động mua bán đất đai, đầu tư, xây dựng để theo dõi, quản lý. Bên cạnh đó, công an xã lập hồ sơ 9 đối tượng có biểu hiện phân lô, bán nền, yêu cầu cam kết không vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Lộc A, tính từ đầu tháng 12/2019 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 24 trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra còn phát hiện ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu 157 vụ, vận động chủ đầu tư tự tháo dỡ ngay từ đầu 18 trường hợp. Từ đầu năm đến nay, UBND xã đã ban hành thông báo tổ chức kiểm điểm 15 lượt cán bộ từ cấp xã đến ấp, do còn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng.

Nhóm phóng viên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
  • Giodethuong 18-05-2020 21:55:35

    Tôi sống ở Liên Ấp 2-6, Vĩnh Lộc A. Và nghe rất nhiều người nói, thà nhà nước cho làm nhà, bắt viết cam kết, thì nhà nước chẳng bị thất thu. Ngay khu nhà tôi, hiện nay đang có 4 căn đang làm, nghe đâu chủ nhà mất khoảng 150tr để làm, mất tiền xây nhà lầuthì không ai thấy, còn không chi tiền, chỉ cần đổ đất, chưa kịp làm, chính quyền ập tới dẹp ngay. Mong qua bài báo này, nhà nước xem xét, qui hoạch và cho ng dân làm nhà dù phải đóng phí, thì dân đỡ phải ở nhà tạm bợ, kém chất lượng, xấu, nhà nước thì không thất thu.

  • Ha Nam Ninh 17-05-2020 09:08:37

    Trước khi nên đọc kỹ lại bài và xem lại số liệu. Xã Vĩnh Lộc A diện tích gần 2.000km2. Qúa sai?

  • Ha Nam 17-05-2020 08:48:41

    Bài viết truớc khi đăng chưa đọc kỹ. Diện tích xã Vĩnh Lộc A gần 2.000 km2 là sai rồi. Diện tích này qúa lớn. Nếu vậy ngang 40km dài gần 50km. Đi qua Long An luôn. SÀI, QÚA SAI. Đơn giản cũng sai, vội vã qúa.

  • Nguyen 17-05-2020 08:48:11

    Tại sao chính quyền không làm quy hoạch đất ở rõ ràng khu này, hệ thống thoát nước cấp nước cho nông nghiệp thử hỏi các ông chính quyền xem xét là có dùng được cho việc tưới tiêu khi mà độ ô nhiễm tăng cao như vậy. Trồng cũng không được, mà xin giấy phép ở cũng không xong. Đừng đẩy người dân vào đường cùng phải vi phạm pháp luật. Túng quẫn mà làm liều thì là điều tất nhiên

  • Phạm Hà Lâm 17-05-2020 06:49:24

    Mong chính quyền tạo điều kiện cho phép người dân được chuyển đổi sang đất xây dựng, để bình chánh có những ngôi nhà khang trang giàu đẹp.
    Cũng là giải pháp tốt nhất giải quyết vấn nạn trên, người dân cũng có chỗ ăn cư lập nghiệp.
    Mong Bình Chánh có những người lãnh đạo có tâm có tầm làm những việc này.

  • Nguyen ngọc hùng 17-05-2020 01:08:58

    Chuyện ai bảo kê xây dựng trái phép tại xã rõ như ban ngày , có muốn làm hay không thôi

  • Nam 17-05-2020 00:32:10

    Tôi từng lên UBND xã
    Xem bản đồ quy hoạch và hỏi 1 anh CA k nhớ tên
    Nhận dc 1 câu Hỏi Làm Gì

  • Dung bui 16-05-2020 07:37:24

    loạt bài báo đăng rất chính xác, tiếc là cái gốc của vấn đề lại không được nêu ra và cũng không 1 cấp chính quyền nào quan tâm giải quyết dứt điểm đó là thực hiện việc quy hoạch chi tiết và cho người dân đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi xây dựng. Xây 1 căn nhà, tiền chung chi lo lót hết 1 nửa, miếng bánh béo ngậy thế nên người dân mãi bị đẩy vào thế vi phạm pháp luật, trắng tay bất cứ lúc nào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI