Nửa thế kỷ tiên phong của ngành giáo dục TPHCM

Bài 3: Quả ngọt từ phong trào học sinh nghiên cứu khoa học

23/04/2025 - 06:02

PNO - Mỗi khi thấy áp lực trong học tập, Thiên Kim - học sinh lớp Tám tại quận 5 - lại nhắn tin cho trợ lý ảo Happy School. Những câu động viên như: Điểm số không quyết định bạn thất bại hay thành công, áp lực là điều ai cũng có… luôn khiến em cảm thấy nhẹ nhàng. Happy School là sản phẩm của học sinh lớp Sáu tại TPHCM.

Những học sinh giàu sức sáng tạo

Chatbot Happy School - sản phẩm hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh - do Cáp Hoàng Dũng - học sinh lớp 6A2, Trường trung học thực hành Sài Gòn (Trường đại học Sài Gòn) - cùng bạn vừa cho ra mắt sau thời gian nghiên cứu. Phần mềm đưa ra lời khuyên cho học sinh về vấn đề tâm lý, phương pháp học tập, phòng chống bạo lực học đường… đồng thời cung cấp thông tin thời sự xoay quanh lứa tuổi học trò.

Nguyễn Đức Tấn và Hà Nhật Bảo (từ trái qua) nhận giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2024-2025
Nguyễn Đức Tấn và Hà Nhật Bảo (từ trái qua) nhận giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2024-2025

Hoàng Dũng nói: “Em đang tiếp thu ý kiến người dùng, tiếp tục khắc phục hạn chế của sản phẩm. Em hy vọng Chatbot Happy School sẽ trở thành không gian tư vấn tâm lý, sức khỏe cho học sinh trong quá trình học tập và trưởng thành”.

Thầy Châu Cẩm Triều - dạy môn toán, chủ nhiệm lớp Sáu của Dũng - cho biết, thầy đã giới thiệu Chatbot Happy School cho nhiều học sinh lớp Chín của trường. Sau khi trải nghiệm, thầy tin sản phẩm có thể hỗ trợ phần nào về tâm lý cho các bạn trước khi bước vào kỳ thi lớp Mười.

Thầy nói thêm: “Thế hệ học sinh như Dũng được gia đình, nhà trường quan tâm đầu tư, được bồi dưỡng và phát hiện tài năng từ sớm nên chắc chắn sẽ trở thành nguồn nhân lực tốt. Cùng với sự thay đổi của phương pháp dạy học, sẽ ngày càng có nhiều nhân tài như Dũng xuất hiện”.

Khi còn học lớp Ba tại Trường tiểu học Trương Định (quận 12), Dũng đã tạo ra phần mềm tính nhẩm và tính biểu thức để hỗ trợ bạn bè học toán. Đến năm lớp Bốn, em tiếp tục tạo ra phần mềm Hành trình văn hóa di sản TPHCM, giới thiệu địa điểm lịch sử của thành phố. Trong mùa dịch COVID-19, em còn tạo ra phần mềm Điểm danh thông minh và đánh giá cảm xúc học sinh để giúp cô giáo điểm danh nhanh hơn…

Với những thành tích trong học tập, nghiên cứu sáng tạo, cuối tháng 12/2024, em là người nhỏ tuổi nhất nhận được danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2024. Mới đây, em cũng trở thành 1 trong 12 tài năng trẻ nhận được bảo trợ từ Hội đồng Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TPHCM.

Cùng được nhận bảo trợ tài năng trẻ như Cáp Hoàng Dũng, em Lê Ngọc Nam Phương - học sinh lớp Mười một, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - có sự yêu thích đặc biệt với môn sinh học và lĩnh vực STEAM. Ngay từ lớp Tám, trải qua thời gian học online do dịch COVID-19, em đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu tác động của việc học trực tuyến đối với sức khỏe học sinh và phát triển 1 cẩm nang nhằm cải thiện sức khỏe thể chất cho học sinh TPHCM”.

Đề tài đã đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Đến năm lớp Mười, em lại đạt giải Ba với đề tài “Nghiên cứu và tạo ra các giải pháp giáo dục lối sống lành mạnh cho học sinh thế hệ Z tại TPHCM”. Công trình bao gồm tập truyện tranh có nội dung về hiệu quả của những thói quen lành mạnh, hậu quả khi duy trì những thói quen xấu.

Đạt thành tích cao ở “sân chơi” quốc tế

"Nhiều năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học được tổ chức thường xuyên và bài bản, hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Để duy trì và nhân rộng thành tích đã đạt được, ngành giáo dục sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông”, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM.

Không dừng lại ở đó, Nam Phương còn tham dự nhiều cuộc thi quốc tế. Tại Indonesia International IOT Olympiad năm 2024, với dự án “Tổng hợp Nanoparticle Fe3O4 như một nền tảng cho việc vận chuyển thuốc nhằm mục tiêu nghiên cứu thành phần chất dẫn thuốc ở mức độ rất nhỏ”, em đã đạt Huy chương Bạc. Cuộc thi do Hiệp hội Các nhà khoa học trẻ tại Indonesia tổ chức để tìm kiếm những cải tiến đa dạng cho lĩnh vực “Internet vạn vật” và STEM nói chung, thu hút học sinh, sinh viên từ hàng trăm nước tham dự hằng năm.

Cũng trong năm này, Nam Phương giành huy chương Vàng cuộc thi Sáng tạo sáng chế quốc tế (iCAN) ở Canada với dự án “Ứng dụng thiên địch sâu bệnh trong kiểm soát các loại sâu hại chính trên rau quả”, khẳng định sự nhiệt huyết và khả năng sáng tạo của em cho các vấn đề toàn cầu. Cô nữ sinh Việt Nam còn đặt chân đến Đại học New York (Mỹ), tranh tài cùng nhiều thí sinh trên thế giới về kiến thức các môn khoa học và giành Huy chương Bạc môn toán International STEM - Olympiad vòng Grand Finals năm 2024.

Nam Phương ấn tượng nhất là lần qua Singapore bảo vệ dự án sử dụng màng lọc cải thiện không khí trong lớp học. Em học hỏi được rất nhiều từ những góp ý của Hội đồng giám khảo quốc tế. Đề tài sau đó được đăng trên tạp chí Q3 - nhóm tạp chí khoa học uy tín thứ ba trên thế giới.

“Với mong muốn trở thành nhà khoa học trong lĩnh vực tế bào gốc, em sẽ cố gắng để được thực tập, làm việc ở những viện nghiên cứu tế bào của các đại học lớn trên thế giới. Sau khi học hỏi, tìm hiểu công nghệ, em sẽ mang kiến thức về Việt Nam, góp phần phát triển ngành sức khỏe nước nhà” - Nam Phương tự hào nói.

Thời điểm này, Hà Nhật Bảo và Nguyễn Tấn Đức - học sinh lớp Mười một chuyên tin, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - đang tất bật chuẩn bị cho Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF 2025 diễn ra tại Mỹ vào tháng Năm. Với đề tài “Ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động, định hướng bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ”, 2 nam sinh là đại diện duy nhất của TPHCM tham gia cuộc thi năm nay.

Tấn Đức cho biết, với 3 mô hình kỹ thuật chính, người dùng chỉ cần mô tả bằng văn bản đặc điểm của bài hát muốn tạo, chưa đầy một giây, hệ thống sẽ tạo ra bản nhạc hoàn chỉnh. “Nhóm mong muốn ứng dụng AI để đưa dòng nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Đặc biệt, việc chuyển giao số là phương tiện thuận lợi để quảng bá không chỉ đến giới trẻ Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế” - Nhật Bảo chia sẻ.

Trước đó, 2 cựu học sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là Nguyễn Lê Quốc Bảo và Lê Tuấn Hy cũng đã giành giải Nhì hội thi trên năm 2024. Đây là thành tích cao nhất kể từ khi Việt Nam tham gia. Khi đó, 2 nam sinh là học sinh lớp Mười hai và đi thi với dự án “Phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa”.

Dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm hỗ trợ y bác sĩ và chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, đưa ra kết quả chẩn đoán từ hình chụp chiếu cắt lớp bằng việc tái tạo những hình ảnh 2D chuyển sang 3D mô phỏng. Qua đó dễ dàng phục vụ cho thực hành y khoa.

Trở về từ sân chơi quốc tế, 2 nam sinh cho biết sẽ tiếp tục học tập, sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà.

TPHCM có nhiều điều kiện để học sinh phát triển
Ông Phạm Thanh Yên - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - nhận định, TPHCM là một thành phố năng động, có nhiều trường đại học hàng đầu, phát triển khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế cao. Nhờ đó, việc giao lưu học thuật, văn hóa rất đa dạng, giúp học sinh không bỡ ngỡ với môi trường trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, học sinh TPHCM đi học tại các đại học trên thế giới rất thành công, không chỉ trong học thuật mà còn trong công việc. “Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, với sự quan tâm của các cấp, nhà trường và gia đình, học sinh TPHCM chắc chắn sẽ phát huy được năng lực học thuật, sáng tạo, không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và quốc tế. Đây sẽ là nền tảng để học sinh phát triển tương lai một cách thuận lợi” - ông nhấn mạnh.

Học sinh lớp Chín đạt điểm toán cao nhất thế giới
Trong kỳ thi lấy chứng chỉ Phổ thông Quốc tế Pearson Edexcel năm 2024 - cấp bởi Hội đồng Khảo thí lớn nhất Anh quốc Pearson Edexcel, học sinh TPHCM đạt được nhiều thành tích cao. 100% học sinh cấp THPT có kết quả đạt ở cả 3 môn tiếng Anh - toán - khoa học. Riêng với môn toán, 99% học sinh có kết quả đạt ở cả 3 cấp. Ở cấp THCS có 74% học sinh đạt điểm toán ở mức giỏi và xuất sắc, cao hơn hẳn so với tỉ lệ chung của học sinh toàn cầu là 49%.

Đặc biệt, có 11 học sinh có điểm thi cao nhất Việt Nam ở mỗi môn và 33 học sinh có mức điểm xuất sắc cho cả 3 môn toán, tiếng Anh và khoa học. Trong đó, Văn Hoàng Minh Anh - lớp Chín Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) - đạt điểm toán cao nhất thế giới. Hiện em là học sinh lớp Mười Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Trang Thư

Bài cuối: Kỳ vọng học sinh TPHCM được học trong môi trường hạnh phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI