Những “cái bẫy” mạo danh nghệ thuật
Nghệ thuật Việt Nam (bao gồm nhiều lĩnh vực: mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật đương đại hay phim ảnh…) đang trên đà phát triển, kéo theo đó, nhiều mô hình, tổ chức hỗ trợ ra đời với các phương thức, tiêu chí hoạt động riêng. Rất nhiều nghệ sĩ độc lập, nhà làm phim của Việt Nam, đặc biệt là các gương mặt trẻ, nhờ nhận được sự hỗ trợ đúng thời điểm của các tổ chức nghệ thuật này mà tài năng được phát lộ. Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức/vườn ươm nghệ thuật, những chương trình giảng dạy uy tín, có quy trình rõ ràng, minh bạch như Sàn Art, The Factory, các quỹ hỗ trợ nghệ thuật đương đại từ các tổ chức phi chính phủ… thì vẫn có không ít chương trình thiếu minh bạch ở khâu tổ chức hoặc vận hành.
Bài 1: Vườn ươm nghệ thuật: Cái áo quá khổ hay tổ chức “ma”?
Bài 2: Bát nháo “chợ” workshop
|
Đó là lời khẳng định của chị Lê Thiên Bảo - người sáng lập dự án Symbioses, đồng tổ chức tuần lễ nghệ thuật “Nổ Cái Bùm” tại Huế và anh Nguyễn Minh Luân - hiện là chuyên viên truyền thông, giảng viên lĩnh vực điện ảnh, tốt nghiệp chuyên ngành quản lý nghệ thuật, Đại học Macquarie, Australia, trước thực trạng các tổ chức nghệ thuật, workshop vàng thau lẫn lộn như hiện nay.
* Hiện nay có một thực trạng “loạn” workshop, những cá nhân không có chuyên môn nhưng vẫn mở lớp dạy…
- Nguyễn Minh Luân: Lẽ tất yếu, khi xã hội càng phát triển, các nhóm ngành nghề càng trở nên đa dạng hơn, kéo theo nhu cầu sở hữu kiến thức mới từ những ngành nghề mới. Việt Nam trải qua một thời kỳ tập trung phát triển kinh tế, các nhóm ngành liên quan đến xã hội, văn hóa, nghệ thuật dường như bị bỏ quên, thiếu sự cập nhật về giáo trình, về xu hướng và chưa có sự đánh giá đúng về hiệu ứng giữa kiến thức được dạy và thực tế. Điều này dẫn đến cơn “khát workshop” và “khát các khóa học ngắn” (short course) vài năm gần đây, chủ yếu thiên về các ngành nghề về marketing, phim ảnh, ngôn ngữ (IELTS, TOELF…), social media, quảng cáo…
Có cầu thì ắt có cung. Bên cạnh những người lành nghề, có chuyên môn và có khả năng truyền đạt thì cũng có không ít chuyên gia tự xưng, tự mở trung tâm, tổ chức các khóa học để “dạy nghề” cho các bạn trẻ. Nó cũng giống một thời người Việt mình tin vào cái mác “người nước ngoài” khi gửi con cho các trung tâm ngoại ngữ.
* Việc nảy nòi nhiều trung tâm nghệ thuật hay workshop như thế tác động ra sao đến sự phát triển của nghệ thuật nói chung và các nghệ sĩ nói riêng?
- Nguyễn Minh Luân: Trong PR có khái niệm tam giác luận của Aristotle. Khi tự gắn một “mác” cho mình thì người phát ngôn có khả năng chi phối người nghe bằng uy tín, vị thế xã hội. Những gì họ nói dễ trở thành chân lý, người nghe sẽ lấy đó làm kim chỉ nam cho sự nghiệp của họ. Việc tiếp xúc với những kiến thức đầu tiên bởi một người mà mình tin tưởng có tác động rất lớn đến nền tảng kiến thức sau này, nên về cơ bản, học với một người mạo danh, người học sẽ được truyền tải vốn kiến thức mang tính rủi ro rất cao.
Rủi ro về nguồn kiến thức: là kiến thức từ sách vở hay kiến thức tự đúc kết? Nếu là sách vở thì người đó có bằng cấp để chứng minh? Nếu là kiến thức tự đúc kết thì người ấy có sản phẩm gì chưa? Rủi ro về tính ứng dụng của những kiến thức đó: có áp dụng được hay không, có bền vững hay không hay chỉ tạm bợ và mì ăn liền? Rủi ro về khủng hoảng truyền thông: lỡ có vấn đề gì đó xảy ra trong lúc đang học, bị phanh phui, bị đặt dấu chấm hỏi… Có người học nào lại trả tiền để đón lấy rủi ro?
- Lê Thiên Bảo: Đúng là có những tổ chức đang “mạo danh” làm vì cộng đồng nhưng thực chất là thương mại. Đây là lúc các nghệ sĩ cần tỉnh táo hơn. Trước khi hợp tác với một bên nào, họ cần đặt câu hỏi có tính phản biện: vì sao tôi tham gia dự án/hợp tác với tổ chức này? Giá trị của nghệ sĩ và nghệ thuật của tôi là gì? Tôi muốn làm cho cộng đồng, cho bản thân hay để phục vụ thị trường? Đương nhiên, sinh viên nghệ thuật vừa ra trường sẽ khó có được cái nhìn rõ ràng như những người hoạt động lâu năm, nhưng tôi tin là nghệ sĩ có linh cảm rất tốt, luôn có sự nghi ngờ với những điều mờ ám.
* Chẳng lẽ, chỉ biết phó mặc cho quy luật thị trường, không có cách gì để “dẹp loạn” ư?
|
Chị Lê Thiên Bảo |
- Lê Thiên Bảo: Ta có quyền đưa ra những lựa chọn của mình. Nếu tổ chức đó không quan tâm đến nghệ sĩ, không quan tâm đến thực hành thể nghiệm thì chỉ được một vài lần, người này truyền miệng cho người kia, sẽ không nghệ sĩ nào nộp hồ sơ hay hợp tác với họ nữa. Việc một tổ chức uy tín và một tổ chức không uy tín hoạt động cũng giống như việc bạn đưa ra một sản phẩm tốt và một sản phẩm dở, chính cộng đồng nghệ thuật sẽ là người đánh giá. Việc ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức nghệ thuật sẽ làm phong phú thêm hệ sinh thái của nghệ thuật đương đại, tạo thành một chuỗi bổ sung cho nhau. Nghệ sĩ sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Tôi nghĩ sự đa dạng này là cần thiết; vì nếu một tổ chức tốt nhưng một mình họ đứng vị trí độc tôn quá lâu, tự nhiên sẽ sinh ra quyền lực (dù họ có muốn hay không). Vì thế, cứ để cho các không gian mở, mỗi người tự sắp xếp, nghệ thuật Việt Nam sẽ phát triển từ cả những người làm hay và những người làm chưa hay. Những tổ chức tốt cho ta kiến thức, sự thể nghiệm. Những tổ chức “ma” cho ta bài học.
Chúng ta khó có thể tiên đoán hay điều khiển sự hình thành hệ sinh thái nghệ thuật, nhưng chúng ta, đặc biệt là nghệ sĩ luôn có sự lựa chọn. Truyền thông của tổ chức nghệ thuật cần minh bạch ngay từ đầu: làm thương mại, thể nghiệm hay phi lợi nhuận… Chỉ cần mỗi người ở đúng vị trí của mình thì mọi hoạt động sẽ chạy thôi.
* Từ kinh nghiệm của anh/chị, đâu là những dấu hiệu cho thấy đó là một tổ chức uy tín, đáng tin cậy để các bạn trẻ/nghệ sĩ có thể gửi dự án xin tài trợ hoặc workshop nên theo học?
- Lê Thiên Bảo: Theo tôi, cái đầu tiên cần nhìn vào là nguồn tiền ở đâu ra? Nếu không thể kiểm tra được thì nên xem ai là người khởi xướng chương trình đó, thực hành nghệ thuật của họ ra sao, có đủ thuyết phục để đánh giá tác phẩm của bạn hay không? Hãy luôn đặt câu hỏi vì sao họ ngồi ở vị trí đó và ưu tiên của họ là gì.
Đừng nên sính ngoại. Đối với các tác phẩm nghệ thuật đương đại, dự án cộng đồng, tốt nhất phải là những người hoạt động lâu năm và thấu hiểu bối cảnh lịch sử, xã hội của địa phương thì mới có thể đánh giá chính xác được. Người nước ngoài hoạt động nghệ thuật trên 5 năm ở Việt Nam, có nghiên cứu và thực hành trực tiếp với cộng đồng này, may ra mới có khả năng xét duyệt tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam. Các giáo sư, tiến sĩ… của các trường đại học nước ngoài không có mấy liên hệ với Việt Nam, thì những ý kiến của họ chỉ mang tính tham khảo chuyên môn, về phương pháp. Họ không nên là người cầm cân nảy mực, nắm quyền quyết định trong việc tham gia xét duyệt các dự án nghệ thuật tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đương đại. Thực hành đương đại mà tách ra khỏi bối cảnh thì mất rất nhiều ý nghĩa, mà nếu đã không hiểu bối cảnh thì không nên xét duyệt tác phẩm.
-Nguyễn Minh Luân: Người học ở thời đại mới cần phải bớt háo hức với mô hình workshop và tỉnh táo hơn trước các thông tin được đưa ra. Tôi thấy nhiều người trẻ bây giờ đi dự workshop là để cho vui, có thể vì đam mê kiến thức, nhưng cũng có thể là do họ còn lạc lối và chưa biết mình thật sự cần gì ở workshop đó. Cũng cần phải phân biệt rõ các dạng thức: sharing (talk), workshop, masterclass và course. Sharing là chia sẻ, truyền cảm hứng; workshop là học trong một buổi về một khái niệm hoàn toàn mới mà mình chưa biết; masterclass là củng cố những kiến thức đã có với các chuyên gia, còn course là khóa học.
Không nên đi dự workshop nhưng lại đón nhận thuần về hướng “truyền cảm hứng”, “nghe tâm sự”, cũng như không nên bỏ tiền đi học masterclass rồi lại bảo khó hiểu. Chuẩn bị tâm thế kỹ càng, các bạn sẽ dễ nhận ra được diễn giả có đang thật sự làm đúng vai trò của mình hay không và có đang bị sai chức năng hay không. Hãy đặt nhiều câu hỏi hơn về nguồn gốc và độ tin cậy của diễn giả mà bạn chuẩn bị theo học. Và hãy hỏi bản thân mình đang thực sự cần gì, muốn gì.
* Cảm ơn anh, chị.
Hoàng Linh Lan (thực hiện)