Sở dĩ vợ chồng Hân Vũ và Lương Hồng lựa chọn Trung Đông cho hành trình của mình là bởi sự tò mò, muốn trải nghiệm một nền văn hoá hoàn toàn khác văn hoá Trung Quốc.
Phục dựng di sản và bị IS truy sát
Khi đến Iraq, cả hai đã thành công trong việc phục dựng lại thành cổ Ur. Ur là một thành phố của người Sumer thuộc Lưỡng Hà cổ đại, tồn tại vào khoảng năm 3800 trước CN và trở thành thành bang vào khoảng thế kỷ 26 trước CN. Vị trí ngày nay nằm ở Dhi Qar - miền Nam Iraq và được xem như trái tim của Iraq cổ đại.
Ur cất giấu trong lòng vô số bí mật chưa được khám phá về nền văn minh Lưỡng Hà, như câu chuyện về người ngoài hành tinh, hay sân bay đầu tiên trên thế giới từ 7000 năm trước.
Thời gian không tàn phá hủy toàn bộ Ur, nhưng chiến tranh và sự bành trướng của phiến quân IS khiến các di tích ở đây bị tàn phá nghiêm trọng.
Những dấu vết cuối cùng của Ur bị phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) đốt cháy hoàn toàn. Hân Vũ và Lương Hồng trong chuyến đi này đã mang đến Iraq bản phục dựng thành cổ Ur với công nghệ 3D laser mới nhất. Việc phục dựng này của họ được UNESCO đánh giá là một đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo tồn di sản trên toàn thế giới. Toàn bộ chi phí đều do hai vợ chồng bỏ tiền ra.
Tuy nhiên, hành động này của họ khiến IS nổi giận. Quân đội IS dán cáo thị truy nã gắt gao cả hai vợ chồng khiến Hân Vũ và Lương Hồng phải nhanh chóng cải trang và rời khỏi Dhi Qar, cắt ngắn hành trình đã định. Số liệu và kỹ thuật phục dựng cả hai đã gửi tặng lại các nhà khoa học phối hợp với họ thực hiện công trình.
Rời Iraq, cả hai đến Afghanistan, một đất nước cũng chìm trong chiến tranh nhiều năm. Dưới sự giúp đỡ của chính phủ Afghanistan, cả hai đã tìm đến được Bamiyan, nơi đã từng có những bức tượng Phật lớn nhất thế giới.
Cả Hân Vũ và Lương Hồng đều là Phật tử, nguyện vọng của họ là đến được trung tâm Phật giáo từ thời kỳ đầu Công nguyên nên Bamiyan là điểm dừng chân không thể thiếu. Hơn nữa, đây cũng là điểm nối quan trọng của con đường tơ lụa nối từ Đông sang Tây, một nơi được cho là Huyền Trang Đường Tam Tạng đã từng đi qua trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, điều đó khiến hai người Trung Quốc như Hân Vũ và Lương Hồng đầy tò mò háo hức.
Bamiyan từng có hai bức tượng Phật khắc vào núi đá từ cách đây 1500 năm. Một bức cao 53m và một bức cao 38m. Vào tháng 3/2001, bất chấp sự khuyến cáo, phản đối của quốc tế, chính quyền Taliban vẫn dùng thuốc nổ đánh sập cả hai bức tượng này.
Dự án phục dựng tượng 3D được hai người chuẩn bị từ nhiều năm trước, được UNESCO cùng chính quyền Afghanistan đồng thuận. Ngày 6/6/2015, họ mang máy chiếu và các thiết bị đến địa điểm dựng tượng Phật và thực hiện tái hiện 2 bức tượng bằng công nghệ 3D tỷ lệ 1:1.
Buổi chiếu ra mắt đã khiến những người có mặt kinh ngạc vì độ giống của bức tượng “ảo”. Hai tối 6-7/6, hai bức tượng hiện ra trong mười mấy giờ liên tục, trở thành sự kiện đáng nhớ và được truyền trực tiếp trên nhiều kênh thông tin.
Chiếc máy chiếu và các thiết bị hỗ trợ trị giá 120.000 USD cùng toàn bộ tài liệu nghiên cứu sau đó được cả hai gửi tặng lại Trung tâm văn hoá Nam Á tại Bamiyan. Cả hai cũng quyên góp cho chính phủ Afghanistan 100.000 USD để lấy kinh phí duy trì việc chiếu tượng này thường xuyên.
Nhưng một lần nữa, việc phục dựng 3D này lại khiến họ gặp nguy hiểm. Những tàn quân của Taliban dù đã không còn ở Bamiyan khi nghe thông tin trên đã vô cùng tức giận. Phía Taliban treo giải 50.000 USD cho đầu của mỗi người - Hân Vũ và Lương Hồng. Ngày thứ 2 sau buổi chiếu 3D, cả hai quyết định rời khỏi Afghanistan để đảm bảo an toàn.
Bỏ chạy và bắt đầu kế hoạch mới
Không thực hiện được các kế hoạch đề ra ban đầu ở Iraq và Afghanistan, Hân Vũ và Lương Hồng tỏ ra vô cùng nuối tiếc. Mặc dù sau đó họ tiếp tục đến một vài quốc gia Trung Đông khác nhưng án tử hình treo lơ lửng khiến họ gặp không ít trở ngại.
Một vài lần, đội của họ nhận được cảnh báo IS đang truy tìm, thậm chí đã có lần họ suýt bị bắt. Cả hai quyết định trở về Trung Quốc ở ẩn suốt 9 tháng sau đó.
Không chỉ là hai người du lịch chuyên nghiệp, hình ảnh Hân Vũ và Lương Hồng tay trong tay thực hiện vô số chuyến đi “kinh thiên động địa” đã là nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ Trung Quốc.
Đến từ một quốc gia bị coi là thụ động, không thích việc du lịch mạo hiểm, Hân Vũ và Lương Hồng đã gần như làm thay đổi quan niệm của không ít người Trung Quốc về du lịch. Trong gần 10 năm họ đã đi qua gần 200 quốc gia trên hành trình 200.000 km, bằng 5 lần vòng quanh địa cầu. Khán giả gọi họ là "cặp đôi du lịch".
Giải thưởng nhân vật gây cảm hứng, nhân vật đại diện cho tuổi trẻ của các trang mạng, các cơ quan truyền thông, các cuộc bình chọn dành cho họ không đếm xuể. Năm 2012-2013, báo chí bầu họ là Nhân vật đại diện Trung Quốc ở nước ngoài. UNESCO cũng mời họ làm đại sứ văn hoá trong các chiến dịch tuyên truyền bảo tồn của mình.
Có một lần Hân Vũ bị tai nạn, gãy tay. Khu vực đó không có bệnh viện, họ chỉ cố định vết thương sơ sài rồi chuyển lên thành phố. Hân Vũ hỏi vợ: "Nếu anh bị tàn phế em còn cần anh không". Lương Hồng không do dự trả lời: "Cần". Khi nổi tiếng, người hâm mộ hỏi Lương Hồng: "Đi theo chồng như thế có bao giờ cô nghĩ sẽ bỏ cuộc không?", Hồng hỏi lại: "Sao lại phải bỏ cuộc?".
Nhiều người luôn băn khoăn họ lấy đâu dũng khí để thực hiện những hành trình độc nhất vô nhị như vậy, nhưng họ bảo tất cả đều không khó, "nghĩ thông suốt là đi thôi". "Người ta nói tôi kiên cường, nhưng người ta không nghĩ rằng lúc nào Hân Vũ cũng ở bên cạnh tôi, đó là điều quan trọng nhất", Lương Hồng chia sẻ.
Cô vốn không mang nhiều mơ mộng, nhưng cô đi theo giấc mơ của Hân Vũ: "Anh ấy là thần tượng của tôi. Anh ấy thông minh, độc lập, suy nghĩ độc đáo, luôn mang đến cuộc sống tươi mới, tại sao tôi phải từ bỏ". Hân Vũ cũng thừa nhận trong cuộc sống vợ anh luôn nhường nhịn và nghe theo chồng. Nhưng anh khẳng định, nếu nói tình yêu đích thực, thì anh chỉ có mình Lương Hồng.
Đầu năm 2017, cả hai lại tiếp tục chuẩn bị hành trình mới. Đó là hành trình khép lại show truyền hình thực tế của họ trên mạng Youku. Lần này họ thử sức với khinh khí cầu vòng quanh thế giới. Xuất phát từ Trung Quốc, cả hai bay vòng quanh xích đạo 2 lần, qua Nam Bắc bán cầu, vượt qua ba đại dương rồi trở về Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu có người dùng khinh khí cầu đi theo hành trình này.
Hân Vũ nói sau chuyến đi này, họ tính đến kế hoạch sinh con. Anh muốn có nhiều con, bất chấp lệnh hạn chế của Trung Quốc: "Phạt cũng sẽ sinh nhiều con. Con trai tôi sẽ đưa đi châu Phi, con gái sẽ đưa đi châu Âu".
Họ cũng đang tìm thêm bạn đồng hành, đích sắp tới sẽ là Nam Phi, Madagasca, Đông Nam Á... "70 tuổi chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Hành trình của chúng tôi điên rồ nhưng đặc biệt, liều lĩnh, kích động nhưng đã. Không thể dừng lại được đâu", Hân Vũ nói.
Mai Nguyên (tổng hợp)