Nữ công nhân giữa vòng vây COVID-19

Bài 3: Gian nan chuyện học của con giữa thời dịch bệnh

17/12/2021 - 07:30

PNO - Lương thấp nhưng phải lo đủ loại chi phí đắt đỏ, công việc và thu nhập trong các tháng giãn cách xã hội lại bấp bênh khiến công nhân khó lòng sắm được phương tiện để con học trực tuyến (online).

3 trò học chung 1 chiếc điện thoại

9g10, bé Trọng (bảy tuổi) vừa gặm bánh bao, vừa dán mắt vào màn hình ti vi. Ngồi phía sau lưng em, Băng - 18 tuổi, học sinh lớp 11, Trường THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM) - chăm chú vào chiếc điện thoại Samsung đời cũ. Vốn đã đẹt hơn bạn bè cùng lứa, dáng ngồi thu lu cùng chiếc chăn trùm kín nửa người khiến Băng càng mỏng manh, yếu ớt hơn. 

Góc học tập của Băng và Trọng là chiếc bàn nhỏ xíu đặt trên giường ngủ của hai chị em
Góc học tập của Băng và Trọng là chiếc bàn nhỏ xíu đặt trên giường ngủ của hai chị em

Tôi gợi chuyện học hành, Trọng không trả lời, đôi mắt vẫn dán chặt vào màn hình ti vi. Thấy hai đứa cháu không quan tâm đến người lạ, bà Bông nói lớn: “Hugo (tên ở nhà của Băng), trả lời cô đi chớ”. Lúc này, Băng mới ngẩng đầu lên: “9g nó mới học”. “Giờ này hơn 9g rồi kìa, không vô lớp mà không bị cô giáo la hả?” - tôi ngạc nhiên. Băng nhìn đồng hồ rồi chợt tỉnh, nhắc em: “Ăn nhanh lên rồi học”.

Trọng ngưng ăn, đóng hộp bánh bao lại dù chỉ còn một mẩu nhỏ, đứng dậy, tiến đến phía cửa sổ, bê cái bàn gỗ rộng gấp đôi cái ghế đẩu xuống ngồi kế bên chị gái. Thằng bé không biết mình sẽ học môn gì, nên ôm cả chồng năm quyển sách giáo khoa đặt lên mặt bàn. Băng thò tay vô góc tường, lấy một chiếc điện thoại khác đang sạc pin, mở lên cho em. 

Lớp học trực tuyến đang giữa chừng bài tập đọc. Băng thả hết những quyển sách khác xuống dưới sàn nhà rồi mở quyển sách tiếng Việt ra. Quyển sách chiếm hết 2/3 mặt bàn. Chiếc điện thoại mà Trọng đang học được mẹ mượn của người hàng xóm về sạc pin từ lúc sáng, trước khi đi làm, còn điện thoại Băng đang dùng là của mẹ để lại. Lỡ có chuyện gì cần liên lạc với mẹ, em làm sao? Băng đáp: “Dạ, em gọi cho dì, làm chung với mẹ”.

Cha của Băng và Trọng làm phụ hồ, có khi đi cả tháng, có khi nghỉ liên tục cả tuần nếu không có công trình. Mẹ của hai bé làm công nhân cho một công ty may mặc ở huyện Nhà Bè, có hôm làm hai ca, đến 20g30 mới về đến nhà. Trước dịch, khi trường học còn mở cửa, Trọng quá giang một người trong xóm có con học cùng trường, còn Băng lội bộ mấy trăm mét ra đầu đường đón xe buýt.

Căn phòng trọ của gia đình họ chỉ độ 15m2 nhưng trống trơn, nằm ngay mé rạch Ông Lớn. Theo lời bà Bông - bà nội hai đứa trẻ - trước đó, con trai bà - anh Huỳnh Tấn Đức, 45 tuổi - chịu khó làm ăn và cũng có nhà cửa đàng hoàng. Nhưng năm lên tám tuổi, Băng bất ngờ phát bệnh. Bà không nhớ rõ bệnh gì nhưng nó ảnh hưởng đến trí não lẫn thể chất, khiến cháu gái bà “khờ khờ, đẹt nhom”.

Cứ dăm bữa nửa tháng, anh Đức lại đưa con đi bệnh viện. Đứa lớn chưa yên thì đứa nhỏ chào đời, trăm thứ tiền đổ lên đầu buộc anh phải bán căn nhà ở ngoài mặt tiền hẻm rồi lui về phía sau thuê phòng trọ ngay sát bờ rạch, cách căn nhà cũ chừng chục mét. 

Sợ con té xuống nước, anh Đức cẩn thận dùng tôn chắn ngang lối xuống rạch, chỉ mở một lối đi nhỏ ở vị trí chếch nhà để mỗi chiều đi làm về, tranh thủ ra rạch thả lưới kiếm cá cho bữa cơm gia đình. Bà Bông nói, nay nhìn con cá rô phi là bà sợ, vì suốt bốn tháng nay, cả nhà không có gì ăn ngoài cá phi: “Mà nói đi phải nói lại, cũng nhờ con rạch nuôi sống cả khu trọ này qua đợt dịch”.

Trọng học xong, trả điện thoại cho anh Lợi - 39 tuổi, ở cùng khu trọ - để hai đứa con gái của anh (lớp Bảy và lớp Hai) học online vào buổi chiều bởi vợ chồng anh cũng chỉ có một chiếc điện thoại này. Là công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, hơn một năm nay, anh Lợi thất nghiệp do nhà máy ngưng hoạt động. Cả nhà điêu đứng suốt mùa dịch vì không làm ra đồng nào.

May mắn, đầu tháng rồi, vợ anh bắt đầu đi làm lại, còn anh vẫn chưa tìm được việc mới nên ở nhà, ai kêu gì làm đó, không có việc gì thì lội xuống rạch câu cá. Hôm nào câu được, anh bán lại cho những người ở xóm ngoài, kiếm vài chục đến hơn trăm ngàn đồng. Anh Lợi tâm sự: “Cũng may là đợt này tụi nhỏ học online, không tốn tiền trường, chứ không thì mỗi tháng tốn gần 4 triệu đồng, cũng chết dở”. 

Xóm trọ là nhà trẻ

Không được ở gần con như anh Đức, anh Lợi, nhiều gia đình công nhân phải bấm bụng gửi con về quê cho ông bà, người thân chăm sóc. Gần bốn năm trước, vừa sinh đứa con thứ hai được sáu tháng, cả gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (25 tuổi) dắt díu nhau rời Thanh Hóa vào TPHCM với ước mong đổi đời. Chồng làm tài xế taxi cho hãng Mai Linh, chị Thảo xin được việc ở một phân xưởng nhỏ làm lông mi thủ công gần Khu chế xuất Tân Thuận với mức lương thử việc 4,4 triệu đồng/tháng. 

Vợ chồng chị thuê một phòng trọ giá 2 triệu đồng/tháng trong khu trọ 130 phòng trên đường Gò Ô Môi, quận 7 để tiện đi làm. Mức lương eo hẹp của hai người không đủ để chi tiêu cho gia đình bốn người, trong đó nặng nhất là chi phí học hành, nhà trẻ của hai đứa con. Cố lèo lái nhưng không kham nổi nên trong lần về quê vào tết năm ngoái, vợ chồng chị quyết định gửi đứa con nhỏ vừa tròn hai tuổi cho ông bà ở quê chăm sóc.

Trở vào TPHCM sau tết, chưa làm được mấy tháng thì đợt dịch thứ tư bùng phát, các hãng taxi không được chở khách, công ty nhỏ của chị Thảo cũng phải ngưng hoạt động. Vợ chồng chị Thảo phải sống lay lắt bằng mấy triệu đồng do cha mẹ ở quê gửi vào. Khi TPHCM gỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội từ đầu tháng Mười, vợ chồng chị Thảo rất mừng vì có thể quay trở lại công việc, nhưng không biết gửi đứa con năm tuổi cho ai khi trường học chưa mở cửa. Cuối cùng, chồng chị Thảo phải vừa làm việc, vừa giữ con, lúc nào kẹt quá thì đành cho con ở nhà một mình, nhờ hàng xóm ngó chừng.

Tương tự, khi cơ sở hoạt động trở lại, chị Thu Dung (35 tuổi) đành để con cho cả xóm trọ xung quanh trông chừng giùm. Sau tết Tân Sửu, vợ chồng chị đến TPHCM lập nghiệp, gửi đứa con bảy tuổi cho người thân ở quê. Bé nhỏ hai tuổi được chị gửi ở một trường mầm non tư thục gần nhà, có chi phí rẻ nhất huyện Nhà Bè. Thế nhưng, chi phí ấy cũng ngốn hết một nửa thu nhập hằng tháng của chị. Vào Sài Gòn được chín tháng thì hết năm tháng ngồi không, nên khi công ty hoạt động trở lại, chị không thể tiếp tục ở nhà trông con dù không tìm được nơi gửi bé. 

Xóm trọ thương, thay nhau trông con giúp để chị Dung đi làm. Thế là, con chị phải di chuyển lòng vòng trong hẻm, ăn cơm ở phòng này, ngủ ở phòng kia vì không có hàng xóm nào rảnh rỗi cả ngày để chăm bé. Hỏi chị có yên tâm không, chị nói: “Bắt buộc phải yên tâm thôi, vì còn cách nào khác đâu”. 

Quan tâm giáo dục mầm non ở địa bàn có đông công nhân

Ngày 2/11, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 105/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM.

Trong kế hoạch này, UBND TPHCM giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND trình HĐND TPHCM xem xét và quyết định chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động; chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển giáo dục mầm non; chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp. 

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2020, cả nước có hơn 6.000 cơ sở giáo dục mầm non ở những địa bàn có khu công nghiệp. Tuy nhiên, trường mầm non công lập ở địa bàn có khu công nghiệp chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu gửi trẻ; 55,6% trẻ trong độ tuổi mầm non phải vào các nhóm lớp tư thục. Trong khi đó, nhiều nhóm lớp mầm non tư thục thiếu điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là nguy cơ trẻ có thể bị bạo hành do phần lớn người chăm sóc trẻ tại các cơ sở này chưa qua đào tạo.

Tại TPHCM, theo một khảo sát gần đây, số trường mầm non công lập chỉ đáp ứng 15% nhu cầu, 85% còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Một bất cập khác là thời gian trông giữ trẻ của các trường mầm non công lập luôn không khớp với thời gian làm việc của cha mẹ trẻ. Công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất thường xuyên phải làm việc đến 19g, làm việc theo ca vào cuối tuần nhưng các trường mầm non công lập chỉ nhận giữ trẻ đến 17g30 các ngày trong tuần và không nhận giữ trẻ vào cuối tuần và dịp nghỉ hè.

Sơn Vinh

Thu Lê

Kỳ tới: Cải thiện chỗ ở, kết nối việc làm, tạo sân chơi cho công nhân


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI