Đến bây giờ, mặc dù chính phủ Trung Quốc nỗ lực rất nhiều, tình trạng di dân vẫn diễn ra ngày càng mạnh.
Từ những cuộc ra đi của người nổi tiếng
Mở đầu cho trào lưu nhập tịch nước ngoài phải kể đến những doanh nhân thành đạt của đất nước 1,3 tỷ dân. Không thể không nhắc tới Trương Lan, người phụ nữ sáng lập nên hệ thống nhà hàng cao cấp South Beauty, 1 trong 3 thương hiệu nhà hàng lớn nhất Trung Quốc.
|
Bà Trương Lan cùng con trai. |
Hiện tại, bà được biết đến nhiều hơn trên báo chí với tư cách là mẹ ruột Uông Phi, và mẹ chồng của ngôi sao Vườn sao băng (bản tiếng Trung) Từ Hy Viên.
Mặc dù kinh doanh của Trương Lan những năm qua không thuận lợi nhưng trong giới doanh nhân, người phụ nữ này vẫn là một tấm gương thành đạt điển hình.
Trương Lan thuộc thế hệ học sinh Trung Quốc đầu tiên ra nước ngoài du học kể từ sau cải cách mở cửa. Bà đã từng được chào đón như nhân tài ‘hải quy’ hiếm hoi trở về gây dựng sự nghiệp trong nước.
Nhưng cũng ít người biết, chính những năm tháng đó, Trương Lan cũng là người thuộc thế hệ đầu tiên trong làn sóng định cư của người Trung Quốc. Để South Beauty có thể gia nhập thị trường chứng khoán, Trương Lan xin nhập quốc tịch Saint Kitts and Nevis - một quốc gia nằm giữa biển Atlantic và Carribe.
Người thứ 2 có thể kể đến là Thi Chính Vinh, CEO của tập đoàn Suntech - từng được xem là người giàu nhất Trung Quốc, cũng là nhân vật đi đầu trong phát triển năng lượng mặt trời ở quốc gia này.
Suntech cũng là tập đoàn đầu trên của Trung Quốc đầu tư thành công ở Mỹ. Thi Chính Vinh cũng là điển hình của làn sóng định cư du học, sau khi tốt nghiệp tại Australia thì đổi quốc tịch sang đây luôn.
|
Diễn viên gạo cội Trương Thiết Lâm, chuyên đóng vai Càn Long, cũng xuất ngoại, đổi quốc tịch. |
Thi Chính Vinh cũng là một ‘hải âu’ (người ra nước ngoài rồi quay về Trung Quốc phát triển sự nghiệp), vừa có quốc tịch Australia, vừa được phục hồi quốc tịch Trung Quốc năm 2006.
Hay Đoạn Vĩnh Bình, người đứng sau 2 thương hiệu điện thoại nổi tiếng là OPPO và Vivo cũng đã định cư tại Mỹ từ năm 2001.
Ngoài ra còn hàng loạt các ngôi sao giải trí cũng lần lượt mang quốc tịch khác vì nhiều lý do. Củng Lợi, Tư Cầm Cao Oa, Trương Thiết Lâm, Ninh Tịnh… đến các ngôi sao trẻ như Phan Vỹ Bá, Lưu Diệc Phi cũng lần lượt nhập tịch các quốc gia khác.
Việc ‘thà bị công chúng mắng nhưng vẫn quyết bỏ quốc tịch Trung Quốc’ không còn lạ với các ngôi sao. Một mặt họ vẫn không muốn bỏ khán giả ở thị trường đông dân nhất thế giới, mặt khác quốc tịch Trung Quốc không còn hấp dẫn họ nữa.
Cách dễ nhất để nhập cư: Kết hôn giả và đầu tư
Trang mạng Sohu cho biết, hai kiểu định cư phổ biến nhất là kết hôn với người bản địa và đầu tư định cư. Dễ nhất và tỷ lệ thành công cao nhất vẫn là kết hôn với người bản địa để có quốc tịch.
Trào lưu kết hôn giả khiến nhiều cơ quan giám sát các nước sở tại đau đầu, bởi thực tế để phát hiện ra đâu là kết hôn giả rất khó, chủ yếu do chủ quan của phía chính quyền sở tại.
Tại Canada từ năm 2011 đến 2015, mặc dù điều tra gắt gao cũng chỉ phát hiện có 144 trường hợp có nghi vấn giả kết hôn, nhưng khi tiến hành đối chất thì 130 trường hợp trong số đó không đủ cơ sở chứng minh là giả.
Cục Di dân đề nghị khởi tố 10 người thì cũng chí có 6 người thừa nhận. Bởi vậy chính quyền sở tại chỉ có thể áp dụng giải pháp thấy nghi ngờ là từ chối.
Năm 2015, Canada đã từ chối 2288 hồ sơ người Trung Quốc xin nhập cư vì lý do kết hôn với công dân Canada. Tình trạng này thậm chí còn dấy lên sự lo ngại rằng có thể nước này sẽ đuổi kịp Ấn Độ về nạn kết hôn giả.
Nhiều năm qua, Ấn Độ vẫn chiếm đầu bảng về tỷ lệ kết hôn giả để nhập cư. Trong số hồ sơ xin đoàn tụ gia đình của người Ấn Độ có tới 36% hồ sơ bị phát hiện là giả. Bởi vậy mà càng ngày các nước càng xiết chặt việc thẩm định.
Như tại Mỹ, với các hồ sơ của người Trung Quốc, nếu có dấu hiệu kết hôn giả hoặc chỉ đơn thuần xin định cư theo diện kết hôn mà không có các điều kiện kèm theo thì sẽ bị từ chối ngay lập tức, kéo theo đó là những người liên quan như bố mẹ, anh chị em, chồng/ vợ sau này của người này cũng bị từ chối.
Phải đến Mỹ để đẻ
Một cách mà hiện nay nhiều phụ nữ áp dụng là tìm cách đến Mỹ sinh con. Sohu từng hài hước ví von rằng: Nếu ngày nào ra đường ở Mỹ mà không gặp phụ nữ Trung Quốc đang mang bầu thì đó là chuyện lạ.
Không ai có thể xác định có bao nhiêu đứa trẻ Trung Quốc ra đời ở Mỹ theo hình thức ‘du lịch sinh con’. Ở California người ta ước tính có khoảng 20.000 bà mẹ Trung Quốc đã sinh con ở Mỹ năm 2012, và con số tương tự vào năm 2013.
Đầu tư định cư là một giải pháp được nhiều người Trung Quốc tầng lớp trung lưu theo đuổi. Luật đầu tư Mỹ quy định, chỉ cần có thể đầu tư 1 triệu USD vào một hạng mục nào ở Mỹ, nếu là ở các nơi vùng xa xôi hoặc hạng mục có tính chất mạo hiểm cao chỉ cần 500 ngàn là cả gia đình có thể có được thẻ xanh.
BOX: Tỷ lệ người Trung Quốc nhận thẻ xanh theo chương trình EB-5 này chiếm tới 84% tổng hồ sơ xin định cư.
Con số tăng chóng mặt vì nếu như từ 1992-2014, Trung Quốc có khoảng 13.392 gia đình vào Mỹ với visa EB-5 thì riêng năm 2016, 13.000 gia đình Trung Quốc đến Mỹ theo visa này, gần bằng cả 20 năm cộng lại, tỷ lệ đứng đầu thế giới.
‘Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc di dân này ảnh hưởng lớn tới kinh tế Trung Quốc. Người di cư chủ yếu có mấy loại: giàu có, có kiến thức… Điều này có thể ‘khoét rỗng’ Trung Quốc.
Ngoài tiền, nhân tài cũng đi ra nước ngoài hết. Những người còn ở lại cũng dao động’, tờ Tài kinh nhận định.
Mai Nguyên
Bài 4: Hộ chiếu Trung Quốc không đủ sức níu chân người ở lại