LTS: Từ cuối năm 2020, Bộ Nội vụ bắt đầu lấy ý kiến về đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”. Theo đó, việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu đột phá trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Trước khi có đề án, công tác thu hút, đào tạo nhân tài cũng đã được nhiều tỉnh, thành thực hiện; trong đó, TP. Đà Nẵng và TPHCM là hai trong năm tỉnh, thành được Bộ Nội vụ khảo sát về thực tiễn để làm cơ sở “định lượng và định tính” về nhân tài…
Bài 1: Những đổi thay ở thành phố “đầu tàu miền Trung”
Bài 2: Những giải pháp đột phá xây dựng đội ngũ lãnh đạo tương lai của TPHCM
|
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM xung quanh vấn đề thu hút nhân tài ở TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy - giảng viên cao cấp Học viện Cán bộ TPHCM - nêu lên thực trạng:
- Muốn người có trình độ tham gia vào bộ máy thì phải tuyển dụng kèm những ưu đãi để người ta cảm thấy yên tâm. Từ trước đến nay, chính quyền TPHCM luôn có một số ưu đãi. Lực lượng tham gia vào khu vực nhà nước như công chức, viên chức hiện nay nhiều, nhưng những người thật sự cần thiết cho công việc mong muốn lại thiếu.
Phóng viên: Nhu cầu thu hút người tài trong khu vực nhà nước dường như “chưa gặp” được nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về, phải không thưa ông?
Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy: Bộ máy công mà hứng thú với đội ngũ đi học từ nước ngoài về là điều rất tích cực. Nhưng tôi thấy có gì đó vẫn chưa thông ở chỗ này. Một số người từ nước ngoài về không được tận dụng. Có người cho rằng, khi được tuyển dụng vào các đơn vị thì không được lãnh đạo phân công vào vị trí đúng sở trường. Dường như vẫn có vấn đề gì đó về quan hệ cá nhân, cũng như lấn cấn gì đó trong chuyện sắp xếp công việc giữa những người lao động với nhau trong cơ quan nhà nước. Theo tôi, người đứng đầu phải mạnh mẽ, quyết đoán để sử dụng tốt người tài.
* Dường như đang có quá nhiều rào cản trong việc sử dụng người tài ở cơ quan nhà nước?
- Tôi cũng có cảm giác như thế. Vừa rồi, trong tham luận về đổi mới cơ chế quản lý thành phố, tôi có đề nghị giao quyền mạnh hơn nữa cho người đứng đầu các đơn vị để họ tự tuyển dụng, tự chịu trách nhiệm. Các đơn vị tổ chức thi tuyển trong khu vực nhà nước hiện nay toàn thi lý thuyết. Lý thuyết đầu vào ổn nhưng người đứng đầu không có cơ hội để kiểm chứng tay nghề. Lỡ mà bổ nhiệm vào thì hết đường.
* Ông đánh giá thế nào về việc thu hút nhân lực chất lượng cao, nhân tài của TPHCM trong những năm qua?
- TPHCM đã có nhiều động thái tích cực trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao và nhân tài về làm việc. Chính quyền thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thu hút chuyên gia, nhà khoa học ở 14 vị trí với những ưu đãi cụ thể. Theo kế hoạch này, nhân sự chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn quy định sẽ được hưởng các chế độ tốt về lương, thưởng và các khoản ưu đãi khác. Điều này cho thấy, lãnh đạo thành phố có thiện chí cầu tài để tăng thêm sức mạnh trí tuệ phát triển thành phố.
UBND TPHCM cũng đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo tìm cách tăng nguồn đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng các nhân sự có chất lượng để tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đề án thành phố thông minh. Tất cả cho thấy lãnh đạo TPHCM rất quyết tâm và nhất quán theo đuổi chương trình thu hút nhân lực chất lượng cao.
|
Lao động chất lượng cao làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM |
* Vướng mắc lớn nhất khiến những nhân sự có năng lực chuyên môn được đào tạo bài bản từ môi trường quốc tế e ngại vào làm việc ở khu vực nhà nước là gì, thưa ông?
- Theo tôi, việc gì cũng có khó khăn của nó. Vẫn còn những rào cản hữu hình hay vô hình trong việc thu hút và tuyển dụng người tài ở TPHCM. Ai cũng muốn được ưu đãi, được trả công xứng đáng với năng lực và giá trị cống hiến của mình và ai cũng muốn được nhiều tiền nhưng những người có trình độ cao không phải lúc nào cũng tuyệt đối hóa điều đó.
Nhiều người đã rời bỏ khu vực công để đầu quân cho nơi khác với thu nhập có khi không bằng, nhưng họ cảm thấy được thoải mái và tự do sáng tạo trong công việc. Dĩ nhiên, người lao động phải làm việc theo luật nhưng ở một số cơ quan nhà nước, những ràng buộc giấy tờ hành chính không cần thiết đã khiến một số nản lòng, cảm thấy mệt mỏi với các thủ tục nặng tính hình thức.
Ở một khía cạnh khác, tư duy của lãnh đạo thành phố rất minh bạch và cầu thị nhưng cũng còn một số lãnh đạo đơn vị chưa thật sự “tin dùng” người tài vì nhiều lý do. Từ đó, có sự phân công không phù hợp và làm cho người lao động phải quên đi sự sáng tạo. Chính những dấu hiệu đó có thể trở thành một “kinh nghiệm về các rào cản”.
Do đó, một số nhân sự chất lượng cao phải cân nhắc rất kỹ trước khi ký hợp đồng với cơ quan nhà nước. Bây giờ, người lao động chất lượng cao và người thực tài đang có rất nhiều lựa chọn để có chỗ làm phù hợp, nên nhà nước cũng phải tham gia vào cuộc cạnh tranh với khối ngoài nhà nước.
Hiện vẫn chưa có những cam kết rõ ràng đối với người lao động có trình độ cao, dẫn đến sự e ngại cho cả hai phía. Tức là, phía tuyển dụng vẫn thiếu tác phong làm việc chuyên nghiệp. Một thực tế nữa là, lãnh đạo đơn vị vẫn muốn nhân lực chất lượng cao là người thừa hành ngoan ngoãn, nhưng vẫn yêu cầu họ phải có những sản phẩm tốt với tư duy không ngừng sáng tạo.
* Ông có thể đưa ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để TPHCM có thể trở thành điểm đến đáng mơ ước của lực lượng lao động chất lượng cao? Và làm thế nào để giữ chân các nhân tài?
- Trong cuộc làm việc với Sở Nội vụ TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có những chỉ đạo hết sức linh hoạt, thực tế và đầy trách nhiệm. Ông tâm huyết với ý tưởng cơ quan nhà nước có thể thuê các giám đốc doanh nghiệp để quản trị tốt hơn, chất lượng hơn không. Với ý tưởng này, việc đẩy mạnh tinh thần tự chủ trong tuyển dụng nhân tài trên cơ sở các nguyên tắc chung là rất cần thiết.
Theo đó, người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp trên về kết quả tuyển dụng và cả kết quả sử dụng nhân sự đã tuyển. Đương nhiên, phải có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh. Lãnh đạo đơn vị nhà nước mà quản lý như một nhà quản trị doanh nghiệp thì việc thu hút nhân tài và nhân lực chất lượng cao có thể thực hiện tốt và mang lại hiệu quả cao cho sự phát triển của thành phố.
* Xin cảm ơn ông!
(còn nữa)
Luôn thiếu nhân lực nghiên cứu, sáng tạo
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, lâu nay, ta luôn nói rằng thiếu nhân lực chất lượng cao cho phát triển rồi từ đó đẩy mạnh đào tạo bằng cách đầu tư, mở rộng các trường đại học, cao đẳng nghề. Về mặt phát triển giáo dục, không thể phủ nhận đó là dấu hiệu tiến lên, nhưng nếu cho rằng giáo dục là “chìa khóa” giải quyết bài toán thiếu nhân lực, coi chừng chưa đúng. Nhân lực mà chúng ta luôn thiếu là nhân lực sáng tạo, nghiên cứu.
Theo ông, nhân lực chất lượng cao có thể đến từ môi trường sáng tạo như Thung lũng công nghệ Silicon (Mỹ). Sinh viên ra trường không cần phải giỏi, mà cần được vào vùng nghiên cứu. Họ là người thông minh và đã học lý thuyết ở trường đại học trong nước là đủ. Lý thuyết của ta không thua gì các nước.
Trường đại học chỉ cần trang bị chắc về lý thuyết cơ bản và cần sinh viên có tư duy thôi. Môi trường làm việc sáng tạo mới là điều cần thiết. Môi trường đó có thể có được nếu họ ra nước ngoài làm việc và khi có cơ hội thì quay về. Điều kiện còn lại là khi trả đúng mức lương cho lao động sáng tạo, không những đơn vị trong nước tuyển được các chuyên viên người Việt ở nước ngoài về, mà còn cả người Mỹ, Nhật, châu Âu… cũng đến.
“Như vậy, chính môi trường làm việc sáng tạo là cánh tay nối dài của đào tạo. Nhiều sinh viên tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TPHCM đã đi vào những tổ chức lớn trên thế giới làm việc bình thường. Vấn đề là chúng ta không nên dồn quá nhiều tiền vào đào tạo trên diện rộng mà lại ít thực chất, gây lãng phí. Nhà nước có trách nhiệm tạo dựng và bảo đảm môi trường cạnh tranh cho việc sử dụng lao động” - ông Đinh Thế Hiển nói.
|
Quốc Ngọc (thực hiện)