Ngày đầu tiên mời chị về nhà trọ ăn cơm, anh đãi chị món cá lòng tong kho tiêu cháy khét và bát canh chua cá rô nêm quá nhiều bột ngọt. Vậy mà, họ vẫn ăn lấy ăn để; ngon không phải vì vị mà bởi tình đong đầy.
|
"Mình đến với nhau, nương tựa nhau em ha”. |
Từ bé, di chứng của bệnh sốt bại liệt đã cướp mất đôi chân của anh Nguyễn Minh Cảnh (sinh năm 1984, quê ở tỉnh Đồng Tháp). Những tưởng chỉ có mình khổ; nhưng gặp cảnh chị Trần Thị Chả (sinh năm 1979, quê ở tỉnh An Giang) hồi đó nặng chỉ 35kg, gầy đét, mù lòa, mò mẫm từng bước đi bán vé số ở một bến phà thuộc huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), anh cảm phục ý chí, mời vào uống nước rồi anh chị quen nhau.
Sau chừng nửa năm qua lại, anh Cảnh và chị Chả chính thức dọn về ở với nhau như vợ chồng, không cưới hỏi. Đáng buồn hơn là quan hệ của họ vấp phải sự phản đối của đôi bên gia đình. Mẹ anh than, chồng què, vợ mù, sống với nhau rồi sẽ ra sao. Anh chỉ biết cười trừ, bởi cái duyên cái số, biết sao giờ. Tới nay, họ đã bên nhau được 15 năm. Cậu con trai tên Nhất Minh hiện đang học lớp Một.
“Con dễ thương lắm em ơi”
Chồng bị khuyết tật vận động, vợ bị mù, lại chuyển dạ trong đêm, anh sẽ đưa vợ đi sinh như thế nào? Nếu không nghe người thật việc thật kể lại, có khi ta nghĩ, tình huống nan giải đó chỉ có trong phim. “Nghèo mà. Cả đời làm gì có tiền tới bệnh viện, nên bệnh viện nằm chỗ nào cũng có biết đâu. Bữa đó, vợ lên cơn đau bụng dữ dội. Hai vợ chồng sợ quá nên cứ lên xe đi đại, hỏi búa xua đường tới đó. Tới nơi, thấy vợ chồng tui hoàn cảnh quá, mấy cô y tá đỡ giùm vợ xuống, rồi chuyển lên lầu luôn. Tui nằm trên chiếc ghế dài bên dưới, lăn qua lăn lại không ngủ được, vì sốt ruột”, anh Cảnh nhớ lại.
Rồi hạnh phúc vỡ òa khi đứa con trai được sinh ra khỏe mạnh, lành lặn. Lúc bác sĩ thông báo vợ tròn con vuông, rồi lúc ôm con trên tay, anh chỉ biết khóc. Anh ghé tai vợ, nói: “Con mình dễ thương lắm em ơi”. Chi tiết nhỏ kể lại cũng đủ khiến cả vợ cả chồng rơm rớm nước mắt, như thể cảm xúc, khung cảnh đó đang ở ngay trước mặt họ.
Hỏi chị, lúc đó chị nghĩ gì. Trước mắt chị, chỉ có một màu tối đặc vây quanh, nhưng lồng ngực chị đập thình thịch liên hồi. Sinh xong, câu đầu tiên chị hỏi y tá là: “Con em giống cha hay giống mẹ?”. Lúc biết con giống cha, chị mới cười nhẹ nhõm. Sau này, thỉnh thoảng chị vẫn mân mê cằm của Nhất Minh. “Cằm chẻ giống cha nó thiệt”, chị kể mà đâu hay anh đang ngồi gần đó.
|
Vợ chồng chỉ mong lo cho con được học hành đến nơi, đến chốn để có cuộc sống tốt hơn cha mẹ. |
Vợ chồng tay ấp má kề cùng nhau vượt qua bao nhiêu ngày bĩ cực mà vợ không thể nào biết mặt chồng. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, sinh con ra mà mẹ không biết mặt con. Lắm khi nghĩ, thương vợ, thương con, thương mình xót xa. Thỉnh thoảng, những lúc rảnh, anh lại ngồi... mơ. Nếu ông trời chịu lấy một con mắt của anh để chia cho vợ, để vợ chồng được nhìn thấy nhau, anh cũng xin nguyện lòng. Nhưng biết làm sao được. Còn chị khao khát, dẫu một lần trong cuộc đời này, có một phép mầu xảy đến, cho chị được nhìn thấy mặt anh, mặt con. Điều tò mò ấy vẫn đôi lúc gợn lên đầy tuyệt vọng trong lòng người đàn bà sắp bước sang tuổi 40 này.
Khát vọng ngược phía mặt trời
Trong câu chuyện họ kể, có không ít chuyện buồn khổ, nỗi mất mát. Nhưng tuyệt nhiên không hề nghe họ than thân trách phận. Họ khóc đó, cười đó, rồi hy vọng cũng ngay đó. Bao trùm lên tất cả là cái tình của con người dành cho nhau. Nghĩa vợ chồng là nghĩa phu thê, nhưng với anh Cảnh, chị Chả, có lẽ còn hơn thế. Họ ngồi cạnh nhau, cúi xuống thật gần, nhưng trong tan hoang của số phận, một bóng mát che ngang phận đời cũng không có cơ hội được thấy. Song nhờ trái tim soi tỏ, đưa đường dẫn lối, họ đã vượt qua mặc cảm, thụ hưởng sâu sắc hạnh phúc quý giá của mình. Điều anh nói, cũng tựa như một câu thơ: “Trong u ám, đôi mắt em là bài hát”.
|
Liệt 2 chân nhưng anh vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình. |
Để có thêm chút đỉnh tiền lo cho vợ con, anh chạy xe ba bánh khắp nơi: Cần Thơ, Đồng Tháp… đủ hết. Chị mò mẫm dò đường đi bán từng tờ vé số. Hôm nào nghỉ học, con trai sẽ là “mắt” của mẹ, dẫn mẹ đi. Ngày lời nhất, cả nhà kiếm được vài ba trăm ngàn. Trừ tiền xăng xe của anh, tiền học của con, tiền chợ, tiền nhà… còn dư khoảng 50.000 đồng. Một bữa cơm của cả nhà có giá từ 20.000 - 40.000 đồng. Bữa sang nhất, “ăn cả một trăm ngàn”. Hỏi chị, một tháng có mấy bữa sang như thế, chị trả lời: “Hiếm lắm, mỗi tháng một lần thôi”.
Anh nói, giờ vẫn chưa hết khổ, nhưng so với nhiều người, gia đình anh “vậy là cũng yên ấm rồi”. Chị nhớ cái thời anh chị mới sống với nhau, cha mẹ hai bên không đồng ý, khó khăn đủ bề. Tài sản của họ khi đó chỉ có một cái nồi nhỏ, một cái chảo để nấu và một cái chén ăn cơm, nên người này ăn xong mới tới lượt người kia. Rồi cũng có những ngày ôm số, bị giật số mà méo mặt. “Nhưng không thể vì thế mà buồn được. Người ta mắt sáng, lành lặn còn bị mất vé số, nói chi mình”, chị nói một cách hài hước. Cũng có những ngày vét túi chỉ có 10.000 đồng, mua cơm chấm muối tiêu, vậy mà ăn ngon lành. Rồi sau này, con đau con ốm, chạy đi viện mà không có một đồng trong túi. Cũng nhờ bệnh viện người ta thương, nên điều trị miễn phí. Bao cực khổ, vất vả, phiền muộn đã trôi qua theo cách cần phải được quên đi như thế.
|
Anh nói, giờ vẫn chưa hết khổ, nhưng so với nhiều người, gia đình anh “vậy là cũng yên ấm rồi” |
Dù khó khăn, cuộc sống gia đình anh chị được vun vén khá chu đáo. Nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Nhờ được học các kỹ năng ở trường dạy nghề dành cho người khuyết tật từ năm 10 tuổi nên nhìn chị thái khổ qua, kho thịt, nấu cơm, làm rau… không ai nghĩ mắt chị có vấn đề. Mọi hành động của chị đều thành thục, chính xác. Những ngày không đi bán vé số, chị cầm gậy dò đường đón con trai đi học về. Nấu cơm xong, hai mẹ con ra cửa ngóng anh. Trong bữa cơm, anh gắp thức ăn cho vợ trước, rồi mới tới con. Khi biết con chuẩn bị tới giờ đi học, anh lôi miếng giẻ đã thủ sẵn trong tay ra lau giày cho con. Khi vợ khát nước, anh rót nước đưa tận tay chị. Mọi hành động đều hết sức tự nhiên, như thói quen chăm sóc vợ con hằng ngày của anh.
Có một điều đặc biệt: giữa vất vả, khổ cực trăm bề, họ lại nói nhiều về chuyện tương lai. Qua ánh mắt, cảm nhận được niềm vui, sự chờ đợi của họ. Chị kể, trước khi có con, hai vợ chồng bán vé số, tằn tiện, cóp nhặt từng đồng, dành dụm được hơn 30 triệu đồng, để mua đất ở Kiên Giang, qua lời giới thiệu của người em. Vợ chồng họ đang chờ miếng đất được giá hơn rồi bán, lấy tiền mua đất ở Cái Bè, cất cái nhà nhỏ nhỏ, khỏi phải lo tiền thuê nhà hằng tháng như hiện tại.
|
Tình cảm ấm áp luôn đầy ắp ở ngôi nhà còn phải chạy ăn, chạy tiền thuê nhà mỗi ngày. |
Bốn giờ rưỡi chiều, tiếng trống trường tiểu học vang lên, lũ trẻ ùa ra như bầy ong vỡ tổ. Chị Chả cầm chiếc gậy, đứng giữa cổng trường, chờ con. Chị cứ đứng đó cho tới khi con trai ra, chạy ùa về phía mẹ. Không biết lúc đó chị nghĩ gì. Ngoài chờ con, liệu chị còn khát vọng nào khác ngược về phía mặt trời, trong khoảnh khắc tàn ngày hay không? Chúng tôi không biết. Chỉ biết theo sau hai mẹ con trên con đường hơn 1km về nhà, một đứa bé đi trước cầm tay người mẹ, họ thao thao bất tuyệt về chuyện ở trường ở lớp hôm nay...
Đậu Dung - Thảo Vân
Chương trình “Cau quyện trầu xanh” là lễ cưới tập thể dành cho 41 cặp đôi khuyết tật, do Báo Phụ Nữ TP.HCM và NSND Kim Cương phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra lúc 18g, ngày 17/10, tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Long Biên Palace (số 6 Tân Sơn, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Ngoài những phần quà do ban tổ chức chuẩn bị, toàn bộ tiền mừng của khách mời đến dự đám cưới sẽ được công bố ngay tại tiệc cưới và chia đều cho các đôi.
Báo Phụ nữ TP.HCM dành 40 vị trí cho 40 khách mời là các cá nhân, doanh nghiệp có nhã ý hỗ trợ cho các đôi uyên ương trong ngày trọng đại của họ.
Chi tiết liên hệ số điện thoại: (028) 39316160; (028) 39316854; (028) 39316629, gặp cô Bạch Sương.
|