Dù đoạn đường trở lại mái trường gian nan, vất vả nhưng đã mang lại cho anh nhiều kiến thức hữu ích trong công việc và nhất là có thêm mối quan hệ bạn bè, thầy cô hết sức thân thương.
|
Anh Nguyễn Đình Tùng vẫn thường xuyên về trường cũ thăm thầy cô |
Năm 2002, cuộc sống nơi quê nhà khó khăn, anh Tùng đưa gia đình rời Bắc Ninh vào TPHCM sinh sống. Thuê một phòng trọ nhỏ làm chốn an cư, hằng ngày, vợ chồng anh Tùng rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn mưu sinh bằng nghề buôn bán trái cây dạo. Mấy năm sau, dành dụm mua được miếng đất nhỏ ở H. Bình Chánh, vợ chồng anh dựng căn nhà sinh sống. Anh Tùng làm quen dần với nhiều người xung quanh, được bầu làm tổ trưởng tổ khu phố rồi kết nạp vô Đảng. Thôi bán trái cây, vợ chồng anh chuyển sang bỏ mối và bán áo quần. Song song đó, anh cũng tìm hiểu về nghề xây dựng để kiếm thêm thu nhập.
Bán nhà “mua” con chữ
Chính trong những ngày tháng bươn bả đó, anh Tùng dấy lên ước mơ “đổi đời” nhờ con chữ. Anh kể: “Ngày tháng làm ăn, mở rộng mối quan hệ xã hội nhưng thấy mình còn giao tiếp kém, tôi muốn đi học để giao tiếp tốt hơn, tự tin “nói chuyện” với người ta hơn nữa”. Các con đang độ tuổi trưởng thành, anh cũng muốn trải nghiệm học hành để qua đó, phần xem các con học tập ra sao, phần “có chuyện” để nói với các con nhiều hơn.
Trở ngại lớn nhất của anh chính là không biết bắt đầu từ đâu, khi đã gần 30 năm không “đụng” vào sách vở. Hơn nữa, kiến thức từ chương trình của lớp Bảy năm 1986 - năm anh phải bỏ học vì gia cảnh khó khăn, sẽ được tiếp nối bằng lớp bậc nào hiện nay luôn khiến anh trăn trở. Được vợ con, bạn bè động viên nên năm 2013, anh ghi danh học lớp Mười ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q. Tân Phú.
Cũng năm ấy, cậu con trai út của vợ chồng anh Tùng bước vào lớp Mười hệ chính quy, con trai đầu có chương trình sang Nhật du học. Vợ chồng anh Tùng bàn tính, quyết định bán căn nhà để có chi phí trang trải cho những ngã rẽ của ba cha con. Họ chuyển sang thuê phòng trọ sinh sống. Đóng học phí cho các con xong, còn một khoản nhỏ, anh Tùng dành mua rất nhiều sách vở, tài liệu để ôn luyện, bổ túc kiến thức cho hành trình đi học.
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Huế, nhớ lại: “Lúc bấy giờ, ý chí học hành của anh Tùng rất cao. Ban ngày, anh phụ tôi bỏ quần áo cho các mối ở chợ, hôm nào không đi làm ở công trình xây dựng thì cùng vợ dọn quần áo ra bán. Ngơi tay lúc nào, anh lại cầm sách lên nghiền ngẫm”.
Hình ảnh đó của chồng vẫn khắc sâu trong tâm trí, chị Huế rưng rưng: “Ba cha con đuổi theo con chữ. Gia đình mỗi người mỗi vất vả riêng nhưng chắc anh Tùng chịu khổ nhiều hơn thảy. Kinh tế gia đình anh vẫn duy trì như trước, nhưng chiều nào cũng vậy, đi làm về đến nhà anh vội vã tắm giặt, kịp thì lùa vội chén cơm, không thì anh cứ bụng đói đi học, rất thương”.
Trở thành học viên lớn tuổi nhất của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q. Tân Phú năm học đó không khiến anh Tùng ái ngại. Thế nhưng, trong tháng đầu tiên của năm học lớp Mười, anh liên tục phải dặn lòng ráng vượt qua những cơn chán nản. Anh tâm sự: “Vào học mới biết mình… không biết cái gì cả. Căn bậc hai, bậc ba, cái mũ trên đầu con số là gì tôi cũng không hiểu. Thầy giảng đến đâu bỡ ngỡ đến đó nên nản lòng vô cùng”. Nhiều lần, anh Tùng ngỏ ý xin thầy cô cho chuyển xuống lớp học thấp hơn với hy vọng được “phủ nền” kiến thức. Thương anh, các thầy cô rồi bạn bè động viên, thúc giục anh nỗ lực kiên trì theo đuổi chương trình, “bí” đâu hỏi đó, hỏi đâu đáp đó.
“Thầy cô, bạn bè đều rất kiên nhẫn chỉ bài, chờ cho tôi hiểu được. Bản thân tôi cũng đặt tiêu chuẩn không nhất thiết phải theo kịp bạn bè mà bước đầu, tự mình hôm nay phải khá hơn hôm qua. Kiến thức cứ thế như mưa dầm thấm đất, không vội vàng được”, anh Tùng nêu
quan điểm.
Công việc tốt hơn nhờ học hành
Học kỳ một năm đó, dù có kết quả học lực trung bình song anh Tùng rất vui, bằng lòng với chính mình khi đã giải được nhiều bài. Kết thúc năm học đầu tiên, các môn tự nhiên gồm toán, lý, hóa và Anh văn vẫn còn làm khó anh, nhưng kết quả những môn xã hội văn, sử, địa anh lại luôn trong tốp đầu của lớp.
Chọn theo đuổi các môn xã hội, song anh cũng đặt chỉ tiêu các môn tự nhiên phải hơn điểm trung bình. Không đếm xuể bao lần, tối khuya gần đến giờ đi ngủ, “tức mình” vì nghĩ hoài không ra cách giải một bài toán, anh Tùng nổ xe máy sang gõ cửa một người bạn giỏi toán trong lớp, nhờ giảng bài. Bởi, “không hỏi để hiểu được bài là tôi không sao ngủ được”.
|
Anh Nguyễn Đình Tùng và chị Nguyễn Thị Huế - người vợ đã luôn động viên, chia sẻ giúp anh vượt qua những ngày tháng khó khăn trên con đường học tập, trau dồi kiến thức |
Chiếc dream cũ kỹ ngày thường dùng mưu sinh, đi đâu anh Tùng cũng kẹp vở ngay trước giỏ xe, mỗi lần dừng đèn đỏ là lại nhìn vào học. Hôm nào trời mưa, anh bọc vở trong bịch ni-lông, dù khó nhìn song anh tâm niệm “được chữ nào mừng chữ đó”. Ba năm phổ thông ròng rã đã trải qua như vậy. Sang năm học lớp 12, chương trình học nặng hơn, được vợ san sẻ, anh Tùng bớt đi làm để tập trung ôn tập. Anh mua rất nhiều sách và mượn thêm tài liệu nâng cao của thầy cô rồi mời bạn bè đến nhà học cùng với hai cha con. Họ chia nhau khảo bài, cùng giải bài tập cho đến khi nhuần nhuyễn.
Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 kết hợp xét tuyển đại học năm đó, tổng điểm ba môn khối C của anh Tùng là 21,25 điểm. “Biết mình đạt 8,75 điểm môn sử, cao nhất môn này của lớp nên tôi gọi báo cho cô giáo dạy sử để cô trò chung vui”, anh Tùng cho hay. Điểm số đủ để anh đăng ký vào một vài trường đại học, song bấy giờ, phần lớn đều không có lớp buổi tối như mong muốn của anh. Anh Tùng trải lòng: “Lúc này, lấn cấn lắm! Con trai đầu vẫn đang du học ở Nhật, con trai út cũng đậu đại học, nếu tôi theo học đại học chính quy ban ngày thì gánh nặng ba cha con dồn hết lên vợ, tôi không đành”.
Nhìn thấy sự ham học của chồng, chị Huế luôn động viên. Hơn nửa tháng ròng anh liên tục tra cứu thông tin, tìm cơ hội học tập ở các trường đại học. “Tôi xác định không thể theo hệ chính quy bốn năm đại học nên muốn ghi danh một khóa quản trị để có kiến thức áp dụng cho việc buôn bán sau này. Tôi cũng tìm kiếm một khóa đào tạo nào đó chuyên về xây dựng để giúp ích cho mình ở lĩnh vực thi công xây dựng. Tiếc là bấy giờ không có trường nào phù hợp với mong muốn và hoàn cảnh của gia đình, nên tôi thôi”, anh Tùng cho biết.
Không còn theo đuổi con đường học tập ở trường lớp, nhưng trên cơ sở kiến thức đã học của ba năm cấp III và sự tự định hướng cho mình, anh Tùng tiếp tục tự bổ túc cho mình các kiến thức chuyên sâu, qua các chương trình giảng dạy trên ti-vi và mua thêm nhiều sách vở thuộc các lĩnh vực yêu thích, có ích cho nghề nghiệp rồi chuyên tâm đào sâu nghiên cứu.
Thôi bán quần áo, anh chuyển hẳn sang nghề thi công xây dựng. Cuộc sống khá giả, anh lại mua được đất, dựng căn nhà khang trang ở Q. Bình Tân. Chị Huế cũng không còn phải sớm hôm buôn bán “chạy chợ”. Các con cũng tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.
Sáu năm kể từ ngày tốt nghiệp cấp III, anh Tùng khẳng định: “Quãng đời đi học đó rất khó quên và cho tôi rất nhiều. Đầu tiên là công việc của tôi tốt hơn, từ công nhân công trình, tôi tự tin, mạnh dạn giao tiếp, làm việc với nhiều người rồi chuyển sang nhận thầu thi công một số dự án. Kiến thức học được giúp tôi tính toán được khối lượng nguyên vật liệu cho từng dự án, rồi kích cỡ hay các tính toán khác trong nghề”. Bất ngờ, anh rưng rưng nước mắt: “Tôi ghi thêm vào đời nhiều mối quan hệ bạn bè, thầy cô trong những ngày tháng khó khăn đó, mà đến giờ, chúng tôi vẫn rất thương quý, giúp đỡ, thăm nom nhau”.
Phong Vân
Bài 3: Từ anh phụ hồ đến cử nhân hai bằng đại học