Những dấu ấn không phai

Bài 2: Tỏa sáng từ những điều bình dị

25/04/2022 - 06:25

PNO - Hơn nửa thế kỷ sau, khi xem lại những bộ phim trong buổi đầu của điện ảnh cách mạng khán giả vẫn thấy rung động và cảm phục.

Đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn là nguồn cảm hứng vô tận của văn hóa nghệ thuật. Rất nhiều tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, làm nên tên tuổi của rất nhiều văn nghệ sĩ, có sức sống bền lâu. Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), mời bạn đọc cùng nhìn lại một số tác phẩm, nhân vật… đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho nhiều thế hệ khán giả

Bài 1Sức hút của đề tài chiến tranh cách mạng trên sân khấu

 

Ở đời thật, nguyên mẫu là những người phụ nữ bình dị, trong thời chiến đã dũng cảm đứng lên chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Trên màn ảnh, các nhân vật từ những nguyên mẫu đó đã được khắc họa sống động, bật lên nét đẹp của lòng yêu nước, sự bất khuất… sống mãi với thời gian. 

Vẻ đẹp bất khuất

Hơn nửa thế kỷ sau, khi xem lại những bộ phim trong buổi đầu của điện ảnh cách mạng như Nổi gió (đạo diễn Huy Thành, sản xuất năm 1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh, 1972), Cánh đồng hoang, Hòn Đất (đạo diễn - NSND Hồng Sến, sản xuất năm 1979 và 1983), Mẹ vắng nhà (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, 1979)… khán giả vẫn thấy rung động và cảm phục. Chỉ là những thước phim đen trắng, được quay trong bối cảnh chiến tranh và giai đoạn đất nước còn khó khăn, nhưng lại có giá trị vượt thời gian.

Chị Vân, chị Dịu, Sáu Xoa, chị Sứ, chị Út Tịch - những nhân vật từ nguyên mẫu có thật - qua hóa thân xuất sắc của các diễn viên, đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến. 

Phân cảnh đắt giá của Thụy Vân trong phim Nổi gió
Phân cảnh đắt giá của Thụy Vân trong phim Nổi gió

Nổi gió là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, có bối cảnh ở làng Phước Mỹ - nơi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) xua dân vào ấp chiến lược. Vân (vai diễn của Thụy Vân) hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhưng có em trai là trung úy VNCH. Cuộc đấu tranh của Vân không chỉ với kẻ thù, mà còn với chính người thân của mình, khi kêu gọi binh sĩ trong hàng ngũ địch - vốn là con em của dân làng - trở về với chính nghĩa. 

Nổi gió có rất nhiều chi tiết đắt giá và ám ảnh của nhân vật Vân. Đó là lúc chị hóa điên trong tù, khi đứa con trai nhỏ bị giặc giết chết, là những lần phải chịu đựng trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Ấn tượng nhất là phân cảnh đôi bàn tay Vân bị đốt cháy trong nhà giam. Khi tên cố vấn Mỹ châm ngọn đuốc đứng trước mặt và gằn giọng: “Nói không?”, Vân nhìn hắn không chớp mắt. Ánh mắt kiên định của chị khiến gã cố vấn lẫn tên sĩ quan ngụy ác ôn phải giật mình sợ hãi. Trong đôi mắt Vân như có lửa. 

Còn NSND Trà Giang, với hình ảnh chị Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã rất nhiều lần đưa người xem vào cảm giác đau thắt cùng nhân vật. Đó là lúc Dịu sinh con trong tù, nằm trên những chiếc áo sờn rách được đồng đội trải xuống nền đất; đó là một đêm mưa gió, chị ôm con chạy bời bời bên bờ sông Bến Hải, vượt sang bên kia giới tuyến để cứu con… Những chi tiết đắt khắc họa xúc động số phận của nhân vật, chính là hình ảnh không thể nào quên trong lòng người xem mãi đến tận sau này.

Trong khi đó, tên tuổi diễn viên Thúy An lại gắn liền với vai diễn Sáu Xoa trong phim Cánh đồng hoang. Người phụ nữ bưng biền cùng chồng (Ba Đô, vai diễn của NSND Lâm Tới) bám trụ chốt liên lạc với cách mạng giữa đồng nước nổi, sống mãi trong những thước phim của một thời. 

Vẻ đẹp của con người trong chiến tranh bất biến cùng thời gian. Những người nữ anh hùng xuất hiện với hình ảnh mộc mạc, bình dị trong những bộ bà ba, khăn rằn quấn tóc. Giữa cuộc chiến chỉ có gian khổ, bi thương, tranh đấu, người có lúc tả tơi trước đòn tra tấn dã man của quân thù, nhưng họ vẫn sáng ngời phẩm chất cách mạng.

Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm
Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

"Không phải diễn, mà sống như thể mình là người trong cuộc"

NSND Trà Giang chia sẻ, trước khi hóa thân vào vai Dịu, bà đã vào tận giới tuyến để gặp nhân vật có thật là o Thảo, nữ bí thư chi bộ hoạt động ở bờ nam sông Bến Hải. Trà Giang - khi ấy còn là một diễn viên trẻ - từng nói rằng bà đã cố gắng hết sức để không phải diễn xuất, mà là sống cùng nhân vật, như thể mình là người trong cuộc.

Hóa thân vào vai Dịu bằng tâm thế của một người vợ, người mẹ, đồng thời là một người dân mất nước, một phụ nữ kiên cường gạt bỏ bi thương đứng lên đấu tranh. “Trong lúc bom đạn Mỹ rơi xuống làng quê các anh, giết chết cha mẹ các anh, cày nát mồ mả tổ tiên, thì các anh cầm súng bắn vào ai?”, là lời đanh thép của Dịu khi dẫn đầu bà con làng Cát đấu tranh trước họng súng kẻ thù. Trong tay không một tấc sắt, chỉ có lòng yêu nước và sức mạnh quật cường, Dịu cùng người dân làng Cát đã không sợ hãi, không chùn bước trước vũ lực. 

Trong những thước phim vượt thời gian ấy, ấn tượng đối với khán giả chính là đôi mắt của họ. Ống kính luôn cận cảnh vào những đôi mắt, và đó luôn là những khung hình đắt giá. Đôi mắt đau đớn và căm thù của Sáu Xoa khi ôm xác chồng giữa cánh đồng hoang, và nhìn về phía máy bay Mỹ. Đôi mắt Vân chịu đựng nỗi đau mà không hề run sợ, biến sắc trước mọi đòn thù. Đôi mắt của chị Sứ nhìn thẳng vào kẻ thù trước khi bị hành quyết. Và đôi mắt của Dịu như rực cháy ngọn lửa căm thù khi luận tội kẻ thù. “Khuôn mặt phụ nữ” trong chiến tranh chính là ẩn chứa và đọng lại trong những ánh mắt ấy: căm thù, bi phẫn, hiên ngang, kiên định, đau đớn, chịu đựng, hy sinh, yêu thương… 

Hiệp Định  vai chị Sứ, phim Hòn Đất
Hiệp Định vai chị Sứ, phim Hòn Đất

NSND Thụy Vân từng nói, bà đã hoàn thành phân cảnh đôi bàn tay bị đốt cháy trong nhà giam chỉ qua một lần thực hiện, mà “nếu là bây giờ có thể sẽ không làm được như vậy”. Thúy An dầm mình trên cánh đồng cỏ năng, cỏ lác của bưng biền Đồng Tháp Mười. Hiệp Định bị treo lên cây dừa và bị tra tấn dã man đều không có người đóng thế… Mái tóc dài của Dịu, của Vân, của chị Sứ có lúc xác xơ, có khi thấm cả máu và nước mắt. Những phân cảnh khiến người xem xúc động, yêu thương và cảm phục đều là sự lăn xả hết mình của các nữ diễn viên ngày ấy. Sống hết mình cùng nhân vật để nhân vật sống mãi với nhân dân. Tinh thần của nhân vật đã thấm vào tâm hồn diễn viên. Trên màn ảnh, họ không chỉ là diễn xuất nữa, mà hóa thân bằng lòng yêu nước, bằng trái tim và tinh thần của người dân mất nước. 

NSND Trà Giang: Gửi vào phim ước vọng thống nhất của dân tộc

Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc về Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, NSND Trà Giang vẫn rất xúc động. Bộ phim được hoàn thành năm 1972, nhưng hai năm trước đó, Trà Giang đã vào tận giới tuyến để gặp và trò chuyện với những nhân vật từ đời thật. Đoàn năm người (đạo diễn Hải Ninh, quay phim Nguyễn Xuân Chân, họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái, cố NSND Đoàn Dũng và Trà Giang) chỉ đi được vào ban đêm. Đến Vĩnh Linh (Quảng Trị), họ phải trú ở địa đạo.

NSND Trà Giang (trái) xúc động khi gặp o Thảo - một trong những nguyên mẫu được biên kịch Hoàng Tích Chỉ khắc họa vào vai Dịu (ảnh tư liệu)
NSND Trà Giang (trái) xúc động khi gặp o Thảo - một trong những nguyên mẫu được biên kịch Hoàng Tích Chỉ khắc họa vào vai Dịu (ảnh tư liệu)

“Tôi đã được gặp rất nhiều người, trong đó có o Thảo - người đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Đó là một nữ du kích xinh đẹp nhưng cuộc đời quá nhiều đau đớn. Mẹ bị địch bắn chết lúc o còn đang bò trên bụng mẹ, rồi sau đó một lần nữa, o chứng kiến anh trai bị địch bắn ngay trước mắt. Trong phim, cảnh Dịu phải cắn răng im lặng khi chứng kiến bác cả Thuận bị địch thiêu sống, tôi đã nhớ đến câu chuyện của o Thảo và đã thể hiện bằng chính nỗi đau ấy” - NSND Trà Giang nhớ lại. 

Chuyến đi thực tế vào vĩ tuyến 17, trải qua những ngày gian khổ hiểm nguy, gặp được những người chiến sĩ cách mạng, nhìn thấy cuộc sống khốn khó của bà con, đã cho người nghệ sĩ những cảm nhận sâu sắc nhất để hóa thân trọn vẹn trên màn ảnh. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được trao giải Hội đồng hòa bình thế giới, và Trà Giang được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Mát-xcơ-va 1973. Ngày ấy và bây giờ, nhiều người vẫn hỏi không biết sức mạnh nào đã giúp bà và đoàn phim thực hiện được bộ phim, trong tình hình có thể bị máy bay Mỹ ném bom bất cứ lúc nào. Bộ Quốc phòng lúc đó cũng không đồng ý điều xe bọc thép hỗ trợ đoàn làm phim. Nhưng vì tính chân thật của điện ảnh, đạo diễn Hải Ninh kiên quyết phải có được cảnh quay đồng bào biểu tình chặn xe bọc thép. Sau cùng, bối cảnh được dời từ vùng biển Hải Hậu lên vùng núi Sơn Tây, gần sân bay Hòa Lạc.

NSND Trà Giang kể, đoàn phim vừa đến được một ngày thì đêm đó máy bay Mỹ ném bom. Cả đoàn ai nấy chui xuống gầm giường. Trên màn ảnh, khán giả có thể thấy những khung hình liền mạch, tưởng chừng chỉ quay ở vùng biển, nhưng thật sự, để có được những thước phim quý giá ấy, là cả một kỳ công và dũng cảm của đoàn làm phim.

“Bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm gửi gắm ước vọng thống nhất toàn dân tộc. Có lẽ sức mạnh lớn nhất chính là mong ước về ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Sau này nhìn lại, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, mọi thứ tôi và anh em đoàn phim đã làm ngày ấy, trong bối cảnh ấy, đều đã diễn ra rất tự nhiên” - NSND Trà Giang bày tỏ.

Lục Diệp

Cầm Thi
 

Kỳ tới: Những bông hồng ngoan cường trong âm nhạc 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI