PNO - Trong quá trình làm việc, nhiều người lao động ở TPHCM đã nảy ra những sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách.
UDI Maps là ứng dụng (app) được phát triển để phục vụ cho việc chống ngập ở TPHCM. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, nó có tính năng biến điện thoại người dân thành một “mắt thần” quan sát, thông tin về tình trạng ngập.
Ứng dụng UDI Maps có các chức năng thông tin hiện trạng, dự báo ngập, tìm đường và gửi phản ánh
Người dân cùng tham gia chống ngập
Chiều tối, nhiều đoạn đường ở khu vực bến Phú Định (Q.8, TPHCM) ngập sâu do triều cường. Khi chạy xe qua các đoạn đường này, anh Nguyễn Duy Khang (P.16, Q.8) đã dùng điện thoại ghi lại cảnh ngập, sau đó truy cập ứng dụng UDI Maps và hình ảnh kèm thông tin “bến Phú Định đoạn gần giao lộ An Dương Vương bị ngập nửa bánh xe”. Sau khi xác minh, các cán bộ ở Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM) liền cập nhật thông tin này lên ứng dụng UDI Maps để cảnh báo cho người dân, cũng như để cơ quan chức năng sớm tìm giải pháp khắc phục tình trạng ngập.
Cùng thời điểm, tại P.Thảo Điền, phát hiện một nắp cống bị hỏng, cán bộ trực mưa liền chuyển hình ảnh, thông tin này cho Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM qua ứng dụng UDI Maps. Trước đây, cán bộ trực mưa ở hiện trường chủ yếu gọi điện thoại để báo thông tin, vừa bất tiện, vừa khó chính xác do mưa gió ồn ào. Từ khi có ứng dụng UDI Maps, công nhân trực mưa có thể báo tin và gửi kèm hình ảnh hiện trường về qua app.
Ông Trương Quốc Bình - Phó phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa - cho biết cách đây vài năm, việc tìm kiếm thông tin về hiện trạng ngập ở TPHCM rất khó. Thiếu thông tin cảnh báo, người dân không thể chủ động tìm cách bảo vệ tài sản của mình. “Khi đi đường, chứng kiến cảnh người dân bị hư xe, dắt bộ trên những đoạn đường ngập, chúng tôi nghĩ, nếu được cảnh báo về điều này, họ sẽ tránh chạy xe vào các đoạn đường này. Chúng tôi cũng rất muốn người dân hỗ trợ thông tin từ thực địa để phục vụ việc chống ngập. Sau một thời gian nghiên cứu, chúng tôi đã đưa ra sáng kiến phát triển UDI Maps” - ông kể.
Trong ứng dụng UDI Maps, có một tính năng quan trọng là “gửi thông tin”. Với tính năng này, người dân có thể chuyển đến cơ quan chức năng thông tin về hiện trạng ngập, các sự cố liên quan đến triều cường, đê bao mà mình chứng kiến. Ông Trương Quốc Bình nhận định: “Thông tin từ cộng đồng đã góp phần làm đa dạng nguồn tin giám sát, nâng cao tính sâu sát, chi tiết trong việc quản lý ngập của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, giúp ích cho việc xây dựng các phương án thoát nước. Nói cách khác, người dân đã cùng tham gia với chúng tôi trong việc chống ngập”.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, để chống ngập, cần thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình. UDI Maps là một trong nhiều giải pháp phi công trình mà công ty đang tổ chức thực hiện. Những giải pháp phi công trình sẽ góp phần giảm nhẹ thiệt hại về tài sản và tinh thần cho người dân trong giai đoạn chờ các dự án chống ngập hoàn thành, đưa vào vận hành. UDI Maps “chạy” được trên cả hai hệ điều hành Android và iOS. Tính đến nay, đã có hơn 20.000 lượt tải, thu nhận hơn 8.000 thông tin từ người dân và nhận được nhiều ý kiến của cộng đồng.
Từ khi có ứng dụng Udi Maps, công nhân trực mưa không phải gọi điện thoại báo về công ty như trước đây mà chỉ cần nhắn tin và gửi hình ảnh về qua app. Sau đó, thông tin được xử lý, cập nhật liên tục trên hệ thống để người sử dụng ứng dụng có thể theo dõi diễn biến ngập ở nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM
Chia sẻ dữ liệu về tình trạng ngập
Theo ông Trương Quốc Bình, cùng với việc tương tác với người dân trên UDI Maps, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cũng định hướng sẽ nâng cấp ứng dụng để tăng cường chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan chuyên môn nhằm giảm ngập cho TPHCM: “Ví dụ như, trước đây, khi xảy ra ngập, phóng viên thường đến hiện trường để chụp ảnh, ghi nhận thông tin. Thế nhưng, trong đợt giãn cách xã hội vừa rồi, việc đi lại khó khăn, có những điểm ngập nằm trong khu phong tỏa. Lúc này, phóng viên có thể truy cập UDI Maps để lấy thông tin và hình ảnh. Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm các tính năng và phân quyền truy cập để phục vụ cho nhiều đối tượng”.
Từ chỗ làm về nhà, chị Nguyễn Thị Tuyết phải chạy xe qua đường Trần Xuân Soạn, Q.7 - một trong những “rốn ngập” lâu năm của TPHCM. Chị kể: “Hồi xưa, tôi thường ước, trước khi về nhà, giá như có ai báo cho mình đường Trần Xuân Soạn bị ngập để mình đi vòng tránh qua hướng đường Nguyễn Thị Thập. Chỉ bấy nhiêu thôi thì một năm tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền sửa xe. Sau đó, tôi được một đồng nghiệp giới thiệu app UDI Maps. Nhờ ứng dụng này, tôi không còn sợ cảnh bì bõm lội nước trên đường Trần Xuân Soạn nữa”.
Từ sáng sớm, các nhân viên của Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa đã nhanh chóng cập nhật lên UDI Maps dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ về mưa và triều cường và dự báo về các điểm ngập. Đến chiều, cán bộ trực mưa ngoài hiện trường sẽ chụp ảnh, báo tin về các điểm ngập để chuyển lên ứng dụng UDI Maps. Ngay trên ứng dụng UDI Maps, người dân cũng có thể chọn cho mình một cung đường khác để tránh đi qua điểm ngập. UDI Maps còn sử dụng thông tin từ 19 trạm đo mưa, một trạm đo triều tự động cùng với hệ thống camera để người dân có thể nhìn hình ảnh trực quan từ hiện trường các điểm ngập.
Ông Trương Quốc Bình chia sẻ: “Hy vọng trong thời gian tới, UDI Maps được quan tâm nhiều hơn để nhóm nghiên cứu có thêm nguồn lực mở rộng mạng lưới các trạm quan trắc tự động trên toàn bộ các khu vực ngập của TPHCM”.
Nhiều sáng kiến góp phần chống ngập hiệu quả
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cho biết, trong năm 2021, nhiều cá nhân, tập thể của đơn vị đã có những sáng kiến giúp ích cho công tác chống ngập, trong đó có các sáng kiến của các nhân viên, công nhân nảy ra trong quá trình chống ngập tại hiện trường. Đơn cử như sáng kiến “biển báo công trường phục vụ trực mưa, ứng cứu chống ngập” của anh Phan Thanh Tin - nhân viên Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa.
Anh Phan Thanh Tin cho biết, khi trực mưa hay chống ngập, người ở hiện trường phải dựng hàng rào, biển báo cảnh báo cho người dân. Nếu dựng hàng rào đơn thì rất dễ ngã do tác động của nước chảy, mưa gió… Do đó, cán bộ trực ở hiện trường thường dựng bốn hàng rào chắn thành ô vuông, chiếm diện tích mặt đường, cản trở việc lưu thông. Để khắc phục nhược điểm này, anh Tin đã nghiên cứu, chế ra loại hàng rào chữ A có gắn biển cảnh báo.
Sơn Vinh
Kỳ tới: Ứng dụng công nghệ để khống chế “giặc lửa”