Nhiều đứa trẻ bị người lớn phóng đại về khả năng với danh xưng “thần đồng” đã phải gánh trên vai sức nặng của chiếc vòng nguyệt quế hão huyền. Thực tế, không riêng trẻ mà ngay cả những phụ huynh của những đứa trẻ bị phong danh “thần đồng” đều phải chịu những áp lực không đáng có của danh xưng trên.
Bài 1: Đừng biến trẻ thành thần đồng ảo
Đủ kiểu nhồi nhét kiến thức
Theo thạc sĩ Thụy Anh, khi một đứa trẻ vừa chớm bộc lộ khả năng hoặc sở thích ở một lĩnh vực nào đó, cha mẹ và các tổ chức giáo dục liền luyện, nhồi đủ kiểu. Não của một đứa trẻ như một tờ giấy trắng, bắt chúng làm việc mỗi ngày với cường độ lớn thì chúng sẽ ghi nhớ tốt và biểu hiện ra bên ngoài. “Lúc bốn tuổi, con trai tôi thích các bảng tên đường và biển báo giao thông, thế là ngày nào, bố cháu cũng chở con đi. Vậy là con trở thành “cậu Google” cho cả gia đình, ngồi ở nhà mà chỉ đường vanh vách. Nhiều người quen tỏ ra ngạc nhiên về khả năng này nhưng tôi biết đó không phải một loại tài năng gì nổi bật” - thạc sĩ Thụy Anh kể.
|
Cha mẹ không nên chăm chăm phát triển khả năng nhớ nhanh mà không bổ khuyết các năng lực khác cho con (Ảnh mang tính minh họa: Đỗ Minh) |
Thạc sĩ Thụy Anh cho biết, ở mỗi giai đoạn, trẻ có một mối quan tâm nhất định, cha mẹ cố ghi vào não trẻ điều đó thì trẻ sẽ giỏi điều đó. Những thí sinh tính nhẩm, ghi nhớ siêu phàm trong các chương trình thi thố đều có phương pháp và kỹ xảo luyện tập. Đó không phải là thần đồng hay thiên tài.
Theo giáo sư Marc Brackett - đến từ Yale University (Mỹ) - có ba lĩnh vực để phân loại trẻ tài năng: trẻ tài năng trong học thuật, trẻ tài năng trong lĩnh vực xã hội và tài năng về cảm xúc. Còn nhà tâm lý học Lewis M. Terman - người từng nghiên cứu 1.500 trẻ tài năng có chỉ số IQ trên 140 vào năm 1921 - đã chỉ ra rằng, một đứa trẻ tài năng (gifted children) không chỉ giới hạn ở lĩnh vực trí tuệ mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế nhưng, chúng ta lâu nay chỉ chăm chăm vào những đứa trẻ có tài năng về trí tuệ và cho rằng đó mới là thần đồng.
Trong một nghiên cứu với những đứa trẻ sở hữu chỉ số IQ cấp “thiên tài” trên 180, nhà tâm lý học Leta Hollingworth đã nêu kết quả, trẻ tài năng thường rất nhạy cảm với chính sự khác biệt của bản thân. Những đứa trẻ này thường gánh chịu những vấn đề học đường (như sự nhàm chán) và gánh chịu sự tẩy chay của các bạn cùng trang lứa trong khi lại rất khó hòa nhập với những người lớn đang học cùng chúng. Vào cuối thế kỷ XX, thuật ngữ asynchrony (sự không đồng đều) được sử dụng để mô tả các đặc điểm của một đứa trẻ tài năng. Các năng lực về trí tuệ, thể chất, tình cảm và xã hội ở một trẻ tài năng phát triển với các tốc độ khác nhau.
Thạc sĩ Thụy Anh cho rằng, trẻ cần được tạo cơ hội để giáo dục và phát triển đúng tốc độ phát triển của một đứa trẻ. Trẻ cần được học giao tiếp, ứng xử thông thường và nếu có tài năng gì thì nên được tạo cơ hội để nuôi dưỡng và phát triển tài năng đó. “Tôi không ủng hộ việc tách trẻ ra và phát triển mỗi tài năng đó. Cha mẹ cần trả lời câu hỏi: ép con thành thần đồng để làm gì, có ích gì cho trẻ hay chỉ để được thán phục?
“Vì sao phải luyện tập để nhớ hàng triệu sự kiện khi đã có công cụ hỗ trợ? Rèn mẹo tính nhẩm để làm gì khi các siêu máy tính có thể tính hàng triệu phép tính/giây? Hãy dành thời gian và năng lượng ấy san sẻ cho các lĩnh vực và mối quan tâm khác. Trẻ cần được tiếp cận nhiều thứ để biết mình cần gì. Cuộc sống của một đứa trẻ phải đa dạng chứ không chỉ biết học”, thạc sĩ Thụy Anh đúc kết.
Ứng xử với “thần đồng”
Thần đồng là vấn đề gây nhiều tranh luận với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có những chuyên gia cho rằng, sở dĩ các thần đồng tại Việt Nam “bạo phát bạo tàn” là do thiếu sự bảo dưỡng căn cơ, bài bản. Tại Việt Nam, chưa có trường năng khiếu chính quy nào dành cho những đứa trẻ có khả năng đặc biệt này. Hầu hết các trường phổ thông trung học chuyên, trường năng khiếu nằm trong trường đại học cũng chỉ dừng ở việc phát hiện và giáo dục những học sinh có năng lực về các môn học cụ thể, từ tuyển sinh đầu vào đến quá trình giáo dục đều không khác mấy so với những ngôi trường phổ thông bình thường. Đầu ra cũng hướng vào đại học, không có chương trình riêng biệt cho những tài năng khác biệt.
|
Giáo dục con người vốn là một bài toán phức tạp, với những đối tượng đặc biệt như thần đồng còn phức tạp và nhạy cảm gấp bội phần (Ảnh minh họa) |
Một phó giáo sư của Đại học Quốc gia TPHCM từng cho rằng, ở Việt Nam, có thực tế rằng người đi trước phải dừng lại chờ người đi sau. Ở nước ngoài, nhiều học sinh mới mười tuổi đã hoàn tất chương trình đại học, 18 tuổi đã là giáo sư, trong khi ở Việt Nam, đi học sớm một tuổi đã bị “làm khó”. Trẻ có năng khiếu mà không được rèn luyện đúng phương pháp sẽ bị mai một khả năng.
Trường hợp “thần đồng” Trần Ngọc Châu L. là một ví dụ. Cha của Châu L. từng thừa nhận, ông rất tiếc khi khả năng của con không được phát triển theo hướng tốt hơn do không có nơi nào phù hợp để ông đưa con vào học và rèn luyện. Còn nhớ, năm Châu L. chuẩn bị vào lớp Một, ngành giáo dục huyện Đức Hòa có lập một hội đồng thẩm định và đánh giá khả năng của L. có thể học thẳng lên lớp Ba không, nhưng sau khi xem xét, L. chỉ được “nhảy cóc” lên lớp Hai.
Trên thế giới, không hiếm những ngôi trường chuyên đào tạo những trẻ được gọi là “thần đồng”. Trung Quốc có dự án Thiếu niên ban triển khai từ năm 1978 tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ (USTC) chuyên tuyển chọn những thần đồng dưới 15 tuổi để đào tạo thành những nhà khoa học hàng đầu. Học viện Khoa học Hàn Quốc chỉ chuyên đào tạo những đứa trẻ có khả năng vượt trội. Mỹ cũng có chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của Johns Hopkins và hàng loạt tài năng đã được phát hiện từ đây. Nhưng kèm theo đó là những chỉ trích về sự khắc nghiệt, cực đoan trong phương pháp đào tạo.
Giáo dục con người vốn là một bài toán phức tạp, với những đối tượng đặc biệt như thần đồng còn phức tạp và nhạy cảm gấp bội phần. Tuổi thơ đáng sợ của thần đồng, bi kịch thần đồng, từ thần đồng thành bệnh nhân tâm thần… là những kết quả dễ dàng được tìm thấy trên công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “thần đồng”.
Mặt trái của những chương trình đào tạo tài năng, thần đồng là thúc đẩy tài năng trẻ một cách thái quá và tách những đứa trẻ này ra khỏi những nhu cầu bình thường, đúng lứa tuổi của trẻ. Thực tế, trẻ có năng khiếu vượt trội thường chỉ nổi trội hơn những trẻ khác ở một mặt nào đó, còn những điểm khác có thể bình thường, thậm chí yếu hơn so với mặt bằng chung. Thế nhưng, những trẻ bị cho là thần đồng thường phải “gánh vác” những kỳ vọng rất nặng nề, bị rèn luyện thái quá dẫn đến phát triển mất cân bằng, nhất là về tâm sinh lý.
Muốn con trở thành thần đồng, cha mẹ phải chấp nhận tính hai mặt của nó, vấn đề là bạn muốn con mình trở thành ai, được gì?
Jamory là một sinh viên người Mỹ gốc Việt đang nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Fox Chase (Mỹ). Cậu đã trải qua thời phổ thông của một học sinh tài năng ở ngôi trường chuyên Central High School với áp lực phải duy trì một kết quả nhất định.
“Các khóa học rất khó. Hằng ngày, tôi về nhà với bài tập về nhà hoặc học cho bài kiểm tra. Tôi phải thức khuya để hoàn thành một số bài tập và còn có các dự án. Tôi đã phải duy trì được điểm trung bình 3,92, tham gia chương trình tú tài quốc tế, tham gia một số khóa học cấp cao tại Cao đẳng Cộng đồng Philadelphia… cùng lúc để có được bằng cử nhân văn học tại trường trung học. Đây là trường trung học duy nhất cấp bằng cử nhân tại Hoa Kỳ cho học sinh tốt nghiệp của họ” - Jamory kể. Suốt thời gian phổ thông của mình, Jamory gần như chỉ học và học để vượt qua các mục tiêu.
Ba khuynh hướng giáo dục trẻ tài năng
- Không tách trẻ ra khỏi môi trường các bạn cùng tuổi; trẻ phải hoàn thành các môn học đúng với tốc độ của trẻ bình thường nhưng chú trọng việc giao thêm bài tập, dự án có tính chất chuyên sâu hơn nhằm phát triển năng lực đặc biệt của trẻ.
- Cho phép trẻ phát triển đúng tốc độ của mình bằng cách học nhanh hơn, học nhảy lớp, vượt lớp.
- Cho trẻ học với một môi trường bình thường nhưng có chương trình đặc biệt dành riêng cho trẻ trong môi trường ấy.
Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh
Mỹ Hằng