Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ

Bài 2: Ở Cây Da Sà, “cái chết trắng” chỉ còn trong dĩ vãng

14/10/2024 - 06:33

PNO - Nửa đêm về sáng, khu Cây Da Sà (đường An Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM) sáng trưng đèn điện, người xe nhộn nhịp vào lấy bánh tiêu rồi tỏa đi khắp thành phố cho kịp buổi chợ sớm, tiếng cười nói xôn xao. Nhìn cảnh này, mấy ai nghĩ Da Sà từng là vùng khét tiếng ma túybậc nhất Sài Gòn.

"Thấy cục gạch, biết có hàng ngon"

Cây Da Sà (hay Da Sà, thuộc phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân và phường 13, quận 6) là một trong những địa chỉ phải đến trong hành trình tìm về những vùng đất dữ của Sài Gòn xưa. Bỏ qua sao được, bởi trong những khu vực nổi cộm về ma túy, tệ nạn xã hội ở Sài Gòn, người ta từng kháo nhau: “Nhất Da Sà, nhì Tôn Đản, ba Mã Lạng”.

Trong những ngày tháng Tám, Da Sà nắng như đổ lửa, hơi nóng từ mặt đường bốc lên bỏng rát. Khi tôi đến, ông Trịnh Chí Phước - 79 tuổi, trông coi miếu Da Sà hàng chục năm qua - vẫn đang lau dọn như mọi ngày. Trong ký ức của ông, cây da sà gốc to, tán rộng, là nơi tụ tập của nhiều tay hút chích. Từ đặc điểm để mọi người dễ nhận diện vùng đất, Da Sà trở thành tên riêng. Nghe hỏi về giai thoại Cây Da Sà, ông Phước nhiều lần nhắc tới 2 chữ “an tịnh”.

“Thuở bé, hễ ông bà già đi đâu là tôi theo đó, từ Trung Quốc, qua Móng Cái rồi đến Hà Nội, năm 1954 thì về Da Sà ở. Năm đó tôi mới 10 tuổi, không nói rành tiếng Việt nhưng may là ở khu Da Sà có đông người Hoa. Sau này, khi người các miền đổ về Da Sà sống, mọi thứ bắt đầu phức tạp vì họ không tu chí làm ăn lương thiện mà buôn bán thuốc phiện. Cuộc sống lúc đó không thể nào an tịnh được” - ông kể.

Những quầy bán bánh tiêu san sát nhau trên đường Bà Hom
Những quầy bán bánh tiêu san sát nhau trên đường Bà Hom

Hẻm 324 và vài hẻm lân cận của Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân được xác định là điểm nóng nhất về ma túy của khu Da Sà. Có nhiều ngách để vào hẻm nhưng đã vào thì khó quay đầu. Tôi vào hẻm 324 gặp bà Ngô Thị Thu - Trưởng khu phố 31 - và chồng là ông Vòng A Sáng - cộng tác viên dân số của phường.

Theo lời kể của ông Vòng A Sáng, cư dân của khu Da Sà trước đây đa phần là người Hoa, nhà cửa lụp xụp, dân trí thấp, phần lớn không có việc làm nên khi thấy 1-2 người phất lên nhờ bán ma túy, người khác cũng học theo: “Hồi xưa, nói tới Cây Da Sà, dân xích lô chỉ dám tới Phú Lâm rồi bỏ khách. Trong hẻm này, không phải ai cũng bán ma túy nhưng nhiều hộ bán và bán rất kín đáo. Để tuồn hàng đi, họ ra dấu như kiểu để cục gạch ở chỗ nào đó là con nghiện tự biết “hôm nay có hàng ngon”. Khách chạy tới, người trong hẻm phi ra, đưa hàng xong là mất hút. Dân buôn bán tinh vi, lại bao che nhau nên trong nhiều năm, chính quyền không thể dẹp tận gốc”.

Ngày theo chồng từ miền Trung vào Da Sà, bà Ngô Thị Thu thực sự ái ngại. Chưa bàn về nạn buôn bán ma túy, chỉ nhìn nhà cửa nhếch nhác, hễ mưa là sình lầy, nước đọng hôi thối, không có nước sinh hoạt, bà đâm nản, muốn chuyển đi nơi khác nhưng vì chồng mà phải ở.

Từ cuối những năm 1950, Cây Da Sà đã trở thành tụ điểm buôn bán thuốc phiện với những đầu nậu khét tiếng như Vòng A Chảy, A Hào, A Lình... Vòng A Chảy có nhiều mối quan hệ với dân “anh chị” nên vượt mặt, trở thành giang hồ cộm cán nhất khu. Năm 1965, y bị sát hại khiến khu này hỗn loạn do các chân rết vùng lên tranh địa bàn.

Cuộc hồi sinh nhọc nhằn

Sau năm 1975, chính quyền, đoàn thể của xã, phường nhiều lần khuyên răn, vận động, thậm chí tiến hành vây bắt, nạn buôn bán ma túy ở Da Sà có cải thiện, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Năm 1984, công an bất ngờ mở cuộc vây ráp lớn khiến tội phạm không kịp trở tay.

Ông Lưu Quang Long - cư dân khu Da Sà - kể: “Tôi nhớ lúc đó 5g sáng, công an đổ mấy trăm quân xuống đây. Họ áp giải những người từng tới đây mua hàng, hút chích để chỉ ra đầu nậu bán ma túy. Bữa đó, ai đi chợ sớm cũng bị công an chặn lại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ 5g đến gần 9g. Sau đợt vây bắt, những gia đình có tội phạm bị đứt nguồn sống, cảnh nhà đìu hiu”.

Ông Trịnh Chí Phước - người đang trông coi miếu Da Sà
Ông Trịnh Chí Phước - người đang trông coi miếu Da Sà

Sau khi tụ điểm mua bán ma túy bị dẹp, người dân vùng lõi khu Da Sà bắt đầu tính kế khác sinh nhai. Trước đó, đã có vài hộ làm bánh tiêu để kiếm sống nên nhiều người học theo. “Dân nghiện hút chích thì bị bắt đi cai, người bán ma túy thì bị ngồi tù, dân ăn chơi không còn chỗ tụ tập nên cũng xin đi làm xí nghiệp, chạy xích lô, phụ nữ thì phụ làm bánh tiêu hoặc buôn bán nhỏ. An ninh có cải thiện nhưng đời sống vẫn rất khổ do không có nước. Má tôi nhận gánh nước thuê cho nhiều người ở Da Sà nên hồi đó, hỏi bà Sẩm gánh nước thì không ai không biết” - bà Mạc Thiện Giang nói.

Năm 1995, UBND TPHCM bắt đầu chỉnh trang đô thị ở khu Da Sà sau nhiều năm quy hoạch “treo”. Dân vui như hội. Ông Vòng A Sáng nói, căn nhà của ông trong hẻm 324 đã 2 lần nâng nền. Các nhà khác trong hẻm được duyệt xây lầu để có thêm không gian. UBND quận hỗ trợ điện thắp sáng cho từng nhà, nhà nào cần nước thì để lu trước nhà, có đơn vị kéo dây đến bơm đầy.

“Da Sà được như hôm nay là nhờ từng bước nỗ lực của chính quyền và người dân. Nhưng khu Da Sà bây giờ khác lắm. Người dân cực kỳ đoàn kết, cưu mang nhau. Sáng sáng, tôi pha ấm trà, hàng xóm đến ngồi chơi đếm tuổi già, lũ trẻ thì đi học, thanh niên thì lo làm ăn. Vừa rồi, trước mùa mưa, người trong hẻm chung tiền nạo vét cống đề phòng ngập. Người dân Da Sà rất ý thức lo cho cuộc sống” - ông Vòng A Sáng tâm sự.

Quẹo từ đường An Dương Vương vào đường Bà Hom hay băng qua Tỉnh lộ 10 ngày nay, đập vào mắt là hàng dài những lò bánh tiêu đang đỏ lửa. Hàng quán ở đây không tinh tươm, sang trọng nhưng trên chiếc bàn đơn sơ là la liệt bánh, nổi nhất là bánh tiêu các loại và quẩy, bánh da lợn, bánh sắn nướng, bánh chuối, bánh bao chỉ...

Trong khoảng chục năm trở lại đây, số vụ án hình sự ở khu Da Sà đã giảm rất nhiều, nạn mua bán ma túy không còn nữa. Thế nên, hình ảnh khu Da Sà phức tạp dường như chỉ còn phảng phất trong trí nhớ của những người lớn tuổi…

Bài cuối: Cống Bà Xếp “thay da, đổi thịt”

Diễm Mi

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.


Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI