Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn

Bài 2: Những nhân vật quyền lực ở điểm nóng nhà không phép

13/05/2020 - 07:37

PNO - Vì sao nhà không phép có thể vô tư mọc lên ngay trong đại dịch COVID-19? Khi tiếp cận những “tai mắt” của chính quyền, chúng tôi mới dần hiểu được nguồn cơn…

Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn

Trong lúc vụ án sai phạm về xây dựng ở huyện Bình Chánh (TPHCM) đang được xét xử, tại địa phương này, những căn nhà không phép vẫn đua nhau mọc lên như thách thức pháp luật. Thâm nhập thực tế, chúng tôi được dẫn mối đến những người chỉ là tổ trưởng tổ dân phố, cai thầu xây dựng nhưng lại dám tuyên bố hùng hồn rằng chỉ cần thông qua họ, mua đất nông nghiệp vẫn cất được nhà, đã xây thì không ai dám động vào…

Bài 1: Vây tôn cũ bên ngoài, xây nhà cấp tốc bên trong

Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hàng trăm căn nhà không phép mọc lên ở xã Vĩnh Lộc A
Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hàng trăm căn nhà không phép mọc lên ở xã Vĩnh Lộc A

Qua nhiều ngày thâm nhập thực tế, lần theo thông tin từ những “cò’’ đất nghiệp dư, chúng tôi tiếp cận được những người có thể bảo kê xây nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A, như H. “mập”, K. “điên”, Đ. “bé”…

Trong số này, bà Đ. “bé” dù được xem là “tai mắt” của chính quyền nhưng lại rất nổi tiếng về mua bán đất nông nghiệp, kiêm thầu xây nhà “chui”.Bà Đ. chỉ là tổ trưởng tổ dân phố ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TPHCM) nhưng dám đứng ra nhận thầu xây nhà không phép với giá 500 triệu đồng kèm theo cam kết “nhà không bị đập”. 

“Vứt chừng 200 triệu đồng là xong”

Ngay trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, cùng với tình trạng xây nhà không phép, dịch vụ “mua bán, ký gửi” nhà đất ở xã Vĩnh Lộc A cũng rộ lên như nấm sau mưa. Dọc theo các trục đường Quách Điêu, Dân Công Hỏa Tuyến, Liên ấp 2-6, Liên ấp 2-3-4, chúng tôi nhẩm đếm được hơn 100 điểm gọi là “dịch vụ nhà đất”. Điều đặc biệt là những ông chủ “dịch vụ nhà đất” còn kiêm luôn cả “dịch vụ xây dựng”. H. “mập” - trú tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A - là một ông chủ kiểu như vậy. 

Cuối tháng 4/2020, trong vai người đi mua đất xây nhà, chúng tôi tiếp cận H. “mập”. Người đàn ông này khoe: “Em đang làm mấy căn nhà bên đường Lê Thị Dung lận đó”. Trong lúc trò chuyện, H. “mập” luôn gợi ý sẽ đứng ra lo xây nhà: “Em nói luôn, toàn khu này bây giờ không có chỗ nào cấp phép xây nhà được cả. Nhưng anh cứ mua đi, rồi em tính cho. Do mình mới quen, có những điều tế nhị chưa thể nói ra được”.

H. “mập” cho biết, giá đất ở xã Vĩnh Lộc A đang “sốt như điên” nên chỉ có những chỗ đồng trống mới có giá mềm, có thể “lo xây được” với giá trên 500 triệu đồng. “Đất rẻ nhất chỉ có ở chỗ quy hoạch khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3, nhưng “chỗ đó khó nhằn lắm”. Theo H. “mập”, chỗ quy hoạch khu công nghiệp rất khó xây lén, còn với những vị trí khác ở ấp 4, anh ta có thể “lo’’ được.

H. “mập” dắt chúng tôi đi xem đất và cho biết mình đang xây rất nhiều căn nhà không phép
H. “mập” dắt chúng tôi đi xem đất và cho biết mình đang xây rất nhiều căn nhà không phép

Điểm đầu tiên H. “mập” dắt chúng tôi đến là khu nhà nằm giáp ranh giữa ấp 4, xã Vĩnh Lộc A với xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn. H. nói, khu đất này có diện tích 4x12m, không phải là đất ở nhưng có thể xây nhà dễ dàng vì xung quanh đã có nhà cất lên rồi.

Chúng tôi hỏi: “Giờ mình xây không phép à? Lỡ bị đập thì sao?”. H. cười: “Em gợi mở với anh luôn, khi xây, mình phải vứt ra ngoài (ý là chung chi) tầm 200 triệu rồi muốn xây gì thì xây. Phần xây nhà, em sẽ làm, muốn nhà cấp 4 hay đổ mê gì, em cũng làm được. Ở đây là vậy, bao nhiêu người xây rồi”.

Như để chứng minh, H. “mập” dắt chúng tôi đến một khu nhà ở giữa đồng ruộng. Thoạt nhìn, đây chỉ là khu nhà tôn tạm bợ, nhưng bên trong những miếng tôn cũ nát là những căn nhà 2-3 tầng hoành tráng. Dắt chúng tôi vào trong một căn nhà hai tầng, H. “mập” nói: “Nhà này nó xây lên rồi bán nè, giá tầm 1,7 tỷ”.

Chủ căn nhà trên cũng khẳng định, mình xây nhà không phép nhưng đã ở yên ổn được lâu nay và giờ muốn bán lại. Chúng tôi giật mình nhìn lại, giữa khu đồng ruộng này, có hơn chục căn nhà kiên cố và khoảng chục lô đất đã được đổ móng. Thậm chí, có căn nhà vừa được xây lên ngay giữa đồng cũng được ra giá hơn 1 tỷ đồng.

Thấy chúng tôi vẫn tỏ vẻ lo sợ, ông chủ nhà quay sang hỏi H. “mập”: “Có qua chỗ anh K. “điên” chưa ?”. H. “mập” lắc đầu rồi quay sang nói với chúng tôi: “Khu này nhà nào cũng có bàn tay anh K. “điên”, không tin cứ đi hỏi người dân là biết thôi. Có anh K. “điên”, nhà chỗ nào cũng xây lên được”.

H. “mập” quả quyết: “K. “điên” mà làm thì nhà chỉ có xây lên chứ không bao giờ bị hạ xuống. Gió bão thì chịu chứ bình thường, không thể rớt một viên gạch nào cả. Nhưng, các anh cứ qua em đi, chứ mình gặp lần đầu, em có biết ai đâu mà dẫn đến”.

Một “hộp tôn” mọc lên giữa cánh đồng ở xã Vĩnh Lộc A nhờ những bàn tay quyền lực
Một “hộp tôn” mọc lên giữa cánh đồng ở xã Vĩnh Lộc A nhờ những bàn tay quyền lực

Bà tổ trưởng dám đứng ra lo hết

Theo điều tra của chúng tôi, K. “điên” mà H. “mập” nhắc đến đang ở tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A. Người đàn ông này không phải là cán bộ xây dựng, cũng không làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng lại có “ma thuật” trong việc xây nhà không phép, không ai dám đụng đến. Thế nhưng, để  K. “điên” nhận giúp thì phải thông qua những “chân rết” như H. “mập” chứ ông này không trực tiếp giao dịch.

“Đường dây” xây nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A được tổ chức rất bài bản, với hệ thống chân rết chằng chịt. “Mắt xích” ngoài cùng của đường dây này là những người làm nghề “cò bay”, tức là những đối tượng hay ngồi ở các quán cà phê, điểm mua bán đất để chào mời mua đất, xây nhà.

“Mắt xích” thứ hai là những tay thầu xây dựng hoặc dịch vụ nhà đất sừng sỏ như H. “mập”, K. “điên”… Một “mắt xích” quan trọng để dựng lên những căn nhà không phép là những người được xem là “tai mắt” của chính quyền, tức những người đứng đầu tổ nhân dân và có thể có những “mắt xích” cao hơn mà người dân chưa biết.

Ở những khu nhà không phép, người ta thường nhắc đến những “tổ trưởng” quyền lực rất ít khi ra mặt nhưng có thể bảo chứng cho nhà không phép mọc lên giữa thanh thiên bạch nhật. Bà Đ. “bé” là một “bàn tay quyền lực” kiểu như vậy. 

Bà tổ trưởng Đ. “bé” khẳng định sẽ lo liệu việc xây nhà không phép
Bà tổ trưởng Đ. “bé” khẳng định sẽ lo liệu việc xây nhà không phép

Lần theo các “chân rết” trong dịch vụ bảo kê xây nhà không phép, ngày 27/4, chúng tôi tiếp cận bà Đ. “bé” và được bà dẫn đi xem những khu đất giá rẻ. Theo gợi ý của bà Đ., chúng tôi nên mua đất nông nghiệp giá thấp, tiền dư ra sẽ dùng xây nhà. Dừng lại ở một khu đất đầy cỏ dại, bà Đ. “bé” thuyết phục: “Tụi em yên tâm đi, khu này gần nhà chị, toàn bộ nhà xây ở đây, một tay chị lo hết”. 

Miếng đất bà Đ. “bé” đưa chúng tôi đến nằm khá sâu so với trục đường chính. Gần sát đó, có hai căn nhà ngoài bọc tôn, trong được xây tường bề thế. Trong đó, một căn đã xây dựng xong, vừa có người vô ở; căn còn lại đang xây kiểu “du kích” với vài ba thợ, khi thấy người lạ thì kéo miếng tôn che lại. Vừa đến nơi, bà Đ. lớn tiếng: “Thấy hông, người ta đang xây ầm ầm đó. Đợt này đang dịch, dễ làm lắm”. Vừa nói, bà Đ. vừa đưa tay chỉ về hướng những căn nhà bọc tôn bên ngoài để chúng tôi yên tâm.

Miếng đất mà bà Đ. dắt chúng tôi đến có diện tích 4x10m, đã được kiềng móng, rào lưới sẵn, được báo giá 550 triệu đồng. Chúng tôi giả vờ than: “Khu này đất giấy tay, không xây dựng được mà giá đắt quá. Xây lên sẽ bị cơ quan chức năng tháo dỡ”. Bà Đ. liền xua tay: “Trời ơi, tao làm ở đây mà. Đưa đây chị làm cho”.

Bà Đ. nói chắc nịch rằng, gia đình bà có người làm dịch vụ xây dựng. Với diện tích đất như trên, muốn làm nhà theo kết cấu gác lửng, bà sẽ là người nhận xây với giá 500 triệu đồng. Số tiền này bao gồm cả chi phí cam kết “xây lên không bị đập“ và có thể ghi cam kết này vào hợp đồng.

Để chúng tôi yên tâm, bà Đ. dắt chúng tôi đến một khu ba căn nhà liền kề cách vị trí thửa đất chừng 500m. Bà cho biết, ba căn nhà này được dựng lên theo kiểu xây vách đứng chừng 2m rồi dựng tôn lên trên. Nếu muốn mua, mỗi căn ở đây giá 950 triệu đồng. Đáng nói, ba căn nhà nhưng chỉ có một tấm biển chung đề địa chỉ F5/4T1, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A.

Một căn nhà ngoài tôn, trong bê tông ở ấp 4, xã Vĩnh Lộc A được ra giá 1,7 tỷ đồng
Một căn nhà ngoài tôn, trong bê tông ở ấp 4, xã Vĩnh Lộc A được ra giá 1,7 tỷ đồng

Để chứng minh “quyền lực“ của mình, bà Đ. còn dắt chúng tôi về nhà và nhiều lần khẳng định: “Nếu muốn xây dựng, chị lo hết, xây bị đập là chị chịu trách nhiệm”. Khi chúng tôi bày tỏ lo lắng về việc xây nhà không phép sẽ không có điện nước, khó nhập hộ khẩu, khó xin cho con đi học, bà Đ. tuyên bố hùng hồn: “Cứ về đây đi, chị xin cho. Chị là tổ trưởng mà, tổ trưởng tổ 6”.

Sau cuộc trò chuyện, bà Đ. nhiều lần gọi điện thuyết phục chúng tôi bằng cụm từ “chị lo hết”. Bà Đ. khẳng định, người trong gia đình bà làm nghề xây dựng. Những căn nhà mọc lên ở đây đều có bàn tay của gia đình bà. Kể cả căn nhà “ngoài bọc tôn, trong xây tường” vừa sừng sững mọc lên trong đại dịch COVID-19 vừa qua, bà Đ. cũng nói “nhà này chị nhận xây”. 

Bài 3: Thiệt hại kép từ nạn xây nhà không phép

Nhóm phóng viên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Chaua 17-05-2020 21:55:50

    Thật là ghê gớm,vời bài phóng sự thật tuyệt vời đã lật hết phía sau lưng việc xây dựng không phép,mua bán đất nông nghiệp tràn lan,phá nát việc quy hoạch.Cần chuyển qua cơ quan điều tra để điều tra và truy tố các nhân vật cộm cán cùng các nhân vật bảo kê của chính quyền địa phương cho sự sai trái xem thường kỹ cương pháp luật

  • Ái Khanh 13-05-2020 13:23:13

    Dạo gần đây, tổ trưởng dân phố mà làm cò đất thì cũng quyền lực ghê, lo luôn tạm trú, lo luôn khâu bênh vực người mua nhà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI