Đầu tháng 10/2021, khu phố 1, P.Tân Thành, Q.Tân Phú được UBND phường bàn giao 14 tấn gạo để hỗ trợ cho dân. Mặt bằng ban điều hành khu phố quá nhỏ, chị Nguyễn Ngọc Yến - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban điều hành khu phố 1 - nhanh chóng vận động được các hộ gần đó cho mượn mặt bằng làm điểm tập kết gạo.
Mỗi ngày, chị Yến đều dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho cha. Cha chị đã 94 tuổi nên khẩu phần của ông phải chuẩn bị riêng. Phần chị Yến cũng là bữa ăn dinh dưỡng đơn giản bởi nhiều năm về trước, chị mắc bệnh ung thư. Lo xong việc nhà, chị lại chạy ra khu phố để phát quà, cập nhật số liệu người bị ảnh hưởng của dịch bệnh, thăm người già neo đơn, em nhỏ có cha mẹ đang điều trị bệnh.
Cùng làm việc với chị là nhiều tình nguyện viên. Sau một buổi tất bật phân phát gạo cho các hộ khó khăn, chị Yến cho biết: “Một mình tôi không thể nào làm nổi, phải nhờ hơn mười tình nguyện viên, đều là người trong khu phố đến phụ khuân vác, cân ký và phân chia gạo vào từng túi nhỏ 15kg”. Từ khi nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ khu phố vào năm 2020 đến nay, chị vẫn thường huy động được nhiều người chung tay, góp sức vào các công việc lớn, nhỏ: “Dựa vào dân, huy động được sức dân thì việc khó cũng thành dễ”.
Tương tự, trong 27 năm công tác, chị Huỳnh Huệ Dung - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 6, P.5, Q.6 - chưa bao giờ đơn độc trong các hoạt động, đặc biệt là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em.
Năm 2012, chị Dung và chị Thu Vân (hội viên thuộc chi hội) thành lập bếp ăn từ thiện ở khu phố 6. Lúc đầu, bếp chỉ có bốn thành viên, hỗ trợ 400-500 suất ăn/lần, kinh phí do các thành viên tự đóng góp. Các chị tự tổ chức nấu thức ăn rồi đến trước cổng Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trao tặng cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và khách vãng lai. Vừa làm, chị Dung vừa huy động thêm nhiều nguồn hỗ trợ. Đến nay, bếp có khoảng 20 thành viên, nấu và phát cơm, cháo, nui từ thiện hai lần/tháng vào các ngày 14 và 20 âm lịch, mỗi lần từ 1.200-1.500 suất, tổng kinh phí hơn 20 triệu đồng.
Để có được các suất ăn, chị Dung cùng các thành viên phải chuẩn bị và làm việc từ ngày hôm trước. Trong khi mọi người còn đang an giấc thì bếp ăn từ thiện đã đỏ lửa, đến 5g sáng là đã có đồ ăn và nước uống cho bệnh nhân.
Mùa dịch COVID-19, bếp ăn từ thiện khu phố 6 đã nấu hơn 1.000 suất ăn miễn phí tặng người già, người có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số, lực lượng bảo vệ dân phòng và người dân trong các khu vực bị phong tỏa của Q.6.
Cán bộ phải làm gương
Bà Dư Thị Kiều - nguyên Chủ tịch Hội LHPN P.10, Q.Tân Bình - nói về dân vận: “Việc gì cũng vậy, cán bộ cứ đi trước, làng nước sẽ theo sau”. Trong suốt mười năm làm chủ tịch Hội LHPN phường, bà Kiều cùng các cán bộ hội phụ nữ đã đưa phong trào phụ nữ của phường đi lên, thu hút cộng đồng người Hoa chung tay xây nhà tình thương cho người dân khó khăn, trao nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ. Phong trào “Hũ gạo tình thương” do Hội LHPN phường phát động trở thành điểm sáng trong công tác hội ở địa phương, hằng tháng hỗ trợ gạo cho hơn 16 hộ.
|
Chị Huỳnh Huệ Dung nhận rau do nhà hảo tâm đóng góp cho bếp ăn từ thiện của khu phố 6, P.5, Q.6 |
Từng theo chân bà Ứng Thị Liên - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ chợ Bình Tây, Q.6 - trong hành trình thiện nguyện, chúng tôi thấy bà kêu gọi từ thiện rất thân tình, có khi chỉ là một cú điện thoại: “Em ơi, có coi đài không, miền Trung khổ quá, bão chồng bão. Chị muốn xin 500 cái mền cho dân. Em phụ chị nghen”. Cuộc gọi vừa dứt, tài khoản của bà đã nhận được 15 triệu đồng, người cho không chỉ muốn tặng mền mà còn tặng thêm áo phao, thực phẩm. Hết bão lũ, lại đến dịch bệnh, bà lại xin rau, thịt, cá các nơi để tặng người dân Q.6 gặp khó khăn.
Để có được sự ủng hộ của người khác, bà Dư Thị Kiều, bà Ứng Thị Liên, chị Huệ Dung, chị Ngọc Yến đều “đi trước” trong mọi công việc. Dù mang trong người nhiều bệnh tật, bà Ứng Thị Liên vẫn làm từ thiện gần 20 năm qua. Bà không chỉ gửi tiền, gửi quà mà còn bỏ ngày công buôn bán ở chợ để trực tiếp đến chăm sóc, tắm rửa cho trẻ khuyết tật, mồ côi ở các trung tâm, cùng nấu và phục vụ bữa ăn ngon cho người già. Bão vừa quét qua miền Trung thì vài hôm sau, bà đã có mặt ở những khu nhà đổ nát để trao thực phẩm, áo ấm; hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bà đích thân mang nước sạch đi trao.
Tháng 8/2018, khi về ấp 4, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè dự lễ khánh thành con hẻm bê tông do dân góp kinh phí để xây, chúng tôi được người dân giới thiệu về chị Nguyễn Thị Hương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, người đã nêu gương hiến đất mở rộng hẻm. Con hẻm này chỉ dài 400m, xuống cấp nhiều năm nhưng chính quyền xã, huyện chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, bồi thường để mở rộng hẻm. Khi UBND xã ra chủ trương vận động dân góp tiền, hiến đất, nhiều người phản đối. Chị Hương đã dời hàng rào nhà mình vào trong rồi ra ban nhân dân ấp góp tiền làm hẻm. Tiếp đến, chị bắt đầu ghé từng nhà vận động. Sau hai tháng, con hẻm lầy lội được bê tông hóa, bề ngang 2m, xe chạy phà phà.
(Còn nữa)
Diễm Chi - Thiên Ân