Những năm tháng không thể nào quên

Bài 2: Những lần thoát cửa tử trong gang tấc của NSƯT Phượng Hằng

02/07/2020 - 17:11

PNO - Trải qua nhiều khổ cực, thậm chí không ít lần "giáp mặt" thần chết nhưng NSƯT Phượng Hằng vẫn bám trụ với sân khấu.

Những năm tháng không thể nào quên

Nghệ thuật điện ảnh cũng như sân khấu Việt Nam từng trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng chính những giai đoạn khó khăn ấy lại là thời hoàng kim của một thế hệ nghệ sĩ vàng. Có lẽ vì thế, những năm tháng vất vả nhưng tràn đầy nhiệt huyết, đam mê lại trở thành ký ức rất đặc biệt với họ, tràn đầy cảm xúc mỗi khi chợt nhớ về.

Bài 1: NSND Trà Giang: Đời làm phim là bức hoạ vô song

Đoàn hát là gia đình lớn

Khi tuổi đời ngày một lớn, ký ức như liều thuốc kỳ diệu làm trẻ hoá tâm hồn. Đôi lúc, tôi ngỡ mình quay về tuổi lên năm, là cô bé tinh nghịch sống giữa đoàn hát. Lén nhìn từ cánh gà, làm khán giả nhí, hoặc chen vào dàn đờn cổ với tranh, kìm, bầu, sến... bày trí hoành tráng dưới sân khấu, khi mỗi âm thanh vang lên, lòng tôi lại rộn ràng, xốn xang. Và đó là hạnh phúc.

Ba má tôi theo đoàn hát từ sớm nên anh chị em tôi cũng lần lượt ra đời giữa chốn nhộn nhịp này. Cuộc đời chúng tôi đã sớm định sẵn với những cuộc dịch chuyển không ngừng. Có lẽ, với người lớn, đó là nỗi niềm khó tả cho một kiếp long đong, nhưng chúng tôi luôn háo hức với những chuyến đi không biết điểm dừng.

Những kỷ niệm luôn đọng trong tâm trí của nghệ sĩ Phượng Hằng dẫu chị đã qua nửa con dốc của cuộc đời
Nghệ sĩ Phượng Hằng luôn lưu giữ kỷ niệm dẫu chị đã qua nửa con dốc cuộc đời

Ngày đó, đoàn hát không di chuyển quá xa, thường ở một tỉnh trong vài tháng cho đến một năm, từ huyện này qua huyện kia, xã này qua xã nọ, lưu lại 10 ngày - nửa tháng. Đôi khi đoàn đi miền Trung. Không có điều kiện nên nghệ sĩ phải ngồi chung xe chở hàng, vượt qua những đoạn đèo cao với nhiều khúc cua gắt nguy hiểm dù ngày ấy tôi rất thích.

Điểm diễn có khi là một sân banh, cánh đồng lúa đã gặt xong, hoặc chủ đất không làm ruộng mà chỉ để cho thuê. Người dân hào hứng vì được xem mặt nghệ sĩ. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng trên sân khấu, chúng tôi cũng như bao con người bình dị, cùng nhau căng bạt, dựng rạp, dọn dẹp mọi thứ thật sạch sẽ. 

Nữ nghệ sĩ rất thích thú với cuộc sống vui vẻ bên trong gánh hát ngày xưa
Nữ nghệ sĩ rất thích cuộc sống vui vẻ với gánh hát ngày xưa

Gầm sân khấu là nơi che mưa che nắng cho cả đoàn. Không gian khá chật, chiều cao chỉ hơn nửa thân người lớn, phải khòm lưng, chùng gối mỗi khi ra vào. Mọi người mắc võng, trải chiếu để nằm. Còn các gia đình thường dùng bạt nhựa bao vòng quanh sân khấu làm nơi trú ngụ.

Mùa nắng thì nóng nực, mùa mưa che mấy cũng không tránh khỏi cảnh ẩm ướt. Những đêm mưa to, tấm bạt nhựa rách mòn theo năm tháng không ngăn nổi dòng nước, khiến ướt cả chỗ nằm. Anh em trong đoàn túm tụm ngồi trò chuyện đến sáng. Tiếng cười vui hoà theo tiếng mưa gió như cuốn trôi hoàn cảnh thực tại. Nơi nào may mắn được người dân đón tiếp, anh em nghệ sĩ có thể ở nhờ, nhưng số lượng cũng có hạn.

Năm 17 tuổi, tôi được đoàn Hương Dạ Thảo Phương Bình mời về sau vài tháng thế vai đào ở đoàn cũ. Thời gian đó, má tôi vì tuổi già nên lui về làm phục trang cho đoàn, còn ba tôi soát vé. Khi bắt đầu gây dựng sự nghiệp, tôi quyết định để ba má nghỉ, nhận lãnh trách nhiệm gánh vác gia đình. 

Những chuyến đi hát miền Trung 7 tháng, miền Tây và Sài Gòn 3 tháng cứ như thế nối đuôi nhau từ năm này sang năm khác, vui nhiều nhưng vất vả không ít. Miền Trung vào mùa mưa bão, nỗi buồn kéo dài lê thê. Có khi, đoàn phải nằm suốt 1 tuần liền nghe tiếng mưa, gió lạnh buốt, giằng xé với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Mùa khô hạn lại là nỗi ám ảnh. Có khi chúng tôi phải tự đi gánh nước hoặc mua nước tắm rửa, sinh hoạt, chắt chiu từng gàu. 

Những chuyến lưu diễn miền Trung, miền Tây niềm vui nhiều nhưng cực khổ cũng không ít
Những chuyến lưu diễn miền Trung, miền Tây, vui nhiều nhưng cực khổ cũng không ít

Thuở theo đoàn Nhân dân Kiên Giang, chúng tôi thường di chuyển trên những chiếc ghe bầu to. Đạo cụ sân khấu chất đầy nóc ghe, bên trong, cả đoàn mắc võng, trải chiếu nằm, giấc ngủ trôi theo tiếng nước vỗ vào mạn ghe, chòng chành theo từng con sóng. Đoạn sông nào có cầu bắc ngang, anh em hậu đài hì hục giở cầu để ghe đi qua, sau đó lắp lại; nơi nào cầu kiên cố thì phải neo ghe chờ nước ròng để qua. 

Những mâm cơm hội là nơi kết nối tình thân của chị em nghệ sĩ trong đoàn. Mâm cơm thường chỉ có món canh, món mặn nhưng lúc nào cũng vui với những câu chuyện phiếm không đầu, không cuối.

Niềm vui khi đi cùng đoàn hát khiến tôi không có ý nghĩ sẽ mua nhà vì nơi đây như một gia đình. Về sau tôi nhận ra, muốn ổn định thì một ngôi nhà và mái ấm là không thể thiếu. Đó cũng là lúc tôi chấm dứt những ngày tháng lênh đênh cùng đoàn hát.                                                                                                                      

Những lần thoát cửa tử                                                                     

Dẫu vui nhưng những chuyến đi luôn chứa nhiều rủi ro. Anh chị em trong đoàn hát từng không ít lần ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, nhưng tôi luôn cảm nhận được sự phò trợ của Tổ nghiệp để bảo toàn tính mạng. Có lẽ, tôi đã được chọn để trọn đời trọn kiếp làm tằm vương tơ, trả nợ cho đời.

Thời chiến tranh, bom rơi, đạn lạc, lựu đạn nổ luôn trở thành nỗi ám ảnh. Có lần, đoàn đi lưu diễn, tôi ngồi trên cánh gà thì bất ngờ bị sụp xuống hầm sân khấu vì sức nổ của lựu đạn quá mạnh. Lần đầu tiên, tôi hiểu rõ cảm giác gang tấc giữa sự sống và cái chết.

Chuyến lưu diễn tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai cũng hằn sâu trong ký ức tôi bởi những khoảnh khắc đầy ám ảnh. Hôm ấy, sau khi diễn xong, tôi lật đật chạy xuống sân khấu để bán thuốc, đậu phộng kiếm thêm thu nhập. Tiếng cười nói râm ran khắp khoảng sân rộng lớn bất ngờ chuyển thành tiếng la hốt hoảng bởi tiếng nổ của lựu đạn. Những đứa trẻ nghịch ngợm trèo lên cây để xem hát, rơi xuống đất nghe như tiếng mít rụng. Tôi điếng người. Đám đông tháo chạy tán loạn. Tôi rút vào gầm sân khấu, nghe rõ tiếng thở hổn hển của mình trong tột cùng sợ hãi. Tôi may mắn không bị thương, nhưng đến giờ, trên lưng anh trai tôi vẫn còn mảnh đạn. 

Còn nhớ, trong một lần đoàn đi miền Trung, khi xe qua cầu, bỗng nhiên cây cầu nghiêng dần rồi sụp hẳn xuống lòng sông. May mắn do sông nhỏ, chúng tôi được cứu kịp thời. Nhưng nỗi hoảng sợ vẫn theo vào trong giấc ngủ mụ mị của mọi người một thời gian dài. 

Nghệ sĩ Phượng Hằng nhiều lần đối diện cửa tử trên đường đi lưu diễn
Nghệ sĩ Phượng Hằng nhiều lần đối diện cửa tử trên đường lưu diễn

Miền sông nước cũng chứa nhiều hiểm nguy. Một lần, sau suất hát chầu ở Năm Căn, chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi về lại trung tâm trong màn đêm đen kịt. Chiếc chân vịt vướng vào đáy do người dân đóng dưới lòng sông để bắt tôm cá, khiến vỏ lãi xoay vòng vòng giữa dòng nước chảy xiết, may mắn, người lái điều khiển kịp thời nên không lật úp.                                             

Lần khác, chúng tôi đến điểm diễn bằng một chiếc xuồng, vốn chỉ chở được 6 người nhưng lại phải chở đến chục người, chưa tính dàn đờn. Những thanh niên đi ghe lớn ngang qua bày trò trêu ghẹo, giở chân vịt cho nước văng tung toé. Theo phản xạ, mọi người đều nghiêng qua nghiêng lại khiến xuồng bị vào nước. Tôi hoảng sợ nhảy ùm xuống sông với mong muốn bơi lẹ vô bờ. Nhưng khi ở giữa sông trong đêm khuya, trời tối đen, nỗi sợ khiến tôi như tê dại. May mắn tôi và cả đoàn đều bình an, nhưng sau chuyến đi này, tôi bị bệnh suốt 1 tháng, không thể gượng dậy để đi hát.

Đuôi mắt phải của tôi vẫn còn một vết sẹo dài, hậu quả từ một tai nạn nguy hiểm trên sân khấu. Lần đó, đoàn diễn tại Long Khánh, vở Đứa con rơi, một khán giả quá khích do ghét nhân vật người mẹ nên cầm đồ ném lên sân khấu, trúng ngay mắt tôi, chỉ một chút nữa là phạm vào giác mạc. Suất diễn phải tạm dừng vì sự cố này. Hôm sau, mắt và mặt tôi sưng vù, đau rát, nhưng niềm vui thích được trở lại sân khấu khiến nỗi đau thể xác trở nên nhẹ tênh. Tôi chỉ cầu khấn Tổ nghiệp cho mau lành lặn để trở lại sân khấu. Có lẽ, hạnh phúc của một đời nghệ sĩ chỉ gói gọn trong bấy nhiêu mà thôi. 

Đuôi mắt phải của nữ nghệ sĩ vẫn còn vết sẹo do sự cố trên sân khấu để lại
Đuôi mắt phải của nữ nghệ sĩ vẫn còn vết sẹo do sự cố trên sân khấu để lại

Khổ nhọc, gian lao nhưng tôi chưa bao giờ muốn dừng lại, bởi đã trót yêu nghiệp diễn. Nghề nào cũng thế, không trăm đắng cũng ngàn cay, nếu cứ bỏ giữa chừng vì khổ, thì chẳng bao giờ nên chuyện.

Bây giờ, đi hát sướng hơn ngày trước khi có xe đưa rước tận nơi, được ngủ khách sạn sang trọng, tiện nghi nhưng lạ một điều, tôi vẫn khát thèm cảm giác của ngày xưa, bởi từ trong những cực khổ đó lại ươm mầm cho hạnh phúc nở hoa.

Những hồi ức vui của NSƯT Phượng Hằng trên sân khấu

Con nít thường hay thích chọc phá, tôi cũng không ngoại lệ. Có một tuồng nọ, theo lúc tập, tôi chỉ cầm trái me chua chứ không ăn. Nhưng khi lên sân khấu diễn, tôi cầm chấm muối, ăn ngon lành khiến nhạc công chảy nước miếng, thổi kèn kêu khẹt khẹt làm khán giả cười rần rần.

Lúc mới tập hát hơi dài, tôi bị khích và quyết định nhận lời. Nhưng đêm đó, chỉ còn chữ cuối cùng thì tôi lịu, bị gãy, khiến khán giả cười ầm lên, mắc cỡ vô cùng. Mấy ngày sau đó, tôi chỉ quanh quẩn trong rạp, không dám bước chân ra ngoài. Nhờ mọi người khuyên nhủ, tôi mới thoải mái hơn. Tôi hiểu ít nhất bản thân đã cố gắng để làm được một điều đặc biệt, chỉ cần lần sau cố gắng thêm chút nữa là đạt. Không ai thành công mà không từng nếm trải cảm giác thất bại.

Trung Sơn (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI