LTS: Từ cuối năm 2020, Bộ Nội vụ bắt đầu lấy ý kiến về đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”. Theo đó, việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu đột phá trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Trước khi có đề án, công tác thu hút, đào tạo nhân tài cũng đã được nhiều tỉnh, thành thực hiện; trong đó, TP. Đà Nẵng và TPHCM là hai trong năm tỉnh, thành được Bộ Nội vụ khảo sát về thực tiễn để làm cơ sở “định lượng và định tính” về nhân tài…
Bài 1: Những đổi thay ở thành phố “đầu tàu miền Trung”
|
Đầu năm 2021, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của thành phố giai đoạn 2020-2035. Được xác định là một đô thị đặc biệt, TPHCM cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, xứng tầm với yêu cầu phát triển của một trung tâm kinh tế của cả nước.
|
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng hoa cho bà Phạm Quỳnh Anh - gương mặt tiêu biểu của Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TPHCM - vừa trúng cử Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 - Ảnh: Việt Dũng |
Học sinh cuối cấp có triển vọng nằm trong chọn lựa
Để đạt được điều đó, thành phố đã đề ra các chính sách đồng bộ, đột phá, nhằm thu hút, phát huy nhân tố con người, khơi dậy tiềm năng sáng tạo để đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Đối tượng trước tiên được nhắc đến chính là học sinh có triển vọng từ năm cuối trước khi tốt nghiệp THPT; học sinh đậu thủ khoa, đạt giải quốc gia, quốc tế; hoặc sinh viên đại học có kết quả học tập, nghiên cứu và rèn luyện xuất sắc ngay từ năm thứ nhất của các cơ sở đào tạo trong nước hằng năm. Các “phát hiện” này sẽ được đánh giá và đưa vào diện thực hiện chính sách, được cấp học bổng. Nếu tốt nghiệp đại học loại xuất sắc sẽ được cấp kinh phí bồi dưỡng kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, và giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị có nhu cầu để xem xét, tuyển dụng.
Các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp loại xuất sắc ở nước ngoài nếu có nguyện vọng trở về nước, sẽ được hỗ trợ kinh phí và giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị có nhu cầu để tiếp nhận, bố trí công tác. Tương tự, các chuyên gia, nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước được phát hiện, giới thiệu từ cơ sở đào tạo và trong thực tiễn công tác ở cơ quan, đơn vị, nếu đủ tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, cũng sẽ được cấp có thẩm quyền đưa vào diện thực hiện chính sách như trên.
Bên cạnh việc duy trì, phát huy các hoạt động tổ chức bình chọn, vinh danh các gương mặt công dân trẻ dưới 35 tuổi tiêu biểu trong học tập, lao động sản xuất, có thành tích trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thành phố sẽ tăng cường, đổi mới các hình thức tôn vinh tài năng trẻ, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm, phát hiện tài năng trong học tập, sáng tạo và hỗ trợ kinh phí, điều kiện để cán bộ khoa học trẻ nghiên cứu các đề tài ứng dụng trong sản xuất, cuộc sống…
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Nên, để nâng cao chất lượng đầu vào và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, TPHCM cần thực hiện dự báo nhu cầu về tuyển dụng đội ngũ của hệ thống chính trị định kỳ trong nhiệm kỳ; tăng cường tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ thuộc ngành nghề chiến lược để bố trí vị trí phù hợp; thực hiện thống nhất việc quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu công tác, theo chức danh đương nhiệm và chức danh quy hoạch.
Trong chương trình đào tạo công chức, TPHCM không chỉ tập trung bổ sung kiến thức chuyên môn, mà còn đề cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Việc đào tạo cán bộ còn được thông qua hình thức luân chuyển để có điều kiện phát huy khả năng ứng phó nhạy bén với tình hình mới trong nhiều lĩnh vực. Phương pháp đào tạo hướng tới phát huy năng lực sáng tạo của cán bộ, công chức, đồng thời tập trung vào thảo luận nhóm, trao đổi quan điểm và trải nghiệm thực tế
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng đào tạo các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin - truyền thông; khoa học - công nghệ - trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; giáo dục; du lịch; quản lý đô thị; có chính sách phù hợp để khuyến khích cán bộ tự nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ. Chính sách đãi ngộ hợp lý đối với trí thức Việt kiều là những nhà khoa học, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển kinh tế xã hội.
|
Chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân sẽ được đổi mới phương thức thực hiện - Ảnh: An Khánh |
Nhân lực chất lượng cao quyết định sự bền vững
Ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo đổi mới phương thức thực hiện Chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Công đoàn nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, cách thức tiếp cận, tương tác với công nhân. Đoàn thể này không chỉ nắm tâm tư, nguyện vọng của họ, mà cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của người lao động.
Vận động công nhân trẻ trau dồi kiến thức, kỹ năng, rèn luyện bản lĩnh, thể hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội. Tuyển chọn, cử công nhân tiêu biểu để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các doanh nghiệp nhà nước, hoặc các khu chế xuất, khu công nghiệp.
TPHCM xác định lãnh đạo tương lai là những người có tài năng.Vì vậy, mục tiêu cụ thể của đề án là trong giai đoạn 2021-2025, hoàn thành xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị thành phố. Thứ nhất, thực hiện bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Thứ hai, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Thứ ba, phấn đấu đến năm 2025, thu hút ít nhất 50 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ tư, tuyển chọn và cử đào tạo ít nhất 10 tiến sĩ, 100 thạc sĩ theo Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các lĩnh vực mũi nhọn đã nêu. Thứ năm, tuyển chọn ít nhất 50 công nhân theo Chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, để đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ giai cấp này.
Trong giai đoạn 2025-2035, TPHCM tiếp tục duy trì thực hiện các chỉ tiêu trên, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là cán bộ đứng đầu các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập ngang tầm với vai trò, vị trí của thành phố.
Về nguyên tắc, các trường hợp được đào tạo theo đề án nhưng tự ý bỏ học, không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, các trường hợp đã hoàn thành được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian đào tạo, hoặc chưa phục vụ đủ thời gian cam kết, phải có nghĩa vụ đền bù chi phí đào tạo theo quy định.
Cơ sở để TPHCM đưa ra đề án, dựa trên kết quả thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2020, và kết quả công tác thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu.
Theo đó, tuy đội ngũ cán bộ nhiều nhưng chất lượng chưa đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Thiếu nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi và đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, và một số cán bộ cấp chiến lược năng lực còn hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Tư duy, khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế còn chậm.
Việc triển khai thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ tại Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc có số lượng rất hạn chế, và mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp. Nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn cũng như một số lĩnh vực đang thiếu nhân lực chất lượng cao nhưng chưa được quan tâm, mở rộng diện được áp dụng chính sách ưu đãi.
|
(còn nữa)
Quốc Ngọc