Làm việc để… chết
|
Bài vị ghi tên người Việt ở đền Nisshinkutsu. |
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng Bảy vừa qua có đến 81 sinh viên hoặc lao động thực tập tại các công ty công nghệ Nhật Bản qua đời. Họ chỉ mới ngoài 20, 30 tuổi, ở độ tuổi nhiều sức sống, đầy năng lượng cống hiến.
Chính quyền Nhật Bản phải thừa nhận nhiều sinh viên, lao động thực tập nước ngoài đến Nhật Bản đã không chịu nổi tình trạng quá tải công việc, sức khỏe suy sụp cùng áp lực cuộc sống. Tất cả đã cuốn họ vào hố sâu kiệt quệ về thể chất, bế tắc và tuyệt vọng trong tinh thần, buộc họ phải chọn cái chết để giải thoát.
Một trong số bốn người Việt Nam qua đời trong tháng Bảy vì tự tử làm việc trong ngành sơn. Anh để lại tâm thư trước lúc lìa đời: “Tôi chịu tổn thương đến tận cùng vì bạo lực và sự ức hiếp. Tôi cô đơn, cả lúc này đây tôi vẫn phải uống một mình”. Anh kết liễu sự sống bằng cách treo cổ.
Sư cô Thich Tam Tri tại đền Nisshinkutsu kể, trong tháng này, người ta mới phát hiện ra xác của một sinh viên Việt Nam ở bờ biển Hokkaido. Sư cô cho biết: “Lao động thực tập và sinh viên chịu rất nhiều căng thẳng tinh thần một phần vì rào cản ngôn ngữ. Cuộc sống khắc nghiệt khiến họ càng phải căng thẳng tính toán cho cuộc sống của mình, họ thường xuyên trong tình trạng thiếu thốn, chỉ toàn ăn mì gói dành dụm tiền. Các em làm việc rất vất vả và hậu quả dẫn đến là sự mất cân bằng, sa sút cả về thể chất lẫn tinh thần”.
|
Sư cô Thich Tam Tri đến Nhật bản từ năm 2000 và ở lại đền Nisshinkutsu, từ đó đến nay đã hỗ trợ cho nhiều người Việt Nam chịu áp lực công việc,ức chế tâm lý gây bế tắc về tinh thần. |
Bác sĩ Junpei Yamamura (63 tuổi) cho biết những người trẻ chỉ mới 20, 30 tuổi phải đối diện quá nhiều áp lực trong cuộc sống và công việc như thế là điều vượt ngưỡng chịu đựng. Họ vắt kiệt sức để làm việc nhưng lại không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khiến toàn bộ cơ thể bị bào mòn, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Junpei Yamamura, bi kịch của nhiều lao động thực tập và sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản là do chính sách lao động chưa hợp lý từ Nhật Bản. Việc coi những người này như là lao động dễ thay thế, không có gì đảm bảo cho sự chắc chắn vô tình tạo gánh nặng, đặt “ngòi nổ” trong họ và đến khi họ không chịu được nữa thì tất cả nổ tung.
Luật sư Shoichi Ibusuki chuyên hỗ trợ pháp lý cho các sinh viên, lao động thực tập nước ngoài ở Nhật Bản cho biết có rất nhiều trường hợp đến Nhật Bản làm và chăm chăm vào việc làm sao “cày” thật nhiều để trả khoản nợ là số tiền gia đình bỏ ra trước đó. Đấy là khoản tiền nộp cho các tổ chức, dịch vụ tổ chức đưa lao động sang Nhật.
Sinh viên, lao động thực tập luôn trong tâm thế phải nỗ lực đến cùng nếu không muốn mất việc. Họ sẵn sàng chấp nhận tăng ca, càng áp lực hơn khi chung quanh họ là sức làm việc kinh khủng vốn được xem là bình thường với người Nhật.
Vực thẳm tối tăm sau “tấm màn nhung” hào quang
|
Ngôi sao quá cố Honoka Omoto qua đời khi chưa tròn 17 tuổi. |
Những gì mà các du học sinh, lao động người Việt trải qua hé lộ góc nhức nhối trong đời sống và lao động của người Nhật nói chung. Từ nhiều năm qua, nước Nhật đã phải báo động về tình trạng sức khỏe tâm thần suy giảm nghiêm trọng, thể hiện rõ nhất từ những vụ tự tử ngày càng tăng do áp lực khủng khiếp từ cuộc sống.
Ngày 12/10 vừa qua, gia đình của ngôi sao quá cố Honoka Omoto (qua đời tháng 3/2018 khi chưa tròn 17 tuổi) chính thức đâm đơn kiện công ty quản lý Omoto. Cô gái trẻ với vẻ ngoài tràn đầy năng lượng tích cực, luôn khiến người đối diện cảm thấy bình an khi tiếp xúc, được ví như “nữ thần” với thần thái lạc quan, trong sáng đã treo cổ tự tử vì quá áp lực với công việc cùng ức chế vì bị quấy rối.
Omoto khi còn sống là thành viên của nhóm nhạc thần tượng Enoha Girls. Nhóm được công ty quản lý vạch chiến lược xây dựng hình tượng là những cô gái trẻ trung, năng động với hoạt động đi cùng là hỗ trợ xây dựng hình ảnh nông nghiệp Nhật Bản.
|
Cái chết của Omoto khiến nhiều người bàng hoàng vì cô luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ, tạo sự thoải mái với người đối diện. |
Omoto từng chia sẻ cô hạnh phúc như thế nào khi được tham gia và chiến lược ý nghĩa của công ty, nhưng lúc ấy, không ai biết cô đang giấu bên trong mình áp lực quá tải với công việc.
Việc thường xuyên phải tỏa sáng trong chuỗi sự kiện kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày khiến Omoto dần kiệt sức nhưng cô không bao giờ được tỏ ra mệt mỏi. Khi gia đình biết chuyện, họ khuyên cô nghỉ việc.
Ngay sau đó, Omoto và gia đình cô nhận tin nhắn hăm dọa từ công ty quản lý: “Nghiêm túc này, đừng nhắc đến ý nghĩ ngớ ngẩn ấn nữa nếu không muốn no đòn”.
Honoka Omoto đã treo cổ ngày 21/3 năm nay. Cô tìm đến cái chết ngay sau khi bỏ lỡ một sự kiện của nhóm. Với cô gái trẻ, đây là lối thoát duy nhất vì cô nghĩ mình chẳng thể quay đầu được nữa.
Khi “tường chắn” cho sức chịu đựng nổ tung
|
Tháng 6/2016, Hayato không chịu nổi áp lực cùng ức chế tâm lý khủng khiếp, anh đã tự tử bằng cách đứng giữa đường ray ở Kobe. |
Hơn hai năm sau cái chết đau thương của Hayato Maeda (20 tuổi), mẹ anh mới đủ dũng cảm nhắc đến biến cố từng khiến chính bà ngã quỵ. Hayato Maeda sau khi tốt nghiệp phổ thông đã vào làm việc cho công ty chế biến chocolate Goncharoff của Nhật Bản. Tại đây, chàng trai trẻ bị bóc lột sức lao động với số giờ làm tăng ca trung bình mỗi tháng từ 81-105 giờ.
Tháng Chín vừa qua, bốn cô gái ngoài 20 tuổi quyết định chết cùng nhau, đóng kín của phòng trong căn hộ ở thành phố Kitakyushu và chết trong khói than ngập ngụa. Cảnh sát có mặt ở hiện trường sau cú điện thoại lúc ba giờ sáng từ người mẹ của một trong bốn nạn nhân. Người mẹ mơ hồ nhận ra có chuyện gì đó rất bất thường đang xảy ra mà không nghĩ mình vĩnh viễn mất đi con gái. |
Không chỉ chịu áp lực quá tải công việc, Hayato còn bị người quản lý nhục mạ, gọi anh là “đồ vô dụng”, cho rằng anh đang làm ra chocolate tệ hại như thức ăn cho bò. Người ta còn chế giễu rằng Hayato chỉ mới tốt nghiệp phổ thông nên gọi anh là “thứ bỏ đi, chẳng ai muốn thuê”.
Theo Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, có đến 840 đơn yêu cầu chính phủ bồi thường những căn bệnh liên quan đến thần kinh và tim mạch vì làm việc quá tải gửi về, tăng 15 trường hợp so với năm 2016. Trong đó có 253 trường hợp có xác nhận làm việc quá tải, 92 người trong số đó đã chết. Ngoài ra, bộ này cũng nhận yêu cầu bồi thường từ 1.732 cá nhân với nguyên nhân khó khăn trong công việc đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần.
Cái chết âm thần đến với những cá nhân đang cạn kiệt dần năng lượng sống. Họ chết vì chẳng thể đối diện với cuộc sống đầy áp lực, chết vì không thể tìm kiếm người hỗ trợ, chết khi họ vẫn chưa kịp sống trọn vẹn.
Minh Khôi (Theo Asahi, Japan Today, Straits Times)