Hậu trường làm sách: 1001 chuyện chưa kể

Bài 2: Làm sách thời dịch bệnh

18/07/2021 - 07:42

PNO - Gần hai năm dịch bệnh hoành hành, ngành sách phải “gồng mình” vừa xoay xở với bài toán chi phí, vừa nỗ lực thay đổi phương thức làm việc, cách phát hành, tiếp cận bạn đọc, để những tựa sách mới, giá trị vẫn có thể ra mắt trong suốt thời gian qua.

LTS: Một cuốn sách đến tay bạn đọc có thể là cả một hành trình dài của những người làm sách trong cuộc tìm kiếm bản thảo, thương thuyết bản quyền. Những cuộc “đấu giá” căng thẳng, phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài; có khi mất hàng năm ròng để thuyết phục tác giả đồng ý in sách, rồi bị “phỗng tay trên” đối với tác phẩm ăn khách… Thậm chí, có những cuốn sách mà bản thảo gốc lưu lạc trăm năm từ nửa vòng trái đất, cuộc tìm kiếm để mang được những giá trị trở về với độc giả hôm nay là cả một hành trình không hề dễ dàng. Đằng sau những cuốn sách, là 1.001 những chuyện chưa kể của người làm sách… 

Bài 1: Gian nan cuộc "săn" bản quyền

Nỗ lực lớn để có sách mới 

Omega Plus Books, đơn vị có hơn 80% sách ngoại văn trong cơ cấu sản phẩm của mình đã gặp rất nhiều khó khăn trong trao đổi, phối hợp với các đối tác xuất bản nước ngoài. “Có hai khó khăn chủ yếu: Do đứt quãng trong trao đổi và do dịch bệnh hoành hành, tình hình hoạt động của các nhà xuất bản đối tác trên thế giới cũng bị đình trệ, thị trường biến động, dẫn tới thiếu vắng những đầu sách có tính bùng nổ về mặt thị trường. Còn nhớ năm 2020, vào thời điểm dịch bệnh đang hoành hành ở châu Âu, có những lúc chúng tôi liên lạc với các đối tác hàng tháng trời mà không hồi đáp. Điều đó làm chậm cả tiến trình thương thuyết bản quyền lẫn việc xuất bản các cuốn sách cần sự phê duyệt nhiều khâu từ nhà xuất bản gốc” - bà Trần Hoài Phương - Giám đốc sản xuất, Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam - chia sẻ. 

Đối với cuốn Cuộc Duy Tân Minh Trị (1858-1881) - Một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã phải liên hệ không dưới 100 bức email, trong vòng hơn một năm mới thống nhất được các điều khoản và đi đến ký hợp đồng mua bản quyền. Hay như cuốn Câu chuyện Nghệ thuật (The Story of Art) của Omega Plus cũng vậy.

Với các sách khoa học, y học, các nhà xuất bản đối tác còn yêu cầu phê duyệt tên sách, bìa sách, thậm chí bản cuối cùng trước khi chuyển in. “Quá trình phê duyệt này càng kỹ hơn với các ấn phẩm thuộc tủ sách hội họa. Tất cả các sách thuộc tủ này đều phải nhận được sự đồng ý từ nhà xuất bản gốc về tên sách, thiết kế bìa, trình bày ruột, thông tin dịch giả, người hiệu đính, thậm chí đến tỷ lệ giữa ảnh và chữ, co chữ…” - bà Trần Hoài Phương cho biết thêm. Bởi thế mà thời gian ra đời của một cuốn sách có khi mất từ một đến hai năm. 

Có lẽ sẽ còn rất lâu, những sự kiện giao lưu - trò chuyện về sách như thế này mới có thể được tổ chức trở lại…
Có lẽ sẽ còn rất lâu, những sự kiện giao lưu - trò chuyện về sách như thế này mới có thể được tổ chức trở lại…

Trở ngại lớn nhất trong việc giao dịch bản quyền suốt thời gian dịch bệnh là các đơn vị xuất bản không thể tham dự các hội chợ sách quốc tế. So với những năm trước, các hội sách lớn như Hội sách Frankfurt, Hội sách Thiếu nhi Bologna, Hội sách Bắc Kinh, Hội sách Seoul… đều là những dịp quan trọng giúp các nhà làm sách gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế. Có những tựa sách bestseller đã được tìm thấy và mua bản quyền từ những hội sách như thế này. Harry Potter chính là bộ sách được Nhà xuất bản Trẻ phát hiện từ cơ hội tham dự sách quốc tế nhiều năm trước. 

Khi các hội chợ sách lớn đều lần lượt bị hủy hoặc chuyển đổi sang hình thức hội họp trực tuyến, các nhà làm sách nước ngoài cũng nỗ lực quảng bá sách online thông qua hình thức book trailer, các video giới thiệu sách. Bộ phận khai thác bản quyền ở các đơn vị làm sách trong nước cũng dần quen với việc gặp gỡ, giao lưu với đối tác qua các ứng dụng như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams… “Nhưng việc họp online không thể sánh được với trải nghiệm được hòa mình vào một hội sách đông vui nhộn nhịp, bắt tay, trò chuyện với những con người bằng xương bằng thịt, và chạm vào những cuốn sách đủ màu sắc, chất liệu, kích cỡ…” - bà Phan Thanh Lan, cán bộ Phòng Bản quyền, Nhà xuất bản Kim Đồng, bày tỏ. 

Vừa đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của đối tác, gồng gánh bài toán chi phí để duy trì hoạt động, vừa phải nghĩ đến việc xuất bản sách có thể được ở mức chi phí tối thiểu nhất để giá bìa cuốn sách không quá đắt, phù hợp cho mọi đối tượng bạn đọc. Dịch bệnh khiến các sự kiện truyền thông, quảng bá sách mới đều chững lại, nhiều đơn vị thậm chí in sách nhưng chưa nghĩ đến việc có thể thu hồi vốn trong giai đoạn này. Họ vẫn cần mẫn, nỗ lực âm thầm đầu tư các tựa sách hay, chuẩn bị sẵn sàng để cho sách lên kệ khi… hết dịch. 

Chuẩn bĩ sẵn cho ngày dịch bệnh đẩy lùi 

Cũng trong giai đoạn dịch bệnh, vừa qua, các nhà làm sách đã mang đến cho người đọc những tựa sách giá trị, ý nghĩa. “Mùa sách mới” trong dịch bệnh ấy chính là những tựa sách về y học - sức khỏe, các tác phẩm nhìn lại những trận đại dịch trong lịch sử, cũng như những tựa sách về thiên nhiên, môi trường, kết nối con người với thiên nhiên, vạn vật. Hiện tại, trên bàn làm việc của các nhà làm sách là những bản thảo mới, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hết dịch.

Đường sách TP.HCM vắng vẻ ngày dịch bệnh
Đường sách TP.HCM vắng vẻ ngày dịch bệnh

Trong tháng Sáu và tháng Bảy, Nhà xuất bản Trẻ đã phải tạm ngưng phát hành tất cả các tựa truyện tranh của đơn vị, nhưng song song đó, cũng lại âm thầm chuẩn bị các bản thảo có chủ đề vượt qua sóng gió, khủng hoảng sau đại dịch. Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cho biết đang triển khai thực hiện các bản thảo ngôn ngữ Anh, chuẩn bị đón đầu du lịch khi thành phố cùng cả nước vượt qua dịch bệnh…

Ngày 1/7, Chibooks chính thức khởi động Tủ sách Văn hóa Việt, bước đầu chuyển ngữ các tác phẩm viết về văn hóa - lịch sử Việt Nam ra tiếng Trung. Hiện đơn vị cũng đang tìm thêm các dịch giả tiếng Anh. “Mong muốn đưa sách Việt ra nước ngoài đã có từ lâu, nhưng trong giai đoạn giãn cách lần này, xem như là dịp để chúng tôi có nhiều thời gian hơn để chuyển ngữ, chỉnh sửa, thiết kế…” - bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty sách Chibooks - chia sẻ.

Song song với việc đầu tư cho Tủ sách Văn hóa Việt, đơn vị cũng âm thầm chuẩn bị các tựa sách cho tủ sách về giáo dục, phát triển tâm lý - kỹ năng cho thanh thiếu niên. Còn Công ty cổ phần Sbooks tập trung vào mảng sách văn học, chuẩn bị tái bản khoảng 30 tác phẩm của các nhà văn Ma Văn Kháng, Lại Văn Long, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Toàn Thắng, Võ Thị Xuân Hà... Đặc biệt là tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái đơn vị đã xin phép được gia đình cụ Ngô Tất Tố cho phép in lại, với yêu cầu in nguyên bản gốc, không có phần hiệu đính như một số bản in trước đó… 

Hai năm đại dịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành xuất bản, in và phát hành. Đến thời điểm hiện tại, thì Đường sách TP.HCM cũng như các nhà sách, cửa hàng sách đều đóng cửa. Một thời gian dài sách mới không có cơ hội tổ chức sự kiện, quảng bá; kế hoạch xuất bản bị chậm lại, số lượng bản in các đầu sách cũng phải cân nhắc gia giảm sao cho phù hợp; thu nhập cho nhân viên, giấy in, công in, nhuận bút tác quyền… Tất cả hiện đang là áp lực đối với các nhà làm sách. 

“Trước tình trạng các công ty phát hành, cửa hàng sách của thành phố phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trực tiếp, nhà xuất bản phải giãn tiến độ làm sách kế hoạch A, chuyển sang tìm nguồn in gia công để xoay vòng vốn nhanh. Song song đó, duy trì bán sách online, nhưng không thể kỳ vọng được nhiều, thời gian này người dân chỉ tập trung mua mặt hàng thiết yếu” - bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản TP.HCM, tâm tình. 

Khó khăn như vậy, nhưng trong đại dịch cũng thấy ấm áp những thâm tình của người làm sách và tác giả neo đơn. Nếu như ngày xưa, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - gửi tặng tiền cho “ông già đi bộ” Sơn Nam khi ông cần mua chiếc xe máy mới cho con gái; thì giờ đây, cũng Nhà xuất bản Trẻ dành tặng nghệ sĩ Mạc Can 50 triệu đồng, cùng thời điểm tái bản tạp văn Nhớ và chuẩn bị in hồi ký cho ông…

Lục Diệp

Bài 3: Những giá trị trở về

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI