Đại án vắc-xin lần này có thể xem như một hồi chuông cảnh tỉnh cho thị trường vắc-xin Trung Quốc.
Bùng nổ phẫn nộ
Khi phong trào tin dùng hàng nội ở Trung Quốc lên cao, nhiều ngôi sao không ngại công khai mình dùng vắc-xin nội cho con cái họ. Tuy nhiên, vụ án đưa ra ánh sáng, nhiều người nổi tiếng đã lần lượt lên tiếng, đa số tỏ ra hoang mang, phẫn nộ. Diễn viên Chương Tử Di thậm chí còn viết trên weibo: “Đến vắc-xin cho trẻ em còn làm giả, còn cái gì không dám làm”.
|
Diễn viên Chương Tử Di bức xúc khi đọc tin về scandal vắc-xin: “Đến vắc-xin cho trẻ em còn làm giả, còn cái gì không dám làm”. |
Cặp vợ chồng MC Tạ Na - Trương Kiệt vừa mới có một cặp sinh đôi sau 11 năm kết hôn, cũng bày tỏ sự lo lắng vì không biết phải đưa con đi đâu tiêm chủng. Trong chia sẻ trên weibo, Tạ Na liên tục lặp lại câu hỏi: “Tại sao lại có thể như thế”. MC Hà Cảnh, bạn thân của cặp vợ chồng này cũng băn khoăn: “Cần phải điều tra tận gốc và phải có ý kiến chuyên gia đưa ra phương án tiêm phòng bổ sung”. Diễn viên Dĩnh Nhi than thở: “2 tháng trước vừa đưa con đi tiêm phòng, hy vọng sẽ không sao cả”.
Ngay cả ông vua IT Trung Quốc Lưu Cường Đông, vốn chưa từng lên tiếng trước các sự kiện, lần này cũng viết một tâm thư rất dài, bày tỏ sự mong muốn vụ án được điều tra nhanh chóng: “Cần tuyên án tù chung thân không ân xá. Tốt nhất là công ty đó phải bị phá sản hoàn toàn, không còn xuất hiện nữa”. Cường Đông tiết lộ: “Khi tôi biết mấy công ty sản xuất vắc-xin lớn đều cùng một cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Trường Sinh thì tôi tuyệt vọng. 90% vắc-xin con tôi đã tiêm đều là của mấy công ty này”.
Dù chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nào từ vắc-xin không đạt chuẩn của Trường Sinh, nhưng Trương Hành, một nhân viên vệ sinh môi trường ở Trùng Khánh tỏ ra hoang mang cực độ. Anh này bị mèo hoang cào ngày 5/7/2018, phải bỏ hơn 3000 nhân dân tệ để tiêm 3 mũi vắc-xin phòng dại vào ngay 9 giờ tối hôm đó. Thuốc của anh dùng là của Trường Sinh.
Mặc dù 113.000 liều vắc-xin phòng dại không hợp chuẩn đã bị niêm phong chưa kịp ra thị trường, vắc-xin Trương Hành dùng có đủ giấy tờ đảm bảo nhưng không vì thế mà anh bớt lo: “Chẳng phải vắc-xin 3 trong 1 không đạt chuẩn vẫn được lưu hành đó sao. Làm sao tôi biết vắc-xin tôi tiêm có tác dụng không”. Trương Hành cũng tố cáo khi tiêm vắc-xin phòng dại, anh bị phản ứng phụ mạnh hơn tưởng tượng: “Tôi sốt cao, mắt vằn tia đỏ suốt cả tuần, bác sĩ nói là phản ứng phụ của vắc-xin. Nhưng giờ thì tôi nghi ngờ không biết có phải do thuốc rởm không nữa”.
Đại án vắc-xin bùng nổ vào đúng thời điểm Trung Quốc kỷ niệm 40 năm thành công hoàn thành tiêm chủng mở rộng. Chính phủ Trung Quốc vẫn luôn tự hào vì lượng vắc-xin nội địa của họ phục vụ đủ cho thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu. Năm 2000, Trung Quốc công bố xoá bỏ thành công bệnh bại liệt. Năm 2007, Trung Quốc loại bỏ bệnh bạch hầu. Năm 2014, Trung Quốc đạt mục tiêu đưa tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm phòng xuống dưới 0,32%. Tháng 7/2018 cũng là thời điểm Trung Quốc kỷ niệm sự ra đời của những thành công trong nghiên cứu chế tạo vắc-xin nội địa. Ngày 1/7/1975, vắc-xin viêm gan B "made in China" đầu tiên ra đời dưới sự nghiên cứu của giáo sư Đào Cơ Mẫn.
Thị trường vắc-xin nội địa Trung Quốc cũng hết sức nhộn nhịp. Các công ty dược trước đây vốn đều là quốc doanh, kể từ sau năm 1976 đều lần lượt tư nhân hoá và khá thành công về lợi nhuận. Tại các bệnh viện, trung tâm tiêm phòng, bác sĩ đều ra sức quảng cáo thuốc nội địa. Trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ ở Weibo, hầu hết đều cho biết khi đưa con đi tiêm chủng đều được khuyến cáo dùng thuốc nội. “Thuốc ngoại thường được tuyên truyền là không đảm bảo với nhiều lý do. Hơn nữa bệnh viện hay thông báo không có đủ thuốc, để đảm bảo thời gian tiêm cho con thì tôi vẫn phải chọn thuốc nội”, một bà mẹ có nick là Gia Hoả cho biết.
Không phải lần đầu
|
Cổ phiếu của 20 công ty sản xuất vắc-xin ở Trung Quốc liên tục giảm. |
Đây không phải lần đầu tiên vắc-xin Trung Quốc gặp bê bối. Năm 2016, đại án vắc-xin giả ở Sơn Đông cũng khiến dư luận phẫn nộ. Đầu năm 2016, cảnh sát tỉnh Sơn Đông bắt được một xe tải chưa số lượng lớn vắc-xin vận chuyển lậu, không có giấy phép. Từ đây, một đường dây vận chuyển vắc-xin lậu bị đưa ra ánh sáng. Số vắc-xin này được vận chuyển lậu đi khắp 24 tỉnh thành trong nhiều năm, gồm 12 loại vắc-xin phổ biến, đều là vắc-xin của các công ty Trung Quốc sản xuất.
Do cách thức vận chuyển không đảm bảo, rất nhiều vắc-xin trong đó bị biến chất. Nghiêm trọng hơn, các loại vắc-xin này đều không có giấy tờ, chưa qua thực nghiệm kiểm định. Mãi tới tháng 3/2018, vụ án này mới được đưa ra toà xét xử và tuyên án. Có tới 137 người liên quan, trong đó 64 nhân viên nhà nước bị kết luận nhận hối lộ, tiếp tay cho đường dây.
Tuy nhiên, 5 người chủ mưu của vụ án là các bác sĩ thực hiện với tư cách cá nhân, nên các công ty sản xuất vắc-xin đều không bị nhắc đến. Một điểm đáng nói là trong số những người vận chuyển bị “bắt tại trận” năm đó, có 2 người là nhân viên của công ty Trường Sinh. Hậu quả của vụ việc này đến giờ vẫn là một dấu hỏi lớn, bởi những liều vắc-xin này còn được mang đến cả các vùng xa xôi – nơi giấy tờ tiêm chủng không được chú trọng, nên rất khó quản lý.
Bởi thế, vụ đại án của Trường Sinh lần này là một giọt nước tràn ly. Nó cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý vắc-xin ở Trung Quốc, ngay cả khi hành lang pháp lý trông có vẻ đầy đủ. Khi Chủ tịch HĐQT Trường Sinh bị bắt, cổ phiếu Trường Sinh liên tục chạm đáy vào suốt 7 ngày qua. Các công ty vắc-xin nội khác cũng bị vạ lây. Ngoài cổ phiếu Trường Sinh, cổ phiếu một loạt công ty sản xuất vắc-xin nội địa cũng lao đao. Sau 1 tuần ồn ào, cổ phiếu Trường Sinh chạm đáy, cổ phiếu 4 công ty dược hàng đầu khác là Trí Phi, Khang Thái, Yêu Lâm, Cao Tân liên tục xuống dốc. Ngoài 5 đại gia này, trên bảng tin thị trường chứng khoản Thâm Quyến, cổ phiếu 20 công ty sản xuất vắc-xin đều ở sụt giảm mạnh.
|
|
Các chuyên gia kinh tế đều không dự đoán được tương lai. Bởi hiện tại, các công ty đều cố gắng xử lý khủng hoảng bằng cách dựa vào thông báo “không đạt chuẩn” để bác bỏ thông tin có vắc-xin giả. “Tuy nhiên nếu kết quả điều tra cho thấy có thành phần giả trong vắc-xin thì hậu quả thật khó lường”, tờ Tài kinh phân tích.
Giáo sư Ngô Hạo, Chủ nhiệm Trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Hữu An (trực thuộc ĐH Y khoa Thủ đô) cũng nhận định: “Việc làm giả vắc-xin không phải lần đầu xảy ra ở Trung Quốc. Nhiều vùng miền núi, vùng sâu vùng xa khó khăn ở Trung Quốc, vẫn có hiện tượng tư nhân làm thuốc giả đem bán. Đó là một vấn đề đau đầu của ngành y Trung Quốc từ nhiều năm qua”.
Đây cũng là hậu quả từ sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường vắc-xin nội địa Trung Quốc khi nước này thả nổi cho tư nhân tự nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Việc cắt hoa hồng cho nhân viên các trung tâm tiêm phòng, bệnh viện, bên cạnh các chi phí theo quy định đã là luật bất thành văn. Để đến tay người dùng, liều vắc-xin đã phải thêm rất nhiều chi phí trung gian. Vậy là để vừa cạnh tranh được với vắc-xin ngoại, vừa để có lãi, các công ty phải dùng mọi thủ đoạn là dễ hiểu. Dẫu sao, sản xuất vắc-xin đem lại lợi nhuận rất lớn. Một chứng cớ rõ ràng nhất là khi sự việc vắc-xin Trường Sinh bị điều tra, tình hình tài chính của công ty này bị lộ ra, người ta kinh ngạc khi chi phí sản xuất một liều vắc-xin phòng dại ở đây chỉ 3 nhân dân tệ (hơn 10 ngàn đồng) nhưng lại được bán với giá gần 1.000 nhân dân tệ (3,6 triệu đồng). Một cư dân mạng mỉa mai: “Bỏ cả 1.000 tệ mà vẫn chưa chắc mua được thuốc thật. Vậy mà nói phải tin vắc-xin nội”.
Làn sóng "tị nạn vắc-xin"
|
Một bà mẹ than thở: "Hôm nay xem lại thì thấy trong mấy mũi tiêm phòng có 1 mũi là thuốc giả (lô thuốc bị xác định không đạt chuẩn - ND), thấy thật có lỗi với con quá". |
Một làn sóng kêu gọi ngừng tiêm vắc-xin trong nước nổ ra. Trên diễn đàn lớn dành cho các bà mẹ ở Thâm Quyến còn lập hẳn 1 nhóm rủ nhau sang Hong Kong tiêm chủng. Thậm chí, các ý kiến cho rằng nên tạm ngừng tiêm chủng cũng đang được lan truyền rất mạnh. Nhiều tờ báo ở Hong Kong còn bày tỏ lo ngại đặc khu này sẽ không đủ nguồn vắc-xin trước làn sóng “tị nạn” vắc-xin từ đại lục. Nhiều chuyên gia y tế trong lĩnh vực này đã phải lên tiếng, cho rằng không nên gọi đây là vụ án thuốc giả, người dân không nên hoài nghi vắc-xin nội địa. Nhưng điều này là chưa đủ trấn an dư luận.
Trong đại án vắc-xin này, giới truyền thông Trung Quốc tỏ ra không nhất quán về quan điểm. Một mặt thông tin của vụ án vẫn liên tục rò rỉ khiến truyền thông không thể ngồi yên. Nhưng các cơ quan báo chí cũng phải đối mặt với nhiệm vụ bảo vệ thị trường vắc-xin nội địa. Trường Sinh chiếm tới 1/4 thị trường vắc-xin 3 trong 1 cả nước. Cho tới thời điểm hiện tại, các bên đều hết sức thận trọng khi gọi là "vắc-xin không đạt chuẩn" chứ không phải "vắc-xin giả".
Giáo sư Ngô Hạo nhận định: “Cho đến thời điểm này, không phải do bản thân vắc-xin giả, mà do các thông số ghi trên giấy tờ đã bị chỉnh sửa không chính xác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khi sử dụng thuốc của người dùng. Có thành phần cần thiết lại không đủ liều lượng. Nghĩa là có thể nói rằng, theo kết quả điều tra, những người đã tiêm vắc-xin này sẽ an toàn, nhưng hiệu quả vắc-xin thì không ai dám khẳng định”. GS Ngô Hạo cũng khẳng định, việc nhiều người lo ngại thời gian sản xuất bị thay đổi thì tiêm vắc-xin vào sẽ sinh bệnh là không có cơ sở. Chỉ có thể nói đây là thuốc kém chất lượng.
Giáo sư Vương Nguyệt Đan, Khoa Miễn dịch, Học viện Y học cơ bản, ĐH Bắc Kinh cũng chung nhận định, cho rằng không nên gọi đây là vụ án thuốc giả. Tuy nhiên, ông Vương thừa nhận, hậu quả của lô thuốc này là cực kỳ nghiêm trọng, khó tưởng tượng, cần có sự điều tra nhanh chóng, đồng thời cần rà soát lại những trẻ em đã tiêm phòng để kiểm tra và tổng kiểm tra vắc-xin trên cả nước. “Điều may mắn là trong 1 tuần qua, chưa ghi nhận hiện tượng nào bị phát bệnh dại do tiêm phòng không hiệu quả”, ông Vương cho hay.
Những liều thuốc chưa biết thật giả đang góp phần bóp chết thành quả 40 năm của ngành sản xuất vắc-xin đất nước đông dân nhất thế giới. Thời điểm này, sự việc vẫn chưa đến hồi kết.
Mai Nguyên