Văn học nghệ thuật cho thiếu nhi chờ “lột xác”

Bài 2: Không áp đặt tư duy người lớn lên trẻ nhỏ

31/07/2024 - 08:28

PNO - Những tác phẩm văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi thường được người lớn sáng tác theo suy nghĩ, cảm nhận chủ quan, dựa trên những trải nghiệm tuổi thơ của mình và xúc cảm hiện tại về tuổi thơ. Trong khi đó, nhu cầu, sở thích, suy nghĩ của trẻ thơ lại “mỗi thời mỗi khác”.

LTS: Văn học nghệ thuật là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp phẩm chất đạo đức con người và đặc biệt góp phần quan trọng vào việc rèn giũa, trau dồi nhân cách cho trẻ nhỏ, hướng trẻ đến giá trị chân, thiện, mỹ. Thế nhưng, các tác phẩm dành cho thiếu nhi lại khá ít ỏi, số tác phẩm hấp dẫn, có giá trị lại càng hiếm hoi.

Bài 1: Thị trường tiềm năng nhưng không dễ “chạm”

Văn học thiếu nhi chờ lột xác

Nhìn bằng đôi mắt của trẻ thơ

Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm phim thiếu nhi, đạo diễn Lê Bảo Trung chia sẻ, trẻ em thường thích những câu chuyện vui nhộn, hài hước, tươi sáng, thích các nhân vật đáng yêu, gần gũi. Do đó, để có được bộ phim hấp dẫn trẻ em, ê kíp viết kịch bản, làm phim cần nghiên cứu và hiểu rõ tâm lý trẻ em, hiểu rõ những gì trẻ thích, hứng thú và những điều mà các em cần học. Theo ông, trong quá trình viết kịch bản, có thể tổ chức các buổi trò chuyện, lấy ý kiến của trẻ em để câu chuyện và nhân vật thực sự phù hợp, hấp dẫn các em.

Diễn viên giao lưu với khán giả nhí tại sân khấu 5B - Nguồn ảnh: Sân khấu 5B
Diễn viên giao lưu với khán giả nhí tại sân khấu 5B - Nguồn ảnh: Sân khấu 5

Khi bàn về việc xây dựng tác phẩm nghệ thuật dành cho thiếu nhi, những người làm nghệ thuật tâm huyết thường cho rằng, không nên áp đặt tư duy của người lớn lên trẻ em, đồng thời phải đổi mới trong cách sáng tác, dàn dựng, biểu diễn. Là đạo diễn của nhiều vở kịch trong chương trình Ngày xửa ngày xưa, đạo diễn Đình Toàn chia sẻ, mỗi chương trình đều mang đến cho anh và ê kíp một áp lực riêng. Anh không chỉ nghĩ đến việc phải trăn trở về cách làm ngay khi xây dựng vở diễn mà ngay cả trong từng suất diễn, dựa trên phản ứng của các em.

“Vẫn còn sự nhầm lẫn giữa tác phẩm dành cho thiếu nhi và tác phẩm về đề tài thiếu nhi. Tác phẩm về đề tài thiếu nhi được viết qua cái nhìn của người lớn và đối tượng thưởng thức có thể cũng là người lớn nhưng tác phẩm dành cho thiếu nhi thì phải được viết bằng cái nhìn của thiếu nhi và thiếu nhi là người thưởng thức tác phẩm đó”.

Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc

Anh nói: “Thiếu nhi phải được xem, được nghe câu chuyện của chính mình. Các em phải nhìn thấy mình và các bạn đồng trang lứa trong tác phẩm nghệ thuật chứ không phải nghe câu chuyện của mình được kể qua lăng kính của người lớn”.

Không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước

Xác định văn học nghệ thuật (VHNT) có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con người, chính phủ nhiều nước đã đầu tư lớn để có những sản phẩm VHNT chất lượng cao dành cho thiếu nhi. Còn ở Việt Nam, việc tạo ra tác phẩm VHNT dành cho thiếu nhi dường như chỉ là tâm huyết của một số cá nhân, nhà sản xuất và chưa mang tính định hướng lâu dài.

Khán giả nhí giao lưu với diễn viên vở Bộ lạc nanh trắng của nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (TPHCM) - ẢNH: TRUNG SƠN
Khán giả nhí giao lưu với diễn viên vở Bộ lạc nanh trắng của nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (TPHCM) - Ảnh: Trung Sơn

Bàn về định hướng phát triển của VHNT dành cho thiếu nhi, đạo diễn Lê Bảo Trung, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Biểu diễn nghệ thuật Thái Dương - đều khẳng định, rất cần có sự hỗ trợ kinh phí và định hướng chiến lược lâu dài từ phía Nhà nước. Theo đạo diễn Lê Bảo Trung, cùng với việc tổ chức các cuộc thi sáng tác VHNT dành cho thiếu nhi, cần thiết lập quỹ hỗ trợ để xây dựng chương trình, chuyển thể những sáng tác văn học, ca khúc đoạt giải thành kịch, thành phim, thành video và quảng bá chúng.

Phim truyện thiếu nhi, phim hoạt hình nước ngoài đang chiếm sóng các rạp, các đài truyền hình trong nước. Để cạnh tranh, cần có những sản phẩm nội địa chất lượng cao. Sự đầu tư của Nhà nước về định hướng, kinh phí, nhân lực để có những tác phẩm thuần Việt cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập là điều cần thiết.

Đạo diễn Hoàng Duẩn - người gắn bó với nhiều chương trình thiếu nhi - đề xuất thêm: “Cần có một nhà hát đúng nghĩa cho thiếu nhi với thiết kế, ghế ngồi, âm thanh, ánh sáng phù hợp thể chất của thiếu nhi. Hiện nay, các em phải “ké” thiết chế của người lớn. Nhà hát thiếu nhi không nhất thiết phải hoành tráng mà có thể nhỏ gọn nhưng chuyên nghiệp”.

Theo ông, trẻ em là tương lai của đất nước; các tác phẩm VHNT dành cho các em chính là phương tiện giáo dưỡng tốt để rèn giũa nên những tâm hồn đẹp đẽ, những con người thiện lương. Nếu người lớn cứ để trẻ em Việt Nam “sống” nhờ các sản phẩm ngoại, trẻ sẽ dễ bị lạc lõng văn hóa trên chính quê hương mình.

Chương trình dành cho trẻ phải lấy trẻ làm trung tâm

Thường xuyên cùng các con xem các chương trình biểu diễn dành cho thiếu nhi, chị Lê Ngọc Linh (quận 10, TPHCM) cho rằng, cái khó của những người làm chương trình cho thiếu nhi là phải nghĩ đến phụ huynh - những người dắt con đi xem chương trình. Nhưng theo chị, cần lấy trẻ em làm trung tâm và các chi tiết thêm thắt cho phù hợp với người lớn đi cùng cũng phải phù hợp, hấp dẫn trẻ em. Thực tế, trong các vở kịch dành cho thiếu nhi, vẫn có nhiều lớp diễn bắt trend (xu hướng trên mạng) để tạo tiếng cười nhưng chỉ hợp với người lớn, khá xa lạ với cảm nhận, suy nghĩ, tâm lý và sự hiểu biết của các bé nên người lớn cười ngả nghiêng trong khi các bé lại ngơ ngác. Các lớp diễn kiểu như vậy sẽ làm mất đi tính hấp dẫn của tác phẩm đối với các em.

Bà Quyên Phạm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam: Mong Nhà nước sớm hỗ trợ, khuyến khích

Ở những nước có truyện tranh, phim hoạt hình phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, chính phủ có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện để sản phẩm tiếp cận được khán giả. Việt Nam vẫn chưa có chính sách rõ ràng để hỗ trợ, vẫn thiếu những quy định chặt chẽ để bảo vệ bản quyền. Pháp luật nước ta vẫn còn nhiều kẽ hở trong lĩnh vực số, chưa thích ứng được với sự phát triển nhanh chóng của xã hội số. Còn nhiều lĩnh vực mới trong ngành công nghiệp sáng tạo chưa có quy định rõ ràng, cụ thể. Những điều này gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi hy vọng với tiềm năng của lĩnh vực hoạt hình, Nhà nước sớm có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích đối với các doanh nghiệp sáng tạo.

Đạo diễn Hoàng Duẩn: Nhiều nước hỗ trợ, bao cấp chương trình phục vụ thiếu nhi

Ngoài hệ thống nhà hát từ trung ương đến địa phương, Thụy Điển còn có nhiều sân khấu chuyên biểu diễn cho thiếu nhi và một nhà hát lưu động quốc gia chuyên đi khắp nơi biểu diễn cho thiếu nhi. Theo tôi tìm hiểu, kinh phí hoạt động của các sân khấu, nhà hát dành cho trẻ em một phần do nhà nước tài trợ, một phần do bán vé. Tùy theo quy mô đơn vị hoặc tính chất các dự án mà kinh phí nhà nước tài trợ chiếm từ 45% hay 90%.

Ở Trung Quốc, cũng có một số nhà hát được nhà nước bao cấp hoàn toàn, chuyên dàn dựng và biểu diễn lưu động phục vụ trẻ em khắp nơi, không đặt nặng doanh thu từ việc bán vé. Ở Ấn Độ, cơ sở vật chất dành cho sân khấu thiếu nhi chưa nhiều và hiện đại nhưng họ có các nhà hát, các nhóm làm sân khấu cho trẻ em vào biểu diễn trong các trường. Ở một số nước, chính phủ khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ thiếu nhi thông qua chính sách miễn, giảm thuế cho các đơn vị đầu tư sân khấu thiếu nhi và cả doanh nghiệp tài trợ hoạt động này.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Khâu quảng bá ca khúc mới quá yếu

TPHCM có những phong trào, cuộc vận động sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi nhưng kinh phí quá eo hẹp nên không thể sản xuất thành các video bắt mắt. Sự kiện tổng kết cuộc vận động sáng tác cũng thường diễn ra vỏn vẹn trong 1 buổi rồi thôi, không có sản xuất, phát hành nên tác phẩm mới không thể lan tỏa. Nếu Bộ GD-ĐT chỉ định các trường đưa những ca khúc mới vào giảng dạy, sinh hoạt trong trường thì may ra các ca khúc này có “đất sống”. Tôi nhớ trước đây, Đài Truyền hình TPHCM có chương trình Những bông hoa nhỏ phát vào giờ vàng, quảng bá rất hiệu quả cho các ca khúc thiếu nhi bởi đó là giờ mà các gia đình sum họp, ăn cơm tối hoặc chơi đùa cùng nhau. Nay thì những chương trình như thế quá hiếm.

H.Nhu - D.Mi - N.Tuyết (ghi)

Ban Văn hóa văn nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI