Những phương pháp dạy học “không đụng hàng”

Bài 2: Dạy văn là “quẳng” học sinh vào đời sống

06/01/2021 - 07:00

PNO - Bằng phương pháp dạy học tích cực, các giáo viên đã biến tiết dạy ngữ văn từ văn bản nhật dụng, thuyết minh hay tác phẩm văn chương, bài thơ… trở nên lôi cuốn, hấp dẫn học sinh hơn.

Để học sinh làm chủ

Mở đầu tiết thảo luận nhóm về văn bản “Tuyên bố của thế giới về quyền được bảo vệ, phát triển của trẻ em”, Cao Phạm Tú Uyên, học sinh lớp 9/7 Trường THCS Linh Đông (Q.Thủ Đức, TP.HCM), đại diện nhóm đưa ra luận điểm để nói về những thách thức mà trẻ em hiện nay phải đối mặt: “Các bạn thấy đấy, ở lứa tuổi chúng ta, đi học là cần được vui, với đầy những kỷ niệm đẹp.

Nhưng thực sự một số bạn không có được cảm giác đó. Cho dù học giỏi hoặc tệ; xinh đẹp hay bình thường… nhưng nếu họ không theo số đông sẽ dễ bị tẩy chay. Nhẹ không sao. Nặng sẽ rơi vào trạng thái buồn chán. Càng ngày càng khép mình và cảm thấy không có ai thực sự tin tưởng họ…”.

Học sinh của thầy Hoàng Văn Đồng hào hứng khi làm chủ bài học
Học sinh của thầy Hoàng Văn Đồng hào hứng khi làm chủ bài học

Vấn đề được nhóm mổ xẻ đã khiến thầy Hoàng Văn Đồng, giáo viên văn của lớp không thể dừng câu chuyện ở nội dung sách giáo khoa, mà hướng đến vấn đề ngoài văn bản để học sinh giãi bày suy nghĩ: “Vậy làm thế nào để gỡ rối cho những bạn ấy?”. Bốn nhóm cùng thảo luận và trả lời ngắn gọn: đồng cảm và thấu hiểu sẽ chia sẻ mọi thứ.

Chọn một trong số những nguyên nhân học sinh đưa ra để gọi tên những thách thức của trẻ, thầy Đồng đưa ra một phiếu khảo sát nhanh: trong một ngày, ba mẹ dành cho bạn bao nhiêu thời gian? Kết quả nhận được khá bất ngờ, số học sinh được ba mẹ dành 5-10 phút để trò chuyện mỗi ngày với mong muốn thấu hiểu nội tâm con chưa đầy 1/3 lớp. Hơn 2/3 học sinh còn lại luôn khát khao được cha mẹ “lắng nghe”. 

15 phút đầu tiên của tiết học khiến học sinh hứng thú hơn và chờ đợi được học phần tiếp theo. Trước đó, lớp được chia thành bốn nhóm phụ trách bốn nội dung của văn bản: lý do, sự thách thức, cơ hội và nhiệm vụ. Thầy gợi mở phương pháp trình bày như: vẽ tranh thuyết trình, hệ thống theo sơ đồ tư duy, làm PowerPoint… để một tiết học văn sinh động và học sinh sáng tạo trong cách trình bày. Trong suốt tiết học, học sinh hoàn toàn làm chủ.

“Tôi khá bất ngờ với cách làm chủ nội dung của các em. Thay vì sách giáo khoa, học sinh đã đưa ra những vấn đề liên quan ngay tại trường lớp và địa phương sinh sống. Điều đó khiến cho tiết học sôi nổi hẳn”, thầy Đồng nói về thái độ đón nhận bài học của học sinh trước nỗ lực thay đổi phương pháp dạy văn của mình.

Ở tiết học khác, thầy Đồng cho học sinh vẽ lại bức tranh Chiếc lá cuối cùng (trong truyện ngắn cùng tên của tác giả O. Henry) và một sản phẩm tự chọn liên quan truyện ngắn Cô bé bán diêm của tác giả Andersen để thuyết trình cho thông điệp của văn bản.

Theo thầy Đồng, việc cho học sinh làm việc qua tranh ảnh là phương pháp giáo dục kích thích khả năng làm việc nhóm cũng như tạo điều kiện để học sinh phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo luôn có ở các em. Đồng thời, sản phẩm sau mỗi bài học không chỉ dừng lại ở các ý tưởng vẽ tranh, tạo màu mà còn là cách trình bày giản dị và sáng tạo của học sinh chưa đến tuổi 15. Thông qua những sản phẩm đó, năng lực, sở trường của học sinh được thể hiện rõ. Đó cũng là một trong những tiêu chí mà chương trình giáo dục phổ thông đang hướng tới. 

"Nhờ những họa tiết và hình ảnh, học sinh gần như thuộc văn bản. Tôi khuyến khích các em treo những bức vẽ đẹp xung quanh lớp, đó sẽ là lời nhắc cho những bạn cư xử còn thiếu tình thương”, thầy Đồng tâm huyết.

Phát huy năng lực sáng tạo

Mở đầu tiết dạy về văn bản nhật dụng, xoay quanh nội dung trái đất năm 2000 đối mặt với tác hại của túi ni-lông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thầy Đào Minh Kha, giáo viên văn khối Tám Trường THCS Chu Văn An (Q.1), chọn cách đặt câu hỏi: “Ai đã để túi ni-lông không đúng chỗ?”, khi nhìn thấy một túi ni-lông trong lớp.

Đặt câu hỏi là một cách thu hút sự tập trung của học sinh vào bài học. Thầy Kha tiếp tục hỏi: “Hằng ngày, các em sử dụng nhiều túi ni-lông không? Tác dụng, tác hại như thế nào?”. Sau câu trả lời, học sinh được giao việc so sánh lợi ích và tác hại của túi ni-lông bằng cách liên hệ thực tiễn cuộc sống, thảo luận nói lên suy nghĩ của mình, rút ra bài học cho bản thân. Rồi thầy Kha “chốt” lại vấn đề, kết luận nội dung.

Đối với dạy văn thuyết minh trong đời sống qua dự án tích hợp liên môn, ở dự án Định hướng và phát triển bền vững phố đi bộ Bùi Viện, học sinh được chủ động lên kế hoạch, trực tiếp đến khu phố khảo sát văn hóa các khách du lịch địa phương và nước ngoài. Sau đó, học sinh làm bài thu hoạch dưới hình thức PowerPoint làm cơ sở để thuyết trình.

“Thông qua các hoạt động, học sinh được rèn các kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, làm việc nhóm, thuyết trình, soạn thảo văn bản, làm PowerPoint, sử dụng tiếng Anh giao tiếp… Đồng thời, học sinh biết thêm về văn hóa TP.HCM để làm giàu thông tin trong bài cảm nhận sau cùng”, thầy Kha cho biết. 

Theo thầy Kha, phương pháp truyền thụ một chiều sẽ khiến học sinh bị động, dễ bị triệt tiêu năng lực sáng tạo. Vì vậy, trong quá trình dạy học, người thầy nên đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích học sinh chủ động tiếp cận vấn đề, tìm hiểu, đánh giá sự việc. Đây là điều kiện hình thành thái độ, ý thức tự chủ trong học tập của học sinh và phát huy năng lực sáng tạo. 

Bằng phương pháp dạy học tích cực, các tiết dạy ngữ văn của thầy Kha, từ văn bản nhật dụng, thuyết minh hay các tác phẩm văn chương, các bài thơ… không còn khô khan. Với dự án Định hướng và phát triển bền vững phố đi bộ Bùi Viện, thầy Kha cho rằng, điều có giá trị là học sinh thấy được học văn gắn bó chặt chẽ với đời sống. Qua đó, giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức, nhân cách học sinh. Các em biết cảm nhận cái đẹp, làm giàu vốn sống và trưởng thành hơn trong nhận thức. Đây là nền tảng để các em phát huy năng lực bản thân. 

Thu Lê - Mỹ Bình

(Còn tiếp)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI