Truyền hình trả tiền và cuộc chơi không sòng phẳng tại Việt Nam

Bài 2: Còn bao nhiêu “ông lớn” như Netflix tại Việt Nam?

10/08/2020 - 13:30

PNO - Một cuộc chạy đua để giành thị phần tại Việt Nam từ các OTT quốc tế đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà quản lý.

Truyền hình trả tiền và cuộc chơi không sòng phẳng tại Việt Nam

Những “kẻ lạ” đến sau nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, bất tuân mọi quy định tại đất nước sở tại. Một cuộc chơi không sòng phẳng giữa các kênh truyền hình trả tiền trong nước và các kênh truyền hình trả tiền ngoại diễn ra mà chẳng cần giấu giếm. Đề xuất sửa đổi quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đi hồi cuối năm ngoái, của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam hồi cuối tháng Bảy, và Cục Điện ảnh cũng đang tham mưu sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với tình hình… tất cả nhằm mục đích tạo ra một sân chơi “fair play” hơn.

Bài 1: Netflix tại Việt Nam: Bất lực quản lý?

Netflix không phải là dịch vụ xem phim trả tiền xuyên biên giới duy nhất hoạt động tại Việt Nam. Ngoài Netflix, còn có iFlix của Anh, iQIYI và WeTV của Trung Quốc, và những “ông lớn” khác đã lăm le đặt chân tại thị trường Việt Nam như Apple TV, Amazon, Disney+…

Một cuộc chạy đua để giành thị phần tại Việt Nam từ các OTT quốc tế đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà quản lý vì nếu cứ thả nổi hoạt động, các dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước sẽ thua trắng trên sân nhà. Các OTT quốc tế có thể cung cấp dịch vụ mà không phải triển khai hạ tầng, do đó, họ có thể bán dịch vụ toàn cầu trên nền tảng internet mà không gặp phải rào cản nào về mặt công nghệ cũng như pháp lý. 

Một sân chơi không công bằng khi các dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước như VTVCab, SCTV, K+
Các dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước như VTVCab, SCTV, K+... đang bị đặt trong một sân chơi không công bằng 

Còn về mặt nội dung, các “ông lớn” quốc tế với nguồn vốn và tham vọng bá chủ thị trường phim trực tuyến không chỉ mua được những bộ phim hay từ các nhà sản xuất mà còn sẵn sàng vung tiền để tạo nên những nội dung độc quyền, mang tính giải trí cao, đáp ứng thị hiếu.  

Một sân chơi không công bằng khi các dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước như VTVCab, SCTV, K+… phải hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế, dè dặt về các nội dung đăng tải trong khi các OTT quốc tế nhởn nhơ hoạt động, không chịu đóng thuế, không e dè về nội dung đăng tải bởi nếu có sai sót, phía cơ quan chức năng cũng chỉ có thể hậu kiểm, buộc gỡ phim mà không thể xử phạt vì chưa có luật định. 

Không thể chậm trễ hơn nữa trong việc bổ sung luật vì dịch vụ xem phim trả tiền xuyên biên giới không còn xa lạ tại Việt Nam. Đặc biệt, khi các “ông lớn” khác đang chuẩn bị cho màn ra mắt rình rang, tấn công thị trường Việt Nam thì không thể tiếp tục chần chừ, tự trói tay mình vì muốn xử mà không có luật. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Luật Điện ảnh chưa có quy định điều chỉnh, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của loại hình này. Cục Điện ảnh đang tham mưu sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với tình hình hiện tại.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất sửa Nghị định 06 

Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện Cục PTTH - TTĐT cho biết, Netflix đang cung cấp hàng ngàn nội dung gồm các thể loại phim (cả phim tài liệu lịch sử), các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, phóng sự điều tra… được chuyển ngữ tiếng Việt, hướng tới người dùng Việt Nam và có thu tiền thuê bao định kỳ hằng tháng. Trong đó, có một số nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.

Hiện nay, xét về khía cạnh cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình, không chỉ Netflix, các kênh truyền hình trả tiền đang hoạt động dưới chế tài của Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó, yêu cầu việc cung cấp dịch vụ phải có giấy phép, đối tượng cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị định 06 chưa đả động đến doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ qua internet trên phạm vi toàn cầu.

Vì vậy, cuối năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Chính phủ sửa đổi nghị định này theo hướng quy định những doanh nghiệp, đối tượng nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và doanh nghiệp trong nước phải ở trên một mặt bằng; phải cùng thực hiện các quy định về dịch vụ và nội dung theo pháp luật Việt Nam.

An Vũ


Minh Tú

Bài 3:  “Nếu không quản lý, các kênh xuyên quốc gia dễ thành nơi chống phá Nhà nước Việt Nam”

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI