Nữ điều dưỡng và những đóng góp lặng thầm trong đại dịch:

Bài 2: Có lệnh điều động, lập tức lên đường

23/12/2021 - 06:17

PNO - Trải qua thời gian cùng đồng nghiệp căng mình chống dịch và bản thân cũng trải qua quá trình vật lộn với bệnh tật, nhưng điều dưỡng Ái Trân, Cẩm Châu đều vẹn nguyên tình yêu nghề, yêu màu áo trắng. Các chị luôn chuẩn bị sẵn chiếc ba lô, chỉ cần có lệnh điều động là lên đường.

Là F0 nhưng cứ lo cho đồng đội 

Là nữ điều dưỡng đầu tiên trong lực lượng nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 12 (khu tái định cư R5, TP.Thủ Đức) trở thành F0, chị Nguyễn Huỳnh Ái Trân - điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Da Liễu TPHCM - chỉ có một nỗi lo duy nhất: “Tôi sợ mình không đủ sức khỏe để chăm sóc bệnh nhân, lo anh chị bác sĩ, điều dưỡng khác thêm gánh nặng khi phải chăm thêm mình”.

Giữa tháng 7/2021, Ái Trân cùng đồng đội ra tuyến đầu. Bệnh viện dã chiến số 12 ngày càng quá tải bệnh nhân. “Khi dịch lên đến đỉnh điểm, tôi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Tôi không sợ lắm nhưng lo. Dịch căng thẳng, nếu mình không cố gắng, để bệnh trở nặng thì đồng đội có thể xuống tinh thần” - chị nhớ lại.

Ngồi dưới bóng cây me già trong khuôn viên bệnh viện, chị Huỳnh Thị Cẩm Châu - điều dưỡng Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TPHCM - hồi tưởng về thời gian phục vụ tuyến đầu chống dịch ở khu tái định cư R5, nơi chị và chồng mình - anh Trần Quốc Thanh, nhân viên bảo trì - cùng mắc COVID-19. Ở đó, đồng đội cùng chị Châu luôn trong bộ đồ bảo hộ, nhận bệnh bất kể giờ giấc. Có giai đoạn, đội của chị tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân/ngày, ai cũng mệt rũ rượi, người ướt sũng, đói lả.

Điều dưỡng Cẩm Châu sẵn sàng ra tuyến đầu lần nữa - ẢNH: PHẠM AN
Điều dưỡng Cẩm Châu sẵn sàng ra tuyến đầu lần nữa - Ảnh: Phạm An

Mắt chị Châu đỏ hoe khi nhắc về gia đình. Khi Bệnh viện dã chiến số 12 ngớt bệnh nhân, chị là một trong những nhân viên được phép về nhà. Mặc dù được xét nghiệm RT-PCT âm tính, cách ly đủ ngày theo quy định, chị vẫn dự tính sẽ ở phòng riêng một tuần khi về đến nhà. “Về đến nhà, mọi dự định đều tan biến. Hai đứa con ùa ra, reo hò “mẹ về, mẹ về” rồi ôm chầm lấy tôi, giật bung khẩu trang của mẹ rồi hôn lấy hôn để. Chưa bao giờ tôi xa con lâu như vậy. Tôi nghĩ nếu chồng về nữa, cả nhà sẽ sum họp rồi, nhưng không ngờ” - chị Châu bỏ lửng câu nói.

Lúc chị về, con hẻm nhỏ nhà chị có người dương tính. Không lâu sau, cha chồng, mẹ chồng và cả chị cùng hai con nhiễm bệnh. Chị gọi ngay cho chồng và biết được anh cũng dương tính.

Ngày thứ sáu, chị Châu bị sốt cao, mạch đập nhanh, thở mệt, lãnh đạo bệnh viện và chồng chị hối thúc phải đến Bệnh viện dã chiến số 12 ngay. Lúc này, chị cảm thấy căng thẳng, vừa thương hai con phải xa mẹ, vừa lo cho cha mẹ chồng có thể trở nặng, vừa áy náy với đồng nghiệp vì lúc này, bệnh viện đã gần như hết bệnh nhân, ai cũng đang trông mong được về nhà sum họp với người thân: “Tôi còn lo sẽ là nguồn lây cho đồng nghiệp. Mọi thứ làm tôi căng thẳng tột độ. May có chồng ở bên, gọi tôi suốt vì sợ vợ rơi vào mê man. Càng may mắn hơn, sau 13 ngày khốc liệt, cả tôi và gia đình đều khỏe lại”.

Trải qua quá trình làm việc căng thẳng và bản thân phải chống chọi với bệnh tật, tình yêu nghề của nhân viên y tế vẫn vẹn nguyên  ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Trải qua quá trình làm việc căng thẳng và bản thân phải chống chọi với bệnh tật, tình yêu nghề của nhân viên y tế vẫn vẹn nguyên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trải qua thời gian cùng đồng nghiệp căng mình chống dịch và bản thân cũng trải qua quá trình vật lộn với bệnh tật, nhưng điều dưỡng Ái Trân, Cẩm Châu đều vẹn nguyên tình yêu nghề, yêu màu áo trắng. Các chị luôn chuẩn bị sẵn chiếc ba lô, chỉ cần có lệnh điều động là lên đường. 

Đồng hành cùng sản phụ mắc COVID-19

15 năm làm việc tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) nhưng chị Phạm Thị Thùy Trang - Quản lý điều dưỡng ở lầu 1, khu K1 - nhớ nhất là quãng thời gian đỉnh điểm của đợt dịch COVID-19 
vừa qua.

Chị Trang kể, có lúc, khu của chị tiếp nhận 156 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 39 sản phụ phải thở oxy nhưng chỉ có 4 máy thở. Tua trực gồm 4 điều dưỡng phải thay phiên nhau bóp bóng cho bệnh nhân suốt ngày đêm. Bấy giờ, rất nhiều lần, chị cùng đồng nghiệp phải bất lực nhìn bệnh nhân. Ngày nào hết ca, chị Trang cũng khóc và tự trách mình không có đủ thời gian để chăm sóc, trò chuyện liên tục, giúp bệnh nhân phấn chấn tinh thần, không bỏ cuộc. Chị tự lấy mặt nạ thở oxy úp lên mặt mình thở thử để cảm nhận xem nó khó chịu tới mức nào mà bệnh nhân cứ lén tháo ra để rồi trả giá bằng cả tính mạng.

Chứng kiến cảnh mất mát, bi thương, chị Trang và 24 điều dưỡng động viên nhau không được xuống tinh thần, bởi hơn lúc nào hết, các sản phụ và trẻ sơ sinh đang cần các chị. 

Đầu tháng 9/2021, chị Trang đang hướng dẫn các điều dưỡng cho bệnh nhân tập thở tại lầu 1, khu K1 thì nghe tiếng chào của một người đàn ông. Anh này giới thiệu mình là chồng của một sản phụ mắc COVID-19 được chuyển lên tuyến trên tuần trước. Nghe tới đây, chị Trang rụng rời, thầm nghĩ bệnh nhân đã không may. Rất may là chồng sản phụ đến để lấy các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục xuất viện cho vợ, do khi chuyển viện, anh chưa kịp lấy đủ hồ sơ. Chị Trang nhớ ra đó là sản phụ T.T.K.Q., dân tộc Khmer, ngoài 30 tuổi. 

Bệnh nhân Q. vào Bệnh viện Hùng Vương lúc mang thai 20 tuần, thai lưu do mẹ mắc COVID-19 thể nặng. Khi phải chuyển chị Q. lên tầng trên điều trị COVID-19 ai cũng dự báo lành ít dữ nhiều, nhưng Q. lại mạnh mẽ vượt qua được. Chồng bệnh nhân Q. cho biết, tuy Q. đã khỏi COVID-19 nhưng bị loét da độ 4 ở các vùng tì đè do nằm thở máy quá lâu. Khó khăn lắm, Q. mới khỏi COVID-19, nếu bây giờ rơi vào nguy kịch do viêm loét thì quá oan uổng. Thế là chị Trang cùng một tình nguyện viên của bệnh viện quyết định cứ cách hai ngày, sau ca làm việc, sẽ tới nhà để chăm sóc vết thương miễn phí cho bệnh nhân Q.

Vợ chồng bệnh nhân Q. và người mẹ già cùng hai đứa con ở trọ trong căn phòng rộng chừng 12m2 gần Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân. Từ Bệnh viện Hùng Vương tới nhà bệnh nhân mất 90 phút chạy xe máy. Có hôm ra ca trễ, chị Trang đến nhà bệnh nhân lúc 21g rồi trở về giữa đêm khuya. Sau một tháng được chăm sóc vết loét, bệnh nhân Q. đã hồi phục hoàn toàn.

 

Chị Phạm Thị Thùy Trang cùng các điều dưỡng đang chăm sóc các sản phụ mắc COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương
Chị Phạm Thị Thùy Trang cùng các điều dưỡng đang chăm sóc các sản phụ mắc COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương

Ngoài trường hợp trên, chị Trang còn rất vui khi chứng kiến ba mẹ con sản phụ N.T.L. thoát cửa tử ngoạn mục. Chị L., gần 30 tuổi, đang mang song thai tuần 37 thì mắc COVID-19, phải nhập viện. Chị L. không tiêm vắc xin vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, nên bác sĩ tiên lượng bệnh rất xấu.  Điều đáng nói, cặp thai nhi chính là niềm mong đợi nhiều năm của vợ chồng chị L. do chị bị hiếm muộn, phải điều trị rất lâu mới có thai. Để cứu sống ba mẹ con, bác sĩ mổ bắt thai sớm. Sau đó, cả hai bé trai và người mẹ đều phải thở máy. Tinh thần suy sụp, sản phụ khóc suốt. 

Mỗi ngày, chị Trang đều đến chuyện trò, động viên, chăm sóc, tắm gội cho chị L. Ba ngày sau thở máy, sức khỏe của chị L. khởi sắc. Đúng hôm 16/11, khi bệnh nhân được cai máy thở, chị Trang phát hiện đó chính là ngày sinh nhật của sản phụ này. Chị đã gọi tất cả nhân viên y tế ở lầu 1 tới hát mừng sinh nhật sản phụ. Như một phép màu, cũng đúng hôm đó, hai bé trai không cần phải thở máy nữa. Sau đó không lâu, cả ba mẹ con đã được xuất viện, đoàn tụ với gia đình.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Hùng Vương điều trị cho khoảng 83 ca bệnh (hơn 70 điều dưỡng thay phiên nhau chia ca làm việc). Ban giám đốc bệnh viện đã tăng cường nhân lực và trang thiết bị y tế. Chị Trang và các điều dưỡng khác có cơ sở để nghĩ rằng mọi thứ đang tốt lên và đại dịch sẽ qua đi. 

Phạm An - Thanh Huyền

Bài cuối: Chỗ dựa cho những bệnh nhân không gia đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI