Cải thiện môi trường đầu TPHCM - một yêu cầu cấp thiết

Bài 1: Xem nhà đầu tư là khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất

26/05/2021 - 16:50

PNO - Trước những khó khăn và ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, năm 2020, TPHCM vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng 1,4%, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, những con số đạt được đều thấp so với những năm trước đó, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2019, TPHCM thu hút đến hơn 8 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ hai cả nước nhưng trong quý I/2021, lĩnh vực này tiếp tục đà sụt giảm mạnh khi FDI và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) của TPHCM chỉ đạt 337,76 triệu USD.

Loạt bài nhiều kỳ về cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM khởi đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM từ ngày 18/3 đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả, các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp về vấn đề này và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả. 

Sản xuất bo mạch điện tử tại Khu công nghệ cao TP.HCM - ẢNH: Q.THANH
Sản xuất bo mạch điện tử tại Khu công nghệ cao TPHCM - Ảnh: Q.Thanh

Vốn vẫn dồn vào lĩnh vực “dễ ăn”

Phát biểu tại buổi gặp gỡ các cơ quan đại diện nước ngoài vào giữa tháng Tư vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. TPHCM đã đề ra các kế hoạch và đề án để phát triển toàn diện, bền vững, nổi bật là xây dựng đô thị thông minh, trung tâm tài chính và phát triển TP.Thủ Đức. 

“Chúng tôi hiểu rằng, vẫn còn khoảng cách giữa khả năng hiện tại và các mục tiêu phát triển của mình. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực và nguồn lực nội tại, chúng tôi mong muốn bạn bè và đối tác quốc tế cùng chung tay và đồng hành” - ông Nguyễn Thành Phong nói.

Theo ông Cao Minh Nghĩa (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), FDI là nguồn lực quan trọng, góp phần đưa kinh tế TPHCM phát triển hài hòa về chiều rộng và chiều sâu, đồng thời thúc đẩy năng lực cạnh tranh, bảo đảm vai trò trung tâm đối với nền kinh tế cả nước. Thế nhưng, xét ở khía cạnh bền vững, tình hình đầu tư đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trong đó nổi bật là sự mất cân đối. Nguồn vốn vẫn chủ yếu dồn vào những lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn nhanh, công nghệ đi kèm vẫn chưa phải là tiên tiến, hiện đại nhất. Để tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, trong thời gian tới, TPHCM cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cũng theo ông Cao Minh Nghĩa, qua việc tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp (DN) gần đây, chính quyền TPHCM đã thể hiện ý chí đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), hỗ trợ các DN nâng cao chất lượng hoạt động, tăng hiệu quả đầu tư vào các ngành quan trọng. 

“Nhà nước cũng nên tăng cường củng cố mối liên kết giữa DN trong nước và DN FDI thông qua việc phát triển công nghiệp phụ trợ; ưu tiên hỗ trợ các DN có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích, hỗ trợ nhà ĐTNN tham gia hoạt động hợp tác giáo dục đào tạo nhằm trang bị kiến thức, trình độ khoa học, kỹ thuật cho người lao động” - ông Cao Minh Nghĩa nói.
 

Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, TP.HCM cần dồn sức hiện đại hóa hệ thống hạ tầng  - Ảnh: Đông Quân
Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, TPHCM cần dồn sức hiện đại hóa hệ thống hạ tầng - Ảnh: Đông Quân

Liên tục cải thiện sức hấp dẫn

Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng các nhà đầu tư thường tìm đến một địa phương nếu thấy có cơ hội kiếm được lợi nhuận ở đó. Lãnh đạo chính trị và hành pháp của địa phương ưu tiên thu hút đầu tư là một yếu tố mà các nhà đầu tư đặc biệt tìm kiếm, chẳng hạn như ở thành phố Manchester (Anh) và Barcelona (Tây Ban Nha). 

“Các nhà đầu tư, nhất là FDI, ưu tiên các địa phương coi họ là khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư. Không phải địa phương nào cũng làm được như vậy, nên điều này khiến một địa phương trở nên nổi bật so với các địa phương khác” - ông Trần Quang Thắng nhận định. Cũng theo tiến sĩ Trần Quang Thắng, bên cạnh ĐTNN, đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước luôn là yếu tố quan trọng để phát triển các nền kinh tế đô thị. Các thành phố phải liên tục tìm cách cải thiện sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân. 

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho rằng gần đây, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã trở nên cởi mở hơn, cạnh tranh hơn và hấp dẫn hơn đối với các DN quốc tế. Chính quyền địa phương và trung ương đã nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh và mở cửa thị trường cho các nhà ĐTNN.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết thông qua đối thoại. Ví dụ, tiếp cận bất động sản vẫn còn là trở ngại lớn đối với các nhà ĐTNN; các quy định mới về giấy phép lao động cho người nước ngoài cũng đang khiến nhà đầu tư lo lắng. Điều này có thể khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tuyển dụng những người giỏi nhất và sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới cũng như đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Nếu những vấn đề này được giải quyết, TPHCM sẽ tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút ĐTNN và là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại diện các cơ quan ngoại giao  và doanh nghiệp FDI tại TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại diện các cơ quan ngoại giao và doanh nghiệp FDI tại TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc

 

Ông Phan Minh Trí (Quỹ đầu tư Singapore Mapletree) nhấn mạnh, chính quyền TPHCM phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư. Để trở thành điểm đến số một của FDI, chính quyền TPHCM cần nỗ lực gấp đôi trong rất nhiều giải pháp. Cơ sở hạ tầng của TPHCM không còn đáp ứng yêu cầu phát triển, đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng, song song đó là tháo gỡ thủ tục pháp lý cho những dự án bất động sản.

“Trong việc phát triển thêm quỹ đất mới cho khu công nghiệp, khu công nghệ cao để tiếp tục thu hút FDI, TPHCM cũng nên sớm có cơ chế khuyến khích các DN sử dụng cơ sở hạ tầng các cảng khác ngoài cảng Cát Lái vốn đã quá tải, trong khi cảng Hiệp Phước lại chưa khai thác hết công suất. Theo tôi, cần khuyến khích đầu tư hệ thống logistics phức hợp tại cảng Hiệp Phước để giải tỏa áp lực giao thông cho cảng Cát Lái” - ông Phan Minh Trí đề xuất. 

Quốc Ngọc

Giao thông và công nghiệp phụ trợ là trở ngại lớn

FDI giảm là vấn đề tất yếu trên toàn cầu do lệnh cấm đi lại bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với các quốc gia đang muốn tăng cường mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, Việt Nam vẫn là điểm đến ngày càng được yêu thích. Có thể thấy giai đoạn 2011-2020, các bạn luôn giữ đà thu hút FDI khá đều đặn.

Trả lời Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về lợi thế chính trong môi trường đầu tư của Việt Nam, hơn 50% DN Nhật Bản cho rằng đó là tiềm năng thị trường và tăng trưởng, tình hình chính trị - xã hội ổn định và chi phí nhân công hợp lý. Trong khi đó, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện cộng với vận hành thiếu minh bạch, hệ thống thủ tục thuế và hành chính phức tạp là những khuyết điểm “mãn tính” tại Việt Nam lại đang có xu hướng tăng lên đáng kế trong cuộc khảo sát năm 2020. 

 

Theo tôi, để lành mạnh hóa môi trường đầu tư, Việt Nam vẫn phải tiếp tục nỗ lực giải quyết ba vấn đề lớn là cải cách thủ tục hành chính, đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ và hiện đại hóa kết nối giao thông, đặc biệt từ TPHCM đi các tỉnh lân cận. Riêng đối với công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ mua linh phụ kiện, vật liệu tại chỗ của Việt Nam tăng dần từ năm 2010, nhưng đó là sự tăng trưởng chậm chạp so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Chúng ta có thể thấy tỷ lệ mua tại chỗ năm 2020 là gần 68% ở Trung Quốc, gần 60% ở Thái Lan, hơn 47% Indonesia, Malaysia và Việt Nam chỉ xấp xỉ 37%.

Ông Hirai Shinji  (Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM)

Tiếp tục nới lỏng các rào cản thương mại

Tôi cho rằng, trong ngắn hạn, chính quyền có thể áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế, các đặc khu kinh tế (SEZs), các hiệp định thương mại tự do, giảm lãi suất và giảm thuế thu nhập DN. Việt Nam cũng cần nghiên cứu nới lỏng các hạn chế đi lại, bắt đầu từ các quốc gia “an toàn với COVID-19”, giúp các nhà đầu tư (NĐT) đến khảo sát các địa điểm thu hút vốn FDI.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu một số mặt hàng tiêu dùng, nhưng việc số hóa còn quá lạc hậu so với các nước. Do đó, việc nâng cấp công nghệ và sử dụng công nghệ số cũng là giải pháp giúp tăng FDI. Việt Nam cũng có một số yếu tố được xem là lợi thế thu hút đầu tư, như môi trường kinh doanh chi phí thấp, ở gần Trung Quốc, đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, ổn định chính trị, chi phí lao động cạnh tranh.

Đối với các DN đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho hoạt động của họ tại Trung Quốc, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là một trong những điểm đến lý tưởng. Việc các cơ quan chức năng cắt giảm thủ tục và chi phí là một dấu hiệu tốt đối với NĐT nước ngoài. Việc nới lỏng các rào cản thương mại với các nước tiềm năng có thể thúc đẩy các NĐT vào Việt Nam, phù hợp với tinh thần của nhiều hiệp định thương mại mà chính phủ đã ký như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chính phủ cũng cần tăng cường các bảo lãnh đầu tư, quyền sở hữu tài sản, quyền chuyển tài sản ra nước ngoài đối với NĐT. 

Phó giáo sư Rajkishore Nayak (Trường đại học RMIT)

 

Thời điểm thích hợp để tăng đầu tư vào hạ tầng

Việt Nam đã ký kết EVFTA. EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã loại bỏ thuế quan đối với 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 99% trong thập niên tới, làm cho các công ty trở nên cạnh tranh hơn và sản phẩm có giá cả phải chăng hơn trong các thị trường tương đồng. Chúng ta nên nhân đôi nỗ lực thúc đẩy các cơ hội đầu tư tại đây để các bạn có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của EVFTA và thu hút nhiều FDI hơn.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vì việc gia tăng thương mại hàng hóa từ EVFTA đòi hỏi cơ sở hạ tầng hậu cần hiện đại, từ sân bay cho đến khu công nghiệp, hải cảng đến đường bộ. Nhà nước nên tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông để hỗ trợ các ngành công nghiệp trong tương lai, khuyến khích đầu tư quốc tế dài hạn hơn.

Ông Alain Cany (Chủ tịch EuroCham

 

Chú trọng năng lượng xanh

Khi đầu tư vào Việt Nam, trở ngại lớn nhất của các DN FDI là thủ tục pháp lý để thành lập và hoạt động thường quá phức tạp, kéo dài. Việt Nam nên nghiên cứu cách thức hoạt động hiệu quả ở các nền kinh tế phát triển khác và từng bước có các biện pháp thực hiện phù hợp hệ thống pháp luật của mình. 

TPHCM phải có các biện pháp hướng tới năng lượng xanh. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch dẫn đến việc gia tăng phát thải khí nhà kính là một cách khai thác không bền vững các tài sản thiên nhiên. Điều này có thể gây tác động lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề cao.

TPHCM sẽ thu hút nhiều NĐT hơn nếu các khu công nghiệp được quy hoạch thuận tiện cho việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thô. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần giúp giảm chi phí và tăng tốc độ di chuyển của nguyên liệu thô và thành phẩm cũng là một yếu tố quyết định trong việc lựa chọn điểm đến của NĐT nước ngoài. Cuối cùng, chính quyền TPHCM nên chủ trì, làm việc với các cơ sở giáo dục để thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu dự kiến ​​của các ngành trong tương lai.

Tiến sĩ Majo George (Trường đại học RMIT)
 Nam Anh (ghi)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI