Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn

Bài 1: Vây tôn cũ bên ngoài, xây nhà cấp tốc bên trong

11/05/2020 - 07:04

PNO - Những ngày xảy ra dịch COVID-19, trong khi nhiều dịch vụ ế ẩm thì “nghề” xây nhà không phép ở huyện Bình Chánh lại hoạt động nhộn nhịp hơn. Có nơi, chỉ sau một đêm, giữa đồng trống, mọc lên những cái hộp khổng lồ được ráp lại từ những miếng tôn rỉ khiến người dân địa phương cũng bất ngờ.

Trong lúc vụ án sai phạm về xây dựng ở huyện Bình Chánh (TPHCM) đang được xét xử, tại địa phương này, những căn nhà không phép vẫn đua nhau mọc lên như thách thức pháp luật. Thâm nhập thực tế, chúng tôi được dẫn mối đến những người chỉ là tổ trưởng tổ dân phố, cai thầu xây dựng nhưng lại dám tuyên bố hùng hồn rằng chỉ cần thông qua họ, mua đất nông nghiệp vẫn cất được nhà, đã xây thì không ai dám động vào…

Một chiều cuối tháng 3/2020, khi hệ thống loa phát thanh ở huyện Bình Chánh đang phát bản tin về hai vị cựu cán bộ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh bị xử lý hình sự vì “làm lơ”  trước nhiều vụ xây nhà không phép, cách trụ sở UBND xã không xa, chúng tôi tiếp cận một “cò’’ đất. Tay “cò” xởi lởi: “Đang mùa dịch nên việc mua đất, cất nhà thuận lợi hơn trước đây. Nếu xây đơn giản kiểu tường gạch, mái tôn, có thêm gác lửng thì chỉ vài ngày là xong, giá bao trọn gói là 280 triệu đồng”.

Bên trong “hộp tôn” là một căn nhà hai tầng sắp được xây xong
Bên trong “hộp tôn” là một căn nhà hai tầng sắp được xây xong

Vào điểm nóng xây nhà “chui”

Nghe chúng tôi thắc mắc rằng đang dịch bệnh, các thủ tục mua bán nhà đất chậm được giải quyết, làm sao xin giấy phép xây nhà nhanh được, tay “cò” thoáng ngạc nhiên rồi giải thích: “Khu này làm gì có chỗ nào xin được giấy phép xây dựng? Đất toàn mua bán giấy tay nên nhà cũng phải tự xây thôi”. Viện lý do sợ xây nhà “chui” bị phát hiện, cưỡng chế tháo dỡ nên chúng tôi nói không dám mua, tay ‘’cò’’ tỏ vẻ khó chịu: “Họ đang xây hà rầm mà có sao đâu. Không tin thì tui dẫn đi xem. Ở đây toàn xây như vậy cả”.

Trời sập tối, trên con đường dẫn vào ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, chúng tôi bắt gặp một chiếc xe ba gác đang hối hả chở vật liệu xây dựng vào bên trong xóm nhỏ. Bà M. - một người dân sống lâu năm ở xã Vĩnh Lộc A, từng nhiều lần phản ánh về tình trạng xây nhà không phép ở địa phương này - nói với chúng tôi với vẻ đầy ngao ngán: “Tụi nó thường canh giờ này để chở vật liệu xây nhà chui đó. Lúc trước, dân thấy xây trái phép cũng báo cho chính quyền nhưng chẳng thấy xử lý gì nên bây giờ, không ai còn phản ánh nữa”.

Lần theo dấu chiếc xe ba gác chở vật liệu xây dựng, chúng tôi đến tổ 7, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A. Điểm đến của chiếc xe ba gác là một mảnh đất trống nằm ngay con đường dẫn vào tổ 7. Ở đó, một khối tôn được dựng lên theo hình chiếc hộp, vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang bên ngoài.

Trưa 16/4, chúng tôi quay lại vị trí trên thì phát hiện một căn nhà hai tầng đã được dựng lên bên trong những tấm tôn sắt. Bên cạnh căn nhà “bí ẩn” này, máy trộn bê tông vẫn đang chạy rầm rầm; các thợ xây đang làm việc bên trong những tấm tôn sắt và một thợ phụ đứng bên ngoài để trộn bê tông. Việc xây dựng này diễn ra giữa ban ngày chứ không lén lút như việc tập kết vật liệu xây dựng.

Ông H. - làm nghề xây dựng ở huyện Bình Chánh - tiết lộ, dựng tôn thành một khối là công đoạn đầu tiên để xây nhà không phép. Những tấm tôn này nhằm che mắt lực lượng chức năng. Sau khi dựng tôn, thợ sẽ xây tường bên trong. Có nhiều căn nhà, bên ngoài chỉ là những tấm tôn tuềnh toàng nhưng bên trong là những khối bê tông kiên cố, có kết cấu 2-3 tầng lầu. Nếu thấy nhà nào có tôn phủ kín bên ngoài, là biết nhà đó xây không phép.

Dọc theo trục đường Liên ấp 2-3-4 thuộc ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, chúng tôi thấy vô số căn nhà tôn được dựng lên theo kiểu trên. Theo người dân địa phương, do ấp này giáp ranh với H.Hóc Môn nên nó thành “điểm nóng” của nhà không phép. Tại đây, không khó để bắt gặp những khu nhà bê tông được dựng lên bên trong hàng rào tôn, ngay giữa đồng ruộng, có nhiều căn nhà chỉ vừa mọc lên.

Bà M. chia sẻ: “Lợi dụng dịch COVID-19 nên người ta đang xây nhà không phép nhiều lắm, cứ thấy khối tôn nào vừa dựng lên thì sau một đêm, bên trong sẽ mọc lên căn nhà tường. Nhà không phép mọc giữa chỗ trống, không hiểu sao chính quyền không biết”. 

Ngày 20/4, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi vào khu đất trống gần căn nhà ghi địa chỉ F5/19/11K1 nằm trên đường Liên ấp 2-6 thuộc tổ 6, ấp 6B, xã Vĩnh Lộc A để khảo sát về thực trạng xây nhà không phép. Thấy chúng tôi vào hẻm, một người đàn ông lạ mặt lập tức bám theo gặng hỏi, tỏ vẻ không muốn cho tiếp cận khu vực này. Trong vai một người giao hàng để tiếp cận, chúng tôi thấy một đại công trường xây nhà không phép trong con hẻm này. 

Ngay gần đối diện căn nhà ghi địa chỉ F5/19/11K1, một căn nhà được phủ tôn bên ngoài vừa được xây dựng xong, đã có người vào ở. Ngay bên cạnh, vẫn còn máy trộn bê tông và đống giàn giáo vừa được tháo dỡ, đặt ngổn ngang trên đường. Đối diện nó là khối tôn đã gần mục nát, được dựng lên thành hình một căn nhà tạm. Khi cửa căn nhà tôn vừa hé mở, chúng tôi thấy bên trong, tường gạch và cửa kính đã được dựng lên.

Một người dân địa phương cho biết, căn nhà trên được dựng lên vào cuối tháng 3/2020, là thời điểm đang thực hiện “cách ly xã hội”. Nhờ “cách ly” nên nhà không phép mới mọc lên dễ dàng như vậy. Ngoài ra, để đề phòng báo chí, các nhóm xây nhà không phép thường cử người cảnh giới ở đầu con hẻm, thấy người lạ, liền báo vào để bên trong kéo cửa tôn “án binh bất động”.

Ngay ở con hẻm liền kề, chúng tôi thấy một căn nhà cấp 4 cũng vừa được dựng lên sau những tấm tôn cũ kỹ. Phía trước căn nhà, vật liệu xây dựng được để ngổn ngang, rất dễ nhận biết nhưng cơ quan chức năng địa phương vẫn không “đụng” đến căn nhà này.

Rầm rộ rao bán nhà không phép

Ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, chúng tôi phát hiện một căn nhà tôn vừa được dựng lên rất kín kẽ; bên ngoài, có một đống gạch lớn vừa được đổ xuống. Người dân địa phương cho biết, trong những ngày “cách ly xã hội” do dịch COVID-19, tình trạng xây nhà không phép diễn ra rất rầm rộ. Những người làm “nghề” xây nhà không phép ở địa phương này cũng được dịp ăn nên làm ra. Khi chúng tôi tiếp cận, ông H. - người có “thâm niên” xây nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A - cho biết: “Dịch bệnh gì đâu, anh làm suốt từ đợt qua Tết đến giờ. Hiện anh đang xây mấy căn bên đường Lê Thị Dung ở ấp 4 nữa đây này”.

Theo ông H., thời điểm này “xây được” vì ít bị để ý, nhưng công thợ thì rất “chua”. Ở chỗ ông, mỗi ngày, thợ xây được trả công từ 700.000 - 1 triệu đồng để xây nhà không phép. Theo ông H., xây nhà bình thường thì tiền công chỉ một nửa, còn xây nhà không phép rất khó nên tiền công đắt hơn. “Trời nắng như vầy mà chui vô cái hộp tôn bít bùng thì em biết nó nóng như cái lò luyện đơn. Hơn nữa, tụi anh rành kiểu xây nhà này chứ thợ ở nơi khác đến không làm được đâu” - ông H. khoe.

Nhiều căn nhà ngoài tôn, trong bê tông mọc lên bí ẩn ở xã Vĩnh Lộc A
Nhiều căn nhà ngoài tôn, trong bê tông mọc lên bí ẩn ở xã Vĩnh Lộc A

Cùng với tình trạng xây nhà không phép, trong đại dịch COVID-19, nhiều người ở xã Vĩnh Lộc A còn lén lút đặt móng nhà trái phép, sau đó rao bán. Các “cò” đất ở đây “hét” giá một miếng đất ruộng đã có móng nhà với diện tích 4x16m khoảng 500 triệu đồng. Giá này khá “chát” nhưng vẫn có nhiều người ở địa phương khác đến hỏi mua.

Ngày 27/4, trong vai một người có nhu cầu mua đất xây nhà với giá khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng, chúng tôi tiếp cận “cò” T. ở xã Vĩnh Lộc A. Ông T. dắt chúng tôi đến một cánh đồng nằm giáp với xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn. Tuy đây là đất ruộng nhưng có rất nhiều lô đã được lên móng sẵn và rao bán. Ông T. cho biết, những miếng đất đã được lên móng nhà thường có giá khá cao, diện tích đất 4x16m có giá khoảng 900 triệu đồng.

“Có móng rồi, em xây dễ lắm, chứ em mua chỗ khác rẻ mà chưa lên móng, xây là bị đập liền” - ông T. nói. Dứt lời, ông T. chỉ tay về hướng dãy nhà đang nằm trơ trọi giữa đồng: “Dãy nhà này là người ta cũng mua đất có đặt móng sẵn rồi xây lên đó. Ở khu này, làm gì xin được giấy phép, nên nếu mua đất có đặt móng rồi lên nhà, sẽ dễ hơn”. 

Cán bộ vào tù và “luật ngầm” chưa giải

Mấy chục năm bám trụ ở đất Vĩnh Lộc A, bà M. - người nhiều lần phản ánh tình trạng xây nhà không phép - quá quen với câu “nhà xây chui nay vui mai rầu”, nghĩa là xây “chui” trót lọt thì vui, nhưng nếu bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ thì coi như mất trắng. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn mạo hiểm tin rằng, có một thứ “luật ngầm” nào đó, giúp họ giải nguy cho nhà xây “chui”.

Thậm chí, sau khi Thành ủy TPHCM có chỉ thị số 23 về chấn chỉnh trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố và ngay lúc cán bộ xã Vĩnh Lộc A phải đứng trước vành móng ngựa do tiếp tay cho nhà không phép, những căn nhà xây “lụi” vẫn tiếp tục mọc lên. “Năm ngoái, báo chí phản ánh liên tục, công an vào cuộc điều tra, cán bộ địa chính phường bị đưa ra xét xử, vậy mà họ cũng không sợ. Người dân làm lụng cực khổ cả đời có khi không mua nổi miếng đất mà họ chỉ cần ngó lơ vài lần thôi là có thể kiếm được cả đống tiền” - bà M. chua chát nói.

Ngày 25/3, Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh đã xét xử vụ án sai phạm trong lĩnh vực xây dựng ở xã Vĩnh Lộc A, tuyên án bị cáo Lê Hoài Bảo - cựu cán bộ địa chính xã Vĩnh Lộc A - hai năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và Nguyễn Công Thịnh - cựu Trưởng ban nhân dân ấp 5, xã Vĩnh Lộc A - một năm tù về cùng tội danh.

Tại phiên tòa, ông Bảo cho rằng, do sợ bị kỷ luật nên không lập biên bản xử lý đối với 10 căn nhà, 9 nền nhà xây dựng không phép tại ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A và không nhận tiền của ai. Ông Thịnh là trưởng ấp, đi kiểm tra cùng ông Bảo nhưng cũng không báo cáo vụ việc theo quy định.

Bài 2: Những nhân vật quyền lực ở điểm nóng nhà không phép

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI