Phập phồng sống dưới những “túi bom nước”:

Bài 1: Vẫn điệp khúc hạn và ngập

01/10/2021 - 07:04

PNO - Người dân sống phía dưới các con đập, hồ chứa luôn bất an. Trong khi đó, những người đã được di dời, tái định cư cũng không thể yên lòng.

Cứ đến mùa mưa bão, người dân miền Trung sống dưới chân các đập thủy điện, hồ chứa nước lại thấp thỏm lo bị những “túi bom nước” khổng lồ trên cao cướp đi tính mạng, tài sản. Sau mỗi lần xảy ra tai họa, các cơ quan, ban ngành liên quan lại rút kinh nghiệm nhưng không biết đến bao giờ mới khắc phục được tình trạng này.

Nhà trôi, cây chết tức tưởi

Những ngày này, khi áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển, gần 2.000 hộ dân với hơn 7.000 nhân khẩu sống ven sông Bồ, cách chân đập thủy điện Hương Điền khoảng 3km, thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại nơm nớp lo sạt lở.

Khu vực sạt lở đất, đá xảy ra ở vai trái chân đập thủy điện Hương Điền từ mùa lũ năm 2020 đến nay vẫn còn  - ẢNH: THUẬN HÓA
Khu vực sạt lở đất, đá xảy ra ở vai trái chân đập thủy điện Hương Điền từ mùa lũ năm 2020 đến nay vẫn còn - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hương Vân - cho biết, hiện chân đập thủy điện đang sạt lở khiến người dân hết sức lo lắng: “Trước khi có bão lũ, chúng tôi phải di dời các hộ có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để sớm khắc phục tình trạng sạt lở này”. 

Thật khó để diễn tả hết nỗi thống khổ của người dân phường Hương Vân và xã Phong Thu (huyện Phong Điền) trong đợt lũ năm 2020 khi nhà cửa bị ngập, gia sản trôi sông. Thậm chí đến giờ này, hàng trăm héc-ta cây thanh trà - đặc sản trái cây của tỉnh Thừa Thiên - Huế - bị chết do thủy điện Hương Điền xả lũ vẫn chưa được nhà máy đền bù thiệt hại. 

Do nằm cạnh thủy điện Hương Điền nên năm nào, đến mùa lũ, bà con vùng này cũng hứng chịu thiệt hại. Đứng bên gốc thanh trà khô, ông Hồ Bé - ở tổ dân phố Lại Bằng 1, phường Hương Vân - kể, trong đợt lũ năm trước, cả nhà ông chèo ghe ra cứu cây thanh trà nhưng bất lực. Khu vực này ngập sâu hơn 3m, cây thanh trà 4-5 tuổi đều chết sạch. Với gần 1ha thanh trà đang cho trái, nếu không bị ngập chết, gia đình ông thu lãi ròng hơn 250 triệu đồng/năm.

“Trước đây, khi chưa có thủy điện Hương Điền, cũng có lúc nước lụt dâng cao hơn 2m, nước lên nhanh nhưng xuống nhanh. Từ ngày thủy điện Hương Điền xả nước về hạ du sông Bồ, nước lụt ngâm cả tháng, người còn không chịu nổi huống chi cây thanh trà” - ông Bé ngậm ngùi.

Theo ông Hồ Vang - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế - đợt bão lụt năm 2020 đã gây thiệt hại 540ha trồng cây có múi, trong đó chủ yếu là cây thanh trà từ 2-4 tuổi, tập trung ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền và phường Hương Vân, thị xã Hương Trà.

Sở đã yêu cầu các địa phương phối hợp với sở và các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để khảo sát, sau đó sẽ tư vấn chọn loại cây trồng phù hợp với từng khu vực. Thế nhưng, do dịch COVID-19 bùng phát nên việc này đành phải tạm hoãn.

Ở phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, hồ chứa Tả Trạch có chức năng cắt lũ (dung tích chứa 509,8 triệu m3 nước), điều tiết nước cho hạ du sông Hương lại trở thành nỗi ám ảnh ngập lụt của người dân vùng cao huyện Nam Đông mỗi khi hồ vào mùa tích nước.

Theo người dân, việc tích nước của hồ Tả Trạch khiến hàng trăm héc-ta đất trồng keo tràm, chuối, cao su phía dưới hồ bị hư hại, đường sá bị ngập lụt. Qua thống kê sơ bộ, xã Hương Phú, huyện Nam Đông có hơn 240 hộ bị ảnh hưởng về đất ở, đất vườn và đất trồng rừng sản xuất bởi việc tích nước hồ Tả Trạch cao hơn mức bình thường. 

Trong khi đó, 230 hộ dân huyện Nam Đông sống dưới chân đập thủy điện Thượng Nhật lại lo sạt lở núi. Ông Lê Thanh Hồ - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông - cho biết, trước mắt, chính quyền địa phương sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mưa lớn kéo dài, cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở, lũ quét. 

Còn ở tỉnh Nghệ An, hồ Khe Thị có diện tích 6,3ha, dung tích trữ 2,5 triệu m3 nước khiến dân xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc ăn ngủ không yên. Sau gần 50 năm sử dụng, bờ tường chắn sóng phía trên thân đập bị sụt lún, đổ sập ở nhiều vị trí, tràn xả lũ cũng bị xói lở. 

Ông Ngô Trí Chính - Chủ tịch UBND xã Nghi Công Nam - cho biết, đập hồ Khe Thị từng suýt vỡ trong đợt mưa lớn cuối tháng 10/2020. Lúc đó, thân đập xuất hiện nhiều tổ mối lớn, chính quyền xã phải thuê máy múc về đào xới lên rồi đổ đá vá vào, hạ thấp phần tràn xả lũ để cứu đập, di dời hàng chục hộ lên ngọn núi gần đó để trú ẩn, đồng thời đặt hơn 1.000 hộ trong tình trạng báo động, sẵn sàng di dời. 

Tái định cư cũng không yên

Tại tỉnh Quảng Nam, nghe nói tới thủy điện là người dân nổi da gà. Những hộ ở thôn 2, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn được nhận tiền cộng với ngôi nhà mới ở một khu tái định cư gần dự án thủy điện Đăk Mi 4, cách làng cũ chừng 1km nhưng chỉ một năm sau, họ đã nằng nặc đòi quay về làng cũ. Nhà hẹp lại quá thấp, bên trên lợp tôn nên vào mùa hè nóng không thể chịu nổi, ra ngoài tìm bóng mát thì không có vì đất toàn đá sỏi, không trồng được cây. 

Ở cách xa con đập của thủy điện Đăk Mi 4 mấy chục km, nhưng những người dân xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang lại nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa mỗi lần thấy mưa to. Ngày 28/10/2020, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ điều tiết khiến 900 hộ dân ở phía dưới bị cuốn trôi nhà cửa, tài sản. Đến nay, người dân chỉ mới được đền bù phân nửa số thiệt hại.

Anh Alăng Dương - 35 tuổi, ở thôn Bến Giằng, xã Cà Dy - bị cuốn trôi nhà trong đợt lũ đó, giờ cứ thấy trời mưa lớn là lo: “Lỡ nước lại đổ về như lần trước nữa thì biết chạy đâu? Sống mà cứ thấp thỏm thế này thì khó chịu lắm. Chưa biết bị cuốn đi lúc nào”.

Hơn một năm sau cơn lũ đi qua, người trồng thanh trà ở thôn Lại Bằng, P.Hương Vân vẫn chưa thể phục hồi loài cây đặc sản này - ẢNH: THUẬN HÓA
Hơn một năm sau cơn lũ đi qua, người trồng thanh trà ở thôn Lại Bằng, phường Hương Vân vẫn chưa thể phục hồi loài cây đặc sản này - Ảnh: Thuận Hóa

Ở những khu tái định cư từ dự án thủy điện, cuộc sống của người dân trở nên khó khăn do nhà cửa xuống cấp trầm trọng, hệ thống nước sạch hư hỏng nặng nề, người dân thiếu đất sản xuất. Nguyên do tái nghèo cũng từ đó. Đất sản xuất của họ đa số đã nằm ở dưới lòng hồ thủy điện, trong khi họ không thể phát triển thêm đất sản xuất. Mỗi gia đình chỉ còn một ít đất trong khi nhân khẩu của gia đình ngày một tăng. 

Ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My - cho biết, khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 trên địa bàn xã gồm ba thôn 4, 5, 6 với 321 hộ tập trung và 353 hộ tự do với hơn 3.000 nhân khẩu. Trong số đó, có phân nửa là hộ nghèo của xã. Công tác đền bù đã hoàn tất từ năm 2015, tiền cũng đã tiêu hết, đất thì ít.

Ở xã Trà Đốc kế bên, cũng thuộc vùng tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, dân cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Sau hơn 10 năm chuyển về khu tái định cư sinh sống, những ngôi nhà được xây từ nguồn kinh phí dự án bây giờ đã xuống cấp trầm trọng. 

Chị Hồ Thị Lan - trú tại thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My - kể, nhà chị chuyển về đây từ năm 2009. Sau khi nhường đất cho dự án thủy điện, họ cấp cho một căn nhà và vài chục triệu đồng. Nhưng bây giờ, nhà cửa thường xuyên bị dột, cứ mùa mưa là nước tràn vào, cả gia đình phải qua ở tạm dưới chân ngôi nhà sàn bên cạnh.

Chị Phạm Thị Vân (cùng thôn) nói thêm, trước kia ở làng cũ, đất ruộng, đất rẫy thoải mái, không lo thiếu ăn, còn bây giờ nhiều hộ không có đất nữa, phải chạy ăn từng bữa. Đa số bà con phải đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy nhưng không phải lúc nào cũng có việc.

Khó khăn lớn nhất của người dân nơi đây là nước uống và nước sinh hoạt. Nước từ bể chứa dùng được vài tháng là hết. Vào tháng Sáu, Bảy, nước thiếu trầm trọng. Các hộ dân phải bỏ tiền ra mua với giá 10.000 đồng/can 30 lít. Chị Vân kể, nhiều hộ phải bỏ nhà ở đây để về làng cũ, tìm những chỗ đất chưa bị ngập nước để canh tác: “Giờ cứ thấy chỗ nào có thể canh tác được là tìm về, chứ đâu dám phát rừng làm rẫy? Đất phía trên kia thì khô cằn hết, làm không đủ cho chuột phá. Khổ, nhưng cũng chẳng biết làm sao để thay đổi”. 

Thuận Hóa - Phan Ngọc - Nguyễn Dương

(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI