Những đường cống thoát nước nằm sâu dưới lòng đất lâu ngày mang trên mình chằng chịt những “vết thương” do tác động của ngoại lực. Các cán bộ, nhân viên của Xí nghiệp Vận hành bảo dưỡng trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã có sáng kiến giúp phục hồi những đường cống hỏng theo cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Sáng kiến từ một sự cố
Năm 2016, xảy ra sự cố sụt lún nghiêm trọng ở giao lộ đường Trường Sa - Đặng Văn Ngữ (P.14, Q.Phú Nhuận). Do đất chảy qua khe hở cống bao gây sụt lún, ngay trên mặt đường, xuất hiện một hố sâu ngày càng rộng ra, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến các công trình lân cận. Thời điểm đó, các chuyên gia xác định, đường cống D600 (600mm) băng qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị hỏng là do tác động của ngoại lực, chưa xác định được nguyên nhân.
|
Phương pháp sửa chữa đường ống thoát nước bằng phương pháp lồng ống giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, diện tích và chi phí thi công |
Sau đó, nhà thầu đã xử lý đoạn cống hỏng bằng phương pháp đào hở. Tuy nhiên, do vị trí cống hỏng nằm tiếp giáp với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mực nước ngầm lớn nên nước ngầm chảy vào hố đào làm cho ba đốt cống kế cận bị lún. Theo dự kiến ban đầu, việc xử lý đoạn cống hỏng nói trên mất ba tháng nhưng thực tế đã kéo dài đến tám tháng do có nhiều việc phát sinh. Việc sửa chữa kéo dài đã ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của người dân trong khu vực.
Tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm là những hạng mục thuộc dự án “Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 1” (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) nhằm giải quyết tình trạng ngập úng trên lưu vực khoảng 3,2km2. Dự án còn xử lý nước thải, chống ô nhiễm dòng kênh và cải tạo, chỉnh trang dòng kênh, cải thiện môi trường sống. Sau khi vận hành hệ thống cống ngầm, tình trạng ngập ở khu vực này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành tuyến cống bao (được thi công bằng phương pháp khoan kích ngầm), các nhân viên kỹ thuật ghi nhận một số khiếm khuyết trong hệ thống ống kích băng kênh dẫn nước thải từ giếng phụ về giếng chính. Các khiếm khuyết này gây ảnh hưởng đến dòng chảy từ giếng phụ về giếng chính, có nguy cơ gây sụt lún mặt đường.
Ông Hoàng Ngọc Thiện - Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận hành bảo dưỡng trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè - cho biết, sau khi khắc phục đoạn cống hỏng ở giao lộ đường Trường Sa - Đặng Văn Ngữ, các đơn vị chức năng kiểm tra hệ thống cống băng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì phát hiện nhiều vị trí bị khiếm khuyết, có nguy cơ sạt lở tiếp. Việc sửa chữa các đoạn cống hỏng là rất cấp bách, nhưng cống ở đây là cống ngầm, nằm ở độ sâu từ 6 - 9m, có đoạn cống băng kênh, nếu dùng phương pháp đào hở như trước, sẽ mất thời gian và tốn kém chi phí. Ông kể: “Từ những bất cập trên, nhóm chúng tôi nghĩ rằng phải có một phương pháp thi công tối ưu hơn để áp dụng cho việc sửa chữa các khiếm khuyết nói trên để vừa rút ngắn tối đa thời gian thi công, vừa giảm việc chiếm dụng lòng đường”.
Sau một thời gian nghiên cứu, ông Hoàng Ngọc Thiện và cộng sự của mình là ông Bùi Ngọc Lâm - nhân viên Xí nghiệp Vận hành bảo dưỡng trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè - đã nghĩ ra phương pháp sửa chữa đường cống ngầm bằng phương pháp lồng ống (lót ống).
Theo đó, các công nhân kỹ thuật dùng một đoạn ống bằng inox lồng vào bên trong đường cống hiện hữu, đúng vào vị trí bị hỏng, sau đó khóa chặt ống lồng với ống hiện hữu bằng bù-loong và lắp đặt tấm nối a-mi-ăng vào khe hở giữa ống hiện hữu và ống lồng, sau cùng bơm xi măng để vá lành đoạn cống bị hỏng, hở.
Gỉai pháp chữa lành hệ thống cống ở TPHCM
Tháng 9/2021, một đoạn cống trong hệ thống cống ngầm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gặp sự cố, cần sửa chữa. Với phương pháp mới, lần này, các kỹ thuật viên chỉ mất khoảng ba tuần để “chữa lành” đoạn cống hỏng thay vì mất tám tháng như trước đây.
|
Sơ đồ thi công bằng phương pháp lót ống để sửa chữa đường cống thoát nước bị hỏng |
Từ khi có sáng kiến vá cống ngầm bằng phương pháp lồng ống đến nay, Xí nghiệp Vận hành bảo dưỡng trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã áp dụng phương pháp mới này để chữa lành cho 12 đoạn cống gặp sự cố dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Điểm đặc biệt của phương pháp này là giảm được lực lượng thi công (chỉ cần tám người thay vì 15 người nếu dùng phương pháp cũ) và mặt bằng thi công rất nhỏ, ít chiếm dụng lòng đường.
Theo ông Hoàng Ngọc Thiện, hệ thống cống ngầm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có tính liên kết. Khi một đoạn cống bị bể, việc dùng phương pháp đào hở để xử lý đoạn cống này sẽ ảnh hưởng đến nhiều đoạn cống khác. Phương pháp lồng ống để xử lý đoạn cống hỏng giúp giảm ảnh hưởng đến các đoạn cống khác trong khi thi công. “Chi phí khi áp dụng phương pháp lồng ống này chỉ bằng 1/5 so với phương pháp truyền thống. Sau một thời gian thực hiện, chúng tôi nhận thấy phương pháp này vẫn đảm bảo độ bền và giúp đường ống thoát nước vận hành tốt” - ông Hoàng Ngọc Thiện nhận xét.
Ông cho biết, ông và các cộng sự rất vui khi sáng kiến trên đã được Sở Giao thông Vận tải TPHCM chấp thuận để đơn vị chức năng áp dụng vào việc xử lý các khiếm khuyết, hư hỏng của tuyến cống ngầm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ngoài việc mang lại hiệu quả trong công việc, giúp tiết kiệm chi phí cho ngân sách, sáng kiến này còn giúp giảm bớt cảnh dựng lô cốt trong thời gian dài mỗi khi sửa chữa các đường cống hỏng như trước đây.
“Phương pháp mới này có thể áp dụng cho ống thoát nước dạng tròn, đường kính 600mm trở lên. Tôi mong phương pháp của mình sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa” - ông Hoàng Ngọc Thiện nói.
Sơn Vinh
* Kỳ tới: Thoát cảnh lội nước nhờ có “mắt thần”