Câu chuyện chú gấu đen hóa rồng

Bài 1: Tự tìm ra lối đi trên con đường gập ghềnh

20/10/2024 - 16:57

PNO - Những năm 1950, sau Chiến tranh thế giới thứ II, hòn đảo này còn là vùng đất lạc hậu, đời sống người dân vẫn còn khó khăn. Sự trỗi dậy của vùng đất này với tư cách là nền kinh tế công nghiệp hàng đầu là một câu chuyện hấp dẫn về hoạch định chiến lược, đổi mới và khả năng phục hồi.

LTS: Gấu đen được xem như biểu tượng của xứ Đài. Câu chuyện gấu đen hóa rồng trong những năm gần đây đang thu hút sự chú ý của thế giới. Trước hết là những con số ấn tượng: sản xuất chip điện tử hay còn gọi là chất bán dẫn đứng đầu thế giới với khả năng thống trị 90% thị trường thế giới; GDP năm 2023 đạt hơn 800 tỉ đô la Mỹ (tăng dần từ 464 tỉ đô la Mỹ vào năm 2013), thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 33.510 đô la Mỹ, nền kinh tế đứng thứ 22 trên thế giới.

Nhờ đâu mà hòn đảo này phát triển thần tốc như thế.

Có thể nói gói gọn trong ba vấn đề lớn: chính sách phát triển kinh tế bắt kịp xu hướng thời đại, sáng tạo, và phát triển bền vững.

Lựa chọn dũng cảm của các nhà hoạch định chính sách

40 năm trước xứ sở này đã bắt đầu gia nhập ngành công nghiệp công nghệ cao và giờ đây đã trở thành nhà sản xuất lớn các sản phẩm công nghệ thông tin trên toàn cầu, qua mặt những đàn anh lớn trên thế giới.

Nhũng đứa trẻ nông thôn xứ Đài những năm 1950-1960
Những đứa trẻ nông thôn xứ Đài những năm 1950-1960

Trước hết phải nói đó là sự dũng cảm định hướng của những nhà hoạch định chính sách: Phát triển công nghiệp ở xứ sở thuần nông.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, xứ này thuần sản xuất nông nghiệp như trồng lúa và bị lệ thuộc vào sự độc quyền của các công ty Nhật. Chính quyền đã thực hiện các chính sách kinh tế hiệu quả, bao gồm cải cách ruộng đất và chính sách phát triển công nghiệp. Cải cách ruộng đất thành công cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất nông nghiệp và giải phóng tiền tiết kiệm để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.

Từ những năm 1970, Viện nghiên cứu công nghiệp ITRI đã được thành lập và việc đầu tiên là cử một đội ngũ các nhà khoa học sang Mỹ học tập nghiên cứu. Viện này nghiên cứu những công nghệ để các công ty có thể ứng dụng và phát triển ngành công nghiệp. ITRI không chỉ giúp hình thành các công ty chế tạo ra sản phẩm mới mà còn giúp cài đặt toàn bộ quá trình sản xuất bao gồm thiết kế, vật liệu, thiết bị công nghệ, kiểm tra, quản lý chất lượng, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, hàng loạt các công ty sản xuất công nghiệp ra đời. Viện ITRI được đánh giá là có vai trò quan trọng trong việc hình thành nền công nghiệp bán dẫn đứng đầu thế giới hiện nay.

Lễ động thổ xưởng đúc bán dẫn (fab) đầu tiên ở Đài Loan trong khuôn viên ITRI. Ảnh: ITRI
Lễ động thổ xưởng đúc bán dẫn (fab) đầu tiên ở Đài Loan trong khuôn viên ITRI - Ảnh: ITRI

Viện ITRI hiện nay trở thành một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới với 6.000 nhà nghiên cứu. Các đế chế công nghiệp do ITRI thành lập bao gồm: TSMC (Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan - công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới), UMC - Công ty Vi điện tử Thống nhất, nhà cung cấp chip quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô; Taiwan Mask Corp - nhà sản xuất mặt nạ quang cho chip, EPISTAR Corp. - nhà sản xuất diot phát quang, đèn LED có độ sang cao, là nhà cung cấp đèn nền LED cho màn hình tinh thể lỏng của SAMSUNG…

Bên cạnh đó là đầu tư vào giáo dục và đào tạo đã tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao, có khả năng thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Sau khi có lực lượng lao động tay nghề cao, nền kinh tế bắt đầu chiến lược đổi mới công nghệ và chuyển từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các ngành sử dụng nhiều vốn và dựa trên tri thức vào những năm 1980. Quá trình chuyển đổi này là một bước đột phá về chính sách phát triển, nó toàn diện và rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.

Theo Cục Phát triển công nghiệp thuộc Cơ quan phát triển kinh tế, những yếu tố chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này.

Sáng kiến của chính quyền: Chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp, bao gồm việc thành lập các công viên khoa học, chẳng hạn như Công viên Khoa học Tân Trúc vào năm 1980, nơi đã trở thành trung tâm của các ngành công nghệ cao.

Đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D): Các khoản đầu tư đáng kể được thực hiện vào R&D để thúc đẩy đổi mới song song với trợ cấp và ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư vào nghiên cứu công nghệ cao.

Phát triển Giáo dục và Nhân tài: Tập trung phát triển lực lượng lao động có trình độ học vấn cao với kỹ năng kỹ thuật vững vàng.

Thu hút đầu tư nước ngoài: Tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng cách đưa ra các ưu đãi và đảm bảo môi trường kinh tế và chính trị ổn định. Điều này đã thu hút các công ty đa quốc gia mang đến các công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến.

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): Cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm hỗ trợ tài chính, các chương trình đào tạo và tiếp cận thị trường quốc tế. Điều này rất quan trọng cho sự đổi mới và tính linh hoạt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tập trung vào các ngành công nghiệp chính: Chính quyền xác định và tập trung vào các ngành công nghệ cao chủ chốt như chất bán dẫn, điện tử và công nghệ thông tin. Trọng tâm chiến lược này đã giúp nền kinh tế trở thành người dẫn đầu toàn cầu trong các lĩnh vực trên.

Hội nhập toàn cầu: Hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong ngành điện tử và bán dẫn. Điều này liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đối tác quốc tế và liên tục nâng cấp năng lực công nghệ.

Và để tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hiện đại của mình, các nhà hoạch định chính sách đặt trọng tâm vào thương mại và xuất khẩu toàn cầu: Chiến lược tập trung vào tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu, đặc biệt là linh kiện công nghệ và chất bán dẫn, định vị là nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những nỗ lực này đã giúp vùng đất này chuyển đổi thành công sang nền kinh tế công nghệ cao, trở thành một nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh công nghệ toàn cầu.

Sự năng động của khu vực tư nhân

Có thể nói nền kinh tế đang đứng thứ 24 trên thế giới (theo GDP danh nghĩa) phần lớn là nhờ sự năng động của khu vực tư nhân: Việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích đổi mới khu vực tư nhân đã thúc đẩy một môi trường kinh doanh cạnh tranh.

Một gian triển lãm sản phẩm của công ty EPISTAR (Ảnh: CTIMES)
Một gian triển lãm sản phẩm của công ty EPISTAR - Ảnh: CTIMES

Sự năng động của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng. Các nhà hoạch định chính sách nhận ra tầm quan trọng của sự hợp tác giữa khu vực công và tư. Các nhà nghiên cứu từ Viện Milken khuyến nghị PPP mạnh hơn trong ba lĩnh vực:

Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và Đổi mới: Trong khi chính quyền tập trung vào các ngành công nghiệp chính như công nghệ sinh học, quốc phòng và Internet vạn vật (IoT), các doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư vào hoạt động R&D và đổi mới của riêng họ. Ngành dịch vụ cao cấp của xứ Đài cũng có tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

Xây dựng thương hiệu và tiếp thị: Đa dạng hóa vào các thị trường mới và cải thiện dịch vụ sau bán hàng có thể mở rộng cơ sở khách hàng cho các công ty. Xây dựng một thương hiệu toàn cầu mạnh mẽ trong các dịch vụ tiên tiến là điều cần thiết.

Thu hút đầu tư nước ngoài và nhân tài: Khu vực tư nhân được sự hỗ trợ của nhà nước thu hút và giữ chân đầu tư nước ngoài và nguồn nhân lực.

Một trong những chủ trương lớn giúp nền kinh tế này tăng tốc thành công là việc đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và các nhà nghiên cứu quay trở về làm việc sau khi học tập ở nước ngoài. Chính quyền cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài thông qua các chương trình khuyến khích và hỗ trợ tài chính.

Sự phát triển đáng ngạc nhiên của nền kinh tế này không thể không kể đến viện trợ và đầu tư từ Mỹ - đồng minh chiến lược của họ: Trong giai đoạn đầu, nền kinh tế này đã nhận được viện trợ tài chính và các khoản vay đáng kể từ Mỹ, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp.

Những yếu tố kể trên kết hợp với tỉ lệ tiết kiệm tốt và năng suất lao động tăng cao, đã đưa vùng đất này trở thành một trong những nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới.

Thẻ vàng việc làm tích hợp 4 trong 1 (visa cư trú, giấy phép làm việc, thẻ cư trú hợp pháp và visa nhập cảnh nhiều lần) được cấp cho các chuyên gia. (Ảnh: ASIA BLOCKCHAIN SUMMIT)
Thẻ vàng việc làm tích hợp 4 trong 1 (visa cư trú, giấy phép làm việc, thẻ cư trú hợp pháp và visa nhập cảnh nhiều lần) được cấp cho các chuyên gia - Ảnh: ASIA BLOCKCHAIN SUMMIT

Chính quyền đã triển khai nhiều chính sách để thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Một trong những chính sách nổi bật là “Thẻ vàng việc làm” (Employment Gold Card), cho phép các chuyên gia quốc tế dễ dàng làm việc và sinh sống ở xứ này. Chính sách Thẻ vàng việc làm là một sáng kiến nhằm thu hút nhân tài. Thẻ này tích hợp nhiều quyền lợi, bao gồm:

Visa cư trú: Cho phép bạn cư trú tại xứ Đài.

Giấy phép làm việc mở: Bạn có thể làm việc cho bất kỳ công ty nào mà không cần xin giấy phép làm việc riêng.

Thẻ cư trú (ARC): Cho phép bạn cư trú hợp pháp.

Giấy phép xuất/nhập cảnh nhiều lần: Bạn có thể ra vào xứ này nhiều lần trong thời gian thẻ có hiệu lực.

Thẻ vàng có thời hạn từ 1 đến 3 năm và có thể gia hạn. Các lĩnh vực đủ điều kiện để đăng ký thẻ vàng bao gồm: Khoa học và Công nghệ, Kinh tế, Giáo dục, Văn hóa và Nghệ thuật, Thể thao, Tài chính, Luật, Kiến trúc, Quốc phòng và một số lĩnh vực khác được công nhận bởi Hội đồng Phát triển Quốc gia.

Nếu bạn có bằng tiến sĩ từ một trong các trường đại học hàng đầu thế giới, bạn cũng có thể đủ điều kiện để nộp đơn xin thẻ vàng. Đáng chú ý là quá trình nộp đơn có thể thực hiện trực tuyến và thường mất từ 30 đến 60 ngày để hoàn tất.

Việt Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI