Giảm áp lực học hành, cần hành động ngay

Bài 1: Trẻ mầm non ngày ở trường, tối ở lớp học thêm

06/05/2024 - 06:18

PNO - LTS: Trong những ngày tháng Năm này, học sinh cả nước đang căng mình với kỳ thi cuối năm học. Các em học sinh cuối cấp còn tiếp tục bước vào kỳ thi căng thẳng hơn. Nhiều em đã học suốt từ hè đến cả năm học, học từ 7g sáng ở trường đến 21g ở lớp học thêm... để chuẩn bị cho các kỳ thi này. “Học nhiều” dường như đã trở thành đặc sản của giáo dục và để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe tinh thần của học sinh. Trả lại tuổi học trò thần tiên cho các em là việc làm cấp bách vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh, năng động, sáng tạo...

Việc học sinh lớp lá 5 tuổi phải học thêm để biết chữ, biết tính toán trước khi vào lớp Một đã trở thành chuyện bình thường. Gần đây, các bé mới chỉ 3-4 tuổi cũng được cha mẹ cho “cày” thêm tiếng Anh ở trung tâm để thuận lợi khi bước vào lớp Một. Áp lực vì thế đè nặng lên đứa trẻ.

Lịch trình dày đặc

Một ngày của bé Anh Thư (học lớp lá), con chị Nguyễn Hồng Nga (ngụ quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) bắt đầu từ 7g sáng. Bé đến trường mầm non và ở đó đến 16g30. Chiều được mẹ đón về nhà, nghỉ ngơi một chút, bé lại tiếp tục đến lớp học thêm lúc 17g30.

Một tuần bé học thêm 5 buổi: 2 buổi tiếng Anh, 2 buổi tiếng Việt và 1 buổi toán. Buổi học kéo dài đến gần 20 giờ thì kết thúc, bé được mẹ đón về. 21g, bé tiếp tục ngồi vào bàn học, ôn lại các nội dung cô đã dạy và luyện bài tập theo phiếu cô giáo phát. Đến khoảng 22g30, bé mới thực sự hoàn thành mọi việc và được đi ngủ.

“Nghe nói chương trình mới lớp Một rất khó, nhất là có thêm môn tiếng Anh. Sợ con không học trước sẽ đuối và không theo kịp các bạn nên tôi bàn với chồng cho con đi học thêm” - chị Nga nói. Chị cũng cho biết, từ khi con 4 tuổi, chị đã cho tới trung tâm luyện tiếng Anh và học online theo dạng 1:1 với giáo viên người nước ngoài.

Có con vào lớp Một năm học tới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho con học thêm được 4 tháng nay.

“Tôi cho con học tiếng Anh 2 buổi/tuần, môn toán và tiếng Việt thì 1 buổi/tuần, học phí mỗi buổi là 200.000 đồng. Trung bình 1 tháng, ngoài tiền học mầm non, gia đình tôi phải chi thêm 3,2 triệu đồng cho việc học thêm của con. Tôi sợ con không theo kịp bạn bè nên dù tốn kém cũng chịu” - anh Dũng cho hay.

Vì muốn cho con vào học tại 1 trường tiểu học chuẩn về sĩ số ở quận Bình Tân (TPHCM) nên từ khi con lên 4 tuổi, anh Phước Hòa đã cho con đi học tiếng Anh ở trung tâm. Lên 5 tuổi thì luyện viết tiếng Việt tại nhà cô giáo.

Mỗi tuần, con anh học 1 buổi sáng và 3 buổi tối, mỗi buổi kéo dài 1 tiếng 15 phút. Anh cho biết: “Tôi có thỏa thuận trước và được trung tâm, giáo viên cam kết không lấy sách tiểu học ra dạy y nguyên mà chỉ dạy những thứ cơ bản trong chương trình như: viết số, viết chữ, các từ ghép đơn giản và cộng - trừ; tiếng Anh thì dạy từ vựng, màu sắc, con vật… nên tôi không sợ con vào lớp Một sẽ mất hứng thú. Chỉ sợ con không học thì sẽ không biết gì, thua sút bạn bè”.

Còn chị gái anh Phước Hòa lại cho con trai 6 tuổi học thêm tiếng Anh, toán tư duy, lớp tiền tiểu học với lịch trình dày đặc. Với lý do đã sát ngày con vào tiểu học, chị chỉ cho con nghỉ chiều tối thứ Bảy và tối Chủ nhật.

Anh Phước Hòa kể: “Có hôm trước ca học tối, cháu ăn cơm xong, xin đạp xe một xíu rồi về học nhưng ngán quá nên trốn ở sân chơi, cả nhà túa nhau đi kiếm. Hoặc mấy khi sang chơi cùng con tôi, khi bị kêu về là cháu lại khóc la liên tục vì sợ về phải đi học”.

Đừng cho con học trước vì sợ thua bạn

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực mầm non, bà Nguyễn Thị Phương Linh - Hiệu trưởng Trường mầm non Măng Non III (quận 10, TPHCM) - cho biết, quan điểm nếu không cho con học sớm sẽ thua thiệt bạn bè là chưa đúng. Vì ở bậc mầm non, trẻ đã được làm quen với chữ và tiếng Anh nếu phụ huynh có nhu cầu.

Tay của trẻ 5-6 tuổi chỉ phù hợp với việc tô, đồ, sao chép chữ nên nếu phụ huynh ép trẻ viết là sai phương pháp. Thay vào đó, phụ huynh nên dạy trẻ cầm bút, tư thế ngồi, nhớ mặt chữ trong bảng chữ cái. Cha mẹ nên dạy con thói quen tập trung khi thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ví dụ, mỗi tối, cha mẹ dành thời gian cùng con vẽ tranh, hoặc cho con đồ nét trong các quyển tập tô dành cho trẻ 5-6 tuổi. Lưu ý luôn tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho con.

Học sinh lớp lá tại Hà Nội học chữ  chuẩn bị vào lớp Một - ẢNH: ĐẠI MINH
Học sinh lớp lá tại Hà Nội học chữ chuẩn bị vào lớp Một - ẢNH: ĐẠI MINH

Cô Nguyễn Thị Thu - giáo viên lớp Một tại quận Hoàng Mai, Hà Nội - cho biết theo mục tiêu chương trình mới, hết năm học lớp Một học sinh đều có thể đọc thông, viết thạo, làm phép tính cộng, trừ.

Giáo viên sẽ căn cứ vào năng lực của học sinh để tiếp cận, cũng như thiết kế bài giảng và dạy phù hợp, theo nguyên tắc là “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Không có giáo viên nào dạy theo kiểu học sinh chưa biết chữ mà đã vội vàng chuyển sang nội dung khác. Chỉ khi học sinh hứng thú, hoàn thành mục tiêu bài học thì giáo viên mới dạy sang các bài mở rộng để kích thích sự tìm tòi, khám phá của các em.

“Rất nhiều học sinh không học trước chương trình vẫn biết đọc, biết viết khi học xong. Ngược lại, nhiều bạn học trước chương trình lại có tâm lý chủ quan, biết rồi nên không còn sự hứng thú với bài học.

Việc chuẩn bị kỹ càng cho con vào lớp Một là cần thiết nhưng không phải cho con đi học trước chương trình. Cái mà phụ huynh cần chuẩn bị là tâm lý, thói quen cũng như kỹ năng để con bắt nhịp với môi trường mới” - giáo viên này cho hay.

Bà Phan Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Sơn Tây, Hà Nội - thông tin: kết quả sau gần 4 năm thực hiện chương trình mới cho thấy, học sinh lớp Một học và tiếp thu tốt kiến thức; tốc độ đọc, viết, tính toán nhanh hơn; vốn từ cũng được mở rộng hơn rất nhiều.

“Chương trình lớp Một hiện nay có yêu cầu cao hơn chương trình cũ nhưng không khó. Cùng với đó là tạo điều kiện cho học sinh tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hay theo nhóm; có cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng để phát triển.

Vì vậy, phụ huynh không cần thiết cho trẻ đi học lớp tiền tiểu học. Các em chỉ cần hoàn thành phổ cập ở lớp mầm non 5 tuổi, được làm quen bảng chữ cái tiếng Việt là có thể học được” - bà nói.

Cũng theo bà, tiếng Anh là môn học làm quen ở lớp Một, lớp Hai và đưa vào chương trình chính khóa từ lớp Ba. Bộ GD-ĐT đã cho phép thí điểm chương trình làm quen với tiếng Anh ở bậc mầm non, phụ huynh có thể cho con tiếp xúc nếu có điều kiện.

Gây áp lực cho trẻ

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) - nhận định: Tình trạng phụ huynh cho con đi học chữ, học tiếng Anh khi chưa đầy 6 tuổi phổ biến ở những gia đình có điều kiện. Việc này không thật sự cần thiết: “Nếu không có sự cân nhắc cẩn thận, việc tập trung quá mức vào học về chữ và tiếng Anh có thể làm mất đi sự phát triển tự nhiên của trẻ trong các lĩnh vực khác như tư duy sáng tạo, kỹ năng xã hội, khả năng tự chủ và gây áp lực cho chính trẻ”.

Kỳ tới: Trẻ tiểu học thức khuya dậy sớm “cày” bài

Trẻ đánh mất cơ hội được chơi, trải nghiệm

Thạc sĩ Trịnh Phúc - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần Minh Trí (Đồng Nai) - nhấn mạnh: cha mẹ cần đủ “khỏe mạnh” để có thể thấu hiểu và chấp nhận con mình. Hơn ai hết, cha mẹ là người đồng hành và hiểu rõ con mình, nhưng bởi áp lực xung quanh quá lớn nên đành phải theo xu hướng xã hội.

Trong khi giai đoạn này trẻ cần được trải nghiệm những thứ thuộc về cuộc sống bao gồm cả tiếp xúc với thiên nhiên, tương quan giữa những con người, những bộ môn năng khiếu và việc học.

Nếu đi học với tần suất dày đặc sẽ làm trẻ mất cơ hội chơi, tham gia thử thách, đối diện với tình huống hằng ngày. Hệ lụy trước mắt là sự phát triển không toàn diện về thể chất, tâm lý và năng lực học tập. Tương lai xa hơn, khả năng nhận diện, quản lý và điều chỉnh cảm xúc sẽ có vấn đề.

Mặt khác, trẻ có thể trở thành 1 trong 2 xu hướng: luôn tuân theo quy tắc từ người xung quanh mà không đủ năng lực để phản kháng hoặc thể hiện sự chống đối.


Trang Thư - Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI