Những phương pháp dạy học “không đụng hàng”

Bài 1: Tiết học vật lý và những cuộc thi tài thú vị

04/01/2021 - 07:00

PNO - Không chấp nhận tụt hậu, nhiều giáo viên mạnh dạn “cởi bỏ” lối dạy truyền thống, xây dựng phương pháp dạy học tích cực để lôi cuốn học sinh vào bài học, thúc đẩy tinh thần chủ động tiếp cận kiến thức, phát huy năng lực sáng tạo của học sinh.

Để học sinh chịu học, phải làm cho các em thích trước đã. Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên môn vật lý Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.11, TP.HCM), nói về phương pháp dạy học của mình.

Nào ta cùng… ngước

Khi các đội thi đã vào vị trí sẵn sàng cho cuộc thi Tên lửa nước 2020, thầy giáo Phạm Đông Phương với mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” lại lóc cóc leo lên sân thượng Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa. “Bảy năm tổ chức cuộc thi này, tôi chữa được căn bệnh sợ độ cao của mình”, thầy nói vui khi đứng trên sân thượng của ngôi trường bốn tầng lầu nhìn xuống những học trò dưới sân. Tiếng reo hò của học sinh dội lên khiến thầy cảm thấy cái nắng chói chang những ngày cuối tháng 11 như dịu đi, và nghề dạy học cũng “dịu dàng” hơn bao giờ hết.

Sau hiệu lệnh “bắt đầu!” được đếm ngược từ 10 về 0 của cô giáo làm trọng tài mặt đất, những chiếc tên lửa phóng lên giữa không trung; đồng thời, những cột nước phun lên như những cột khói máy bay phản lực vỡ ra, bắn tung tóe khắp sân trường.

Thầy Phạm Đông Phương hướng dẫn học sinh chế tạo tên lửa nước
Thầy Phạm Đông Phương hướng dẫn học sinh chế tạo tên lửa nước

Cứ mỗi lần chiếc tên lửa bay lên, cả ngôi trường rung chuyển giữa ngàn tiếng reo hò. Hàng trăm khuôn mặt từ sân trường cũng như ở lan can các tầng lầu đồng loạt ngửa lên nhìn trời. 

Khoảnh khắc tên lửa bay lên diễn ra trong phút chốc, nhưng sự phấn khích của học sinh thì dường như vẫn để lại dư âm suốt nhiều ngày sau đó. Dù đội thi phóng tên lửa nước là phe nào thì mọi sự quan tâm, cổ vũ đều hào hứng như nhau. Đó thật sự là ngày hội của học sinh. Những khuôn mặt giãn ra sau những nụ cười, áp lực học tập tạm thời lắng xuống. 

Cuối cùng, đội thi đến từ lớp 12A2 đã vượt qua 71 đội thi khác để trở thành nhà vô địch cuộc thi với độ cao tên lửa và độ bung dù tuyệt đẹp, thuyết phục ban trọng tài cũng như toàn thể học sinh. Bên cạnh đó, dù là đàn em “chân ướt chân ráo” vào trường, nhưng đội tên lửa lớp 10A11 được đánh giá là một đội trẻ có tiềm năng phát triển.

Các trận đấu hấp dẫn như thế đã diễn ra đều đặn bảy năm qua, thu hút đông đảo học sinh tham gia và cổ vũ. “Về mặt kỹ thuật, các đội thi năm nay đã tiến bộ rõ rệt. Nhiều đội đầu tư cho đầu tên lửa, dàn phóng, thời gian thử nghiệm nên chất lượng cuộc thi rất cao. Điều đáng quý là các đội đã chuẩn bị tốt và thi đấu hết mình”, thầy Phương nhận xét sau trận chung kết. 

Thích thì mới học

Tên lửa nước là cuộc thi vận dụng kiến thức chuyển động phản lực - một bài học môn vật lý lớp Mười. Khi phóng một tên lửa, khối khí bên trong được đốt nóng sẽ tạo nên lực đẩy cực mạnh giúp tên lửa đi lên. Ở đây, học sinh sẽ tận dụng những gì mình có, là một chai nhựa, ống nước và bơm nén khí bên trong… 

Tên lửa nước là một sân chơi thường niên, với cuộc thi đầu tiên được tổ chức từ năm 2013, cũng là năm đầu tiên thầy Phương về trường. Do gắn với chương trình lớp Mười, nên khi phát động cuộc thi, cả ba khối cùng tham gia. Toàn trường có 46 lớp, nhưng có đến 72 đội dự thi. Nhiều lớp đăng ký hai đội, năn nỉ thầy cho thi. 

Học sinh phấn khích trong hoạt động mang tính thực tế hóa những kiến thức từ bài học
Học sinh phấn khích trong hoạt động mang tính thực tế hóa những kiến thức từ bài học

Nói đùa rằng, mục đích cuộc thi “là một liệu pháp giúp học sinh chống… trầm cảm sau thi”, tuy nhiên, hoạt động này như một cách khiến học sinh chịu học hơn. “Để học sinh chịu học, phải làm cho các em thích trước đã. Thích thì mới học”, thầy Phương nói. Sân chơi đó còn bắt nguồn từ trăn trở của người thầy 15 năm trong nghề, là làm sao để nâng chất lượng đầu vào, để học sinh thấy rằng, đến trường được học, được chơi, được làm này làm nọ, và để không phụ lòng phụ huynh đã tin tưởng gửi gắm con vào trường.

Trần Như Huỳnh, học sinh lớp 12A4, cho biết các bạn đã tham gia cuộc thi với rất nhiều niềm vui và phấn khích. Thông qua cuộc thi, các bạn không chỉ nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, sự đoàn kết giữa các thành viên trong đội để chế tạo thành công tên lửa nước, mà còn có cơ hội thực hành rất nhiều kiến thức môn học, như tính thể tích để cân bằng giữa áp lực khí và thể tích nước để bắn cao và mạnh, áp dụng vật lý về mũi nhọn xẻ gió để tên lửa bắn cao…

Với đội thi toàn nữ và tên lửa nước đã bay rất cao, nhưng đội của Huỳnh vẫn không có giải vì… các tên lửa khác bay cao hơn. Dù vậy, Huỳnh không buồn, vì những hoạt động này khiến em cảm thấy đời học sinh trở nên ý nghĩa. 

“Đó không chỉ là sân chơi mà còn là nơi trau dồi kiến thức thực tế, gắn kết bạn bè, giúp thầy trò gần nhau hơn. Qua những vòng thi, quan sát, học hỏi để cải tiến, chỉnh sửa tên lửa của đội mình bay cao hơn, chúng tôi còn học được ở thầy sự kiên nhẫn và cố gắng”, Hứa Tuyết Nhi, thành viên đội 12A4, chia sẻ. 

Có lẽ, đó là lý do khiến học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa yêu quý thầy dạy vật lý. Đó cũng là lý do mà học sinh trường này có được những thành tích đáng nể, và cũng là những thành tích đầu tiên ở bộ môn vật lý kể từ khi thầy Phương về trường. Trong 15 năm theo nghề, thầy đã miệt mài với những thay đổi, sáng tạo trong dạy học để một môn học vốn khô khan trở nên hiệu quả, để học sinh đón nhận việc học đầy cảm hứng. 

Ngoài tổ chức cuộc thi tên lửa nước ở quy mô toàn trường, và các đội thi của trường đạt giải cao trong các kỳ thi do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, thầy Phương còn tổ chức cho học sinh tham gia cuộc thi đua xe năng lượng mặt trời do Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức với mong muốn đưa kiến thức từ sách vở đến gần với thực tế cuộc sống; để học sinh, ngoài tri thức còn có kỹ năng tốt vào đời… 

Thu Lê
(Còn nữa)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI