LTS: Văn học nghệ thuật là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp phẩm chất đạo đức con người và đặc biệt góp phần quan trọng vào việc rèn giũa, trau dồi nhân cách cho trẻ nhỏ, hướng trẻ đến giá trị chân, thiện, mỹ. Thế nhưng, các tác phẩm dành cho thiếu nhi lại khá ít ỏi, số tác phẩm hấp dẫn, có giá trị lại càng hiếm hoi.
Nhạc, phim, truyền hình đều “không có gì mới”
Hiện tại, nếu gõ cụm từ “nhạc thiếu nhi” trên thanh tìm kiếm của YouTube, Zing music hay nhaccuatui, kết quả đa phần là những ca khúc quen thuộc đã có từ cách đây mấy chục năm và chúng chỉ được làm mới bằng những giọng ca mới hoặc được hòa âm lại. Nền âm nhạc Việt Nam cũng được bổ sung nhiều ca khúc mới nhưng trẻ em Việt Nam vẫn đang nghe, đang hát những Con cò bé bé, Cháu yêu bà…
|
Sau mỗi suất diễn Ngày xửa ngày xưa, rất đông khán giả lên sân khấu chụp ảnh cùng các nghệ sĩ |
Ở mảng phim chiếu rạp, nguồn cung phim dành cho thiếu nhi hằng năm gần như bằng 0. Mỗi năm, cơ quan nhà nước vẫn đặt hàng làm phim, trong đó có thể loại phim hoạt hình, phim đề tài thiếu nhi nhưng thực tế chỉ có phim ngoại tung hoành các rạp. TP Hà Nội có Trung tâm Chiếu phim quốc gia nên phim đặt hàng có được “đầu ra”. Tháng Sáu vừa qua, trung tâm này chiếu chùm 6 phim hoạt hình nội, mỗi ngày 1 suất. Còn ở TPHCM, cứ mỗi hè, phim hoạt hình ngoại - nhất là 2 “thương hiệu” mèo máy Doraemon và Thám tử lừng danh Conan - đều đặn thu về trăm tỉ đồng, còn phim nội mất dạng. Lâu lắm rồi mới có một bộ phim được đặt hàng là Vầng trăng thơ ấu hướng đến khán giả nhỏ tuổi nhưng sau buổi chiếu ra mắt truyền thông, chẳng ai biết phim này có ra rạp hay không.
Phim hoạt hình nhộn nhịp trên mạng Trong khi vắng bóng ở rạp, phim hoạt hình Việt lại khá nhộn nhịp trên mạng. Các kênh Yeah1 Kids, Wolfoo tiếng Việt, SMToon Việt Nam, Super Toons TV tiếng Việt, Xưởng phim hoạt hình, Phim hoạt hình Việt Nam… thường xuyên ra mắt các tập phim dựng bằng công nghệ 2D, 3D, Stop-motion. Vài kênh còn phát trực tiếp (live stream) làm tăng tính tương tác. Nội dung thường là các câu chuyện cổ tích, thu hút từ vài ngàn đến vài chục ngàn lượt xem/tập. Nổi bật nhất trong số này là kênh Wolfoo tiếng Việt. Mỗi ngày, kênh này phát trực tiếp vài tập phim xoay quanh cuộc sống của chú sói con Wolfoo để dạy trẻ kỹ năng sống và sự hiểu biết về văn hóa. Kênh thu hút gần 4 triệu lượt đăng ký. Ra đời năm 2010 đến nay, kênh có 400 video, với hơn 356 triệu lượt xem. |
Phim ảnh, chương trình cho thiếu nhi trên truyền hình cũng ít ỏi. Truyền hình Vĩnh Long là nhà đài hiếm hoi còn duy trì chùm phim Thế giới cổ tích. Có một dạo các cuộc thi Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Gương mặt thân quen, Sao nối ngôi, Hãy nghe tôi hát, Đấu trường âm nhạc đều ra phiên bản nhí nhưng rồi tất cả bị bão hòa và nay chỉ còn Cầu thủ nhí, Nhanh như chớp nhí trụ lại được sau nhiều mùa.
Hè này, VTV ra mắt Hoa vui ca - phiên bản mới của Những bông hoa nhỏ và chuỗi 6 tập Trường học hạnh phúc - Em làm phim, dạy làm video. Nhìn chung, chương trình giải trí thiếu nhi trên truyền hình có góc tiếp cận khá trẻ trung, tập trung một số vấn đề được thiếu nhi quan tâm, có sự tương tác sinh động của những thiếu nhi tham gia chương trình nhưng định dạng chưa có sự đột phát để tạo sự khác biệt so với các chương trình trước đó như Hát cùng siêu chip, Thành phố đảo ngược...
Không dễ “dụ con nít”
Trẻ em là đối tượng khán giả dễ tính so với người lớn, nhưng không dễ tạo ra sản phẩm thỏa mãn nhu cầu thượng đế nhí. Đạo diễn Lương Đình Dũng (phim Cha cõng con) bày tỏ: “Làm phim cho thiếu nhi là thách thức lớn. Các cháu thích xem những phim vui nhộn, màu sắc sinh động nhưng phải có câu chuyện, chi tiết dễ thương, dễ hiểu, có yếu tố tưởng tượng, kỳ ảo. Ngoài ra, phim ngoại xử lý kỹ xảo rất nhuần nhuyễn nên phim nội cũng phải xử lý ngang tầm mới mong thành công. Do đó, làm phim thiếu nhi lúc này rất khó”.
Nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng (phim Mặt trời con ở đâu) cho rằng, làm phim thiếu nhi khó ở chỗ phải tạo ra câu chuyện mà các em thấy mình trong đó, “phải mở ra trước mắt các em một thế giới mới và kéo các em vào hành trình khám phá những điều mới lạ. Phim phải giàu tính giải trí nhưng đồng thời phải có giá trị giáo dục, nhân văn”.
Không chỉ khó làm, phim thiếu nhi còn khó thu. Những phim được đầu tư lớn như Trạng Tí phiêu lưu ký, Maika - cô bé đến từ hành tinh khác được đánh giá cao về chất lượng nhưng lại thua lỗ nặng nên các nhà sản xuất không mấy mặn mà. Trước đây, mỗi hè, đạo diễn Lê Bảo Trung đều đặn ra phim mới nhưng nhiều năm nay, anh cũng từ bỏ dòng phim này. Anh nói: “Phim thiếu nhi thường không có doanh thu cao như phim dành cho người lớn, nên nhà đầu tư ngần ngại”.
|
Vở kịch thiếu nhi Đại náo Long cung của sân khấu 5B được nhiều em nhỏ yêu thích |
Ở mảng ca khúc thiếu nhi, Hội Âm nhạc TPHCM cũng nỗ lực làm giàu kho nhạc thiếu nhi bằng các cuộc vận động sáng tác nhưng kết quả chưa như mong muốn mà một phần nguyên nhân là nguồn thu không hấp dẫn các nhạc sĩ.
Sân khấu là loại hình ít chịu áp lực cạnh tranh từ sản phẩm ngoại nhập. Việt Nam vẫn chưa phải là điểm đến lý tưởng của các vở diễn quốc tế và chỉ một bộ phận rất nhỏ người Việt Nam có điều kiện bay nước ngoài xem sân khấu. Nhưng, con đường làm sân khấu thiếu nhi vẫn không vì thế mà bớt chông gai. Dù gần như “độc quyền canh tác” ở mảng sân khấu này suốt nhiều năm, chương trình Ngày xửa ngày xưa của IDECAF cũng có những giai đoạn rất khó khăn và từ năm 2014 trở đi, mỗi năm chỉ còn 1 vở diễn vào dịp hè.
3 năm trở lại đây, các sân khấu 5B, Trương Hùng Minh, Quốc Thảo, Búp Sen Hồng, Ban Mai lần lượt tham gia chinh phục khán giả nhí. 5B chọn thực hiện các vở diễn gọn nhẹ, phù hợp quy mô sân khấu nhỏ. Sân khấu Trương Hùng Minh vừa trình làng 2 vở Bí mật trăm đốt tre và Mễ Cốc phiêu lưu ký trong chuỗi “Truyện thần tiên”, hứa hẹn sẽ là đối thủ nặng ký của Ngày xửa ngày xưa về mặt đầu tư. Là nhà sản xuất đồng thời là tác giả và đạo diễn vở Mễ Cốc phiêu lưu ký, nghệ sĩ Việt Hương cho biết, chị không ngại đầu tư làm kịch cho thiếu nhi nhưng tìm kịch bản quá khó.
Sân khấu Đồng Ấu Bạch Long đã dừng các vở diễn cho thiếu nhi. Sau suất công diễn và vài suất phục vụ trong năm 2023, vở cải lương thiếu nhi Vương quốc thú nhồi bông của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tạm ngưng diễn. Vở nhạc kịch dân ca Nam bộ Lá cờ thêu 6 chữ vàng của sân khấu Sen Việt vừa đoạt huy chương Bạc liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng vào tháng 5/2024 cũng chỉ có 6 suất diễn hợp đồng và rất chật vật để tái diễn.
Sân khấu thiếu nhi chưa dành cho số đông Sân khấu thiếu nhi đã có bước phát triển đáng ghi nhận cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng ngoài TPHCM và Hà Nội, loại hình này gần như vắng bóng ở các tỉnh, thành khác. Ở 2 thành phố lớn này, đa phần khán giả cũng là con em các gia đình khá giả do giá vé khá cao. Chẳng hạn, giá vé xem chương trình Ngày xửa ngày xưa từ 250.000-400.000 đồng, trẻ nhỏ phải đi xem với ít nhất một người lớn. Dù mức đầu tư cho các vở diễn không ngừng tăng cao nhưng nhà hát Tuổi Trẻ (TP Hà Nội) vẫn nỗ lực giữ giá vé thấp nhất có thể để phục vụ nhiều đối tượng thiếu nhi hơn. Nhà hát cũng thường gửi vé mời xem kịch miễn phí cho trẻ em khuyết tật, mồ côi. Ở TPHCM, các sân khấu thiếu nhi cũng dành một số suất diễn phi lợi nhuận cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn nhỏ lẻ và chưa thực sự hiệu quả, chưa giúp kịch đến với số đông khán giả nhí. Việc chăm lo đời sống tinh thần cho số đông khán giả thiếu nhi là trách nhiệm của nhà nước và cần sự chung tay của toàn xã hội. Ninh Lộc |
Ban Văn hóa văn nghệ
* Kỳ tới: Không áp đặt tư duy người lớn lên trẻ thơ