“Nghề hiệu trưởng” trường đại học tư: “Sân chơi” cũng lắm… gian truân

03/03/2021 - 09:42

PNO - “Tuổi thọ” của vị trí hiệu trưởng ở một trường đại học tư thục có thể dài đến… không kể nhiệm kỳ nhưng cũng có khi ngắn vỏn vẹn vài tháng. Sự vô chừng này tùy thuộc vào “chủ trường”. “Nghề hiệu trưởng” có thu nhập khá cao và dĩ nhiên chịu áp lực lớn, cùng với những rủi ro như sự thay ngôi đổi chủ có thể xảy ra trong chớp nhoáng.

Những cuộc “thay máu” chớp nhoáng

Ngày 1/3, Hội đồng trường của Trường đại học (ĐH) Hoa Sen có quyết định bổ nhiệm Phó giáo sư (PGS) - tiến sĩ (TS) Võ Thị Ngọc Thúy giữ chức vụ Quyền hiệu trưởng. Với việc bổ nhiệm quyền hiệu trưởng mới, Trường ĐH Hoa Sen trở thành một trong những trường có số lần thay hiệu trưởng kỷ lục chỉ trong vòng vài năm. 

Sau khi trường này đổi chủ đầu tư, TS Bùi Trân Phượng thôi làm hiệu trưởng, ông Lưu Tiến Hiệp được UBND TP.HCM công nhận hiệu trưởng vào ngày 17/1/2017. Đến tháng 7/2018, PGS-TS Trần Đan Thư, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Thế nhưng cũng trong giai đoạn này, Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua lại cổ phần của Trường ĐH Hoa Sen. Những người chủ mới có kế hoạch khác và cần hiệu trưởng khác phù hợp hơn nên TS Thư đã xin từ nhiệm.

Vậy là dưới “triều đại” mới, tháng 12/2018, giáo sư - TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM được bổ nhiệm làm hiệu trưởng tiếp theo. Đến tháng 3/2020, bà Quỳ thôi chức, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường này. Tính ra, chỉ trong vòng 5 năm, Trường ĐH Hoa Sen đã thay hiệu trưởng năm lần.

Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy - Quyền hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen - phát biểu nhậm chức - Ảnh: Thanh Thanh
Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy - Quyền hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen - phát biểu nhậm chức - Ảnh: Trường ĐH Hoa Sen

Tháng 9/2014, giới giáo dục ĐH trong nước xôn xao trước sự kiện TS Đàm Quang Minh mới 35 tuổi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH FPT. Lúc bấy giờ, một người trẻ dưới 45 tuổi làm hiệu trưởng trường ĐH là chưa từng có tiền lệ. Nhưng chỉ hai năm sau, TS Minh rời trường.

Khi Trường ĐH Thành Tây được Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ mua lại và dĩ nhiên thay đổi hiệu trưởng. Vị hiệu trưởng mới lúc này chính là TS Đàm Quang Minh. 

Nhưng cũng chỉ một năm sau, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ thoái vốn khỏi Trường ĐH Thành Tây nên TS Đàm Quang Minh cũng thôi chức hiệu trưởng nhà trường để vào Huế làm Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, nơi vừa được tổ chức giáo dục này mua lại. Mới đây, cuối tháng 11/2020, vị TS này cũng công bố rời chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân.

Từ đây, ông bất đắc dĩ trở thành người nắm giữ kỷ lục đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục ĐH Việt Nam: làm hiệu trưởng nhiều trường ĐH nhất. 

Khi trở thành nhà đầu tư chính tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã mời PGS-TS Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, về làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015-2020. Chưa hết nhiệm kỳ nhưng ông Cần chuyển sang đảm nhiệm vai trò mới là Phó tổng giám đốc phụ trách khối ĐH của tập đoàn này.

Thay thế vị trí “thuyền trưởng” của trường ĐH này cũng là một hiệu trưởng “có số má” từ khối ĐH công lập vừa nghỉ hưu - PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Theo một nguồn tin riêng, trong thời gian ngắn tới, ngôi trường này sẽ có tân hiệu trưởng khác thay cho PGS-TS Hồ Thanh Phong.

Một trường khác thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng là Trường ĐH Gia Định cũng vừa đổi hiệu trưởng từ TS Hà Hữu Phúc (trước khi làm hiệu trưởng, ông Phúc là Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM) bằng PGS-TS Võ Trí Hảo.

Chuyện thay ngôi đổi chủ còn có Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cũng trải qua những cuộc thay đổi tương tự. Được UBND TP.HCM công nhận chức vụ hiệu trưởng nhiệm kỳ 2016-2021 nhưng chỉ đến năm 2018, TS Tạ Thị Kiều An đã xin từ nhiệm.

Người thay thế bà là PGS-TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ. Bất ngờ là vào tháng 11/2020, PGS-TS Đỗ Văn Xê thôi chức hiệu trưởng với nhiều kế hoạch còn dở dang. Thay ông điều hành trường là TS Nguyễn Kim Quang, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). 

Lương trăm triệu, áp lực đè nặng

Tuy không công khai nhưng người trong giới cho biết mức lương của hiệu trưởng trường tư được thỏa thuận dựa vào các tiêu chí như danh tiếng trước khi được “săn” về và quan trọng nhất là trách nhiệm về định mức tuyển sinh, phát triển quy mô…

Mặt bằng chung lương hiệu trưởng các trường tư hiện nay dao động trong khoảng 100-200 triệu đồng/tháng. Một vài trường có quy mô lớn thậm chí đã vượt qua con số 300 triệu đồng/tháng cho vị trí hiệu trưởng. 

Trong vòng 5 năm, trường đại học Hoa Sen đã thay 5 hiệu trưởng
Trong vòng 5 năm, trường đại học Hoa Sen đã thay hiệu trưởng 5 lần

Dĩ nhiên, tiền nào của nấy, mức lương càng cao thì áp lực càng lớn. Hiện nay, các trường thường dựa trên căn cứ cụ thể để trả lương cho hiệu trưởng, định mức về số lượng sinh viên tuyển hằng năm là tiêu chí sống còn. Nếu không đạt được cam kết chỉ tiêu đề ra thì thường bị cắt giảm thưởng, sau 1-2 năm thì thay người…

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho biết: trách nhiệm của hiệu trưởng trường tư là tất tần tật từ tài chính, chất lượng, giảng viên, cơ sở vật chất cho đến tuyển sinh. Trách nhiệm ở đây rõ ràng hơn nhiều so với khối công lập, đó là phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư - những người trả lương và có quyền sa thải nhân sự. Chỉ cần tuyển sinh kém hoặc lỗ đều đều 1-2 năm thì chủ đầu tư sẽ có phương án thay người ngay. Trên thực tế, trường ĐH tư không khác một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đặc biệt và hiệu trưởng chính là một CEO được thuê về điều hành doanh nghiệp. 

TS Đàm Quang Minh kể, khi mới bắt đầu làm Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, ông đã từng có những đêm mất ngủ vì áp lực, vừa phải lo rất nhiều thứ trong trường vừa phải đảm bảo thực hiện tốt những yêu cầu của hội đồng quản trị, và dần dà mới quen với “nghề hiệu trưởng”. Mỗi ngày, hiệu trưởng trường ĐH tư thục phải chịu áp lực tăng trưởng, áp lực chất lượng, áp lực đổi mới. Tùy giai đoạn mà áp lực nào sẽ lớn hơn nhưng thông thường thì áp lực tuyển sinh là thường xuyên nhất. 

Vì sao hiệu trưởng trường tư phải gánh nặng về tuyển sinh? Bởi nguồn thu gần như duy nhất của trường ĐH tư chính là học phí của người học. Nó được trang trải cho tất cả hoạt động. Vì thế, nguồn thu hằng năm cũng phải nằm trong mức kỳ vọng và trách nhiệm này được đặt ra như một định mức công việc cho hiệu trưởng.

TS Đàm Quang Minh thẳng thắn thừa nhận: lãnh đạo trường ĐH tư thục là vị trí khó khăn và thách thức vì đòi hỏi năng lực về quản trị như một lãnh đạo doanh nghiệp; đồng thời, phải nắm được các quy định pháp luật về giáo dục ĐH và phải có hiểu biết về học thuật. Chính vì vậy, ở vị trí lãnh đạo trường tư thục, hoàn thành tốt nhiệm vụ là không hề dễ dàng. 

Một thực tế cho thấy, khi môi trường giáo dục ĐH ngày càng cạnh tranh hơn thì số lãnh đạo ĐH tư thục thành công là không cao. Vấn đề đầu tiên hiệu trưởng ĐH tư thục cần nắm rõ là các quy định hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ĐH. Chính vì đây là điều quan trọng nên thường vị trí này tuyển các lãnh đạo các trường công uy tín và kinh nghiệm. Khi đạt tiêu chí này, các CEO của đại học tư sẽ đối diện áp lực thứ hai là cần phải có nhạy cảm về thị trường và kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Và vấn đề thứ ba quan trọng không kém là uy tín để dẫn dắt đội ngũ học thuật của một trường ĐH.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh

Tiêu Hà

(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI