Chuyện những con đường
Những con đường trong lòng thành phố, ngỡ đã quen thuộc nhưng một lúc nào đó dừng lại quan sát, ngẫm ngợi, lại thấy có bao điều đáng nhớ. Bắt đầu từ hôm nay, Báo Phụ Nữ Online sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc những câu chuyện về những con đường ở TPHCM. Hẳn bạn sẽ thêm yêu những con đường mình vẫn đi qua mỗi ngày hoặc chợt thấy con đường quen thuộc bỗng đẹp hơn bởi chính những điều mộc mạc gắn liền với con đường ấy
|
Một cách hữu ý, tên của 2 con đường, một là "ông tổ thơ Nôm" và một là "cha đẻ chữ Quốc ngữ", đứng "nhìn" nhau từ 2 phía, trước Hội trường Thống nhất.
Danh nhân Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên, sinh năm 1229. Ông đỗ tiến sĩ năm 1247, giữ chức Thượng thư Bộ Hình dưới thời vua Trần Nhân Tông. Trong tác phẩm Bản sắc văn hóa Việt Nam qua giao lưu văn học (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành viết: "Người Việt đầu tiên được coi là ông tổ của thi ca quốc âm (chữ Nôm-PV) là Nguyễn Thuyên. Sau Nguyễn Thuyên, con đường thơ làm bằng quốc âm đã thật sự được khai phá. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử văn học, ý thức về bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ thơ ca đã được khẳng định".
|
Đường Hàn Thuyên hướng nhìn từ Hội trường Thống Nhất. Con đường ngắn với mảng xanh mát rượi của công viên 30/4. Ảnh: Tam Nguyên |
Nguyễn Thuyên cũng là người đầu tiên vận dụng thơ Đường luật vào thơ Nôm, tạo ra một thể thơ mới: Hàn luật (thơ Nôm theo Đường luật).
Sau Nguyễn Thuyên, tiếp tục những tên tuổi "nối gót" theo thi ca quốc âm: Nguyễn Sĩ Cố, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến...
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành, họ Hàn trong tên Hàn Thuyên là do vua Trần Nhân Tông ban cho Nguyễn Thuyên. Vua đặt ông ngang với Hàn Dũ (768-824), một nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đời Đường. "Tương truyền, Hàn Dũ làm một bài văn tế cá sấu để đuổi cá sấu, giữ yên cuộc sống cho dân lành. Nguyễn Thuyên tuy là sinh sau Hàn Dũ khoảng 400 năm nhưng ông cũng đã làm được những áng văn chương mầu nhiệm đến mức sai khiến được cá sấu" - nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành viết.
|
Đứng từ Hội trường Thống Nhất, bạn sẽ bị mê hoặc bởi đường Hàn Thuyên rợp bóng cây xanh, và những mảng tường màu gạch của Nhà thờ Đức Bà ẩn hiện sau những tán lá. Ảnh: Tam Nguyên |
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: "Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, bấy giờ có cá sấu đến sông Hồng. Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như Hàn Dũ, cho đổi họ là Hàn Thuyên".
Sinh thời, vua Tự Đức cũng có lời khen dành cho Hàn Thuyên: "Quốc ngữ văn chương thuỳ nhiễm hàn/Bất vong đôn bán bị nham khan/Lư giang di ngạc hà thần tốc/Bác đắc quân vương tứ tính Hàn” (Dịch nghĩa: Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay/Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay/ Sông Lô đuổi sấu in Hàn Dũ/Nên được nhà vua đổi họ ngay).
Trong nhiều tư liệu ghi chép về danh nhân Nguyễn Thuyên của các tác giả sau này, việc ông làm thơ có thể sai khiến được cá sấu cũng được đề cập đến, chủ yếu dựa vào đoạn viết trong Đại Việt sử ký toàn thư. Tuy nhiên, văn bản của bài văn tế cá sấu không được Đại Việt sử ký toàn thư ghi ghép lại.
|
Đường Alexandre de Rhodes, con đường ngắn nằm song song với đường Hàn Thuyên, từ lâu được ví như "một cô tiểu thư kiêu kỳ và tràn đầy sức sống''. Ảnh: Tam Nguyên |
Về sau này, các nhà nghiên cứu tìm ra một bản thơ được cho rằng đó chính là bài văn tế cá sấu của Nguyễn Thuyên nhưng cũng tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đó chỉ là huyền thoại do hậu thế thêu dệt để tôn vinh vai trò phát triển, phổ biến thơ Nôm của danh nhân Nguyễn Thuyên, cũng như những áng thơ mầu nhiệm của ông.
Trường hợp Alexandre de Rhodes, những tranh cãi về việc ông có phải là "ông tổ chữ Quốc ngữ" hay linh mục Francisco de Pina cũng đã được làm sáng tỏ qua các cuộc hội thảo khoa học. Các nhà nghiên cứu thừa nhận vai trò tiên phong của linh mục Francisco de Pina, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng không kém của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes.
Cái tên Alexandre de Rhodes được nhắc đến trong cuốn sách gần đây nhất - với tư liệu mới nhất - có lẽ là Vàng son một thuở Ba Tư (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM) của tác giả Nguyễn Chí Linh. Trong bài viết Thăm lại lăng mộ của người tạo chữ Quốc ngữ Việt, tác giả kể với người đọc một câu chuyện đáng chú ý: mộ của Alexandre de Rhodes đang nằm tại Isfahan (Iran) - nơi mà trong thế kỷ XVII được gọi là "nơi một nửa của thế giới".
|
Đường Alexandre de Rhodes chỉ chừng 300m nhưng có những góc nhìn tuyệt đẹp với hàng cây cao vút tỏa bóng, những ngôi biệt thự xinh đẹp. Cùng với Hàn Thuyên, Alexandre de Rhodes đôi khi đối lập với sự ồn ào, nhộn nhịp của những con đường xung quanh mình như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Phạm Ngọc Thạch, Lê Duẩn... Ảnh: Tam Nguyên |
Nguyễn Chí Linh kể, nhân viên bán vé người Armenica cho biết gần đây có nhiều du khách Việt đến thăm lăng mộ Alexandre de Rhodes. Nhiều người ở Iran không hiểu người nằm dưới mộ này có ý nghĩa đặc biệt gì với người Việt. "Tôi giải thích: Cha Đắc Lộ đến Việt Nam vào năm 1625, đi từ Nam ra Bắc, ông nhận ra dải đất cong hình chữ S rất đa dạng văn hóa như âm thanh giọng nói. Dựa trên những ký tự La tinh từ những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý đã phiên âm sơ khởi ngôn ngữ Việt trước đó, ông đã soạn bộ sách Từ điển Việt - Bồ - La làm cơ sở khai sinh ra chữ Quốc ngữ Việt Nam" - tác giả Nguyễn Chí Linh viết.
Ngôi mộ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes tại Isfahan được miêu tả: "Tấm bia phủ mộ đen sờn màu đá, nghiên dốc thoai thoải vẫn được giữ lại và nét điêu khắc vẫn còn hiện rõ: Ngày 05/11/1660".
Việc đặt tên Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên cho hai con đường song song là hoàn toàn có chủ ý của Hội đồng đặt tên đường. Một bên là ông tổ thơ Nôm một bên là người có công lớn trong việc tạo ra chữ quốc ngữ. Một người góp phần hình thành, một người góp phần phát triển giá trị ngôn ngữ dân tộc. Hình thành và phát triển, những yếu tố luôn song hành ở mọi lĩnh vực trong mọi thời đại. Việc đặt tên hai con đường song song như vậy cũng là cách nhắc nhớ người đời sau những cống hiến to lớn, ý nghĩa của người đi trước.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
|
Lục Diệp