Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình cũng đang ở mức đáng báo động. Khi nhiều địa phương đang áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, các đơn vị chức năng rất khó đến tận nhà hay mời các trường hợp liên quan bạo hành gia đình đến tư vấn, hòa giải…
Không có việc làm và thu nhập, lại “giáp mặt” nhau suốt ngày nên giữa các thành viên trong một số gia đình đã xảy ra “chiến sự” và nạn nhân thường là phụ nữ, trẻ em.
Những câu chuyện đau lòng
“Địa ngục” là từ chị B.T. - 39 tuổi, đang thuê trọ tại xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè, TPHCM - nói về cuộc sống của bản thân trong mấy tháng qua. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, anh H. - chồng chị T. - làm nghề tài xế, chị T. là nhân viên của một công ty phân phối mỹ phẩm, làm việc theo giờ hành chính. Vì vậy, dù anh H. có tính vũ phu, nhưng do cả ngày việc ai nấy làm, chỉ gặp nhau chút ít vào buổi tối nên thỉnh thoảng chồng chị chỉ văng tục với vợ rồi đi ngủ.
Đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh H. nghỉ việc. Không có thu nhập nhưng quen lối sống ăn chơi, anh H. bán hẳn chiếc ô tô - là phương tiện làm việc - để có tiền tiêu xài. Do rảnh rỗi, anh H. đốt tiền vào các thú vui hội nhóm, mấy trăm triệu đồng nhanh chóng ra đi. Chị T. đã cố khuyên lơn chồng nhưng mỗi lần như vậy, chị luôn nhận lại những lời sỉ vả, xúc phạm không chỉ dành riêng cho chị mà cả gia đình, họ hàng chị.
Để giữ yên ổn cho con, chị nhịn, đến bữa vẫn cơm nước phục vụ chồng. Nhưng hễ hôm nào có chút không vui, anh H. đạp đổ bàn làm tô, chén vỡ tung tóe dưới nền nhà. Chị T. chỉ lặng lẽ dọn dẹp vì chị biết, nếu phản ứng, chị sẽ “no đòn”. Không chỉ chị T. mà hai đứa con nhỏ cũng sống trong những ngày “địa ngục”. Mỗi lần nghe anh H. hét lên, hai đứa trẻ lại líu ríu dắt nhau vào phòng đóng chặt cửa, ngồi run rẩy.
|
Chị H. - ở Q.Bình Tân - bị chồng đánh gây đa chấn thương, phải nhập viện |
Tháng trước, không chịu nổi cảnh sống trong bạo hành, chị T. viết đơn ly hôn. “Bữa nay, tao phải giết mày” - H. nghiến răng kéo vợ lên gác rồi cố dùng sức đẩy chị xuống lan can vì “tội” dám phản kháng, đòi ly hôn. Giữa đêm, cửa nhà khóa chặt, chị T. không biết kêu ai, bèn gắng vùng vẫy thoát ra, chạy vào phòng của con, khóa chặt cửa để tránh trận đòn của chồng.
Ngày 17/7, chị T.H. - ở Q.Bình Tân, TP.HCM - cầu cứu Báo Phụ Nữ TPHCM vì bị chồng đánh gây đa chấn thương. Theo chị H., đây không phải lần đầu chị bị chồng đánh. Lúc con trai mới hai tháng tuổi, chị đã bị một trận đòn sau cơn say của chồng. Sau lần đó, chị đã gửi đơn đến chính quyền địa phương nhưng được khuyên rút đơn để gia đình êm ấm. Có lẽ vì vậy mà chị H. bị bạo hành ngày càng nhiều hơn. Mới đây nhất, ngày 16/7, khi hai vợ chồng đi làm về, do một bất hòa nho nhỏ, chồng chị đã đánh chị gây đa chấn thương ở mắt, đầu và cổ, khiến chị phải vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ khuyên chị H. nên tố giác hành vi côn đồ của chồng.
Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tân - cho biết, ngay khi nhận được tin từ Báo Phụ Nữ TPHCM, bà đã chỉ đạo Hội LHPN phường tiếp xúc chị H. và nắm bắt tình hình, báo cáo nhanh cho cấp ủy. Ngày 20/7, chính quyền địa phương đã mời vợ chồng chị H. lên lập biên bản sự việc bạo hành gia đình và yêu cầu người chồng cam kết không tái phạm. Chồng chị H. đã ký vào bản cam kết, đồng thời xin lỗi vợ.
Ông Đ.V. - ở H.Hóc Môn, TPHCM - kể, ông bị mất việc hơn hai tháng nay. Hiện tại, nguồn sống của gia đình đều trông cậy vào vợ ông. Khi ông “ở không” trong nhà hơn 60 ngày, thái độ của vợ ông liền thay đổi. Hằng ngày, ông lo chuyện bếp núc, con cái chu toàn nhưng mỗi lần đi làm về, vợ ông lại chì chiết, bắt bẻ.
Ông V. bức xúc: “Tôi mà không kiềm chế cơn nóng giận thì gia đình sẽ tan nát, mà im lặng hoài thì cũng không chịu thấu. Tôi cũng hiểu, áp lực kinh tế mùa dịch khiến vợ tôi trở nên khó chịu hơn bình thường, nhưng cứ chạm mặt nhau hoài nên tôi không biết phải làm sao để tránh cự cãi. Hiện tại, ở chung nhà nhưng vợ chồng tôi như ở hai thế giới riêng. Tôi đã nghĩ đến chuyện ly hôn”.
Khó can thiệp khi có bạo hành
Hai tháng qua, đường dây khẩn (0913.159.315) và hộp thư Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn) của Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp nhận gần 20 trường hợp kêu cứu liên quan đến bạo lực gia đình, hơn một nửa số vụ là bạo hành về tinh thần. Các vụ việc bạo hành này xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Chúng tôi đã hướng dẫn các nạn nhân tố cáo sự việc đến công an, UBND cấp xã nơi nạn nhân cư trú hoặc nơi xảy ra sự việc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, không phải trường hợp nào cũng được nhanh chóng can thiệp và giải quyết.
Chị Đ.T.P. - ở xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TPHCM - sống như vợ chồng và có con chung với ông Đ.H.N. nhưng không đăng ký kết hôn. Trong thời gian sống chung, chị P. nhiều lần bị ông N. bạo hành, phải chạy sang nhà hàng xóm tạm lánh. Tháng 6/2021, chị P. đã hai lần tố cáo việc bị bạo hành đến Công an xã Vĩnh Lộc B. Công an xã mời ông N. lên làm việc, ông N. cam kết sẽ không bạo hành vợ nữa. Thế nhưng, thời gian gần đây, ông N. có biểu hiện tâm lý bất thường. Ở nhà, ông thường không mặc quần áo, có nhiều lời lẽ đe dọa, bạo hành tinh thần các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, khu vực chị P. sinh sống đang bị phong tỏa nên việc can thiệp của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
|
Chị P. - nạn nhân của vụ bạo hành ở xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh |
Tính riêng từ đầu năm tới nay, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo hành đến đường dây nóng của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tăng 130% so với cùng kỳ năm trước. Số nạn nhân được hỗ trợ và tiếp nhận vào ngôi nhà bình yên, nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam tăng 80% so cùng kỳ năm 2020.
Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, kể từ ngày 17/4, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã bùng phát và gây ảnh hưởng tới nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội nhằm kiểm soát đại dịch có xu hướng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và gây ảnh hưởng đáng kể tới nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Theo UNFPA, một số báo cáo gần đây từ các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho thấy, việc hạn chế đi lại, tiếp xúc và những biện pháp khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh đã khiến áp lực kinh tế và xã hội tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến gia tăng bạo lực. Ở một số quốc gia, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300%.
Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - đánh giá, bạo hành gia đình lâu nay được xem là một vấn nạn. Bình thường, các đơn vị chức năng đã rất khó tiếp cận, can thiệp các vụ bạo lực gia đình. Trong đại dịch, việc can thiệp càng khó hơn. Ông nhận định: “Khi áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, các đơn vị chuyên môn rất khó đến tận nhà hay mời các trường hợp liên quan bạo hành gia đình đến tư vấn, hòa giải. Trong khi đó, gánh nặng cơm áo, sự bức bối khi ở nhà dài ngày rất dễ gây ức chế cho các thành viên trong các gia đình và dẫn đến bạo lực. Do đó, các cơ quan chức năng cần tính đến giải pháp phù hợp để ngăn chặn bạo lực thay cho các giải pháp cũ”.
Quan tâm, giải quyết kịp thời các vụ bạo hành
Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, hiện nay, Hội LHPN TPHCM xác định, nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin về các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN các cấp sẽ nhanh chóng vào cuộc, làm theo đúng quy trình năm bước do Hội LHPN TPHCM ban hành từ năm 2019. Hội LHPN TPHCM cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình trong mùa dịch. Hệ thống Hội cũng có hàng ngàn tổ tư vấn cộng đồng tại khu phố, có thể tư vấn tâm lý trực tuyến và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người có nhu cầu.
|
Nghi Anh - Sơn Vinh - Thu Lê
* Kỳ tới: Đi tìm “vắc xin” ngăn ngừa bạo lực gia đình