Dấu ấn của phụ nữ Việt trên lĩnh vực nông nghiệp

Bài 1: Nữ nông dân bám đất làm giàu

18/11/2024 - 06:24

PNO - Đô thị hóa khiến ruộng vườn ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho những tòa cao ốc. Trong bối cảnh ấy, nhiều phụ nữ vẫn quyết tâm bám ruộng, giữ vườn, vực dậy nghề nông. Và những bàn tay chai sạn đã làm nên những điều kỳ diệu.

Những năm qua, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” đã tạo điều kiện cho phụ nữ dấn thân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Tháng 5/2024, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết chọn năm 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân”.
Ở Việt Nam, phụ nữ ngày càng tham gia sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, từ người nông dân trên cánh đồng, đến doanh nhân, nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp và đều khẳng định vai trò, vị thế của mình.

Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt chị Nguyễn Thị Tuyết (huyện Củ Chi, TPHCM) đã trồng được nhiều loại cây trái chất lượng cao - ẢNH: DIỄM TRANG
Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt chị Nguyễn Thị Tuyết (huyện Củ Chi, TPHCM) đã trồng được nhiều loại cây trái chất lượng cao - ẢNH: DIỄM TRANG

Trồng rau trái vẫn có dư

Khu vườn 2.000m2 của chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TPHCM) quanh năm xanh mướt các loại rau. Mỗi ngày, gia đình chị Tuyết thu hoạch khoảng 100kg rau quả các loại.

Thế nhưng, chuyện làm nông cũng không đơn giản. Khởi đầu, chị Tuyết thử nghiệm trồng rau trên 300m2 và nhiều lần mất trắng do chưa am hiểu kỹ thuật. Không bỏ cuộc, chị đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm làm vườn, tham gia hợp tác xã và lên mạng tự học hỏi. Trời không phụ lòng người, chỉ một thời gian, các loại rau cải, rau dền, mồng tơi… đã vươn lên xanh tốt.

Chị Tuyết phát triển dần vườn rau ra toàn bộ khu vườn rộng 2.000m2. “Làm nông cực lắm, có ngày vợ chồng tôi ở ngoài vườn từ sáng sớm đến tận khuya. Nhưng cũng có niềm vui là ngày ngày được hòa mình vào cây cỏ, được lao động và mưu sinh trên chính mảnh đất của cha ông mình” - chị Tuyết chia sẻ.

Vài năm gần đây, chị Tuyết thường xuyên được tập huấn kỹ thuật trồng các giống cây lấy quả như bầu, bí, mướp… Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng trọt hiện đại nên cây cho năng suất cao. Chỉ riêng những loại cây này, mỗi đợt thu hoạch gia đình chị đã “bỏ túi” 20-30 triệu đồng.

Rời khu vườn nhà chị Nguyễn Thị Tuyết, chúng tôi đến vườn ớt 6.000 cây đang vươn chồi mạnh mẽ của chị Trịnh Phương Loan ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Chị Loan cho biết, vườn ớt hình thành sau 3 lần thử nghiệm trồng các loại rau, củ, quả khác thất bại. “Ớt năm nay được giá, thương lái thu mua tại vườn tầm 40.000 đồng/ký. Tôi thấy ớt là cây dễ trồng, thu hoạch được dài ngày, giá cả lại ổn định nên quyết tâm gắn bó với loại cây này” - chị Loan hồ hởi.

Vườn rau, trái của chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM - ẢNH: DIỄM TRANG
Vườn rau, trái của chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM - ẢNH: DIỄM TRANG

Vợ chồng chị Loan đã có 30 năm gắn bó với nghề nông và có lúc tưởng chừng trắng tay do mùa màng thất bát. Dù vậy, chưa bao giờ họ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Mấy năm qua, họ thường xuyên tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân, tổ khuyến nông, tổ VietGAP… tổ chức và tích lũy thêm kinh nghiệm của nghề nông, chuyển đổi cây trồng linh hoạt để cho năng suất cao, có lãi nhiều. “Cuối năm rồi tôi dành hết đất để trồng bắp lai.

Sau 3 tháng, tôi thu được 16 tấn, lãi 300 triệu đồng. Hết vụ bắp tôi chuyển sang canh tác lúa và bây giờ đến trồng ớt. Cũng nhờ vậy mà vợ chồng tôi đã cất được nhà, có tiền cho con ăn học” - chị Loan nói.

Tại TPHCM, những phụ nữ gắn bó, quyết tâm phát triển nông nghiệp đô thị như chị Nguyễn Thị Tuyết, chị Trịnh Phương Loan không phải hiếm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, thành phố có trên 50.500 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 40%.

Các chị em đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể… góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp từ 158,5 triệu đồng/ha/năm (năm 2010) lên 579 triệu đồng/ha/năm (năm 2023).

Khấm khá nhờ kết hợp nông nghiệp và du lịch

Chị Phan Kim Ngân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - có gần 6 công vườn trồng nhãn, chôm chôm, chuối, xoài… nhưng cuộc sống cứ mãi chật vật, có lúc rơi vào diện cận nghèo. Trong lúc loay hoay tìm hướng đi mới thì chị được ngành chức năng và Hội Phụ nữ vận động tham gia làm du lịch sinh thái cộng đồng từ tài nguyên bản địa.

Như được gỡ nút thắt, chị Ngân cải tạo đất trồng cây đặc sản phục vụ du lịch, thiết kế nhà cửa gọn gàng tạo nơi nghỉ ngơi thoáng mát cho du khách. Song song đó, chị còn xây dựng khu vực chế biến các loại bánh dân gian phục vụ khách quốc tế. Bình quân mỗi ngày gia đình chị đón khoảng 300-400 khách đến vui chơi, trải nghiệm làm bánh dân gian, thưởng thức trái cây đặc sản tại vườn.

Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương - ẢNH: HUỲNH LỢI
Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương - ẢNH: HUỲNH LỢI

Nếu như trước đây, chôm chôm chỉ bán cho thương lái từ 10.000-15.000 đồng/kg thì khi chuyển sang làm du lịch, giá trị đã tăng gấp nhiều lần. Sự chuyển đổi trong làm ăn đã giúp gia đình chị Ngân có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng, gia đình từ khó khăn đã vươn lên khá giả. Tháng 3/2022, khi HTX Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn được thành lập, chị Phan Kim Ngân được tập thể tín nhiệm bầu làm giám đốc.

Cũng vươn lên từ mô hình nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái, chị Phan Kim Phước (quận Bình Thủy) nhìn nhận: nhiều năm làm nông nghiệp theo cách cũ, thiếu sự liên kết nên không thể giàu được. Cho nên, khi bà con được khuyến khích hợp sức làm du lịch nông nghiệp, chị Phước đã tham gia.

Bên cạnh 8 công vườn trồng các loại cây thế mạnh của địa phương như nhãn, chôm chôm, gia đình chị còn mở dịch vụ nấu ăn phục vụ du khách. Sự kết hợp giữa nông nghiệp với dịch vụ du lịch đã mang lại cho gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và tạo việc làm cho đông đảo bà con.

Chị Lê Thị Bé Bảy - cố vấn HTX Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn - cho hay, phải mất gần 9 năm thay đổi cách nghĩ, cách làm; thay đổi tư duy sản xuất từ nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đến nay nhiều chị em ở Cồn Sơn đã phát triển vượt bậc trên nhiều mặt. Dù nằm gần trung tâm TP Cần Thơ, nhưng trước đó ít ai biết đến Cồn Sơn và đời sống bà con khá khó khăn bởi quanh năm chỉ trông vào vườn cây ăn trái.

Để cải thiện thu nhập cho chị em, chị Bé Bảy đã lặn lội nhiều nơi học hỏi cách làm du lịch nông nghiệp, sau đó trở về hướng dẫn bà con cùng làm. Lúc đầu chị quy tụ chị em vào tổ hợp tác để cùng liên kết, cùng giúp nhau làm du lịch nông nghiệp. Chị hướng dẫn mỗi gia đình chọn một sản phẩm riêng để tránh trùng lắp và không cạnh tranh lẫn nhau, đồng thời giữ nét hoang sơ để thu hút du khách.

Du khách  quốc tế thích thú khi đến tham quan Cồn Sơn (quận Bình Thủy,  TP Cần Thơ)  - ẢNH: HUỲNH LỢI
Du khách quốc tế thích thú khi đến tham quan Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - ẢNH: HUỲNH LỢI

Bằng hướng đi riêng này, Cồn Sơn dần dần được nhiều người biết đến và trở thành điểm du lịch không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến TP Cần Thơ.

Đến nay, HTX Cồn Sơn có 20 thành viên với 24 hộ liên kết và 17 hộ vệ tinh phục vụ các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng… doanh thu mỗi tháng từ 1,2-1,5 tỉ đồng. Gần đây, HTX còn xây dựng ngôi nhà chung vừa là nơi hoạt động, sinh hoạt cộng đồng, quảng bá, giới thiệu về con người Cồn Sơn, đồng thời là nơi trưng bày các sản phẩm OCOP làm từ nông nghiệp của địa phương và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ - đánh giá cao vai trò của chị em phụ nữ trong việc điều hành HTX Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn. Ông cho rằng, mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái ở Cồn Sơn là hướng đi đúng, bởi vừa phát huy lợi thế của địa phương, vừa giúp bà con tăng thu nhập, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Thiên Ân - Huỳnh Lợi

Kỳ tới: Hành trình mang nông sản Việt ra thế giới

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI